01/11/2024

Nhà xe cướp tiền khách: sắm xe hết “đát” đi “cướp”

Tất cả các xe mà nhóm nhà xe dùng để lừa hành khách, cướp tiền của họ đều trong tình trạng gần hết “đát” (hết thời gian lưu hành) và được sang tay qua nhiều đời chủ.

 

Nhà xe cướp tiền khách: sắm xe hết “đát” đi “cướp”

 

Tất cả các xe mà nhóm nhà xe dùng để lừa hành khách, cướp tiền của họ đều trong tình trạng gần hết “đát” (hết thời gian lưu hành) và được sang tay qua nhiều đời chủ.


 


Xe khách 53M-2817 trong một lần cướp tiền hành khách, trên xe lúc này có PV báo Tuổi Trẻ - Ảnh cắt từ clip
Xe khách 53M-2817 trong một lần cướp tiền hành khách, trên xe lúc này có PV báo Tuổi Trẻ – Ảnh cắt từ clip

Trong số ba xe khách 
“ăn cướp”, phóng viên Tuổi Trẻ đã truy được chủ xe hoặc quản lý của những chiếc xe này. 

Ngày 18-11, ông Nguyễn Hữu Nhân – tổng giám đốc Công ty cổ phần xe khách và dịch vụ Miền Tây (thuộc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV), đơn vị đứng tên đăng ký xe 53M-2817 – cho biết sau khi báo đăng, ông đã cho kiểm tra và xử lý những cá nhân có liên quan.

Xe mua, thuê lòng vòng

Theo ông Nhân, xe này có đăng ký hợp đồng liên kết hoạt động vận tải với công ty, thuộc quản lý của xí nghiệp 1.

“Xe này thật ra sắp hết đời (sản xuất năm 1996) và được bán cho một người khác khoảng 2 – 3 năm nay. Do xe không có khách nên công ty quyết định không cho chạy tuyến cố định, buộc họ rút ra chạy các hợp đồng đơn lẻ. Trong quá trình chạy thì mới xảy ra những vấn đề cướp bóc như báo Tuổi Trẻ nêu” – ông Nhân nói.

Ngay khi báo đăng, công ty đã yêu cầu ban giám đốc xí nghiệp viết bản tường trình nhằm kiểm điểm trách nhiệm quản lý của cán bộ, nhân viên có liên quan trong công tác quản lý phương tiện.

Bên cạnh đó công ty cũng thu hồi phù hiệu của xe 53M-2817, chấm dứt hợp đồng liên kết hoạt động vận tải với bà Huỳnh Mộng Diễm (chủ phương tiện). Đồng thời đang làm báo cáo gửi Sở GTVT TP.HCM.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Nhiên – phó tổng giám đốc công ty – cho biết xe 53M-2817 được sản xuất năm 1996. Trước đây xe chạy tuyến TP.HCM – Rạch Giá (Kiên Giang), đến tháng 5-2015 chuyển sang chạy hợp đồng vận chuyển hành khách, không chạy tuyến cố định.

Trong hợp đồng, xí nghiệp thu phí 400.000 đồng/tháng, nhà xe khi tham gia vào công ty phải cam kết chấp hành đầy đủ các quy định như phải lắp hộp đen, giám sát hành trình, các tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn về trình độ, đạo đức của tài xế, phụ xe… khi tham gia giao thông đường bộ.

Ông Nhiên cho biết thêm theo quy định xe chạy hợp đồng thì trước khi xe chạy, tài xế phải vào xí nghiệp xin giấy hợp đồng, nhưng từ tháng 10 đến nay xe 53M-2817 chạy tự do không đến lấy hợp đồng. Việc mua bán sang tay xe cũng không được chủ xe trình báo.

“Xe chạy đi đâu, hoạt động như thế nào thì xí nghiệp phải nắm được. Tuy nhiên, để xe ra ngoài chạy tầm bậy chứng tỏ quản lý xe có thiếu sót. Để sự việc xảy ra chúng tôi rất đáng tiếc” – ông Nhiên nói.

Cùng ngày, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên hệ với ông Phùng Thanh Tú (chồng bà Diễm, chủ xe 53M-2817).

Ông Tú nói do sử dụng không hiệu quả nên ngày 24-5-2015 gia đình ông đã bán xe cho ông Tường (tên thật Nguyễn Văn Tuấn, ngụ Q.6), với giá 58 triệu đồng và chưa làm giấy tờ sang tên đổi chủ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng ông chỉ là người giới thiệu cho ông Liêm (Trần Văn Liêm, 52 tuổi, ngụ P.An Lạc, Q.Bình Tân – một đối tượng trong nhóm có hành vi cướp tiền hành khách) mượn 20 triệu đồng mua xe.

Xe khách do Liêm lái hoạt động buổi sáng, thời gian còn lại đậu tại bãi xe của xí nghiệp 1 thuộc Công ty cổ phần xe khách và dịch vụ Miền Tây.

Trong khi đó, theo xác minh của Tuổi Trẻ, xe khách 53S-6445 do băng Nguyễn Văn Đáng (33 tuổi, quê Tiền Giang) điều khiển là xe sản xuất năm 1997, người đứng tên đăng ký là ông N. V. Th. (ấp 3, Long Thới, Nhà Bè).

Ngày đăng kiểm gần nhất là 28-9-2015, hết hạn 28-11-2015. Chủ xe này hiện tại là ông Lê Văn Tuấn (tạm trú Q.Bình Tân). Theo ông Tuấn, xe do ông mua của ông Th. cách đây khoảng một năm, giá 70 triệu đồng nhưng chưa sang tên.

“Hiện tại tôi có hai xe khách, trong đó xe 53S-6445 do không sử dụng đến nên cách đây khoảng nửa tháng cho Nguyễn Văn Đáng thuê chở khách, giá 9 triệu đồng/tháng.

Xe này trước đó tôi cũng cho nhiều người thuê nhưng chạy rất đàng hoàng, không xảy ra chuyện gì cả, chỉ khi Đáng thuê mới có chuyện” – ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, việc cho thuê xe không có hợp đồng và ông không hề biết việc Đáng thuê xe để làm phương tiện đi cướp đoạt tiền của hành khách.

Ông Tuấn còn cho biết thêm sáng 18-11 Công an P.An Lạc A (Q.Bình Tân) mời ông đến ghi lời khai nhằm hỗ trợ công tác điều tra, làm rõ hành vi cướp tiền của hành khách.

Cu Đắc và Bò đang bắt khách trên quốc lộ 1A đoạn qua Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh cắt từ clip
Cu Đắc và Bò đang bắt khách trên quốc lộ 1A đoạn qua Bình Chánh, TP.HCM – Ảnh cắt từ clip

Vì sao bắt được người 
lại để “sổng”?

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, vào khoảng 18g ngày 23-7-2015, chị N.T.H. (quê Sóc Trăng) đang trên đường tới bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân) để mua vé xe về quê thì bị một số đối tượng ép, đẩy lên chiếc xe dù mang biển số 53S-6445.

Trên xe, cả tài xế là Nguyễn Văn Đáng (33 tuổi, quê H.Cái Bè, Tiền Giang) và lơ xe là Cao Văn Tâm (Tâm “heo”) đều là những người đàn ông to con, bặm trợn nhưng chỉ có mình chị H. là hành khách.

Xe chạy tới địa bàn H.Bến Lức, tỉnh Long An thì Tâm “heo” đòi chị H. phải trả tiền xe là 2 triệu đồng. Chị H. năn nỉ, xin các đối tượng cho xuống vì chị không có đủ tiền.

Lúc này tài xế dừng xe, Tâm “heo” đe doạ sẽ “xử” chị H. nếu không trả đủ tiền, buộc chị H. phải gọi người nhà để mang tiền nộp cho chúng. Chị H. gọi điện thoại cho bạn cư ngụ tại TP.HCM chuẩn bị tiền.

Trong khi đang chờ bạn mang tiền tới “chuộc” người, tài xế, lơ xe đã khống chế, kiểm tra lấy đi toàn bộ số tiền chị H. mang theo được 1,6 triệu đồng và hai nhẫn vàng rồi thả chị H. dọc đường.

Chị H. được bạn đón về TP.HCM an toàn, còn Tâm “heo” và Đáng bị Công an Q.Bình Tân bắt giữ khi quay về TP.HCM.

Sau khi bắt giữ Tâm và Đáng, Công an Q.Bình Tân đã đưa chị H. – nạn nhân vụ việc – trở lại đúng địa điểm mà nhóm tài xế, lơ xe đã khống chế, lấy tiền, vàng của chị tại H.Bến Lức, tỉnh Long An.

Sau khi lập hồ sơ ban đầu, thu giữ vật chứng, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Bình Tân đã chuyển giao cả đối tượng, hồ sơ, tang vật cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an H.Bến Lức, tỉnh Long An để thụ lý điều tra theo thẩm quyền.

Một cán bộ điều tra của Công an Q.Bình Tân cho biết hồ sơ vụ việc, tài liệu chứng cứ đã đầy đủ để xử lý hình sự các đối tượng trong vụ việc này.

Tuy nhiên, chưa rõ vì sao các đối tượng Tâm, Đáng lại có thể xuất hiện trên các chuyến xe “hung thần” và tiếp tục có hành vi cướp bóc tài sản của người dân.

Để tìm hiểu thông tin xử lý vụ việc được chuyển giao, chúng tôi đã liên hệ với Công an tỉnh Long An để trao đổi.

Đại tá Trần Văn Hà – người phát ngôn Công an tỉnh Long An – cho biết hiện Cơ quan điều tra Công an huyện Bến Lức đang kiểm tra, làm rõ lại vụ việc theo thông tin đã đăng trên Tuổi Trẻ, sẽ có thông tin chính thức về vụ việc này.

Dấu hiệu “cướp tài sản”

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch – Đoàn luật sư TP.HCM – cho biết với những tư liệu, bằng chứng mà báo Tuổi Trẻ phản ánh, có thể quy hành vi của các đối tượng trong băng nhóm này vào tội “cướp tài sản” theo khoản 2 điều 133 Bộ luật hình sự.

Lý do các đối tượng hoạt động có tổ chức, có người cầm đầu, có phân công vai trò, kế hoạch và thực hiện chuyên nghiệp.

Đối với phương tiện gây án, nếu là xe của một trong những đối tượng dùng đi cướp thì đó được xem là công cụ, phương tiện gây án. Do đó, khi toà án xét xử sẽ tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Trường hợp nếu người cho băng nhóm này thuê xe nhưng không biết mục đích sử dụng sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu biết nhưng không tố giác sẽ bị truy cứu về tội đồng phạm “cướp tài sản” mặc dù không tham gia trực tiếp.

 

H.LỘC – Đ.PHÚ – G.MINH – N.ẨN – S.LÂM