Làng chỉ có trẻ em
Ở khu tái định cư thôn Giang Đông, xã Ea Đăh, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) có hơn 100 trẻ em người Mông (6-18 tuổi) sinh sống, học tập và tự chăm sóc lẫn nhau.
Làng chỉ có trẻ em
Ở khu tái định cư thôn Giang Đông, xã Ea Đăh, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) có hơn 100 trẻ em người Mông (6-18 tuổi) sinh sống, học tập và tự chăm sóc lẫn nhau.
Các em nhỏ ở khu tái định cư Giang Đông chơi trò kéo co – Ảnh: Tiến Thành |
Cha mẹ các em bỏ khu tái định cư quay lại thôn cũ cách đó 12km, nằm sâu trong rừng để kiếm sống và khoảng một tháng họ mới ra thăm, tiếp tế lương thực cho các em học hành.
Ông Giàng A Nụ – trưởng thôn Giang Đông – cho biết khu tái định cư được xây dựng từ năm 2004 với 87 căn nhà.
“Đến năm 2009, toàn bộ hộ dân trong thôn tự nguyện di dời đến khu tái định cư. Nhưng một năm sau hầu hết hộ dân đã bỏ về thôn cũ vì khu tái định cư thiếu đất canh tác, đất đai xấu, địa hình lại dốc và hệ thống thuỷ lợi không được đầu tư” – ông Nụ nói.
Vì thôn cũ không có điện, trường học, trạm y tế, lại cách khu tái định cư khá xa nên những gia đình có con đang theo học tiểu học, THCS đành để con cái ở lại khu tái định cư (trường học cách khu tái định cư 300m).
Trong hơn 100 em thì có khoảng 80% đi học, còn lại là anh chị ra ở cùng để nuôi các em còn nhỏ. Không có sự chăm sóc của cha mẹ nên các em tự quản việc ăn ở, học hành…
Hằng ngày các em ăn cơm với muối, thêm vài lát cá khô hoặc mì gói. Em Sùng Thị Súa (lớp 5) tâm sự: “Bố mẹ nghèo lắm, không có tiền đâu. Khoảng 3-5 tuần bố mẹ mới ra thăm một lần rồi cho khoảng 20.000 đồng để mua rau thôi”.
Hay như ngôi nhà của chị em Sùng Thị Pàng luôn tối om vì từ lâu không đóng tiền điện. Đêm đêm, hai chị em Pàng phải mang đèn pin ở trên đầu để học bài, hoặc chờ những đêm trăng mang sách vở ra đường học!
Sáng 4-12, chúng tôi tìm đến thôn cũ – nơi cha mẹ các em đang sống. Thôn nằm sâu hút trong rừng, vắng lặng. Hiện đang là mùa bắp và mì nên một số phụ nữ ở nhà tự thu hoạch. Đàn ông vào rừng kiếm củi 2-3 ngày mới trở về một lần. Chúng tôi thấy một phụ nữ gùi lúa trồng ở trong rừng mang về.
“Đây là đất rừng nên không trồng được nhiều đâu. Để đến được rẫy, tôi đi bộ hơn 2km đường rừng. Để tiết kiệm thời gian, thường chẳng ai dám nghỉ ăn trưa đâu. Cứ làm đến tối về ăn luôn một thể” – người phụ nữ tên Sùng Thị Công nói.
Ông Đinh Xuân Hạnh – chủ tịch UBND xã Ea Đăh – xác nhận làng trẻ em Giang Đông có 100 cháu, đã tồn tại từ nhiều năm nay và ông cũng lo lắng trường hợp kẻ xấu vào làng.
Ông Hạnh cho biết việc người dân bỏ khu tái định cư trở lại thôn cũ không chỉ gây lãng phí ngân sách nhà nước mà còn kéo theo nhiều vấn đề nhức nhối như nghèo đói, bệnh tật, thất học…
“Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị cấp trên lập đề án tái định cư cho đồng bào trong rừng phòng hộ Krông Năng để ổn định cuộc sống, tuy nhiên đề án vẫn phải chờ phê duyệt” – ông Hạnh nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Nghị – phó giám đốc Ban quản lý các dự án xây dựng huyện Krông Năng – cho biết: “Việc ổn định cho người dân thôn Giang Đông là hết sức cấp thiết. Cách đây khoảng hai tháng, chúng tôi đã gửi tờ trình lên UBND tỉnh để đăng ký lại dự án trong danh mục đầu tư công. Tuy nhiên, chuyện thẩm định và thực hiện dự án đến bao giờ được phê duyệt thì chưa biết”.
Trong khi mòn mỏi chờ phê duyệt, làng trẻ em Giang Đông vẫn cứ tồn tại trong hoàn cảnh cha mẹ một nơi, con một nơi!
|
Các em nhỏ cùng tụ tập xem phim tại nhà ông Sùng Vảng Lao – một hộ hiếm hoi có người lớn |
Trẻ con vốn vô tư, dù cuộc sống rất khổ nhưng vẫn tung tăng đến trường |
Các em gái lấy nước sinh hoạt ở đầu khu tái định cư Giang Đông |
Buổi sáng đến trường, buổi chiều các em tự tạo những trò chơi cho mình ngay trước sân nhà |
Trưa đi học về, nhiều em rủ nhau ra suối tắm. Tuy nước suối đục ngầu nhưng vẫn là nơi vui chơi đầy thích thú của các em |
Chị Sùng Thị Công, 29 tuổi, đã có bốn con. Con đầu ở lại làng để đi học, ba đứa còn lại sống cùng chị ở thôn cũ |
Cách ngôi làng trẻ em khoảng 12km, bà Vàng Thị Pằng với đống lúa khoảng 50kg vừa thu hoạch ở trong rừng |
Sau giờ học ở trường, những cậu bé ở khu tái định cư thôn Giang Đông tụ tập chơi cùng nhau |
Em Sùng A Gióng, học sinh lớp 2, ngóng nhìn bạn bè chơi ngoài sân. Từ hai năm nay, Gióng sống tự lập cùng hai anh trai đang học lớp 3 và lớp 4 |
Cách đây khoảng hai tháng, ông Sùng Vảng Lao, một người dân trong thôn, đã dùng ngôi nhà của mình để mở lớp học, thu hút các em nhỏ tự học tại đây |
Sau giờ tan học mỗi ngày, Vàng A Đông (học lớp 2) phải tự nấu ăn |
Sùng A Chua, học sinh lớp 3 (trái), cùng hai anh em Sùng A Tủa và Sùng A Gióng học bài vào buổi tối |
Hầu như ngày nào em Hờ Thị Sua cũng chỉ ăn mì gói thay cơm |