Đức cải cách giáo dục như thế nào?
Nền giáo dục danh tiếng của Đức từng bị giáng một đòn mạnh với thứ hạng thấp trong một chương trình kiểm tra quốc tế. Ngay lập tức, Đức tiến hành cải cách giáo dục toàn diện và chỉ trong hơn một thập kỷ tình hình đã được cải thiện đáng kể.
Đức cải cách giáo dục như thế nào?
Nền giáo dục danh tiếng của Đức từng bị giáng một đòn mạnh với thứ hạng thấp trong một chương trình kiểm tra quốc tế. Ngay lập tức, Đức tiến hành cải cách giáo dục toàn diện và chỉ trong hơn một thập kỷ tình hình đã được cải thiện đáng kể.
Chỉ trong hơn một thập kỷ, tình hình giáo dục Đức được thay đổi đáng kể nhờ cải cách toàn diện – Ảnh: Guardian |
Theo báo Guardian, hồi năm 2000 Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế thế giới (OECD) tiến hành chương trình PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế) ở 43 quốc gia và lãnh thổ. Học sinh Đức bị xếp hạng 21 cho môn đọc và đồng hạng 20 cho toán học và khoa học tự nhiên. Đây là kết quả đáng thất vọng cho một hệ thống giáo dục nổi tiếng vững mạnh và lâu đời.
Thế là chính quyền Berlin quyết định cải cách toàn diện và triệt để hệ thống giáo dục nước nhà. Chỉ trong hơn 10 năm triển khai, tình hình được cải thiện đáng kể. Năm 2012, trong bảng xếp hạng PISA, học sinh Đức tăng hạng đứng thứ 16 môn toán, đứng thứ 12 khoa học và 19 môn đọc.
Để có được thành tích hiệu quả như thế, người Đức đã làm gì với hệ thống giáo dục phức tạp và phân nhánh của mình?
Thay đổi cấu trúc chương trình
Bà Miyako Ikeda, nhà phân tích cao cấp PISA của OECD, cho biết thay đổi quan trọng nhất có thể đến từ cải cách cơ cấu các trường trung học.
Trong hệ thống cũ, học sinh trung học Đức buộc lựa chọn tham gia Hauptschule (trường cơ bản: là loại trường trung học cơ sở ít hàn lâm nhất và thiên về chuẩn bị cho dạy nghề) hoặc Realschule (trường thực hành: có phạm vi học thuật rộng hơn và bắt đầu từ lớp 5 hoặc lớp 6 tùy từng bang đến hết lớp 10 hay lớp 11) hay Gynasium (trường khoa học: dành cho học sinh chuẩn bị tham gia giáo dục đại học. Nếu được tuyển, học sinh được học liền một mạch từ lớp 5 hoặc lớp 6 đến lớp 12, thậm chí có cả lớp 13 tuỳ chính sách từng bang).
Cuối bậc tiểu học, giáo viên thường tổ chức các khóa định hướng cho học sinh của mình tùy theo năng lực học tập của các em. Mục đích là để học sinh tiểu học có sự lựa chọn trường trung học thích hợp cho mình.
Chính hệ thống các trường trung học định hướng này tạo sự phân tầng trong hệ thống giáo dục của Đức. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Giáo dục quyết định cần giãn độ tuổi phân loại vào các trường trung học, kết hợp cả Realschule và Hauptschule hoặc các trường kết hợp toàn diện hơn. Một số bang đóng cửa các trường trung học Hauptschule, từng bị cho là nơi dành cho học sinh yếu kém để tạo môi trường học tập công bằng và tích cực hơn.
Quan tâm đến học sinh di cư
Kết quả thấp qua kiểm tra PISA của Đức một phần xuất phát từ học sinh trong các gia đình dân di cư. Họ thường có thu nhập thấp, trẻ em có vốn ngôn ngữ hạn chế, học lực toán và khoa học cũng bị đánh giá thấp. Do vậy Đức tiến hành tập trung các biện pháp nhằm nâng cao năng lực cho bộ phận học sinh thuộc nhóm này.
Nhiều biện pháp được áp dụng, trong đó bao gồm khuyến khích gia đình di cư gửi con vào các nhà trẻ sớm để tăng cường khả năng hòa nhập ngôn ngữ, từ đó nâng cao thành tích các môn học tập khác.
Thống nhất hệ thống giáo dục không đồng bộ
Chính sách giáo dục của Đức không đồng bộ giữa các bang với nhau, mỗi bang có quan điểm riêng của mình. Vấn đề bức thiết là lập ra một quy chuẩn chung thống nhất cho toàn bộ hệ thống. Từ sau kết quả PISA năm 2000, Đức quyết định thay đổi toàn bộ sách và chương trình giảng dạy.
Phương pháp giảng dạy chú trọng tính tương tác cũng được áp dụng thay cho cách học truyền thống trước đây. Việc nâng cao chất lượng giảng dạy cũng là một chìa khoá thành công của cải cách giáo dục Đức.
Nhìn chung, quá trình để hoàn thiện hệ thống giáo dục vẫn còn ở phía trước nhưng những thay đổi tích cực hiện tại của giáo dục Đức rất đáng ghi nhận và học tập. Đây có thể coi là một ví dụ cải cách điển hình mang lại hiệu quả để các quốc gia khác có thể tham khảo, học hỏi và áp dụng.
Thay đổi quan điểm giáo dục: không mang nặng thành tích Sự thay đổi mạnh mẽ từ cải cách giáo dục Đức còn xuất phát từ cam kết miễn phí và đảm bảo chất lượng giáo dục. So với các nước có học phí khá cao như Anh, học sinh Đức hoàn toàn an tâm học tập mà không lo ngại các vấn đề khác. Ngoài ra, quan điểm giáo dục không mang nặng thành tích, không gây áp lực cho giáo viên và học sinh, theo đó giáo viên có thể phát huy khả năng sáng tạo của mình trong từng bài giảng mà không bị bó buộc bởi thành tích. Một điểm sáng của giáo dục Đức nữa là để trẻ phát triển tự nhiên, không thúc ép và bên cạnh dạy kiến thức mà những gì họ đang thực hiện là đào tạo nên một con người toàn diện. |