29/11/2024

Lúng túng quản lý sách điện tử

Hơn 10 tham luận tại hội thảo ‘Sách điện tử và xuất bản, phát hành sách điện tử’ đều đánh giá thị trường thương mại sách điện tử ở VN rất tiềm năng, là xu thế phát triển tất yếu trong tương lai.

 

Lúng túng quản lý sách điện tử

 

Hơn 10 tham luận tại hội thảo ‘Sách điện tử và xuất bản, phát hành sách điện tử’ đều đánh giá thị trường thương mại sách điện tử ở VN rất tiềm năng, là xu thế phát triển tất yếu trong tương lai. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại đang lúng túng trong quản lý lĩnh vực này.





Gian hàng của dịch vụ đọc sách điện tử Alezaa tại Hội chợ sách Frankfurt 2013 - Ảnh: Alezaa

Gian hàng của dịch vụ đọc sách điện tử Alezaa tại Hội chợ sách Frankfurt 2013 – Ảnh: Alezaa

Hội thảo do Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng Sở VH-TT TP.HCM phối hợp tổ chức sáng 15.12 ở TP.HCM. Bà Nguyễn Thị Hạnh (đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin – VECITA, Bộ Công thương), người có nhiều năm kinh nghiệm làm thương mại điện tử, nhận định thương mại điện tử và sách điện tử có mối gắn kết mạnh mẽ. Hầu hết các trang thương mại điện tử khởi điểm đều bán sách điện tử như Tiki.vn, Lazada.com… Theo thống kê về thương mại điện tử tại VN, chỉ trong vòng 2 năm qua, giá trị giao dịch đã tăng gấp đôi, từ 2,2 tỉ USD (năm 2012) lên tới 4,08 tỉ USD (năm 2014). Trong đó, sách điện tử chiếm 20% số mặt hàng thường bán.

Thời kỳ “hỗn mang, tự phát”
Dù doanh thu sách điện tử trên thế giới đang tăng trưởng mạnh mẽ (ở Mỹ tăng từ 64 triệu USD năm 2008 lên tới 3 tỉ USD năm 2014), nhưng những nhà làm sách điện tử ở VN cho biết vẫn phải bù lỗ. Bởi người Việt vẫn duy trì thói quen “đọc miễn phí” trên mạng cùng hệ thống luật còn lỏng lẻo, khó chế tài sách điện tử không bản quyền.
Song ngay cả sách có bản quyền cũng rất rẻ. Chỉ mất 365.000 đồng/năm (tức 1.000 đồng/ngày), người đọc có thể đọc thoải mái 10.000 đầu sách trên trang Alezaa.com, thực sự khó tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư. Vì vậy, các dịch vụ đọc sách điện tử có bản quyền của các doanh nghiệp chỉ đếm được trên đầu ngón tay: Ybook (NXB Trẻ), Sachweb (NXB Tổng hợp TP.HCM), Komo (Phương Nam), Alezza (Vinapo), Sachbaovn (Tin học Lạc Việt), Tiki, Vinabook…
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, cho biết mặc dù doanh thu Công ty sách điện tử Ybook của NXB Trẻ đạt 3 tỉ đồng/năm nhưng thực tế vẫn thua lỗ, bởi chi phí quá lớn cho khâu vận hành trang thiết bị, trụ sở và nuôi hơn 20 nhân viên… Ngoài ra, ông Nhựt cho rằng “Sách điện tử tại VN đang ở thời kỳ hỗn mang, tự phát”.
Vừa qua, NXB Trẻ phải đau đầu tìm cách giữ lại bản quyền sách điện tử của một nhà văn ăn khách nhất mà lâu nay NXB vẫn xuất bản sách giấy, đồng thời viện tới “đạo đức nghề nghiệp” để kêu gọi đơn vị cạnh tranh “tránh” ra một bên. Một công ty kinh doanh sách điện tử cũng phải tìm cách “nhờ” một đơn vị khác mua hộ bản quyền sách điện tử bộ truyện tranh Conan rất ăn khách, chỉ bởi họ đã gõ cửa xin mua từ NXB Kim Đồng nhưng bên này thú thực không mua bản quyền sách điện tử khi mua bản quyền sách giấy trước đó.
Những ví dụ trên cho thấy rõ sự lúng túng trong vấn đề xử lý bản quyền sách điện tử của các đơn vị xuất bản Việt. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, các đơn vị xuất bản sau khi đã bán bản quyền sách giấy cho đối tác nào thì bản quyền sách điện tử cũng sẽ được bán cho đối tác đó. Nếu đối tác này không mua thì không loại trừ trường hợp NXB sẽ bán bản quyền sách điện tử của cuốn sách này cho người khác.
Bơi trong biển sách lậu
Đáng lưu ý, việc chỉ xin cấp phép sách điện tử mà bỏ qua công đoạn ra sách giấy đã được áp dụng rộng rãi ở nước ngoài, nhưng lại khá khó khăn ở nước ta. Một quan chức trong ngành xuất bản lý giải cấp phép thẳng như vậy sẽ rất khó kiểm soát nội dung nếu sách này được mang đi kinh doanh ở các trang mạng khác nhau. “Sách giấy dễ kiểm soát nội dung hơn. Còn sách điện tử, nếu họ chèn thêm chương gì vào thì rất khó biết”, ông nói.
Bên cạnh đó, do luật Xuất bản 2012 vẫn chưa đưa ra các biện pháp chế tài đối với sách điện tử lậu, nên người đọc và người làm sách vẫn phải bơi trong biển sách lậu trôi nổi trên mạng internet. Chỉ 9 tháng năm 2015, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã ngăn chặn, xử lý 12 trang web có hoạt động đăng tải, phát tán bất hợp pháp các ấn phẩm vi phạm pháp luật, xâm phạm bản quyền tác giả. Nhiều đơn vị xuất bản chính thống cho biết họ rất đau lòng khi các tác phẩm sách giấy vừa xuất bản đã bị “luộc” trắng trợn bằng cách sao chép, đánh máy phát hành rộng rãi trên nhiều trang mạng xã hội, diễn đàn.
Ngoài ra, theo thống kê của Cục, hiện có 10 NXB ảo đã được thành lập trái phép, hoạt động xuất bản, phát hành sách điện tử tiếng Việt như NXB Giấy Vụn, NXB Cửa, NXB Tùy Tiện, NXB Liên mạng… lợi dụng đăng tải các tài liệu chống đối Đảng, Nhà nước dưới dạng xuất bản phẩm điện tử.
Tiếp tục hoàn thiện luật Xuất bản
Ông Chu Văn Hoà, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho rằng với chương 5 luật Xuất bản 2012 đặt vấn đề về sách điện tử đã tạo nên một cuộc cách mạng, đặt ra một khung pháp lý cho sách điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn phải tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp với tình hình ở VN.

Tác giả không muốn sách điện tử
Ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc Ybook, cho biết vẫn nhận dịch vụ cấp phép riêng cho sách điện tử và người được cấp phép sẽ được nhận file sách điện tử chưa mã hóa để tự mang đi kinh doanh. Mức quản lý phí cho loại hình này rất mềm, chủ yếu hỗ trợ các tác giả yêu thích sáng tác văn thơ nhưng không có điều kiện xuất bản sách giấy. Tuy nhiên, việc chỉ xuất bản sách điện tử, không xuất bản sách giấy không phải tác giả nào cũng chấp thuận. Một tác giả trẻ cho biết anh đã từ chối cộng tác với NXB Trẻ vì họ chỉ đồng ý xuất bản sách điện tử bản thảo của anh.

Ngọc Bi