28/11/2024

Làm gì để chấm dứt “gia đình trị”?

Tình trạng “cả họ làm quan” gây nhiều quan ngại trong dự luận. Vì sao tình trạng “gia đình trị” xảy ra nhiều nơi và có cách nào để chấn chỉnh?

 

Làm gì để chấm dứt “gia đình trị”?

 

Tình trạng “cả họ làm quan” gây nhiều quan ngại trong dự luận. Vì sao tình trạng “gia đình trị” xảy ra nhiều nơi và có cách nào để chấn chỉnh? 


 


Ông Phạm Quốc Súy, tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của tổng công ty này vào tháng 10 - Ảnh: Trang web tổng công ty
Ông Phạm Quốc Súy, tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của tổng công ty này vào tháng 10 – Ảnh: Trang web tổng công ty

Nội dung kết luận đơn thư tố cáo của Bộ Giao thông vận tải về tình trạng “gia đình trị” tại Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam công bố tuần qua cho thấy đơn vị này có 15 người trong gia đình – họ hàng cùng làm việc, trong đó có tới 11 người giữ chức vụ.

Trước đó, báo chí đề cập câu chuyện “cả họ làm quan” tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Phổ Yên (Thái Nguyên)… gây nên nhiều quan ngại trong dư luận. Vì sao tình trạng “gia đình trị” xảy ra nhiều nơi và có cách nào để chấn chỉnh?Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến.

/>* Ông Nguyễn Đức Chính (chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị):

“Đúng quy trình” cũng dễ tạo ra sự bất bình

Tôi cho rằng việc lựa chọn cán bộ trong các cơ quan nhà nước nói chung, ví như con cháu người thân của lãnh đạo cơ quan đơn vị, địa phương đó mà đạt chất lượng tốt thì không vấn đề gì. Có vài vị trí trong các cơ quan mà Luật công chức, viên chức quy định cấm thì không được bổ nhiệm, còn lại nếu đạt chất lượng tốt thì bổ nhiệm cũng được.

Tuy nhiên, việc đưa nhiều người thân, gia đình của cán bộ lãnh đạo vào làm chung trong những tập đoàn kinh tế, cơ quan nhà nước rất dễ xảy ra tình trạng bao che những sai sót của nhau, tạo ra sự thiếu công bằng trong môi trường làm việc.

Thời gian qua, báo chí có nêu một số vụ lãnh đạo địa phương bổ nhiệm người thân vào một số vị trí quan trọng của cơ quan và các cơ quan này đều cho rằng “đúng quy trình”.

Tôi cho rằng quy trình có thể đúng, nhưng bổ nhiệm những vị trí như vậy có thể gây ra sự bất bình trong dư luận và thực tế việc xôn xao bình luận nghi ngờ trong thời gian qua như vậy ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và dư luận tại địa phương.

*** Error **** Ông NGUYỄN ANH SƠN (đại biểu Quốc hội):

Tìm cách chấm dứt 
“địa hạt khép kín”

Việc những người thân trong gia đình, họ hàng cùng làm việc trong một cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí cùng giữ những vị trí quan trọng của một cơ quan, doanh nghiệp nào đó cần nhìn ở hai trường hợp.

Với doanh nghiệp tư nhân thì chuyện đó hết sức bình thường, trong trường hợp này việc “gia đình trị” phát huy được những thế mạnh rất tự nhiên là sự chung sức chung lòng, tin tưởng lẫn nhau vì một mục 
tiêu chung, không xung đột 
lợi ích.

Nhưng với cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thì câu chuyện lại khác. Bởi lẽ trong một doanh nghiệp nhà nước tiền vốn là tiền của Nhà nước, lời thì những người lãnh đạo doanh nghiệp được hưởng, còn lỗ thì Nhà nước chịu, và lâu nay người ta vẫn cho rằng việc nắm giữ doanh nghiệp nhà nước là “miếng mồi béo bở” với không ít người.

Do đó, việc đưa người nhà vào những vị trí quan trọng rất dễ nảy sinh tình trạng thao túng doanh nghiệp, chia nhau những “miếng bánh béo bở” để cùng hưởng.

Một trong những đòi hỏi của hoạt động bộ máy nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là phải công khai, minh bạch, có sự giám sát từ nhiều phía, nếu một tổ chức, doanh nghiệp toàn những người cùng nhà thì rất khó đảm bảo nguyên tắc này.

Pháp luật về phòng chống tham nhũng của chúng ta đã có những quy định, ví dụ như người thân trong gia đình người đứng đầu một cơ quan, doanh nghiệp không được đảm nhận các chức vụ như kế toán trưởng, không được nắm vị trí tổ chức nhân sự…

Tuy vậy, các quy định này dường như chưa đủ. Về lâu dài, pháp luật cần được bổ sung, hoàn thiện hơn nữa nhằm chấm dứt tình trạng biến doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thành địa hạt riêng, khép kín của gia đình, thân tộc, tước đi cơ hội của biết bao người xứng đáng khác.

*** Error **** Ông Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM):

Không khéo là một cách
sỉ nhục người thân

Việc đưa con em vào làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế tạo thành mô hình “gia đình trị” về mặt khách quan có thể dẫn đến nhiều hậu quả cho nền kinh tế.

Chỉ đơn giản với bài toán kinh doanh, nếu không tuyển được những người giỏi và xứng tầm để làm mà những người lãnh đạo trong cơ quan lựa chọn con em mình là những người kém cỏi thì sẽ không khiến đồng vốn đó sinh lời, không thể làm lợi cho nền kinh tế, không đóng góp được cho ngân sách quốc gia mà còn trở thành gánh nặng cho ngân sách và nhân dân.

Hoặc nếu cán bộ là quan chức địa phương chỉ chăm lo vun vén cho vị trí của mình, cho những người thân trong gia đình, con cháu thì cơ quan đó khó có thể đề xuất được những chính sách tốt, không thực thi được những nhiệm vụ đối với nhân dân, địa phương đó khó phát triển được.

Trong trường hợp “gia đình trị” mà báo chí đã nêu, tôi nghĩ thật ra những người lãnh đạo ở đó đã không suy nghĩ kỹ, việc bổ nhiệm con cái, người thân vào các vị trí trong cơ quan, nâng đỡ những người thân chính là một cách “sỉ nhục” vào năng lực những người thân của mình.

Bởi nếu là người có năng lực thì bản thân người ta sẽ tự làm lấy những việc mà mình thích, chứ không dựa dẫm vào người khác để có một vị trí công việc.

“Gia đình trị” 7%

Theo kết luận nội dung tố cáo về “gia đình trị” tại Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (VMS-South) được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng ký ban hành, từ năm 2005 đến nay có 15 người có quan hệ gia đình, họ hàng với tổng giám đốc đang làm việc tại tổng công ty này.

Cụ thể trong số 8 người có quan hệ gia đình (chị ruột, cháu ruột, cậu ruột, em họ) với tổng giám đốc thì 5 người giữ các chức vụ phó tổng giám đốc, chánh văn phòng tổng công ty, giám đốc công ty, trưởng phòng kế hoạch công ty, phó phòng kế toán công ty.

Trong số 7 người có quan hệ họ hàng (cháu rể, anh rể, cháu dâu, cháu vợ) với tổng giám đốc thì 6 người giữ các chức vụ phó phòng kế toán tổng công ty, phó phòng kinh tế kế hoạch tổng công ty, giám đốc công ty, trưởng phòng kế hoạch vật tư công ty, chánh văn phòng Đảng uỷ trưởng phòng hành chính công ty.

Tính đến ngày 31-8-2015, tổng số cán bộ, lãnh đạo, quản lý của VMS-South là 155 người; số cán bộ lãnh đạo, quản lý có quan hệ gia đình với tổng giám đốc là 11 người, chiếm 7% tổng số.

Ông Hoàng Ngọc Giao                         - Ảnh: V.D.
Ông Hoàng Ngọc Giao
– Ảnh: V.D.

* TS HOÀNG NGỌC GIAO (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển):

Nguy cơ lũng đoạn quyền lực

Trong tất cả mối quan hệ, nếu có quan hệ thân quyến trong mọi lĩnh vực thì người ta đều phải có những quy tắc để chống xung đột lợi ích.

Đối với cơ quan hành pháp, quan hệ thân quyến, gia tộc thì hậu quả ai cũng có thể thấy là dễ phát sinh nguy cơ thao túng, lũng đoạn quyền lực và vụ lợi.

Ở các nước, việc tuyển viên chức, công chức có những quy định, quy tắc cụ thể để tránh tình trạng trong một bộ, một công sở mà có gia đình cùng giữ các vị trí quan trọng, đặc biệt đối với gia đình, thân tộc của người đứng đầu.

Với nước ta, vừa qua có vài ba chuyện bộc lộ trên phương tiện truyền thông, nhưng trong thực tế khi chúng tôi nghiên cứu thì xảy ra khá phổ biến.

Hãy nhìn các xã, thôn thì thấy rất rõ chuyện nhà nọ, họ kia chiếm giữ các vị trí quan trọng, rồi gây chia rẽ trong cộng đồng dân cư. Từ thôn xã nhìn lên huyện, tỉnh, thậm chí bộ, ngành cũng có những trường hợp tương tự. Không chỉ là hiện tượng gia đình, thân tộc, mà còn có hiện tượng đồng hương kéo bè kéo cánh nữa.

Nếu pháp luật của chúng ta không kịp thời điều chỉnh để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này thì bộ máy sẽ ngày càng bị lũng đoạn bởi các nhóm gia tộc như vậy.

Tôi nghĩ bộ máy của chúng ta có phần yếu, kém hiệu quả cũng có nguyên nhân từ đây. Cùng với việc thi tuyển, bổ nhiệm vẫn còn những vấn đề hạn chế, tình trạng này tạo nên sự bất bình đẳng, khiến những người dù có trình độ giỏi nhưng không có quan hệ, thân cô thế cô sẽ không có cơ hội thăng tiến trong bộ máy nhà nước.

Kỳ họp Quốc hội vừa rồi có đại biểu đặt câu hỏi tại sao 13 cháu đoạt giải trong các cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia nhận học bổng đi du học thì 12 cháu không về?

Tôi nghĩ nó có lý do ở chỗ này, nếu như những người giỏi về mà làm việc trong những cơ quan, tổ chức “gia đình trị” như vậy thì làm gì có cơ hội thăng tiến, làm sao được bổ nhiệm vị trí xứng đáng với tài năng?

Theo tôi, pháp luật về cán bộ, công chức cần được hoàn thiện, bổ sung kịp thời để chấm dứt tình trạng này. Đồng thời các quy định về công tác cán bộ của Đảng cũng cần phải bổ sung, điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu theo hướng công khai, minh bạch, thi tuyển và cạnh tranh.

Một khi người ta không phát triển, không thăng tiến bằng chính trí tuệ, chuyên môn của mình mà cứ đi tìm các mối quan hệ thân tộc, đồng hương và tiền bạc để thăng tiến thì sẽ là nguy cơ rất lớn.

LÊ KIÊN ghi

 

HOÀNG ĐIỆP – LÊ KIÊN ghi