29/11/2024

Kiến nghị cho dân vay tiền sửa nhà

Liên quan đến vụ nhà biến thành hầm sau nâng đường, tổ liên ngành do Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị cho dân vay tiền sửa nhà…

 

Kiến nghị cho dân vay tiền sửa nhà

 

 

Liên quan đến vụ nhà biến thành hầm sau nâng đường, tổ liên ngành do Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị cho dân vay tiền sửa nhà…



 

 

Nhà ông Phạm Quốc An trên đường Phạm Thế Hiển, P.7, Q.8 (TP.HCM) thấp hơn mặt đường nhưng ông không có tiền sửa nhà - Ảnh: Tiến Long
Nhà ông Phạm Quốc An trên đường Phạm Thế Hiển, P.7, Q.8 (TP.HCM) thấp hơn mặt đường nhưng ông không có tiền sửa nhà – Ảnh: Tiến Long

Đó là kiến nghị của tổ liên ngành do Sở Xây dựng TP.HCM chủ trì gửi đến UBND TP. Theo đó, tổ này đề xuất nhà dân bị ảnh hưởng bởi các dự án đã thực hiện xong sẽ được xét vay vốn của Quỹ phát triển nhà TP với mức vay tối đa 300 triệu đồng, lãi suất 4,7%/năm, thanh toán trong vòng 15 năm.

Trường hợp hộ nghèo, không có tài sản thế chấp sẽ được xét cho vay tối đa 30 triệu đồng từ quỹ giảm nghèo của TP, lãi suất 3%/năm.

“Những hộ gia đình bị thiệt hại do nhà thấp hơn mặt đường sau khi nâng đường chính là những trường hợp bị bỏ sót trong quá trình xây dựng các quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng

Sở Xây dựng TP.HCM nhận định

8.000 căn nhà 
biến thành hầm

Theo kiến nghị nói trên, với những dự án xây dựng mới, nâng cấp đường, hẻm trong tương lai thì chủ đầu tư có trách nhiệm phải đánh giá tác động của công trình đối với nhà dân hai bên. Nếu có trường hợp nhà dân bị ảnh hưởng sau khi nâng đường, nâng hẻm thì phải tính toán mức bồi thường và đưa vào chi phí của dự án.

Thiệt hại “nhà thành hầm” của người dân sẽ được phân ra thành ba mức, theo kiến nghị nói trên. Cụ thể, nếu nền nhà thấp hơn mặt đường dưới 0,5m thì người dân sẽ được hỗ trợ chi phí xây gờ để ngăn nước chảy từ đường vô nhà. Người dân tự bỏ tiền để nâng cấp, sửa chữa nhà.

Trường hợp nền nhà thấp hơn mặt đường từ 0,5m đến dưới 1m thì chủ đầu tư dự án phải lập dự toán sửa chữa, UBND quận, huyện duyệt mức bồi thường. Đối với nhà thấp hơn mặt đường từ 1m trở lên, nếu là nhà một tầng thì phải tháo dỡ và được bồi thường 100% giá nhà xây dựng mới; nếu là nhà từ hai tầng trở lên thì UBND quận, huyện sẽ lập phương án bồi thường nhưng mức bồi thường không quá 70% đơn giá xây dựng mới.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn TP có khoảng 8.000 trường hợp nhà dân bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng cấp, xây dựng mới đường, hẻm. Trong đó có nhiều hộ gia đình không có tiền sửa chữa, cải tạo nhà nên hiện phải chấp nhận cảnh “leo cầu thang ra đường”. Nhiều nhất là ở Q.8 với hơn 7.000 nhà dân bị ảnh hưởng bởi 27 dự án nâng cấp đường, hẻm.

Riêng dự án nâng cấp đường Phạm Thế Hiển có khoảng 4.200 căn nhà bị ảnh hưởng. Kế đến là Q.6 với hơn 670 nhà bị ảnh hưởng của dự án nâng cấp đô thị thành phần số 4 và các dự án khác chưa được sửa chữa. Q.Bình Thạnh và Q.Thủ Đức 
cũng có hơn 100 trường hợp 
“nhà biến thành hầm”, lún sụt, nghiêng dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng.

Nhiều người dân 
không có tiền sửa nhà

Nhiều người dân ở P.7, Q.8 chấp nhận sống trong những căn nhà đã biến thành hầm vì không có tiền sửa nhà. Ông Vũ Đình Hạnh, một người dân ở đây, cho biết nhà ông trên đường Phạm Thế Hiển thấp hơn mặt đường gần 1m.

Gần hai năm nay căn nhà xuống cấp. Nhà thấp nên trời nắng thì nóng nực, mưa thì nước chảy ào ào từ đường vào nhà. Nền nhà thấp nên nước cống thoát ra không kịp, gây ngập cả sàn nhà. “Tôi muốn sửa nhưng không có tiền. Lẽ ra Nhà nước nên hỗ trợ dân sửa lại nhà” – ông Hạnh nói.

Nhà chị Nguyễn Ngọc Hoàng Uyên ở đường Phạm Thế Hiển (Q.8) bán cà phê. Chị Uyên kể trước kia nền nhà cao ráo nên chị sắp xếp bàn cho khách ngồi trong nhà. Giờ nền nhà thấp lụp xụp, khách ngồi uống nước mà xe đi qua là bụi bay vào đầy nhà nên không ai dám ngồi. Những hôm trời mưa, nền nhà ẩm thấp, chị phải đóng cửa vì không bán được.

Chị Uyên nhẩm tính nhà chị gần 400m2 nên để đổ lại móng, nâng nền phải tốn gần 200 triệu đồng. “Nhà nước có hỗ trợ rồi cho vay thêm tôi mới dám sửa nhà, chứ nếu cho vay hết chắc tôi không dám sửa” – chị Uyên nói.

Còn nhà chị Huỳnh Thị Nguyệt ở đường Phạm Thế Hiển thấp 1,5m so với mặt đường. Chị phải thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 150 triệu đồng để sửa nhà với lãi suất 12,5%/năm, mỗi tháng phải trả 3 triệu đồng cả vốn và lãi trong 7 năm.

“Cứ mỗi lần Nhà nước nâng đường là tôi phải bỏ chi phí nâng nhà. Đường này đã nâng bốn lần và tôi tốn gần 200 triệu đồng để nâng nhà rồi” – chị Nguyệt nói.

Ông Nguyễn Thanh Phong, phó chủ tịch UBND P.7 (Q.8), cho biết trong ba năm 2013 – 2015, khi nâng cấp đường Phạm Thế Hiển có khoảng 900 nhà dân bị ảnh hưởng, nền nhà thấp hơn mặt đường.

Hiện khoảng 80% các hộ đã tự nâng cấp, sửa chữa nhà. Số hộ còn lại do không có tiền nên chưa sửa nhà. Riêng các hộ dân nằm sâu trong hẻm, phường đã sửa chữa những hẻm ngập nặng. Dự kiến trong năm 2016 phường tiếp tục nâng cấp những hẻm còn lại.

Ông Lê Quỳnh Đài, phó chủ tịch UBND Q.8, cho biết có khoảng một nửa trong số hơn 7.000 căn nhà bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng cấp đường của quận này chưa được sửa chữa, do chủ nhà không có tiền sửa nhà và chưa nhận được hỗ trợ về tài chính.

Trong đó nhiều nhất là trường hợp các hộ gia đình không thuộc diện nghèo, nhưng việc sửa nhà cần một khoản tiền lớn nên họ không thể có được. Còn những hộ thuộc diện nghèo thì đã được địa phương hỗ trợ từ nhiều nguồn vốn khác nhau để sửa nhà. Ông Đài nhận định việc đề xuất cho người dân vay quỹ phát triển nhà với lãi suất ưu đãi của quỹ này là quá tốt.

Còn ông Huỳnh Minh Hùng, phó chủ tịch UBND Q.6, cho rằng mức hỗ trợ cho vay tối đa 30 triệu đồng từ các quỹ hỗ trợ người nghèo là phù hợp với nhu cầu của người dân trên địa bàn Q.6 vì những nhà bị ảnh hưởng sau khi nâng đường, nâng hẻm ở Q.6 phần lớn là nhà nhỏ…

 

D.NGỌC HÀ – T.LONG ([email protected])