29/11/2024

Kho ảnh tư liệu đồ sộ về Sài Gòn

150 năm hình bóng Sài Gòn, cuốn sách gồm hàng trăm bức ảnh về Sài Gòn năm 1863 – 2013 được chọn lọc từ kho tư liệu ảnh đồ sộ của nhiếp ảnh gia Tam Thái, sẽ ra mắt độc giả vào hôm nay 18.12, trong đó có những tấm ảnh chưa từng công bố.

 

Kho ảnh tư liệu đồ sộ về Sài Gòn

 

150 năm hình bóng Sài Gòn, cuốn sách gồm hàng trăm bức ảnh về Sài Gòn năm 1863 – 2013 được chọn lọc từ kho tư liệu ảnh đồ sộ của nhiếp ảnh gia Tam Thái, sẽ ra mắt độc giả vào hôm nay 18.12, trong đó có những tấm ảnh chưa từng công bố.




Đường Đồn Đất - Ảnh: sưu tập của Tam Thái

 

Đường Đồn Đất – Ảnh: sưu tập của Tam Thái

Cơ duyên với bộ ảnh quý

Vào thập niên 1980, Tam Thái thường xuyên ra Bưu điện TP.HCM tìm mua bưu thiếp rồi về chụp lại, lẳng lặng… cất vào tủ. Mỗi khi nghe tin bạn bè, người thân hay ai đó có sách báo cũ in ảnh về Sài Gòn, ông lại lùng kiếm, không mua được thì năn nỉ… xin.
Kho ảnh tư liệu đồ sộ về Sài Gòn - ảnh 1

Cầu Khánh Hội (cầu cũ gọi là cầu Quay, có từ đầu thế kỷ 20) – Ảnh: sưu tập của TAM THÁI

Trong lúc truy tầm những hình ảnh xưa, Tam Thái may mắn tìm thấy tư liệu phim được chụp vào thập niên 1950 bằng các máy ảnh loại lớn (cỡ phim 4 x 6, 6 x 9) ghi lại hình phố xá và các địa điểm nổi tiếng của Sài Gòn: Bến Bạch Đằng, Thảo cầm viên, công viên Mê Linh, đường Đồn Đất, bến Chương Dương, cầu Mống, cầu Khánh Hội, bùng binh Bến Thành, Bến xe Pétrus Ký… và những hình ảnh ngoại ô Sài Gòn: Bà Chiểu, Thủ Thiêm, xóm nghèo Ông Tạ, ruộng làng Tân Sơn Nhất, Tân Sơn Hoà, bắt cá trên cầu Tham Lương, ruộng mía Hóc Môn… Bên cạnh đó là các ảnh nữ giáo sư Trường trung học Gia Long, vở diễn ở rạp Kim Chung, chăm sóc trẻ em ở Cô nhi viện Thị Nghè, hội chợ vườn Tao Đàn… cũng như các hoạt động làm kinh tế thời đó… Ông đã lưu giữ cẩn thận cuộn phim này và coi như báu vật.
“Thánh nhân đãi kẻ khù khờ/Ông bà thương đứa mù mờ cơ duyên, nhờ chăm chỉ mà tôi có độc quyền bộ ảnh Sài Gòn thập niên 1950 chưa từng được công bố” – Tam Thái ngâm nga với vẻ tự hào. Gần 35 năm cầm máy chuyên nghiệp cùng với lượng ảnh khá lớn sưu tập được, Tam Thái đang sở hữu một kho tư liệu đồ sộ về Sài Gòn.
Kho ảnh tư liệu đồ sộ về Sài Gòn - ảnh 2

Bến sông xưa được nhà văn Sơn Nam thích nhất – Ảnh: Tam Thái

Bức ảnh nhà văn Sơn Nam thích nhất
Lúc còn sống, nhà văn Sơn Nam hay tìm gặp ông Tam Thái để xem ảnh. Có lần được một người hâm mộ mời đi dự lễ khai trương… quán nhậu mang tên Sơn Nam, nhà văn gõ cửa nhà Tam Thái đề nghị nhiếp ảnh gia rửa bức Bến sông xưa để ông mang tặng chủ quán. Trước đó, vào năm 1985, khi ngồi trên bến Mễ Cốc (Q.8) tàu thuyền ra vào đông đúc, chợt thấy hai chiếc ghe tròn, mũi đỏ nặng nề rẽ sóng về phía cầu Chữ Y, Tam Thái cầm chiếc máy cổ lỗ sĩ Nikkormat bấm nhanh và đặt tên Bến sông xưa. Bức ảnh này được nhà văn Sơn Nam nhận xét: “Nhìn vào là biết Sài Gòn sông nước, từ con mắt ghe đến dãy nhà kho Mễ Cốc, chẳng thể lẫn vào miền nào”. Nhà văn tự tay viết lên tấm ảnh: “Đây là tấm ảnh chụp về Sài Gòn mà tôi thích nhất”. Tấm ảnh với bút tích nhà văn được nghệ sĩ nhiếp ảnh Tam Thái treo trân trọng trong phòng khách.
Còn Tam Thái, ông vẫn yêu nhất bức ảnh Chiều tàn ga cũ (chụp năm 1983) ghi lại một buổi chiều tại ga Sài Gòn (lúc đó vẫn còn nằm trong khu vực hiện nay là công viên 23.9), xa xa là nhà thờ Huyện Sĩ thấp thoáng trong ráng hoàng hôn.
Trả ơn tiền nhân

Kho ảnh tư liệu đồ sộ về Sài Gòn - ảnh 3

 

Nhiếp ảnh gia Tam Thái – Ảnh: NVCC

Trước khi đến với nghề nhiếp ảnh, nghệ sĩ Tam Thái (quê Tam Kỳ, Quảng Nam) từng là sinh viên văn khoa ở Huế và có máu văn nghệ. Vào học dược khoa tại Sài Gòn, năm 1980, nhờ dành dụm tiền công chức lúc làm ở Phòng Giáo dục Q.1 (TP.HCM), ông mua được chiếc máy ảnh cá nhân, đạp xe đi lang thang từ trung tâm ra ngoại thành để… săn hình. Ông chụp vội chụp vàng như có linh cảm sau này khó tìm lại những khoảnh khắc này. Nhờ vậy mà giờ đây bộ sưu tập của ông có các tấm hình: lớp học bình dân học vụ (chụp năm 1976), người đạp xích lô uống nước rễ tranh bên đường Ngô Đức Kế (1979), nắng chiều trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (1983) đến con đường Duy Tân lãng mạn qua thơ nhạc (1980), rồi bến xe lam Chợ Lớn (1989), chùa Hội Sơn trước khi bị cháy (1989), khách sạn New World ngày đang xây dựng (1991), bến cảng Nhà Rồng (1989), tượng Trần Nguyên Hãn (1998), chùa Bà Chợ Lớn (1991), một cửa hàng vịt quay của người Hoa (1985), phố đồ cổ Lê Công Kiều (1986)… Những tấm hình có thể khiến người xem giật mình trước những đổi thay quá mau chóng của Sài Gòn.
“Tôi luôn có suy nghĩ phải làm điều gì đó để trả ơn các bậc tiền nhân đã đến đây khai kênh bồi đất, dựng nên Gia Định – Bến Nghé cho con cháu được một Sài Gòn – TP.HCM hôm nay. Vì vậy, khi nhìn thấy nhiều ngôi nhà cổ, công trình xưa cũ bị đập bỏ để xây dựng các công trình hiện đại, tôi lao vào chụp không biết mệt mỏi. Bởi tôi luôn quan niệm: Phải hiểu dĩ vãng để xây dựng tương lai”, nghệ sĩ Tam Thái bộc bạch.

 

 

Lê Công Sơn