Không nên ăn thực phẩm để lâu trong tủ lạnh
Nhiều người có thói quen bảo quản thực phẩm đã nấu chín trong tủ lạnh và ăn dần sau đó. Tuy nhiên, theo ThS. BS Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng quốc gia, thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh sẽ có nguy cơ bị mất chất, biến chất hay nhiễm khuẩn.
Không nên ăn thực phẩm để lâu trong tủ lạnh
Nhiều người có thói quen bảo quản thực phẩm đã nấu chín trong tủ lạnh và ăn dần sau đó. Tuy nhiên, theo ThS. BS Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng quốc gia, thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh sẽ có nguy cơ bị mất chất, biến chất hay nhiễm khuẩn.
Thức ăn cần được để trong hộp hoặc bọc kín tránh gây mùi, nhiễm khuẩn trong tủ lạnh – Ảnh: Quang Thế |
Trước tin đồn thức ăn để lâu trong tủ lạnh có thể gây ra bệnh ung thư, bà Hải khẳng định cần có nghiên cứu khoa học cụ thể.
Sử dụng tủ lạnh cho hợp lý
Bà Hải khuyến cáo nguyên tắc sử dụng tủ lạnh là phải vệ sinh thường xuyên; không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín; thức ăn cần được bảo quản trong hộp kín, bọc màng nilông để tránh mùi, tránh nhiễm khuẩn sang những loại thức ăn khác trong tủ lạnh; chỉ bảo quản những thực phẩm tươi (tránh đồ ôi, thiu).
Lưu ý: thịt, cá tươi, sống phải để ở ngăn đá, chia nhỏ theo bữa ăn cho tiện sử dụng và chỉ sử dụng trong khoảng một tháng; thực phẩm ở ngăn mát nên dùng tốt nhất trong vòng một tuần; đối với đồ ăn chín nên nấu lại trước khi ăn; để thức ăn nguội mới đưa vào tủ…
Ngoài ra, không chèn, nhét quá nhiều thức ăn khiến tủ lạnh bị quá tải, không lưu thông được không khí làm độ lạnh kém, dẫn đến việc bảo quản thức ăn bị ảnh hưởng; tủ lạnh cần được hoạt động liên tục, tránh việc cắm – rút thường xuyên không đảm bảo nhiệt độ bảo quản trong tủ.
Nitrit làm tăng nguy cơ ung thư
Gần đây, trên những trang mạng đưa tin về câu chuyện của một phụ nữ người Đài Loan bị ung thư dạ dày do thường xuyên ăn thức ăn để trong tủ lạnh trong suốt mười năm.
Theo đó, một năm sau khi phát hiện bệnh, người phụ nữ bị giảm cân rất nhanh, từ 60kg xuống còn 28kg. Trải qua tám đợt hoá trị và phẫu thuật cắt bỏ dạ dày nhưng bệnh tình vẫn không được kiểm soát và bệnh nhân này đã tử vong.
Nguyên nhân được đề cập là do thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh đã sinh ra nitrit và khi hấp thụ chất này lâu ngày sẽ gây ra bệnh ung thư.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nitrit có trong rau củ quả hiện nay là do quá trình phun thuốc trừ sâu có hàm lượng nitrit cao; còn với thịt cá là từ những chất bảo quản giúp thịt cá tươi ngon. Khi vào cơ thể, nitrit tác động với các acid amin có trong dạ dày tạo thành nitrosamine (tiền chất gây ung thư).
Tủ lạnh là phát minh của nhân loại với mục đích là bảo quản thức ăn, hạn chế quá trình tự phân hủy của thức ăn, nên nếu nói ăn thức ăn để trong tủ lạnh lâu ngày dẫn đến bệnh ung thư là thiếu cơ sở khoa học, cần những đánh giá, nghiên cứu cụ thể để không gây hoang mang cho người sử dụng.
Nói về nitrit, ThS.BS Phạm Thị Việt Hương, Bệnh viện K T.Ư, cho biết nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nitrit là thủ phạm làm gia tăng khả năng mắc một số bệnh ung thư đường tiêu hoá nếu ai đó hấp thụ liên tục trong thời gian dài. Còn nếu hấp thụ nitrit ở hàm lượng cao hơn mức cho phép thì có thể gây ra ngộ độc cấp tính. Nitrit xuất hiện nhiều trong xúc xích, thịt hun khói, cà muối…
TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, phân tích: mọi loại protein khi bị vi sinh phân huỷ đều sản sinh ra những độc chất có hại, tạo mùi hôi thối như: nitrit, amoniac… Nếu hấp thụ nitrit quá nhiều tại một thời điểm có thể gây ngộ độc cấp tính, nếu hấp thụ hàm lượng nitrit vượt ngưỡng cho phép liên tục, lâu dài có thể gây những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người sử dụng.
Nhiều người cứ tưởng thức ăn để trong tủ lạnh là an toàn nhưng không phải, vì ở nhiệt độ của tủ lạnh, vi sinh vật chỉ bị ức chế (hoạt động chậm) chứ không chết, thức ăn thực chất vẫn bị phân huỷ nhưng với tốc độ chậm hơn so với môi trường bên ngoài. Nếu để thức ăn trong tủ lạnh quá lâu vẫn có thể gây ra nguy cơ ngộ độc, về lâu dài có thể gây ra các ảnh hưởng khác đối với sức khoẻ người sử dụng.
Bà Hảo cho biết thêm: hiện nay ta không cấm mà vẫn cho phép có nitrit trong thực phẩm, nhưng tuỳ từng loại thực phẩm cần hạn chế hàm lượng phù hợp để không gây ảnh hưởng tới người dùng.
“Tủ lạnh là phát minh của nhân loại với mục đích là bảo quản thức ăn, hạn chế quá trình tự phân huỷ của thức ăn, nên nếu nói ăn thức ăn để trong tủ lạnh lâu ngày dẫn đến bệnh ung thư là thiếu cơ sở khoa học, cần những đánh giá, nghiên cứu cụ thể để không gây hoang mang cho người sử dụng |
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh |