Không thể duy trì bao cấp hành chính
“Nếu tất cả dịch vụ hành chính mà Nhà nước đều bao cấp thì vừa tốn ngân sách và quan trọng nhất là không thể đảm bảo quyền dân chủ trong tất cả các hoạt động”.
Không thể duy trì bao cấp hành chính
“Nếu tất cả dịch vụ hành chính mà Nhà nước đều bao cấp thì vừa tốn ngân sách và quan trọng nhất là không thể đảm bảo quyền dân chủ trong tất cả các hoạt động”.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: “Nếu thí điểm mà giảm được biên chế thì làm, còn bỏ tiền nhà nước ra làm thí điểm nữa thì không được” – Ảnh: Việt Dũng |
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nói như vậy khi đề nghị Quốc hội ra nghị quyết mở rộng phạm vi thực hiện thừa phát lại trong cả nước, sau quá trình thí điểm tại 13 tỉnh, thành phố thời gian qua.
Đa số ý kiến đại biểu đều đồng ý áp dụng thừa phát lại trong cả nước với hình thức là một tổ chức dịch vụ xã hội hóa, khi thảo luận về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại của Quốc hội và dự thảo nghị quyết về thực hiện chế định thừa phát lại sáng 20-11.
Giải thích cho quan điểm này, trung tướng Trần Văn Độ – nguyên phó chánh án Toà án nhân dân tối cao, nguyên chánh án Toà án quân sự trung ương – cho rằng mô hình thừa phát lại không phải là chuyện quá mới mẻ.
Ở miền Bắc trước năm 1950 và ở miền Nam trước năm 1975 từng có thừa phát lại, nhưng vì quan điểm xây dựng XHCN theo mô hình Xô viết nên chúng ta ngừng áp dụng.
“Tinh thần của một nhà nước hiện đại là điều người dân làm được thì Nhà nước không nên làm, vừa đảm bảo hiệu quả và giảm chi phí xã hội” – tướng Độ nói.
Tướng Độ đưa ra dẫn chứng trước đây khi thí điểm văn phòng công chứng tư, có nhiều ý kiến phản đối nhưng thực tế hiện nay công chứng tư ngày càng phát triển, thuận tiện cho người dân và giảm kinh phí cho xã hội.
Trước khi đại biểu Trần Văn Độ phát biểu, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng: “Nếu thí điểm mà giảm được biên chế thì làm, còn bỏ tiền nhà nước ra làm thí điểm nữa thì không được”.
Gút ý kiến, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói ông đồng ý cho triển khai tiếp nhưng không bỏ tiền nhà nước ra thí điểm. Phản biện ý kiến đại biểu Thuyền, tướng Trần Văn Độ cho rằng vấn đề không phải tiền mà là hiệu quả.
Đồng ý quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng đồng ý khi cho rằng có thể tốn tiền trong thời gian đầu nhưng khi áp dụng rộng rãi, hiệu quả thì đó lại là tiết kiệm chi phí.
Minh chứng cho điều này, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM, cho biết: “Nhiều khi tống đạt qua bưu điện, đương sự không tới, chúng tôi phải hoãn phiên toà, rất tốn kém và mất thời gian”.
Ông Ánh cũng nêu thực tế là thư ký toà đi tống đạt đến đương sự thì nhiều lúc phải có cả chính quyền địa phương, rất phiền hà rắc rối mà không đảm bảo tống đạt thành công. “Như vậy tưởng rằng tự toà án tống đạt là tiết kiệm, nhưng thực tế thì tốn kém hơn rất nhiều lần” – ông Ánh nói.
Ngoài hai nội dung đã thí điểm thời gian qua là tống đạt và lập vi bằng, đa số đại biểu đồng ý việc thí điểm thêm chức năng thẩm tra khả năng thi hành án dân sự với thừa phát lại.
Tuy nhiên, hầu hết đại biểu đều phản đối chức năng mở rộng thứ tư của thừa phát lại là cưỡng chế thi hành án dân sự.
Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP.HCM) cho rằng cưỡng chế là quyền lực đặc biệt của Nhà nước. Văn phòng thừa phát lại chỉ là công ty mà huy động người để cưỡng chế là trái pháp luật, vi phạm quyền con người. “Nếu người bị cưỡng chế mà nhảy lầu tự tử thì ai sẽ chịu trách nhiệm?” – ông Lập đặt tình huống.
Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch ủng hộ không giao quyền cưỡng chế cho thừa phát lại nhưng nên cho thừa phát lại tham gia hoạt động cưỡng chế của cơ quan nhà nước.
Theo ông Lịch, thừa phát lại sẽ có chức năng thuyết phục hoà giải trong trường hợp này, có thể đối tượng bị cưỡng chế đồng ý chấp hành án và không cần cưỡng chế nữa.
Thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND Trong sáng 20-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và biểu quyết ba vấn đề riêng của luật gồm: các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, quy định việc giải trình của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các hoạt động giám sát của HĐND. Theo dự thảo, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; HĐND, thường trực HĐND, các ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát. Ngày 20-11, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật tín ngưỡng tôn giáo. Đại biểu, hoà thượng Thích Chơn Thiện (Thừa Thiên – Huế) cho rằng nên tách ra thành hai đạo luật là Luật tín ngưỡng và Luật tôn giáo vì đây là hai phạm trù khác nhau. Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) cũng bày tỏ mong muốn có đạo luật riêng về tín ngưỡng, trong đó dành nhiều quy định về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc VN vì “đây là một tín ngưỡng rất quan trọng của người Việt” – ông Lai nói. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) nói qua nghiên cứu thấy dự thảo luật đang nghiêng về các biện pháp quản lý hơn là các biện pháp đảm bảo quyền. Đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam) cũng bày tỏ quan điểm dự thảo luật có nhiều nội dung về quản lý nhà nước quy định can thiệp vào vấn đề nội bộ của tôn giáo là không cần thiết. Dự thảo luật này sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét tại kỳ họp tiếp theo. |