10/01/2025

Bức xúc vì dân nhặt từng đồng, tham nhũng ‘đốt’ ngàn tỉ

Câu chuyện tham nhũng, lãng phí tiếp tục được các đại biểu đề cập với một thái độ rất bức xúc khi Quốc hội bước sang ngày thứ 2 thảo luận tại hội trường về kinh tế – xã hội vào hôm qua 26.5. Câu chuyện tham nhũng, lãng phí tiếp tục được các đại biểu đề cập với một thái độ rất bức xúc khi Quốc hội bước sang ngày thứ 2 thảo luận tại hội trường về kinh tế – xã hội vào hôm qua 26.5.

 

Bức xúc vì dân nhặt từng đồng, tham nhũng ‘đốt’ ngàn tỉ

Câu chuyện tham nhũng, lãng phí tiếp tục được các đại biểu đề cập với một thái độ rất bức xúc khi Quốc hội bước sang ngày thứ 2 thảo luận tại hội trường về kinh tế – xã hội vào hôm qua 26.5.

 
 
 
ĐB Phan Thị Mỹ Dung phát biểu thảo luận  /// Ảnh: Ngọc Thắng

ĐB Phan Thị Mỹ Dung phát biểu thảo luận  ẢNH: NGỌC THẮNG

 
Với tinh thần “đi thẳng vào vấn đề”, đại biểu (ĐB) Phan Thị Mỹ Dung (Long An) nói “thật đau xót trước những vụ án tham nhũng, những sai phạm trong quản lý điều hành của cán bộ nhà nước với số tiền thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng”.
 
“Cử tri đã so sánh, đa phần người nông dân một nắng hai sương góp nhặt từng vài ngàn, vài chục ngàn. Do đó, khi nghe đến những vụ án tham nhũng nghìn tỉ, những dự án đầu tư chục nghìn tỉ đồng để rồi đắp chiếu, hỏi làm sao người dân không chua xót, bức xúc cho được”, nữ ĐB bày tỏ.
 
Tham nhũng do xử lý chưa mạnh
Cũng nhắc tới các dự án ngàn tỉ đắp chiếu, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng “nhân dân và cử tri rất mong chờ có sự chuyển biến nhanh chóng trong vấn đề này”. Tuy nhiên, theo ĐB Nhưỡng, cũng phải kiên quyết xử lý các cán bộ thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong sử dụng vốn, xử lý sai phạm trong công tác cán bộ. Đồng quan điểm, ĐB Mỹ Dung cho rằng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, chưa bị đẩy lùi là có nguyên do của việc xử lý các đối tượng tham nhũng chưa đủ sức răn đe, nhất là đối với một số vụ việc kéo dài chưa nghiêm, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước và cho nhân dân.
 

Giải trình trước Quốc hội (QH) liên quan đến 12 dự án còn tồn tại, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã triển khai những công việc cơ bản nhất là nghiên cứu, đánh giá toàn bộ lại 12 dự án này những tồn đọng, vi phạm, sai phạm. Theo đó, mục tiêu là hết năm nay sẽ xử lý cơ bản xong những vấn đề tồn tại lớn của 12 dự án và đến năm 2020 giải quyết tồn đọng của tất cả dự án, đồng thời có những biện pháp, giải pháp để ngăn chặn việc hình thành hoặc xuất hiện những dự án khác trong tương lai.

 
Bộ trưởng Công thương cho biết, trong số 12 dự án có 6 dự án đã dừng sản xuất hoặc sản xuất kinh doanh không có hiệu quả. “Đến nay, trong 6 dự án đã dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh và thua lỗ thì có 2 dự án hoạt động sản xuất kinh doanh đã khôi phục và có lãi, mặc dù lãi còn ở mức khiêm tốn nhưng đã bắt đầu tham gia lại thị trường và hoạt động có hiệu quả. Đó là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 của Hải Phòng và dự án Nhà máy thép Việt Trung. Đặc biệt, dự án thép Việt Trung về cơ bản trong một thời gian ngắn nữa có thể xin phép đưa ra khỏi 12 dự án này vì đã hoạt động trở lại bình thường và đã khắc phục được những tồn tại cơ bản, cả về điều lệ, cả về mặt pháp lý cũng như quản trị của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Công thương nói.
 
Về xử lý những sai phạm, vi phạm của các cá nhân và tổ chức liên quan đến dự án, người đứng đầu ngành công thương nói: “Cơ bản bước đầu đã chỉ ra rõ những sai phạm của các cá nhân và tổ chức ở mức độ khác nhau và đang tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt là những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự và có dấu hiệu cố ý làm trái đã có những xử lý bước đầu với một số cá nhân, tổ chức”.
 
Chính phủ xin trả nợ 22.000 tỉ nợ BHXH
Chiều 26.5, QH thảo luận về nghị quyết xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 và dự toán NSNN năm 2018 – 2020, trong đó đáng chú ý là việc xử lý nghĩa vụ hơn 22.000 tỉ đồng của NSNN với quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), liên quan đến khoản đóng góp BHXH cho người lao động làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1.1.1995.
 
Theo đó, Chính phủ dự kiến phát hành trái phiếu chính phủ nhận nợ với quỹ BHXH trong 3 năm: năm 2018 khoảng 6.000 tỉ đồng, năm 2019 khoảng 7.000 tỉ đồng và năm 2020 khoảng 9.090 tỉ đồng; đồng thời, NSNN sẽ tính và trả lãi phát sinh đối với khoản nợ trên từ 1.1.2016 – là thời điểm xác nhận nghĩa vụ của NSNN đối với quỹ. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc phát hành trái phiếu để trả nợ sẽ không làm tăng bội chi NSNN và vẫn đảm bảo cân đối NSNN, an toàn nợ công giai đoạn 2018 – 2020; ngân sách T.Ư tăng chi trả nợ lãi trong 2 năm 2019 – 2020 khoảng 1.300 tỉ đồng; nợ công giai đoạn 2018 – 2020 tăng thêm khoảng 0,4% GDP.
 
ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng đây không phải khoản tiền của quỹ BHXH hay của công đoàn, mà là quyền lợi của công nhân viên chức nhà nước trước 1995, là nghĩa vụ của Chính phủ với tư cách là người đại diện cho nhà nước, phải chuyển trả cho người lao động. Nhìn nhận phương án chia ra 3 lần phát hành trái phiếu là đã được tính toán kỹ lưỡng, nhưng ĐB đề nghị Chính phủ trả lãi khoản tiền này từ năm 2006, là năm luật BHXH có hiệu lực, chứ không phải năm 2016.
 
Giải trình trước QH về việc này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lý giải Chính phủ xin chỉ tính lãi từ 2016, mà không tính từ 2006 đến 2015 “một phần vì trong giai đoạn vừa qua ngân sách có khó khăn, nếu chúng ta vẫn bố trí cả thì vẫn được, nhưng chúng ta lại ưu tiên cho các mục tiêu khác, nhất là đầu tư, chi về an sinh xã hội”.
 
“Nhiệm kỳ từ năm 1995 đến giờ hơn 20 năm rồi, nhưng hôm nay Chính phủ cũng báo cáo QH nội dung này, chúng tôi cho rằng Chính phủ nghiêm túc và đàng hoàng. Với tinh thần đó, xin QH thống nhất việc chúng ta nhận lãi từ 2016”, Bộ trưởng Dũng cho biết. Theo Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, sau phiên thảo luận này, Uỷ ban Thường vụ QH sẽ có báo cáo giải trình, tiếp thu trước QH để QH quyết định.
 
Tranh luận về xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương
Một nội dung gây nhiều tranh luận khác là câu chuyện phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương đang diễn ra ở Hoà Bình. Cho rằng “bác sĩ Hoàng Công Lương có thể vô tội”, ĐB Bùi Sỹ Lợi đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế “nên nói thêm vấn đề này” vì “nếu kết tội bác sĩ Lương sẽ ảnh hưởng đến ngành y tế”.
 

Tuy nhiên, khi người đứng đầu ngành y chưa lên tiếng thì Phó đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, trong khi tòa chưa luận tội mà nhiều ý kiến ĐB có đánh giá và kết luận là có dấu hiệu oan sai “là rất cảm tính và không thực sự thích hợp”.

 
Phát biểu này lập tức kéo 2 ĐB ngành y vào tranh luận. ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nói không chỉ nhân viên trong ngành mà cử tri cả nước rất quan tâm đến sự minh bạch, khách quan, công tâm của phiên xử. “Chúng ta không thể xử một người về trách nhiệm khi họ không được giao trách nhiệm. Không thể quy tội một người thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi họ thực hiện quy trình mà quy trình đó đúng ra vừa có vào tháng 4.2018”, vị ĐB là giáo sư ngành y bày tỏ.
 
Trong khi đó, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nhấn mạnh các ý kiến của ĐB cần được tôn trọng chứ không phải là vấn đề định hướng cho tòa. Dẫn lại vụ việc VN Pharma đang được toà cấp cao xem lại, theo ĐB Lan, toà cũng có thể có những sai lầm hoặc chưa lắng nghe được ý kiến của tất cả các bên. “Chúng tôi cũng chỉ muốn làm sao để đánh giá đúng người, đúng tội”, bà Lan nói.
 
Tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh phương án thuế tài sản
Giải trình trước QH sáng 26.5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nói về việc điều chỉnh một số chính sách thuế đang gây tranh cãi. Theo đó, ông Dũng cho biết tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, người dân, chuyên gia, các cơ quan… thuế giá trị gia tăng sẽ được giữ phổ thông ở mức 10%, không nâng lên 11 – 12% như dự thảo ban đầu; kết cấu lại các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế 0%, 5%, đảm bảo công bằng, hạn chế các chính sách an sinh xã hội được lồng ghép trong chính sách thuế làm mất tính trung lập của thuế.
 
Về thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu theo hướng mở rộng đối tượng, mở rộng cơ sở thu thuế, điều chỉnh mức thuế hợp lý, phù hợp với nhu cầu bảo vệ môi trường và định hướng tiêu dùng trong tình hình mới.
 
Về thuế tài sản, Bộ trưởng Dũng nói: “Sẽ nghiên cứu theo hướng tạo công bằng xã hội, trên cơ sở quản lý xã hội, định hướng thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch tài sản, đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng; mục tiêu tăng thu ngân sách là mục tiêu thứ yếu”.

CHÍ HIẾU – VŨ HÂN