29/11/2024

Nhãn cảnh báo rượu bia: người nói hợp lý, ngươi kêu quá mức

Cảnh báo tác hại trên nhãn rượu, bia, một nội dung đang xin ý kiến để đưa vào dự thảo Luật phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia đang tạo ra nhiều quan điểm trái chiều. Ý kiến của các bạn bạn thế nào?

 

Nhãn cảnh báo rượu bia: người nói hợp lý, ngươi kêu quá mức

 

 

Cảnh báo tác hại trên nhãn rượu, bia, một nội dung đang xin ý kiến để đưa vào dự thảo Luật phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia đang tạo ra nhiều quan điểm trái chiều. Ý kiến của các bạn bạn thế nào?





Nhân viên một hãng rượu giới thiệu với khách mời tại một buổi lễ hội rượu tổ chức ở TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Nhân viên một hãng rượu giới thiệu với khách mời tại một buổi lễ hội rượu tổ chức ở TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

 

 

 

Bà TRẦN THỊ TRANG (phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, thành viên tổ biên tập dự thảo Luật phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia):

Nhiều nước đã làm

Thống kê chưa đầy đủ đã có hơn 100 nước cảnh báo tác hại sức khoẻ bằng hình ảnh hoặc bằng chữ lên nhãn rượu bia. Tuy nhiên, tôi cho rằng nên cảnh báo bằng hình ảnh, còn cảnh báo bằng chữ hiệu quả không cao.

In cảnh báo bằng chữ hoặc hình ảnh lên nhãn chai và lon rượu bia là một trong những khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và như tôi nói, nhiều nước cũng đã làm.

So với thuốc lá, hình thức sử dụng rượu bia có khác, nếu vào nhà hàng thì người phục vụ sẽ cầm chai rượu/bia rót cho từng người uống, người sử dụng không trực tiếp cầm chai và đọc, xem cảnh báo.

Trong khi với thuốc lá thì người sử dụng luôn là người trực tiếp cầm vỏ bao, tiếp xúc bằng mắt với cảnh báo sức khoẻ trên nhãn, rượu bia do đó không hiệu quả bằng thuốc lá.

Khi đánh giá hiệu quả của việc in cảnh báo sức khoẻ lên vỏ bao thuốc lá, chúng tôi có phỏng vấn những người dùng thì thấy hiệu quả ở ba cấp độ:

– Cấp độ 1 là chú ý, biết đến việc thay đổi quy định cảnh báo sức khoẻ bằng chữ đã chuyển sang cảnh báo bằng hình ảnh.

– Cấp độ 2 là nhìn hình ảnh những bệnh mà người hút thuốc có nguy cơ mắc phải, nghĩ đến tác hại của thuốc lá.

– Cấp độ 3 là nghĩ đến việc bỏ thuốc lá. Tất nhiên, có người không bỏ được, nhưng họ cũng hạn chế sử dụng vì lo ngại ảnh hưởng sức khoẻ.

Tôi cho rằng ngoài thuốc lá, tiến tới đây có thể là rượu bia hay những sản phẩm có hại cho sức khoẻ khác như thực phẩm có chứa chất béo bão hoà, nguy cơ dẫn tới bệnh tim mạch, bệnh thừa cân béo phì… thì cũng cần phải in cảnh báo trên nhãn.

Ở một số nước phát triển, họ đã tính thêm thuế đối với những sản phẩm có tác hại với sức khoẻ để lấy chi phí truyền thông cho người dân và mục đích là giảm lượng sử dụng.

Ông NGUYỄN VĂN TIÊN
 (phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội):

Một đề xuất hợp lý

In cảnh báo về tác hại với sức khoẻ lên vỏ chai rượu bia là một đề xuất hợp lý, có những tác dụng nhất định đối với việc hạn chế sử dụng rượu bia. Khi mua rượu bia ở nước ngoài, rất nhiều nước có cảnh báo trên nhãn về tác hại sức khoẻ của sản phẩm này và khuyến cáo người uống phải chịu trách nhiệm trước khi sử dụng.

Bên cạnh thuốc lá, rượu bia, tôi cho là rất nên in cảnh báo lên các sản phẩm dinh dưỡng, ví dụ như một người trưởng thành khoẻ mạnh cần 2.000 calo/ngày thì trong các sản phẩm ăn liền bao gói sẵn, người ta sẽ ghi rõ là sản phẩm đó đem lại cho người dùng bao nhiêu calo, để người dùng cân đối với các thực phẩm khác sẽ sử dụng trong ngày, tránh thừa năng lượng dẫn đến thừa cân, béo phì và các bệnh liên quan đến chuyển hoá khác.

Ba năm thực hiện Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và hơn 10 năm thực hiện các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, rõ ràng đã có những chuyển biến ở người hút thuốc.

Trước đây tại hội nghị, hội thảo người ta hút thuốc tràn lan, giờ thì không có chuyện đó mà muốn hút thuốc cũng phải ra chỗ riêng, chỗ dành cho người hút thuốc.

Tất nhiên không thể mong đợi có luật là người ta ngừng thuốc ngay, như rượu bia cũng thế, nhưng nếu có những biện pháp phù hợp, việc hạn chế dần là hoàn toàn có thể được.

* PGS.TS TRỊNH HOÀ BÌNH 
(giám đốc Viện điều tra dư luận xã hội, Viện Khoa học xã hội VN):

Hơi quá mức

Trong các nước châu Á, VN chỉ đứng sau Nhật Bản, Hàn Quốc về lượng tiêu thụ bia rượu. Tuy nhiên, đề xuất dán nhãn cảnh báo lên các sản phẩm bia rượu, tôi cho là có gì đó chưa đúng, hơi quá mức. Vì thực chất bia rượu khác với thuốc lá.

Nếu thuốc lá là thứ được xác nhận độc hại với người sử dụng thì bia rượu nếu sử dụng chừng mực không phải thứ gây hại. Ở đây, cần phân biệt giữa sử dụng bia rượu và lạm dụng bia rượu. Nếu áp dụng một “cảnh báo” tương tự như cảnh báo trên vỏ bao thuốc lá hiện nay, tôi e sẽ vấp phải phản ứng của dư luận xã hội.

Với vấn đề lạm dụng bia rượu, nhìn nhận sâu xa hơn, tôi cho rằng đó là vấn đề xã hội khi người ta có quá nhiều bế tắc trong cuộc sống cũng tìm đến rượu bia nhiều, những thói quen, tập quán lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức cũng khiến người ta lạm dụng bia rượu, một biểu hiện của trình độ dân trí.

Và những vấn đề tiêu cực ở nhiều lĩnh vực khác trong xã hội cũng được bộc lộ qua sự lạm dụng 
bia rượu.

Để giải quyết chuyện này, không nên chỉ nghĩ dán nhãn cảnh báo là làm được mà cần có những chuyển động trong nhiều vấn đề xã hội. Ngoài ra, tôi cho rằng trước khi định đưa ra những giải pháp mới, hãy cố gắng thực hiện nghiêm những quy định đã có, những đề xuất đã từng đặt ra.

Đó là việc cấm người vị thành niên mua và sử dụng bia rượu, quy định hạn chế giờ bán bia rượu, quy định công chức, viên chức không được uống rượu bia trong giờ làm việc, người tham gia phương tiện giao thông không được dùng bia rượu…

Tất cả những điều đó nếu thực hiện nghiêm, xử phạt đúng mức thì việc lạm dụng bia rượu cũng sẽ được hạn chế hơn.

* Ông LƯƠNG HỒNG QUANG (phó viện trưởng Viện Văn hoá):

Đánh thuế cao với bia rượu

Tình trạng lạm dụng rượu bia, sử dụng rượu bia trong những tình huống không phù hợp thì ở đâu cũng có, ở VN thì phổ biến hơn.

Nhưng để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng có nhiều cách làm hiệu quả hơn mà thế giới người ta đã làm. Ví dụ như đánh thuế cao đối với sản phẩm bia rượu, nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông, người vị thành niên sử dụng bia rượu…

Ở nước ta, việc này cũng đặt ra và cần nghĩ cách thực thi nghiêm hơn thay cho việc đề xuất giải pháp dán nhãn cảnh báo.

* Nhà sử học, đại biểu Quốc hội DƯƠNG TRUNG QUỐC:

Sao lại đi tiên phong trong việc này?

Theo tôi, không nên dán nhãn cảnh báo sức khoẻ lên sản phẩm cả bia và rượu. Tự thân sản phẩm rượu đã là một sản phẩm văn hoá, đáng ra phải làm sao để sản phẩm đẹp hơn.

Thế giới có chuẩn mực về thuốc lá và bia rượu rất khác nhau. Sao ta lại tiên phong trong việc đi dán nhãn cảnh báo sức khoẻ vào? Nếu dán, người ta có thể không dùng sản phẩm có dán nhãn.

Hiện nay, một số sản phẩm rượu như sochu (Hàn Quốc), sake (Nhật Bản)… là một biểu tượng văn hoá, thậm chí là tự hào quốc gia. Tôi nghĩ ý tưởng dán nhãn cảnh báo sức khoẻ với sản phẩm rượu, hay cả bia là cực đoan. Họ đã nhìn dưới góc độ sản phẩm đó độc hại.

Trong khi đó, việc độc hại hay không là hành vi của con người, cái cần điều chỉnh là hành vi lạm dụng của con người. Nên tiếp cận trên khía cạnh văn hoá. Bởi rất nhiều quốc gia sản xuất và sử dụng nhiều rượu bia nhưng họ vẫn là quốc gia văn minh vì họ tiếp cận rượu bia rất có văn hoá.

Theo tôi, cái cần là tập trung quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm bia rượu và tuyên truyền làm sao chống việc lạm dụng rượu bia.

Mỗi năm
người dân tự nấu 
223 triệu lít rượu

Theo báo cáo của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN (VBA), mỗi năm người dân VN tự nấu tới 223,17 triệu lít rượu, gấp hai lần rượu công nghiệp và rượu nhập khẩu (khoảng 100 triệu lít/năm).

Cũng theo số liệu của VBA, tính toán tiêu thụ rượu bia (theo chỉ số bình quân mức tiêu thụ cồn/đầu người) thì Hàn Quốc là 12,3 lít/người/năm, Lào 7,3 lít/người/năm, Nhật 7,2 lít/người/năm và VN là 6,6 lít/người/năm.

Ảnh: Việt Dũng
Ảnh: Việt Dũng

* Ông NGUYỄN VĂN VIỆT (chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN):

Nên cân nhắc dán nhãn

Thật ra các nước trên thế giới hầu hết đều không có yêu cầu dán nhãn cảnh báo sức khoẻ lên rượu bia. Ngay châu Âu, nơi xuất phát ngành bia, có truyền thống nấu rượu và nhiều nước tiêu thụ lớn, nhưng họ cũng không yêu cầu dán nhãn này.

Tuy nhiên, một số nước như Thái Lan hoặc các quốc gia theo đạo Phật thì có xu hướng muốn cảnh báo.

Bia rượu nếu lạm dụng chúng ta phải lên án. Hiệp hội chúng tôi cũng đang phát động nhiều chương trình phòng chống lạm dụng bia rượu, nhưng bia rượu đôi khi là một nét văn hoá.

Tại VN chưa có văn bản quy định chính thức phải dán nhãn cảnh báo sức khoẻ, nhưng tôi cho rằng nếu có chủ trương cũng nên cân nhắc kỹ.

Còn việc hạn chế bán rượu bia nơi công cộng, hiện nay sản phẩm rượu đã hạn chế rồi. Tuy nhiên, cần làm rõ liệu bia có hạn chế bán nơi công cộng không, hạn chế như thế nào. Nhiều nơi trên thế giới, họ có cả lễ hội bia.

Ở ta, nếu tại các nơi vui chơi, địa điểm du lịch hay vỉa hè, quảng trường… người ta ngồi uống bia liệu có nên hạn chế không? Theo tôi, cần phân biệt rõ rượu và bia.

L.ANH – V.HÀ – C.V.KÌNH ghi ([email protected])