Sáng 1.12, tại công viên Lịch sử – văn hoá dân tộc (Q.9, TP.HCM), lần đầu tiên một trại sáng tác điêu khắc quốc tế quy mô lớn đã được Bộ VH-TT-DL và UBND TP.HCM tổ chức.
Tìm chỗ đứng cho tượng
Sáng 1.12, tại công viên Lịch sử – văn hoá dân tộc (Q.9, TP.HCM), lần đầu tiên một trại sáng tác điêu khắc quốc tế quy mô lớn đã được Bộ VH-TT-DL và UBND TP.HCM tổ chức.
Trại sáng tác nhằm tìm ra các tác phẩm xuất sắc tạo “điểm nhấn” trong không gian công cộng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và thu hút khách du lịch đến với TP.HCM.
Nơi cần thì không có tượng
Ông Bùi Hải Sơn, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, kể lại: “Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP.HCM đã từng tổ chức một trại sáng tác điêu khắc tại công viên Gia Định thu hút đông đảo nhiều điêu khắc gia trên toàn quốc tham dự. Tuy nhiên, sau khi tổng kết trao thưởng thì toàn bộ các tác phẩm này được “thu gom” mang về để tạm tại công viên văn hoá Tao Đàn cho đến giờ, gây lãng phí rất lớn tiền của và công sức”.
Được biết, cách đây 3 năm, UBND TP.HCM cũng từng giao cho Hội Mỹ thuật TP.HCM một đề án tìm nơi đặt tượng với kinh phí gần 4 tỉ đồng. Hội đã tiến hành khảo sát lối đi lên tại hầm Thủ Thiêm và một số tuyến đường trọng điểm: Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Trường Sa, Hoàng Sa… để có kế hoạch đặt tượng đài cho những nơi này nhưng rồi mọi việc đã giữa đường “gãy gánh”. Theo ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, thì: “Đề án quy hoạch hệ thống tượng đài của TP.HCM đã có từ rất lâu, TP nhiều lần giao việc này cho Sở QH-KT, rồi Sở VH-TT, có lúc chuyển về Liên hiệp Các hội VHNT TP.HCM nhưng vẫn chưa làm được gì cả. Lý do là không có đơn vị nào thực hiện được đề án này. Vừa rồi 30.4.2015, Pháp có tặng cho TP.HCM một bức tượng điêu khắc hiện đại gồm 3 khối kim loại chồng lên nhau rất đẹp nhưng tới nay chưa biết đặt đâu”.
Trong khi đó, đô thị ngày càng phát triển, nhu cầu đặt tượng đài tại những nơi công cộng để người dân vui chơi, giải trí, du khách đến tìm hiểu, tham quan du lịch đòi hỏi hết sức bức thiết. 4 năm trước, lãnh đạo khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã 2 lần qua Hội Mỹ thuật TP.HCM xin phối hợp làm trại điêu khắc để tìm tượng về đặt trong khuôn viên.
Từ ngày 1 – 17.12, Trại sáng tác điêu khắc quốc tế TP.HCM được tổ chức quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại công viên Lịch sử – văn hoá dân tộc, với kinh phí 20 tỉ đồng. Trại có chủ đề sáng tác và không gian chế tác rộng mở, thu hút sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết của hơn 120 tác giả trong và ngoài nước, trong đó có 27 tác giả đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ: Mỹ, Nhật, Nga, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Áo, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Slovenia, Romania, Bulgary, Bỉ, Thụy Sĩ… Từ 204 phác thảo tác phẩm, gồm nhiều đề tài, thể loại và phong cách nghệ thuật, hội đồng nghệ thuật TP.HCM đã chọn ra 50 phác thảo xuất sắc nhất để mời tham dự.
“Hiện nay, điều bất hợp lý là nhiều khu dân cư, khu công nghiệp đang rất cần được đặt tượng để nâng cao chất lượng sống, đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của người dân thì nhiều bức tượng có giá trị vẫn nằm lăn lóc một nơi nào đó hoặc không tìm đâu ra chỗ để đặt. Chính sự quy hoạch nửa vời, không chặt chẽ và thiếu phân định trách nhiệm đã khiến cho đề án tâm huyết về đặt tượng phải nhiều lần đứt gánh giữa đường”, ông Huỳnh Văn Mười chua xót nói.
Cần không gian sống cho tượng
Điêu khắc gia Nguyễn Anh On (quê ở Bình Định) xúc động: “Tôi rất vui và vinh dự là một trong các tác giả có mặt ở trại lần này. Niềm sung sướng lớn nhất là đề tài chúng tôi không bó hẹp về danh nhân hay cụm tượng mang tính cách mạng mà hoàn toàn tự do thỏa sức sáng tạo bay bổng. Hy vọng tác phẩm của tôi hoàn thành sẽ đáp ứng sự kỳ vọng của mọi người”. Còn điêu khắc gia Velobosv (Nga) tâm sự: “Thật hãnh diện khi từ nước Nga xa xôi tôi được đặt chân đến đây và tham dự trại sáng tác tuyệt vời của các bạn. Tôi rất bất ngờ trước sự tổ chức chu đáo như thế này, đặc biệt là được hoàn toàn tự do trong sáng tạo. Vì vậy chúng tôi sẽ cố gắng làm việc hết mình để có những tác phẩm đạt giá trị thẩm mỹ cao dành cho TP.HCM nói riêng và đất nước VN nói chung”.
Ông Bùi Hải Sơn cho biết: “Trại sáng tác điêu khắc TP.HCM 2015 có hẳn một hội đồng thẩm định bài bản, quy tụ nhiều tên tuổi rất nổi tiếng. Số lượng tượng công cộng khá lớn, mỗi tượng trung bình từ 3 – 5 khối đá lớn, độ cao khống chế 3 m, nếu so với tượng công viên là đạt yêu cầu. Điều quan trọng là không gian chung quanh khu vực đặt tượng phải phù hợp. Lâu nay chúng ta chưa có quy hoạch bài bản về tượng công viên thì đây cũng là dịp để các nhà kiến trúc, mỹ thuật và quy hoạch cùng ngồi lại để có những sản phẩm tốt phục vụ công chúng, tất cả cùng hướng tới một không gian công cộng TP.HCM thời kỳ đổi mới, hội nhập, phát triển luôn đẹp và hiện đại”.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận khẳng định: “Những tác phẩm đoạt giải tại Trại sáng tác điêu khắc quốc tế 2015 sẽ được chọn trưng bày ở Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Bính Thân 2016 và tại công viên dọc bờ sông Sài Gòn để giới thiệu đến với nhân dân TP.HCM và khách du lịch”. Và ông Trịnh Xuân Yên, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thông tin thêm: “Toàn bộ số tượng tham gia trại điêu khắc sau đó tiếp tục được đưa về đặt tại những không gian công cộng ngoài trời trên đường Võ Văn Kiệt, Trường Sa, Hoàng Sa và phố đi bộ Nguyễn Huệ”.