29/11/2024

Đổ quân vá… quốc lộ 1

Nhiều đoạn đường vừa thông xe còn chưa kịp bàn giao đã hư hỏng. Vậy là vừa rầm rộ làm lễ thông xe xong, lại đổ quân đi… vá đường, từ quốc lộ 1 đến các đường 14, 28 ở Tây nguyên.

 

Đổ quân vá… quốc lộ 1

 

Nhiều đoạn đường vừa thông xe còn chưa kịp bàn giao đã hư hỏng. Vậy là vừa rầm rộ làm lễ thông xe xong, lại đổ quân đi… vá đường, từ quốc lộ 1 đến các đường 14, 28 ở Tây nguyên.




Đoạn quốc lộ 1 phía nam đèo Nại (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) có nhiều chỗ bị hư hỏng. Sáng 18-11, công nhân phải cắt mặt đường để sửa chữa Ảnh: Duy Thanh
Đoạn quốc lộ 1 phía nam đèo Nại (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) có nhiều chỗ bị hư hỏng. Sáng 18-11, công nhân phải cắt mặt đường để sửa chữa Ảnh: Duy Thanh

Cuối tháng 9 và trong nửa đầu tháng 10-2015, Bộ Giao thông vận tải liên tục tổ chức các cuộc thông xe dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1 qua các tỉnh. Tuy nhiên, nhiều đoạn vừa thông xe còn chưa kịp bàn giao nhưng đã xuất hiện những điểm hư hỏng.

Ra đường gặp… sửa chữa

Bị nặng nhất là đoạn quốc lộ 1 qua tỉnh Khánh Hoà. Sáng 16-11, nhiều xe múc, xe lu rung, xe tải tập trung cả hai bên quốc lộ 1 ở gần ngã ba Vĩnh Lương, cửa ngõ phía bắc TP Nha Trang, như một công trường nhộn nhịp. Xe này đào mặt đường, xe khác vừa lu vừa tưới nước giảm bụi…

Mặt đường quốc lộ 1 mới làm xong cách đây khoảng bốn tháng đã phải moi lên từng mảng lớn hàng chục mét vuông để làm lại.

Còn ở xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh), cách nhau con lươn phân cách, một bên còn mới tinh những miếng vá, bên kia thì việc thảm lại nhựa mặt đường đang được triển khai, xe qua lại chỉ chạy trên một nửa mặt đường. Nhiều đoạn phải đào lên để đổ lại bêtông nhựa.

Tại đoạn phía bắc cầu vượt Hoà Tân (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) cũng được rào chắn một phần để vá một lỗ thủng lớn trên đường…

Tại Bình Định sáng 18-11, nhiều công nhân cũng đổ ra quốc lộ đoạn qua các xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ), Cát Tân (huyện Phù Cát), Phước Lộc (huyện Tuy Phước) để cắt đường, sửa chữa những lỗ thủng lớn trên mặt đường và các đoạn lún, hỏng khác.

Tình hình cũng tương tự ở phía nam đèo Nại (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên). Một công nhân cho hay: phía dưới lớp bêtông nhựa, nền đường đầy nước, có thể đó là nguyên nhân gây “thối” mặt đường.

Ở phía bắc cầu Ngân Sơn (xã An Dân, huyện Tuy An), ở P.Xuân Đài và nhiều nơi ở đoạn nâng cấp thuộc xã Xuân Lộc (thị xã Sông Cầu) cũng xuất hiện rất nhiều vị trí bị hư hỏng đã được dùng sơn đánh dấu để chuẩn bị sửa chữa.

Một số đoạn đường có vấn đề về chất lượng. Trên tuyến quốc lộ 1 này có 599.000m2 bị hư hỏng, chiếm 2,34% diện tích - Đồ họa: Tấn Đạt
Một số đoạn đường có vấn đề về chất lượng. Trên tuyến quốc lộ 1 này có 599.000mbị hư hỏng, chiếm 2,34% diện tích – Đồ hoạ: Tấn Đạt

“Mặt sẹo” khắp nơi

Ngoài quốc lộ 1, một số quốc lộ khác cũng có tình trạng tương tự. Tại Đắk Nông, quốc lộ 28 thông xe vào tháng 4, quốc lộ 14 thông xe vào tháng 7 giờ nhiều đoạn đã hư hỏng, lớp nhựa bị bong tróc.

Ghi nhận của chúng tôi, mặt đường quốc lộ 28 có những chỗ đã bong tróc hết phần nhựa đường, làm lộ phần đá móng. Cũng có những đoạn đá dăm nhựa đường bị dồn lại hai bên đường dày gần 10cm. Nhiều đoạn rọ đá kè taluy bị bung ra.

Tương tự, trên quốc lộ 14 đoạn qua xã Nhân Cơ cũng có nhiều điểm mặt đường hư hỏng. Đặc biệt, phần nhựa của đoạn đường này chất lượng không đồng đều, độ rỗng bêtông nhựa lớn.

Lãnh đạo Công ty cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông (chủ đầu tư đoạn đường này) thừa nhận do trạm trộn bêtông mới hoạt động nên chất lượng chưa ổn định. Theo cơ quan chức năng, đoạn đường này có khoảng 20 điểm hư hỏng nhỏ, một số điểm xuất hiện tình trạng bêtông nhựa rất kém.

Trước đó, đầu tháng 10-2015, cũng trên quốc lộ 14 đoạn qua xã Trúc Sơn (huyện Cư Jút) và xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil) xuất hiện hai vết nứt gãy dài 10m và 13m chạy dài trên mặt đường.

Những vị trí bị rạn nứt thuộc dự án BOT của liên doanh Tập đoàn Toàn Mỹ – Băng Dương (TP.HCM) làm chủ đầu tư và do Công ty TNHH Lâm Phong (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) thi công. Đại diện chủ đầu tư cho rằng do nền địa chất khu vực này quá yếu.

Trước đó, đầu tháng 11-2015, Công ty TNHH một thành viên xây dựng 470 (Đắk Lắk) cũng đã rải nhựa lấp bù vào những đoạn đường sụt lún, hư hỏng trên quốc lộ 14 đoạn qua Trường ĐH Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Sửa chữa quốc lộ 1 ở ngã ba Vĩnh Lương (TP Nha Trang) - Ảnh: D.Thanh
Sửa chữa quốc lộ 1 ở ngã ba Vĩnh Lương (TP Nha Trang) – Ảnh: D.Thanh

Tại sao đường mau hư?

“Tại vì đợt mưa vừa rồi ở tỉnh Khánh Hoà quá lớn, một số đoạn quốc lộ 1 bị ngập nước, dẫn đến các hư hỏng cục bộ” – ông Nguyễn Chung Khánh, tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 (gọi tắt là Ban 7, Tổng cục Đường bộ VN), giải thích.

Nhưng quốc lộ 1 đoạn qua ngã ba Vĩnh Lương, ở xã Vạn Lương và Vạn Thắng đều là những vị trí cao, không bị ngập nước, sao vẫn hư?

Ông Khánh nêu nguyên nhân khác: vật liệu đá ở Khánh Hoà độ dính bám với nhựa đường rất kém nên các đơn vị thi công phải tăng phụ gia, những chỗ phụ gia pha không đều thì mặt đường dễ bị bong tróc, hư hỏng.

“Riêng đoạn 37km từ nam đèo Cù Mông đến thị xã Ninh Hòa thì nhà đầu tư thực hiện nhiều thử nghiệm vật liệu mới để tìm vật liệu chuẩn triển khai đại trà. Do đó, những đoạn bây giờ phải đào lên nhiều là những đoạn thử nghiệm vật liệu, không đạt chất lượng” – ông 
Khánh nói.

Ông Khánh cho biết, trong 146km đường (2,85 triệu m2) do Ban 7 thực hiện, diện tích hư hỏng là 88m2, chiếm tỉ lệ 0,0031%.

Còn ông Nguyễn Thành Lũy, phó ban điều hành dự án phía bắc Khánh Hoà (thuộc Ban 7), giải thích rằng tại ngã ba Vĩnh Lương, dù đã sử dụng vật liệu mới để thảm nhựa mặt đường song vẫn xuất hiện lún, bong là vì bên dưới nền đường có nước ngầm, khi khảo sát không đánh giá hết…

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Huấn – phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đại diện chủ đầu tư hai dự án trái phiếu chính phủ và đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền hai dự án theo hình thức BOT trên 120km nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Định – thẳng thắn bày tỏ:

“Đường mới thông xe chưa bao lâu đã xuất hiện hư hỏng, dân bức xúc và mất niềm tin, khiến chúng tôi rất buồn và cảm thấy có lỗi”.

Ông Huấn cho biết diện tích mặt đường bị hư hỏng trên tuyến là 5.100m2, chiếm 0,003% diện tích toàn tuyến quốc lộ 1 ở Bình Định.

Ông thừa nhận: “Nguyên nhân khách quan là độ dính bám nhựa của vật liệu đá ở Bình Định kém, một số vị trí độ rỗng dư của bêtông nhựa cao nên nước dễ thấm xuống bên dưới làm hư hỏng nền đường và bêtông nhựa.

Còn về chủ quan thì chúng tôi từng phát hiện chất lượng bêtông nhựa của một số đơn vị thi công chưa đảm bảo, khi đang thảm lu mặt đường thì trời mưa… Đây là bài học kinh nghiệm.

Ngoài ra, việc đẩy nhanh thi công kịp tiến độ có thể nói là nhanh kỷ lục cũng là nguyên nhân dẫn đến các khiếm khuyết”.

Theo ông Huấn, hiện việc sửa các điểm hư hỏng trên quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Định đang được làm kỹ lưỡng, chặt chẽ, đảm bảo chất lượng.

Đường kiểu mẫu hơn 300 tỉ đồng vừa sửa xong lại lún tiếp

Trong khi đó, tại Nghệ An, được đánh giá là “tuyến đường kiểu mẫu” với tổng mức đầu tư hơn 300 tỉ đồng nhưng tuyến đường tránh TP Vinh lại tiếp tục xuất hiện nhiều điểm hằn lún sau khi chủ đầu tư vừa khắc phục.

Các vị trí hằn lún vệt bánh xe được Cienco 4 khắc phục vừa qua đang tiếp tục bị hư hỏng. Những khu vực hằn lún vệt bánh xe nặng kéo dài hàng trăm mét. Kết cấu mặt đường hằn lún vệt bánh xe có độ sâu trung bình từ 3-5cm, có điểm lún sâu gần 7cm.

Đặc biệt, tại khu vực ngã tư Hưng Thịnh (huyện Hưng Nguyên) từng được chủ đầu tư trải nhựa lại gần đây đang xuống cấp trầm trọng. Mặt đường cả hai chiều đều lún, trồi nhựa và bị biến dạng, tạo thành rãnh sâu như những luống khoai.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tháng 7-2014 (sau ba tháng thông xe), Cienco 4 đã phải cào bóc, thảm lại mặt đường bằng bêtông nhựa polymer kết hợp với thiết kế cấp phối hợp lý đối với những đoạn mặt đường hằn lún trên tuyến đường này.

DOÃN HOÀ

DUY THANH – TRUNG TÂN