Lạm dụng mạng xã hội để chia sẻ hay “khoe mẽ”?
Sau bài khảo sát về việc sử dụng mạng xã hội trong bài “Sống trên mạng vì… thói quen” ngày 3-12 trên báo Tuổi Trẻ, các bạn trẻ và chuyên gia chia sẻ thêm về vấn đề này.
Lạm dụng mạng xã hội để chia sẻ hay “khoe mẽ”?
Sau bài khảo sát về việc sử dụng mạng xã hội trong bài “Sống trên mạng vì… thói quen” ngày 3-12 trên báo Tuổi Trẻ, các bạn trẻ và chuyên gia chia sẻ thêm về vấn đề này.
Ảnh nhân vật cung cấp |
* Chuyên gia tâm lý Trương Thị Bích Phượng:
Vô tình khiến mình bị nguy hiểm vì thích “khoe”
Nhu cầu thể hiện “cái tôi” thường rất mạnh ở các bạn trẻ, đặc biệt khi công nghệ trở thành công cụ đắc lực giúp các bạn có thêm cơ hội thể hiện mình.
Nhiều bạn thường xuyên đăng tải trên mạng mình đi đâu, làm gì, khoe hàng hiệu, ăn ngon, xe đẹp…, chỉ để người khác thích thú, xuýt xoa, khen chê, tung hô, ghen tị… Không ít bạn trẻ lạm dụng mạng xã hội để PR bản thân, tự phong cho nhau danh hiệu hotboy, hotgirl, người của công chúng…
Vô hình trung các bạn trẻ nghĩ mình đang được quan tâm, đang nổi tiếng. Cứ thế làn sóng “sống ảo” càng lan mạnh.
Thực tế có không ít hệ quả do sống ảo gây ra. Mãi “khoe mẽ” nhiều thứ, có bạn khoe cả gia đình du lịch nước ngoài, đăng hình ảnh đi chơi xa trên Facebook, vô tình dẫn đường cho kẻ gian lợi dụng tổ chức trộm cắp. Nhiều hình ảnh trên mạng xã hội không đúng như thực tế. Khoe của nhưng lại là đồ mượn, đồ đang thử ở cửa hàng.
Hay mới đây cộng đồng mạng bị lừa bởi một bạn tự xưng hotgirl, thường xuyên khoe gia đình giàu có để lấy lòng tin các thành viên trên Facebook, hình thành đường dây chơi hụi. Chỉ khi cô này giật hụi vài tỉ đồng bỏ trốn thì mọi người mới vỡ lẽ tất cả những gì khoe trên mạng đều là đồ mượn, đồ nhà người ta.
Rõ ràng việc sống ảo trên mạng xã hội hiện nay khó mà kiểm soát khi nhiều người quen “chém gió”. Đối với bản thân mỗi bạn, nếu không muốn bị kẻ xấu lợi dụng, gây hại cho mình và người thân thì tốt nhất hạn chế việc khoe khoang trên trang cá nhân.
Bên cạnh đó, cần tỉnh táo trước những người thích sống ảo trên mạng, đừng vội tin những gì họ đưa trên mạng. Vì ngoài cuộc sống thực còn khó tin huống gì trên mạng ảo.
Về mặt tâm lý, thói quen “sống ảo” khiến các bạn dễ rơi vào cơ chế “phụ thuộc”, nghiện Internet, không kiểm soát được hành vi trong đời sống thực… một phần khiến các bạn thay đổi nhân cách.
Ảnh nhân vật cung cấp |
* Nguyễn Hoàng Việt Hưng (giáo viên tiếng Anh):
Thiếu sự định hướng
Việc muốn thể hiện bản thân bằng mọi cách của một bộ phận giới trẻ không phải là vấn đề mới. Ngày trước, khi mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ, các bạn thể hiện mình qua đầu tóc, quần áo, đua xe, ăn chơi…
Nhu cầu được khác biệt là chính đáng, tuy nhiên nhiều người trẻ hiện nay thiếu sự định hướng, giáo dục từ nhỏ về thói quen làm việc khoa học, cách thể hiện bản thân và cách sắp xếp công việc… nên không có được phương pháp thể hiện phù hợp, dẫn đến dễ “sống ảo” trên mạng.
Tác hại của sống ảo làm người ta quên đi việc phải chịu trách nhiệm và hành động của chính mình trong đời sống thực. Chính cái sự “ảo” của mạng xã hội đã làm nhiều người ảo tưởng về bản thân, hành động thiếu suy nghĩ hoặc quên đi cuộc sống của mình.
Ảnh nhân vật cung cấp |
* Thái Chương (cố vấn quy trình phát triển phần mềm và hệ thống thông tin):
Hạt giống tốt gieo chưa đúng nơi
Việc tìm hiểu kiến thức, đem Internet vào giải quyết công việc hay tìm kiếm công việc hiện đang còn thấp. Nhiều người dùng Internet chưa hiểu được cần phải tận dụng nó như thế nào thay cho việc sử dụng theo trào lưu.
Internet có thể góp phần cải thiện được sức khỏe cho những người sống ở những nơi chưa đủ điều kiện để có bác sĩ riêng chăm sóc. Internet có thể mang kiến thức đến được nơi mà vị trí địa lý phức tạp nhưng mang đến rồi thì cách tiếp cận thường không được hướng dẫn.
Nói cách khác là gieo hạt tốt không đúng đất, không có người gieo hạt, không có người chăm sóc… sẽ không phát triển được như mong muốn. Nên nhiều người hầu như chưa tận dụng được nhiều lợi ích của Internet, mà lạm dụng cho một khía cạnh nào đó gây nên sống ảo, dẫn đến trào lưu sống ảo.
Tuy nhiên, như lá thư Mark Zuckerberg gửi con gái đang thu hút mọi người quan tâm thì đúng quan điểm của tôi rằng: “Trong khi những chủ đề được đề cập thường tập trung vào những sai lầm thì nhìn từ nhiều khía cạnh, thế giới đang ngày càng tốt đẹp hơn. Sức khoẻ được cải thiện. Đói nghèo được giảm bớt. Kiến thức đang tăng trưởng. Con người được kết nối. Công nghệ phát triển trong tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống sẽ tốt hơn”.
* Nguyễn Thị Mỹ Ân (22 tuổi, bán hàng): Tôi từng bị ảnh hưởng Theo tôi, mạng xã hội tốt, cung cấp nhiều thông tin bổ ích, nhiều ứng dụng giải trí, là nơi kết nối và có thể học hỏi được nhiều điều hay. Tuy nhiên, nếu sử dụng mạng xã hội quá nhiều, như một thói quen không thể bỏ thì dễ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, làm mất rất nhiều thời gian học tập và sinh hoạt xã hội bị rút bớt lại. Tôi đã từng bị ảnh hưởng của mạng xã hội trong một thời gian không phải quá dài, chỉ trong một tháng, nhưng đã gây cho tôi một vài khó khăn khi quay lại với cuộc sống thật. Không buồn do gia đình, tình cảm hay bất kỳ việc gì nhưng khoảng thời gian đó tôi chỉ muốn giam mình trong phòng, không ra đường, không gặp gỡ bạn bè, chỉ nằm ở nhà lên Facebook, Zalo, Instagram… vào hết trang này qua trang khác, chụp hình, đăng hình, chia sẻ những bài đọc được. Hết ôm điện thoại rồi qua máy tính, mắt mỏi thì nhỏ thuốc rồi chơi tiếp cho đến khi người mệt thì tôi ngủ thiếp đi. Dù vẫn đi học bình thường, đến giờ là lên lớp nhưng tôi không hề tập trung vào việc học, giảng viên nói gì tôi cũng không nghe. Một thời gian sau, tôi thấy mắt mờ đi, bị nhức nhiều, có nhỏ thuốc cũng không bớt lắm, người thì mệt mỏi… Thấy sức khoẻ mình bị bòn rút đi, tôi giật mình nghĩ lại và thấy tôi đang hủy hoại sức khoẻ của mình, lãng phí thời gian. Tôi bắt đầu giảm dùng máy tính, bớt xài điện thoại, chủ động gọi hẹn gặp bạn bè ở ngoài đời… Bước đầu trở về cuộc sống thật tôi cũng gặp khó khăn, nhưng tôi quyết tâm tự đặt kỷ luật cho bản thân bằng việc quản lý thời gian vào mạng và phân bố thời gian giao lưu “mặt đối mặt” để cuộc sống cân bằng hơn. |