“Trách nhiệm chưa tròn trong phòng chống tham nhũng”
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu như vậy trong buổi tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3, TP.HCM ngày 5-12.
“Trách nhiệm chưa tròn trong phòng chống tham nhũng”
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu như vậy trong buổi tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3, TP.HCM ngày 5-12.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với các cử tri trong buổi tiếp xúc cử tri quận 1, TP.HCM sáng 5-12 – Ảnh: Quang Định |
“Buồn nhất là khi xem bảng thống kê của thế giới. Nước mình anh hùng trong kháng chiến chống ngoại xâm, nhưng chống tham nhũng thì đứng cuối bảng. Buồn, xấu hổ lắm, cảm thấy không chấp nhận được” – Chủ tịch nước nói.
Cử tri Lê Thanh Tùng, phường 7, quận 3, cũng có chung mối lo. Ông nói: “Bệnh hình thức, phô trương, tham nhũng, lãng phí còn quá phổ biến. Đến nỗi người dân có câu: Từ trên xuống dưới đua nhau xây trụ sở/Bệnh viện, nhà trường chỉ thế thôi. Căn bệnh này Quốc hội phải nghiên cứu cách trị”.
Liên quan đến vấn đề nợ công, cử tri Lê Văn Cẩn, phường 3, quận 3, nói quyết liệt: “Người dân rất bất bình với việc quản lý ngân sách và tiêu tiền ngân sách như hiện nay. Chúng tôi không muốn con cháu của mình sẽ phải hứng chịu hậu quả lâu dài. Tôi đề nghị trần nợ công của quốc gia phải đưa vào trưng cầu ý dân”.
Sắp xếp lại tập đoàn, tổng công ty
Chia sẻ với những bức xúc, lo lắng của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhìn nhận nguy hiểm của nền kinh tế đang ở chỗ nợ công tăng. Bắt đầu từ năm 2012, nước ta đã phải đi vay để trả nợ.
Từ đó đến nay, mức vay của năm sau lại cao hơn nhiều so với năm trước. “Chúng ta tiêu xài phung phí quá. Hiện nay Lào, Campuchia, Myanmar đã có tốc độ phát triển cao hơn ta. Nếu cứ “lình xình” thế này thì năm năm nữa tăng trưởng của Việt Nam chưa chắc hơn Lào, Campuchia, Myanmar” – Chủ tịch nước trăn trở.
Cử tri Nguyễn Hoài Nam, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, đề nghị nên bán cổ phần các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước để thu hồi vốn, đồng thời truy xét trách nhiệm của các lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty khi làm ăn không hiệu quả, thậm chí thua lỗ.
Đề nghị của cử tri Nguyễn Hoài Nam được Chủ tịch nước chia sẻ ngay sau đó. Ông nói: “Các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước chiếm quy mô lớn trong nền kinh tế, nhưng bộc lộ nhiều thiếu sót, khuyết điểm. Hiệu quả phải nói là thấp so với các thành phần kinh tế. Quản lý nhà nước đối với đối tượng này hết sức lúng túng”.
“Phải tổ chức sắp xếp lại, trước hết là những tập đoàn, tổng công ty lớn. Khoảng năm năm qua đã làm được một số việc, nhưng nhìn chung theo tôi, bản chất vấn đề chưa được giải quyết triệt để” – Chủ tịch nước nói.
Quản lý xã hội còn nhiều vấn đề
Đó là chia sẻ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi lắng nghe ý kiến của người dân về những chuyện “nói hoài không làm được”.
Bà Trịnh Mỹ Ngọc, phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 1, than phiền về việc căn nhà của bà trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đi xin giấy phép xây dựng đã 16 tháng nay mà chưa được.
“Căn nhà ấy tôi cho thuê mỗi tháng được 100 triệu đồng. Chậm 16 tháng là tôi mất 1,6 tỉ đồng, là Nhà nước mất đi một khoản thuế. Tôi yêu cầu những người nào, cơ quan nào làm chậm của tôi phải bồi thường tương ứng theo lợi nhuận bị thiệt hại” – bà Ngọc nói.
Rồi dự án 1 bis – 1 kep, cử tri Đoàn Thanh Vũ nói vì sao khu đất vàng 17.000m2 đã giải tỏa 20 năm nay, dân dời đi rồi mà tiền chưa trả hết.
“Thông thường một vấn đề nghiêm trọng làm mãi không xong thì trước hết phải nhìn ngay nội bộ mình” – Chủ tịch nước nói.
Trước những góp ý của cử tri về những nhiêu khê, phiền hà trong quản lý, Chủ tịch nước thẳng thắn thừa nhận: “Quanh việc quản lý xã hội, thật sự đây là lĩnh vực ngày càng bộc lộ sự yếu kém của quản lý nhà nước. Quản lý xã hội phải nói còn quá nhiều vấn đề trên nhiều lĩnh vực. Nhìn lĩnh vực nào, ngành nào cũng thấy có chuyện cả.
Tôi bày tỏ để mong cô bác anh chị góp ý thêm: quy mô đất nước mới trên 200 tỉ đôla thôi, lên chừng khoảng 500 – 1.000 tỉ vẫn kiểu quản lý như thế này mà không thay đổi thì rất nguy hiểm. Nó lỏng lẻo, rơi vãi rồi phát sinh rất nhiều chuyện”.
Rồi Chủ tịch nước chia sẻ thêm: 30 năm đổi mới, chúng ta đạt nhiều bước tiến quan trọng. Vui mừng phấn khởi tự hào là đúng, nhưng đừng quên nợ công tăng lên rất nhanh.
Tại sao nhiều nước công nghiệp hóa thành công mà nợ công không tăng nhanh như ta, theo Chủ tịch nước, là vì họ quản lý tốt. Ông nói chỉ riêng giấy phép như trường hợp của cử tri Trịnh Mỹ Ngọc mà 16 tháng không xong thì làm sao công nghiệp hóa thành công?…
Phòng chống tham nhũng – câu chuyện làm nóng mọi diễn đàn cũng được Chủ tịch nước chia sẻ trong dịp này.
“Tình hình hết sức nghiêm trọng, mặc dù thời gian qua đã kiện toàn cơ quan chức năng về phòng chống tham nhũng lãng phí có kết quả nhưng theo yêu cầu là chưa đạt. Cử tri vừa rồi nói phòng thủ đất nước không chỉ trang bị vũ khí hiện đại mà phải có thế trận lòng dân là đúng. Các đồng chí phê bình thì chúng tôi nhận.
Nhưng các đồng chí đang ngồi đây cũng nên bằng hành động của mình góp sức vào. Hãy nhìn ngay địa bàn mình, ngành mình, dám chỉ ra những hạn chế yếu kém để giải quyết dần. Nếu toàn quốc được như vậy có lẽ cơ thể đất nước sẽ nhẹ nhõm đi”. Rồi ông nói: “Chúng tôi thấy trách nhiệm chưa tròn trong phòng chống tham nhũng”.
Không thừa nhận hành vi chiếm đóng trái phép của Trung Quốc Cử tri Nguyễn Văn Tiến, phường 13, quận 3, cho rằng từ sự kiện ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong vùng biển Việt Nam mà bị bắn chết, Nhà nước cần trang bị phương tiện chắc chắn, hiện đại hơn cho ngư dân để họ có thể tiếp tục bám biển. Còn theo cử tri Huỳnh Minh Ngọc, quận 1, sự xâm lấn của Trung Quốc không chỉ về biển đảo, mà còn trong đời sống kinh tế, văn hoá thường ngày. Là người làm trong ngành điện lực, anh Ngọc thông tin thêm là hiện nay có một tỉ lệ không nhỏ các dự án về điện là do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán trước sau như một của Đảng và Nhà nước ta. “Chúng ta không thừa nhận hành vi chiếm đóng trái phép của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa” – Chủ tịch nước khẳng định. |