29/11/2024

Tây nguyên có 5.800 học sinh bỏ học

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Chỉ đạo Tây nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), đến hết quý 3-2015, trong tổng số 1.185.000 học sinh phổ thông toàn vùng thì có khoảng 0,49% nghỉ học (hơn 5.800 học sinh).

 

Tây nguyên có 5.800 học sinh bỏ học

 

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Chỉ đạo Tây nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), đến hết quý 3-2015, trong tổng số 1.185.000 học sinh phổ thông toàn vùng thì có khoảng 0,49% nghỉ học (hơn 5.800 học sinh).




Em Nay Nhác (7 tuổi) do năm ngoái đã nghỉ suốt mấy tháng để đi hái cà phê nên hiện tại phải ở lại lớp 1 - Ảnh: Lĩnh Hồng
Em Nay Nhác (7 tuổi) do năm ngoái đã nghỉ suốt mấy tháng để đi hái cà phê nên hiện tại phải ở lại lớp 1 – Ảnh: Lĩnh Hồng

 

 

Lý do bỏ học của học sinh là do nhà nghèo, ở xa trường, đi lại khó khăn, học lực kém…

Bỏ học đi hái cà phê

Cuối tháng 11-2015, chúng tôi ghé lớp 1A2 Trường tiểu học Ea Sol (huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk), cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thuỳ Dương chỉ vào các chỗ trống trong lớp rồi buồn bã nói: “Hôm nay có năm học sinh nghỉ học, theo bố mẹ lên nương rẫy hái cà phê”.

Tình trạng này không phải cá biệt tại lớp học của cô giáo Thuỳ Dương. Thầy Ngô Văn Bảy – hiệu trưởng Trường tiểu học Ea Sol – cho biết vào mùa thu hoạch cà phê, mỗi ngày toàn trường có hơn 10 em nghỉ học.

Lên rẫy, chúng tôi gặp một trong số các học sinh của cô Thùy Dương nghỉ học là em Nay Nhác (7 tuổi, trú tại xã Ea Sol, huyện Ea H’Leo) đang lúi húi hái cà phê. Đây là năm thứ hai Nay Nhác học lại lớp 1, năm trước vì nghỉ học quá nhiều trong mùa cà phê nên em bị lưu ban.

Về lý do nghỉ học của con trai, chị Nay Ngăm kể: “Nhà nghèo, chồng mình phải đi làm thuê cho người ta, nên Nhác phải ở nhà làm cùng mẹ. Có hôm mình cũng đi hái cà phê thuê, Nhác phải nghỉ học theo mình vào rẫy để trông em”.

Do đi làm nên nghỉ học nhiều, không theo kịp bài vở, nhiều học sinh đã phải bỏ học. Em Cao Gia Huy (15 tuổi, học sinh Trường THCS Chu Văn An, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng) là một trong số đó.

Huy cho biết mùa cà phê năm ngoái do nghỉ học đi hái cà phê, phụ hồ kiếm tiền, không còn theo kịp lớp nên em đã bỏ ngang khi đang học lớp 9. Huy là con trưởng trong gia đình có năm người con, vì vậy “em muốn kiếm tiền cho các em không nghỉ học giữa chừng như em” – Huy giãi bày.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, năm học 2014 – 2015 toàn tỉnh có 1.913 học sinh bỏ học. Số học sinh bỏ học tập trung nhiều nhất ở bậc THPT với 1.080 em, bậc tiểu học 507 em và THCS là 326 em.

Hơn 70% học sinh bỏ học là đồng bào dân tộc thiểu số. Sở GD-ĐT Đắk Lắk cũng đưa ra sáu nguyên nhân khiến học sinh bỏ học: có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn; học lực yếu kém; nhà xa trường, đi lại khó khăn; ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh; do kỳ thị và nguyên nhân khác.

Trong nhóm nguyên nhân khác, chiếm tỉ lệ cao nhất với 49%, theo ông Trương Thức – chánh văn phòng Sở GD-ĐT Đắk Lắk, là do nghiện game online, ham chơi quên học…

Trong năm học 2014 – 2015, tỉnh Đắk Nông cũng có hơn 700 học sinh bỏ học giữa chừng, riêng bậc THPT có 290 em. Trường THPT Gia Nghĩa – ngay trung tâm thị xã Gia Nghĩa – có đến 115 học sinh bỏ học trong năm học vừa qua, chủ yếu là học sinh khối 10.

Hầu hết số học sinh bỏ học do nhà ở xa trường, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em là lao động chính trong nhà. Bên cạnh đó, không ít em có học lực yếu, không hứng thú với việc học văn hóa, ham chơi, nghiện game…

Lập “ban chống lưu ban, bỏ học”

Để giảm tình trạng học sinh bỏ học, thầy Ngô Văn Bảy cho biết nhà trường phải cử các thầy cô giáo đến từng gia đình vận động phụ huynh cho con em tới lớp.

“Để giúp học sinh lấy lại kiến thức, các giáo viên luôn sẵn sàng dạy phụ đạo thêm cho các em để đủ điều kiện lên lớp. Với những học sinh thường xuyên trốn học đi mót cà phê kiếm tiền chơi game, các giáo viên chủ nhiệm sẽ quản lý chặt chẽ hơn” – thầy Bảy nói thêm.

Ông Trương Thức cho biết sở luôn đảm bảo “ba đủ” (đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở) để học sinh yên tâm đến trường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thịnh – trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lắk (Đắk Lắk) – cho biết phòng đã có quyết định thành lập “ban chống lưu ban, bỏ học” cho năm học 2015 – 2016, vì huyện có gần 300 học sinh bỏ học mỗi năm, phần lớn do lưu ban rồi chán nản chuyện học.

Ông Thịnh cũng nói ban này được thành lập mỗi năm một lần, đã ba năm nay, với nhiệm vụ trọng tâm là duy trì sĩ số, chống lưu ban, bỏ học.

Theo ông Thịnh, ban sẽ kết hợp với giáo viên, nhà trường, hội phụ huynh, trưởng thôn… nắm vững số lượng, địa chỉ và lý do học sinh nghỉ học, để đến tận nơi vận động học sinh tiếp tục tới trường, tổ chức thường xuyên các buổi dạy phụ đạo cho học sinh học lực yếu.

“Huyện Lắk mỗi năm có khoảng 15.000 học sinh theo học tại các trường. Từ khi thành lập ban chống lưu ban, bỏ học vào năm 2013 đến nay, số học sinh bỏ học trên địa bàn huyện Lắk đã giảm từ 2% xuống còn 0,75%” – ông Thịnh nói.

Không nên “lý tưởng hóa” tỉ lệ học sinh đến trường

Nói về việc hàng ngàn học sinh bỏ học mỗi năm, lãnh đạo ngành giáo dục các tỉnh, Ban Chỉ đạo Tây nguyên cho rằng không nên “lý tưởng hoá” tỉ lệ học sinh đến trường. Ông Nguyễn Văn Hoà – phó giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông – cho rằng tổng số học sinh bỏ học của tỉnh Đắk Nông năm vừa qua là cao nhưng không đến mức báo động, những năm trước tỉ lệ bỏ học còn cao hơn.

Ngoài ra, có tình trạng học sinh sau khi vào học lớp 10 được vài tháng thì nghỉ học để đi học các trường trung cấp nghề (có dạy song song chương trình văn hoá), vì vậy tỉ lệ bỏ học ở cấp THPT cao.

“Ngành giáo dục địa phương rất tích cực trong việc ngăn chặn học sinh bỏ học từ cấp THCS trở xuống, vì các em còn quá nhỏ. Với những em đã lớn, nếu học không được thì chuyển sang học nghề, lao động nông nghiệp cũng là điều bình thường” – ông Hoà nói.

Ông Trương Thức cũng cho rằng nếu học sinh không học được thì nên cho các em nghỉ để đi làm nghề khác.

“Có em thích làm kỹ sư, bác sĩ nhưng có em lại thích cuốc đất, may vá, sửa xe… thì cần tôn trọng các em. Nếu cứ vì thành tích, bắt các em đi học cũng chẳng có hiệu quả gì. Dĩ nhiên, nếu tỉ lệ học sinh bỏ học năm nào đó quá cao, biến động thì phải có giải pháp để ngăn chặn” – ông Thức nêu ý kiến.

Một lãnh đạo Vụ văn hóa – xã hội Ban chỉ đạo Tây nguyên nêu suy nghĩ: “Không học văn hóa được thì kiếm nghề khác làm theo năng lực, sở thích cũng là việc bình thường”.

Bị “cò” dụ dỗ bỏ học, đi làm ăn xa

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2014 và 10 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có hơn 400 học sinh độ tuổi 9 – 15 bỏ học đi làm ăn xa. Theo gia đình các em, nhiều người từ xa đến dụ dỗ các em đi làm ăn xa để kiếm được nhiều tiền.

NHÓM PV – CTV TÂY NGUYÊN