03/01/2025

Bệnh viện xây chậm, ai chịu trách nhiệm?

Bệnh viện quá tải nhưng các dự án bệnh viện lớn tại Hà Nội và TP.HCM thi công ì ạch, lãng phí nguồn lực. Điều đáng nói là có vốn đầy đủ và nguồn đất sạch, nhưng việc xây dựng vẫn chậm do năng lực tổ chức

 

Bệnh viện xây chậm, ai chịu trách nhiệm?

Bệnh viện quá tải nhưng các dự án bệnh viện lớn tại Hà Nội và TP.HCM thi công ì ạch, lãng phí nguồn lực. Điều đáng nói là có vốn đầy đủ và nguồn đất sạch, nhưng việc xây dựng vẫn chậm do năng lực tổ chức


Bệnh viện xây chậm, ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đang được xây dựng tại xã Liêm Tuyền, TP Phủ Lý, Hà Nam – Ảnh: NAM TRẦN

Khởi công cuối năm 2014 với dự kiến ban đầu hoàn thành tháng 12-2017 với số vốn 4.900 tỉ đồng/bệnh viện, nhưng đến nay cơ sở 2 của hai bệnh viện lớn vào loại nhất nước là Việt Đức và Bạch Mai cùng được xây dựng tại tỉnh Hà Nam vẫn đang bộn bề, ngổn ngang và chưa thể xác định ngày hoàn thành.

Ông Trần Bình Giang, giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho hay dự án xây dựng Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 do ban quản lý dự án chuyên ngành Bộ Y tế phụ trách, bệnh viện là đơn vị thụ hưởng.

Hiện Bệnh viện Việt Đức có 1.500 giường bệnh nhưng thường xuyên có 1.800 – 1.900 bệnh nhân nội trú. Để chuẩn bị cho hoạt động của bệnh viện mới, Việt Đức đã tuyển dụng để đào tạo 38 bác sĩ, đồng thời luôn sẵn sàng đưa 1/3 số bác sĩ đã lành nghề về làm việc thường xuyên ở bệnh viện mới. 

Trong khi nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao để sản xuất, đầu tư xây dựng thì một nguồn lực lớn của xã hội được động viên vào ngân sách thông qua chính sách về thuế, phí được phân bổ cho các bộ ngành, lại không được giải ngân. Rõ ràng chi phí cơ hội kinh tế, một nguồn lực xã hội quan trọng đang bị lãng phí

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (ĐH Fulbright VN)

Tuy nhiên thời gian trôi đi, bệnh viện mới chưa hoàn thành, các bác sĩ mới tuyển dụng vì vậy chưa có nhiều đất “dụng võ”.

 

Bệnh viện Bạch Mai cũng thường xuyên quá tải và đang sẵn sàng tiếp nhận bệnh viện mới để giãn bớt bệnh nhân. 

“Chúng tôi đã có phương án nếu bệnh viện mới hoàn thành thì bệnh viện sẽ dành trước 1/3 nhân lực cho cơ sở mới, nhưng đến giờ chúng tôi chưa biết khi nào bệnh viện mới sẽ xong” – ông Dương Đức Hùng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ.

Bệnh viện xây chậm, ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 3.

Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đang được xây dựng tại xã Liêm Tuyền,TP Phủ Lý, Hà Nam – Ảnh: NAM TRẦN

 

Tại TP.HCM, ý tưởng xây dựng bệnh viện chuyên khoa hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á nhưng đến nay dự án Bệnh viện Ung bướu 2 (Q.9) vẫn chưa thể hoàn thành sau nhiều lần hứa hẹn và lỡ hẹn.

Dự án (10 tầng lầu, 2 tầng hầm, 1.000 giường bệnh) được UBND TP.HCM phê duyệt, dự kiến khởi công tháng 4-2015. 

Tuy nhiên, kế hoạch khởi công bị hoãn hai lần ở “phút 89” trong hai năm liên tiếp 2015 và 2016 liên quan đến việc khiếu nại của các nhà thầu tham gia đấu thầu dự án và phải đến ngày 26-6-2016 mới triển khai.

Ngày 21-3-2018, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu có văn bản gửi các sở Y tế, Kế hoạch và đầu tư, Xây dựng, Tài chính và Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế chấp thuận điều chỉnh thời gian thực hiện dự án Bệnh viện Ung bướu 2 đến hết năm 2019. 

Bà Thu yêu cầu Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan làm chậm tiến độ dự án.

 

Bệnh viện xây chậm, ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 4.

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đang được xây dựng ở Q.9, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Theo nhà thầu, có nhiều lý do khiến dự án chậm tiến độ. Cụ thể, việc thi công phải ngừng lại để chờ điều chỉnh nhiều hạng mục gồm ranh đất, kéo theo chậm thời gian thi công các hạng mục phụ như hàng rào, vỉa hè, hạ tầng, cảnh quan và các đường xung quanh. 

Chưa hết, dự án được mở rộng thêm 2,7ha làm thay đổi lưu lượng thoát nước nên cũng phải dừng thi công chờ điều chỉnh. 

Mặt khác, dự án bệnh viện này là dự án cấp 1, có sân đậu trực thăng chưa từng thi công tại Việt Nam là một thách thức đối với tất cả các bên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Xuân Dũng – giám đốc Bệnh viện Ung bướu – cho biết dự kiến tháng 2-2019 Bệnh viện Ung bướu 2 sẽ đi vào hoạt động.

Bệnh viện xây chậm, ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 5.

Đồ hoạ: T.ĐẠT

 

Yêu cầu Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm

Bệnh viện xây chậm, ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 6.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ – Ảnh: VIỆT DŨNG

 

Ngày 24-5, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với 3 bộ có tiến độ giải ngân chậm nhất cả nước là Y tế, VH-TT&DL và GD-ĐT, trong đó chủ yếu với các dự án xây dựng bệnh viện của Bộ Y tế. 

Ông Huệ cho biết số vốn đầu tư công trung hạn bố trí cho Bộ Y tế được giao là 32.000 tỉ đồng nhưng tiến độ giải ngân cho các dự án ngành y tế quá chậm. 

Đến hết tháng 4, tỉ lệ vốn mới được giải ngân chỉ đạt 1,3% tổng vốn được giao. Không chỉ năm nay mà năm 2016, Bộ Y tế cũng chỉ tiêu được 81% và năm 2017 được 54,7%. 

Đặc biệt, trong năm nay, tỉ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của bộ này gần như bằng 0, tức là chưa tiêu được đồng nào.

Nhu cầu khám chữa bệnh rất lớn nên bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Người bệnh thì khổ sở. Nên Nhà nước tập trung toàn lực vào đây. Đất thì được giao đất sạch. Tiền thì có sẵn thế mà không tiêu được. Nếu rơi vào tay tư nhân, chắc chắn 2 bệnh viện này xong lâu rồi

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ

Ông Huệ lo ngại tiến độ triển khai Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam sẽ rơi vào danh sách như 12 dự án “đắp chiếu” của ngành công thương. 

Hai bệnh viện này sau 3 năm triển khai mới chỉ xong phần thô, đã dừng thi công 18 tháng nay mà không hiểu nguyên nhân tại sao. Đây là điển hình yếu kém trong đầu tư xây dựng, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Ngoài 2 dự án bệnh viện trên, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết Bộ Y tế còn 8 dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, trong đó có 3 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư là Bệnh viện Nhi cơ sở 2, Bệnh viện Phụ sản trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K. Nếu ngày 31-10 mà Bộ Y tế chưa phê duyệt xong chủ trương đầu tư cho 3 dự án trên thì bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng cắt vốn của 3 dự án này.

Về giao vốn, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết đây là 2 dự án cấp thiết, quan trọng nên đã giao 3.200 tỉ đồng. 

Ngoài nguồn vốn, dự án đều không có vướng mắc gì trong giải phóng mặt bằng vì đều được giao đất sạch.

Theo ông Huệ, nguyên nhân chính khiến giải ngân chậm cho 2 dự án bệnh viện này là do khâu tổ chức thực hiện của Bộ Y tế. 

Để chấn chỉnh tình trạng này, ông yêu cầu Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm, xác định rõ các nguyên nhân chủ quan thuộc về các bộ, xác định trách nhiệm của bộ trưởng, người đứng đầu ở các cấp, các cơ quan, tổ chức liên quan khi để giao vốn và giải ngân vốn đầu tư chậm, làm lãng phí nguồn lực đầu tư công, giảm hiệu quả đầu tư công, không đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển y tế.

Ông cũng giao Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT phải tiến hành thanh tra, kiểm tra ngay 2 dự án bệnh viện này để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Liên quan việc sử dụng vốn đầu tư công của 2 dự án bệnh viện nêu trên thiếu hiệu quả, tại cuộc họp báo về kỷ luật, kỷ cương ngân sách được Bộ Tài chính tổ chức chiều 25-5, Tuổi Trẻ đã đặt câu hỏi làm thế nào để ngăn chặn tình trạng có tiền mà không tiêu được, gây lãng phí vốn đầu tư công. 

Ông Võ Thành Hưng, vụ trưởng Vụ ngân sách nhà nước, trả lời tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm làm ảnh hưởng đến bản thân các dự án, giải ngân chậm khiến dự án bị đội vốn so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Lỗi tại ai?

Bộ Y tế: Do… Luật xây dựng!


lt

Ông Phạm Lê Tuấn

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một nguyên lãnh đạo của ban quản lý dự án chuyên ngành Bộ Y tế đổ lỗi bệnh viện chậm tiến độ do… Luật xây dựng 2014.

Ông này cho rằng thời điểm mới khởi công Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2, ban quản lý vẫn áp dụng quy chế cũ, giám đốc dự án có thể ký phê duyệt các thủ tục, nhưng luật mới yêu cầu những công trình như thế này do bộ trưởng phê duyệt thiết kế, dự toán phải được Bộ Xây dựng thẩm tra.

“Những người đang làm hiện nay không có thực quyền, mỗi lần làm gì phải đi xin mà mỗi lần xin mất nhiều thời gian” – vị này than.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng chia sẻ một trong những căn nguyên khiến tiến độ chậm là do những yêu cầu mới trong Luật xây dựng.

Ông Tuấn cho biết đã giao ông Nguyễn Nam Liên, vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính Bộ Y tế, trả lời báo chí.

Tuy nhiên, ông Liên cho hay ông còn phải trao đổi với ban quản lý dự án chuyên ngành trước khi trả lời để có thông tin chính xác.

Ngày 24-5, tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, thừa nhận trách nhiệm trong việc triển khai hai dự án trên, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn giải trình đầu năm 2014, Bộ Y tế tiến hành đấu thầu cho các gói thầu hai dự án này. Tổng số vốn đầu tư là 9.000 tỉ đồng.

Tới ngày 10-5, dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đã giải ngân được 76,6%, còn Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 mới giải ngân đạt 56% tổng vốn được giao.

Mới đây, Bộ Y tế đã xin Chính phủ cho phép được kéo dài dự án tới hết năm 2019. (LAN ANH – LÊ THANH)

Bộ Xây dựng: Do năng lực ban quản lý dự án kém


td

Ông Bùi Trung Dung

 

Đó là khẳng định của ông Bùi Trung Dung – nguyên cục trưởng Cục quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) giai đoạn 2013-2017.

Ông Dung là người trực tiếp phụ trách lĩnh vực, đồng thời là người từng tham gia đóng góp ý kiến chuyên ngành từ Bộ Xây dựng đối với hai dự án nói trên.

Theo ông Dung, về việc chậm tiến độ các dự án này, trước đó Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng có cuộc họp với các bộ liên quan, trong đó khẳng định việc chậm tiến độ, chậm giải ngân cho hai dự án không liên quan tới trách nhiệm của Bộ Xây dựng.

Sau đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản do Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh ký, trong đó có nội dung đề nghị bộ trưởng Bộ Y tế “kiện toàn năng lực tổ chức bộ máy của ban quản lý dự án đầu tư xây dựng để đảm bảo đủ năng lực thực hiện dự án đúng tiến độ, đúng chất lượng”.

Cũng theo vị nguyên cục trưởng, Luật xây dựng mới sửa đổi được công bố từ tháng 6-2014 nhưng tới 1-1-2015 mới có hiệu lực.

Do vậy các doanh nghiệp, các ban quản lý dự án, trong đó có ban quản lý hai dự án nói trên, có thừa thời gian để chuẩn bị các vấn đề liên quan nên không thể đổ lỗi tại… luật mới.

Dẫn chứng việc chính ông từng được bộ trưởng Bộ Xây dựng phân công sang Bộ Y tế hướng dẫn về việc này nhưng phía cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế vẫn không thực hiện được, ông Dung tái khẳng định ban quản lý dự án của bộ không đủ năng lực.

“Muốn xử lý việc này thì hiện nay chỉ còn cách tiếp tục kiện toàn năng lực của ban quản lý dự án, thay thế cán bộ của ban quản lý, đơn vị tư vấn không đủ năng lực”, ông Dung đề xuất. (LÂM HOÀI)

Giải ngân chậm: phải xử lý trách nhiệm cá nhân

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Quốc hội ngày 25-5, sau khi nhiều đại biểu phàn nàn về việc vốn đầu tư công giải ngân quá chậm trong năm 2017 và quý 1-2018.

Ông Dũng cho biết một trong những biện pháp để cải thiện vấn đề này là hoàn thiện sớm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công, để trình Quốc hội vào kỳ họp tới.

Bên cạnh đó, phải xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, đồng thời kiên quyết thu hồi các nguồn vốn đầu tư công không giải ngân được, công khai tên các đơn vị để giám sát chặt chẽ.

Tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội trong ngày, nhiều đại biểu cho rằng việc chậm giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 và quý 1-2018 (chỉ đạt 16,3%) chắc chắn tác động đến tiến độ dự án công trình trọng điểm quốc gia. (VIỄN SỰ)