Phải siết lại chi tiêu công tại các địa phương
TS. BÙI ĐỨC THỤ, uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ .
Phải siết lại chi tiêu công tại các địa phương
TS. BÙI ĐỨC THỤ, uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ .
Ông Bùi Đức Thụ – Ảnh: Việt Dũng |
Tuy nhiên, theo ông Thụ, chuyện nợ nần xảy ra ở thành uỷ Bạc Liêu hay UBND TP. Cà Mau chỉ là những ví dụ cho tình trạng khá phổ biến ở nhiều địa phương. Ông Thụ nói: Những con số nợ nần như vậy được công bố sẽ làm người dân cảm thấy ngán ngẩm.
* Chuyện một số địa phương nợ cả trăm tỉ đồng, là một chuyên gia về ngân sách, ông có thấy bất ngờ không?
– Phải khẳng định rằng để xảy ra tình trạng nợ tức là đã không lành mạnh trong ngân sách, nợ quá lớn sẽ gây bất ổn định, thậm chí đe dọa vỡ nợ công.
Do đó trước hết phải minh bạch tình trạng nợ, ví dụ nơi nào sổ sách, số liệu báo cáo không phản ánh đúng thực trạng nợ, không phản ánh đúng các nguồn phải chi trả của địa phương thì phải rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm.
Cá nhân tôi không bất ngờ về tình trạng này. Qua kết quả kiểm toán được công bố và qua giám sát ở một số địa phương cho thấy tình trạng nợ tương đối lớn.
Các báo cáo kiểm toán trình Quốc hội hằng năm đều cho thấy một trong những vấn đề nóng ở các địa phương được kiểm toán là tình trạng nợ ngân sách quá hạn mức cho phép khá nhiều.
Thậm chí tình trạng nợ ngân sách cấp xã, đặc biệt sử dụng xây dựng nông thôn mới, xảy ra ở nhiều nơi, nợ tương đối phổ biến 1-10 tỉ đồng, cá biệt có xã nợ đến vài chục tỉ đồng. Với số lượng xã, thị trấn của chúng ta là 11.000, nếu tình trạng nợ nần phổ biến là điều đáng báo động.
Phải kiểm tra, giám sát, siết lại chi tiêu công cho đúng luật, tiết kiệm, chứ nếu nợ ở cấp nào cũng phình ra, dồn lại thành khoản nợ công của các cấp chính quyền rất là lớn, đe doạ đến an ninh tài chính quốc gia.
* Việc xử lý các khoản nợ này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
– Về nguyên tắc, để xử lý các khoản nợ của ngân sách địa phương thì thường vay của trung ương, tức vay Ngân hàng Phát triển VN và Kho bạc Nhà nước.
Theo quy định, nợ địa phương không được quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung trong nước hằng năm và khi đã hụt thu thì phải điều chỉnh giảm chi tương ứng, nhưng thực tế rất ít địa phương điều chỉnh giảm chi được nên các khoản nợ mới tăng lên.
Trong chi thường xuyên nếu do việc lập dự toán không sát thực tế thì phải rút kinh nghiệm, nếu các khoản phát sinh mà đúng chế độ, định mức thì được bổ sung dự toán (lấy từ nguồn dự phòng ngân sách).
* Làm thế nào khắc phục tình trạng “đổ nợ” tại các địa phương?
– Để chấn chỉnh tình trạng này, theo tôi, phải xem trách nhiệm của những người đứng đầu bởi Nhà nước đã phân cấp rồi, phải liệu cơm gắp mắm, nếu sai phải chịu trách nhiệm và bị xử lý.
Ngoài ra phải xem xét trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Nếu cấp xã nợ nhiều, cấp huyện cũng phải chịu trách nhiệm, cấp huyện nợ nhiều thì cấp tỉnh cũng phải chịu trách nhiệm.
Đặc biệt, vấn đề cấp bách là phải tăng cường kỷ luật tài chính, siết chặt chi tiêu công, đặc biệt trong bối cảnh bội chi cao liên tục trong nhiều năm, nợ công ngất ngưởng tiến sát trần.
Các biện pháp chế tài đối với những hiện tượng này đã được quy định rõ ràng, vấn đề còn lại là phải thực hiện thật nghiêm túc, nơi nào sai phải xử lý triệt để.
* GS.TS Trần Ngọc Thơ (ĐH Kinh tế TP.HCM): Những yếu kém trong quản lý công bắt đầu lộ ra Sự lỏng lẻo trong quản lý nợ công, chi tiêu ngân sách nhà nước ở các địa phương đã được nói từ lâu. Tuy nhiên, sự việc xảy ra ở Bạc Liêu hay Cà Mau xét về khía cạnh nào đó có thể là yếu tố tích cực. Phải chăng sau những lời hứa, cam kết của Chính phủ, các chương trình siết chặt, kiểm soát đầu tư công ở các tỉnh thành bắt đầu có tín hiệu tích cực. Hay các tỉnh thành này đã “hết phép”, hay họ đang quá thật thà? Những cam kết của Chính phủ về việc dừng những dự án nghìn tỉ, siết chi tiêu công làm những yếu kém trong quản lý công ở các địa phương dần dần lộ ra. Các địa phương không còn nguồn thu dư dả để bù qua sớt lại như trước đây. Mất khả năng chi trả của các địa phương hiện nay là hậu quả “vung tay quá trán” ngày xưa, bỗng nhiên có chủ trương thắt chặt ngân sách dẫn tới tình trạng cơ quan địa phương thiếu hụt nguồn thu. Từ trước đến nay chính sách tài khóa của VN lỏng lẻo từ trên xuống dưới, liệu còn các tỉnh thành nào chưa bị lộ, hay tiếp theo còn có tỉnh thành nào khai báo hay họ vẫn còn “phép” để đối phó? * Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright): Hậu quả chi tiêu “tạm ứng” Chuyện một số địa phương “đổ nợ”, không còn tiền trả lương cho công chức là hệ quả của tình trạng “vung tay quá trán”, ỷ lại ngân sách nhà nước của các địa phương bấy lâu nay. Nó cũng là hệ lụy của tư duy nhiệm kỳ hay hiện tượng “hoàng hôn” nhiệm kỳ được nhắc nhiều thời gian gần đây. Đang tồn tại một tư duy rất lạ là người chuẩn bị về muốn có một “cái gì đó” và bản thân người ở lại cũng cố gắng “làm gì đó” cho người sắp kết thúc nhiệm kỳ để họ khỏi “tâm tư”. Trong khi đó, chúng ta chưa có cơ chế hồi tố, người chịu trách nhiệm thường “hạ cánh an toàn”. Sâu xa hơn, chúng ta không có cơ chế đối trọng giám sát về quyền lực ở cấp địa phương, hoặc có mà chưa phát huy tác dụng. Chúng ta vẫn buông lỏng giám sát chi tiêu ngân sách cấp cơ sở. Quản lý ngân sách nhà nước gần đây bắt đầu có kiểm soát chặt chẽ hơn nhưng ở cấp địa phương vẫn còn rất nhiều lỗ hổng, không ai giám sát. Thật ra, tình trạng chi tiêu vượt dự toán đến mức không cân đối được ở cấp địa phương không mới. Khi rơi vào tình thế chi vượt thu, từ trước đến nay nhiều địa phương vẫn không quá lo lắng do cơ chế ràng buộc ngân sách mềm vẫn còn giá trị. Họ sẽ được ngân sách trung ương rót bù đắp bằng cách này hay cách khác. Theo tôi, đã đến lúc cần phải ràng buộc trách nhiệm sử dụng ngân sách bằng quyết tâm chính trị, bằng cơ chế ngân sách cứng chứ không thể dựa mãi quyết tâm kinh tế như hiện nay. |