Với lý do thiếu nhân lực y tế, nhiều địa phương gia tăng quá nhanh các trường đào tạo ngành y dẫn đến chất lượng đào tạo lỏng lẻo, dễ dãi đầu vào.
Đào tạo ngành y không giống ai: Vì thiếu nên dễ dãi!
Với lý do thiếu nhân lực y tế, nhiều địa phương gia tăng quá nhanh các trường đào tạo ngành y dẫn đến chất lượng đào tạo lỏng lẻo, dễ dãi đầu vào.
Mở ngành dễ, hậu kiểm kém
Trong cuộc đua mở ngành y tế, các trường có rất nhiều cách “lách” để được cho qua vòng thẩm định.
Những năm trước, khi chưa có chủ trương “siết” việc mở khối ngành y dược, quy trình mở ngành học của Bộ GD-ĐT là: Sở GD-ĐT thẩm định về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, một trường ĐH lớn có chuyên môn thẩm định về chương trình đào tạo. Dựa vào các hồ sơ này, Bộ sẽ quyết định cấp phép. Sau khi dư luận có nhiều ý kiến về việc này, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT đề nghị cần có quy định chặt chẽ mở ngành đào tạo với sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc 2 bộ này chưa thống nhất khi cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ mở ngành y, dược cho thấy vai trò của Bộ Y tế chưa rõ ràng. Không chỉ bất cập trong điều kiện mở ngành mà việc hậu kiểm để xem xét các trường có giữ đúng cam kết trong đào tạo cũng không được thực hiện nghiêm túc.
Từ trước đến nay, ở ĐBSCL chúng tôi chưa tuyển được bác sĩ nào từ trường ngoài công lập
Trên thực tế, dù đã mở ngành qua nhiều năm nhưng nhiều trường ĐH, CĐ ở phía nam vẫn luôn trong tình trạng đầu tư thêm thiết bị cho đầy đủ. Có trường mở ngành, sử dụng lại cơ sở của một công ty hải sản, nên mỗi năm vẫn sửa chữa phòng ốc và đầu tư thiết bị thực hành. Có trường mở ngành dược đã nhiều năm nhưng gần đây mới xây thêm dãy phòng thực hành.
Thành viên của đoàn thẩm định mở ngành dược ở một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM cho biết có trường, đoàn thẩm định yêu cầu năm đầu tiên tuyển khoảng 100 sinh viên, sau đó nâng dần lên khoảng 300 trong 5 năm để đảm bảo chất lượng. Nhưng khi mở ngành rồi, ngay năm đầu tiên trường tuyển đến 400 hoặc 700, vượt xa năng lực đào tạo. Chỉ sau 3 năm, có trường lên đến hơn 2.000 sinh viên cho mỗi bậc học. Dù các trường cố gắng cách mấy nhưng giảng viên và cơ sở vật chất cũng không thể theo kịp tốc độ phát triển của sinh viên. Ngay cả trường có số lượng giảng viên chất lượng và đông đảo như Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng chỉ dám đào tạo cao nhất 400 chỉ tiêu ngành y đa khoa, 300 chỉ tiêu ngành dược học.
Chất lượng đi xuống do thương mại hoá
Mấy năm qua, nói đến y tế ở ĐBSCL, người ta đã quá quen với câu “thiếu y bác sĩ trầm trọng”. Thống kê của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho thấy toàn vùng này còn hơn 300 xã chưa có bác sĩ; đặc biệt là 5 chuyên khoa lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh.
Chính từ thực trạng thiếu trên nên từ năm 2011 đến nay, ĐBSCL liên tiếp thành lập những trường tham gia đào tạo ngành khoa học sức khoẻ. Đến nay, toàn vùng đã có 18 trường đào tạo nhân lực y tế bậc trung cấp; 9 trường bậc cao đẳng; 5 trường bậc ĐH. Hằng năm khu vực này có thêm khoảng 1.000 bác sĩ, dược sĩ ra trường… Riêng bậc ĐH, ngoài Trường ĐH Y Dược Cần Thơ thành lập năm 2002, hiện còn có thêm ĐH Trà Vinh, ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang), ĐH Tây Đô (Cần Thơ), ĐH Nam Cần Thơ (Cần Thơ)… đào tạo nhân lực y dược. Chưa kể hàng trăm chỉ tiêu đào tạo cán bộ y tế khác thực hiện theo chế đặc thù của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ.
Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh các trường đào tạo y tế đã kéo theo hàng loạt nỗi lo về tay nghề của cán bộ y tế ở ĐBSCL. Một bác sĩ từng công tác ở Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cho biết sự hô hào thiếu về chỉ tiêu quá mức đã khiến cho đào tạo y tế ở ĐBSCL lơi lỏng. Thậm chí có năm, đầu vào đào tạo bác sĩ ở trường ngoài công lập ở ĐBSCL bằng điểm sàn. Chưa kể các trường trung cấp, cao đẳng còn dễ dãi, bát nháo hơn nhiều.
Theo vị bác sĩ này, nếu so sánh các số liệu từ trước đến nay sẽ thấy chất lượng đào tạo y tế ở ĐBSCL đang đi xuống bởi quá chú trọng số lượng và đang bị “thương mại hoá”. Bác sĩ này nói: “Nhìn các trường ngoài công lập thì thấy, học phí cao ngất, nhưng chất lượng đào tạo gần như bị thả nổi. Đội ngũ cán bộ thiếu, thiết bị cũng vậy. Rất nhiều người được huy động cho mượn bằng cấp để cho đủ mở ngành, rồi xây bệnh viện thực hành cũng chỉ làm bình phong”.
Bác sĩ này nói thêm: “Tôi khẳng định ĐBSCL có thiếu là thiếu đội ngũ y bác sĩ có chất lượng, không nên dựa vào những con số thống kê thiếu mà đào tạo bát nháo để rồi hậu quả sẽ khó lường”. Trước đó, trong cuộc họp về giáo dục ĐBSCL hồi tháng 9, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, cũng từng nói vấn đề của ĐBSCL là chính sách thu hút nhân lực y tế chứ không phải thiếu bởi khu vực này hiện có gần 10.000 y bác sĩ.
Cũng lo ngại về chất lượng đào tạo y tế ở ĐBSCL, TS-BS Đặng Quang Tâm, Giám đốc Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ, cho rằng dù nhu cầu còn rất lớn nhưng đào tạo nhân lực y tế ở ĐBSCL phải chú trọng hơn chất lượng đào tạo, đầu ra của y, bác sĩ. Ông Tâm cho biết:“Từ trước đến nay, ở ĐBSCL, chúng tôi chưa tuyển được bác sĩ nào từ trường ngoài công lập”.
Ý kiến
Chỉ đào tạo để cấp bằng rất nguy hiểm
Ngành y là một ngành đặc biệt, nên đầu vào cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng (gồm người thầy, cơ sở vật chất) rất quan trọng. Phải có một hệ thống bệnh viện, được trang bị tương đối đầy đủ, và hệ thống labo đạt chuẩn. Đầu vào phải đạt đến một ngưỡng nhất định, vì ngành này đòi hỏi cao năng lực người học, thời gian học cũng dài. Thầy phải là những người có kinh nghiệm về lâm sàng, vẫn đang thường xuyên làm việc tại các bệnh viện. Nếu mình không chú trọng đến chất lượng mà chỉ đào tạo để cấp bằng thì rất nguy hiểm đến tính mạng của người dân.
GS-TS Nguyễn Lân Việt (Chủ tịch Hội Tim mạch VN)
Lẽ ra Bộ Y tế không nên quản trường y
Phải có một kỳ thi quốc gia cho tất cả những ai muốn làm việc chuyên môn trong ngành y. Căn cứ vào kết quả kỳ thi đó, Bộ Y tế sẽ xác nhận từng cá nhân cụ thể đủ tiêu chuẩn làm việc trong ngành y tế ở cấp này, cỡ này. Các cơ quan tuyển dụng khi tuyển bác sĩ cũng chỉ được phép lấy những người đã có chứng chỉ quốc gia vào các vị trí, công việc phù hợp với thông tin ghi trong chứng chỉ. Đáng lẽ các trường y khoa không cần trực thuộc Bộ Y tế. Nhưng ở ta từ trước đến nay Bộ Y tế lại “hạ mình” để “ôm” các trường ĐH y. Vậy thì còn thi gì nữa, khi mà chính anh đã làm luôn việc đào tạo? Đây là sai lầm vĩ mô, khi các bộ quản lý luôn trường đào tạo chuyên ngành.
Nhà giáo nhân dânNguyễn Ngọc Lanh (nguyên Giáo sư Trường ĐH Y Hà Nội)