Sử dụng thuốc kháng sinh: Đơn giản như đang giỡn
Trong khi vấn đề kháng thuốc kháng sinh đang được báo động trên toàn cầu thì ở VN, chỉ cần ho, sụt sịt một chút, ai cũng có thể mua thuốc kháng sinh để uống, không cần bác sĩ thăm khám, kê toa.
Sử dụng thuốc kháng sinh: Đơn giản như đang giỡn
Trong khi vấn đề kháng thuốc kháng sinh đang được báo động trên toàn cầu thì ở VN, chỉ cần ho, sụt sịt một chút, ai cũng có thể mua thuốc kháng sinh để uống, không cần bác sĩ thăm khám, kê toa.
Chiều 17-11, tại một nhà thuốc gần Khu chế xuất Tân Thuận, chị Nguyễn Thị Lan (công nhân) cùng chồng mua thuốc kháng sinh cho con uống để trị viêm họng. Chị cho biết cứ mỗi lần con bệnh là ra nhà thuốc mua kháng sinh. Từ người mua đến người bán đều nghĩ về thuốc kháng sinh hết sức đơn giản – Ảnh: Hữu Khoa |
Trong vai khách hàng đi mua thuốc cho con nhỏ 5 tuổi đang có các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, chúng tôi đến một số quầy thuốc trên địa bàn TP.HCM mua thuốc. Kết quả mỗi quầy lại “bốc” các toa với số lượng và thành phần các loại thuốc khác nhau. Giá tiền vì thế cũng thay đổi tùy theo toa thuốc.
Ở Pháp, danh mục thuốc kê đơn rộng hơn nhiều so với VN, chỉ các thuốc như nhỏ mắt, nhỏ mũi, vitamin… mới bán không cần đơn, còn lại được kiểm soát chặt theo hình thức đơn thuốc lưu và số thuốc nhập vào – bán ra xem có khớp hay không. Họ cũng từng gặp vấn đề kháng thuốc như VN và bây giờ rất cẩn trọng với việc dùng thuốc, vì thuốc nào cũng có thể có nguy cơ gây tác dụng phụ có hại với người dùng |
TS N.T.T. (vừa về Hà Nội sau thời gian bảo vệ luận án tiến sĩ y khoa ở Pháp) |
Cứ có bệnh là uống kháng sinh
Tại một quầy thuốc trên đường Kỳ Đồng (Q.3), khi chúng tôi nói bỏ quên đơn thuốc của bác sĩ, nhân viên bán thuốc liền trấn an: “Anh cứ nói triệu chứng đi rồi ở đây cho thuốc chứ không cần đơn thuốc đâu. Đi khám bác sĩ kê đơn cũng từng loại thuốc này à”.
Nghe xong triệu chứng, nhân viên bán thuốc cho chúng tôi một toa thuốc uống thử một ngày. Toa thuốc gồm 4 loại, trong đó có kháng sinh Cephalexin. “Uống thử nếu lành thì thôi, không thì ra đổi loại kháng sinh khác mạnh hơn”, nhân viên bán thuốc dặn. Cách đó khoảng 30m là nhà thuốc tư nhân TN.
Nghe xong triệu chứng của bé, nhân viên nhà thuốc bán cho chúng tôi toa thuốc 5 ngày, với giá 75.000 đồng. Toa thuốc có đến 5 loại thuốc và cũng sử dụng kháng sinh Cephalexin. Nhân viên giải thích qua triệu chứng của bé đáng lẽ ra phải cho bé uống 7 ngày nhưng do bé còn nhỏ nên chỉ cần kê toa 5 ngày.
Với các triệu chứng đó chúng tôi đến quầy thuốc QM, phường Tân Thới Nhất (Q.12) để mua thuốc. Nhân viên bán thuốc ở đây cho chúng tôi toa thuốc uống trong 5 ngày với 4 loại thuốc và sử dụng thuốc kháng sinh là Sagafixim. Giá toa thuốc là 90.000 đồng.
Nhân viên cho biết khi đi khám bác sĩ thường kê đơn thuốc sử dụng kháng sinh liều cao. Bệnh nhân uống một thời gian bị lờn thuốc, mắc bệnh lại rất khó chữa. Còn ở các quầy thuốc chỉ cho bệnh nhân sử dụng các loại kháng sinh bình thường, vừa rẻ mà sau này nâng liều cũng dễ.
Tại nhiều xã vùng ven khi có triệu chứng ốm, cảm cúm người dân thường tự đi mua thuốc tại nhà thuốc. Lúc đến một nhà thuốc ở xã Tân Xuân (H.Hóc Môn), chúng tôi kể bé từng đi bác sĩ, nhân viên bán thuốc ở đây bán ngay toa thuốc 2 ngày uống, có thuốc kháng sinh Cefixim.
Tại quầy thuốc YH (xã Trung Chánh, H.Hóc Môn), người bán cũng cho toa thuốc uống 3 ngày gồm 4 loại, trong đó cho kháng sinh Augmentin. Một giờ chúng tôi ở đây, có 5 người đến mua thuốc. Người bệnh chỉ cần nói độ tuổi, cân nặng, triệu chứng là nhân viên bán thuốc.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú (xã Trung Chánh, H.Hóc Môn) đi mua thuốc cho con, kể thường trong nhà có người bệnh, bà không đi bác sĩ mà ra nhà thuốc mua thuốc uống. Nếu hết bệnh, bà cất giữ vỏ thuốc đến khi con có triệu chứng bệnh như cũ bà lại đưa ra mua.
Trong khi đó, kháng sinh, thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc ngừa thai khẩn cấp… là những thứ thuốc rất dễ mua ở Hà Nội. Khi tôi nói bị đau họng, hơi nóng đầu cần mua thuốc uống, nhân viên quầy thuốc trên phố Ngọc Hà vội vàng kê đơn gồm: một loại kháng sinh (roxinate – kháng sinh ngoại, phổ rộng), một loại kháng viêm và một loại giảm đau.
Người này hướng dẫn tôi phải uống đủ ba loại như vậy mới nhanh chóng khỏi bệnh nhưng không hỏi tôi có tiền sử bệnh gì, có dị ứng thuốc hay không? Khi hỏi về kháng sinh, người này cho biết tại cửa hàng có đến hàng trăm loại kháng sinh khác nhau đủ loại từ trong nước và hàng nhập khẩu, nhưng nhân viên nhà thuốc thường hướng dẫn người bệnh dùng kháng sinh thế hệ mới, hàng ngoại nhập, phổ rộng…
“Dùng như vậy mới có công dụng nhanh và hiệu quả cao hơn những loại kháng sinh khác” – nhân viên này nói.
Thuốc kháng sinh chữa nhiễm trùng, nhiễm khuẩn được bày bán tại một hiệu thuốc ở Q.1, TP.HCM – Ảnh: Thanh Tùng |
88 – 91% nhà thuốc bán kháng sinh không cần toa
Mới đây, tại buổi họp báo về “Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc từ ngày 16 đến 22-11” trên khắp cả nước do Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM, ông Cao Hưng Thái – cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế – cho biết theo một khảo sát tại gần 3.000 hiệu thuốc ở vùng nông thôn và thành thị phía Bắc về việc bán thuốc kháng sinh thấy 88 – 91% hiệu thuốc bán kháng sinh không cần đơn, hai triệu chứng thường được mô tả mua kháng sinh nhiều nhất là ho (gần 32%) và sốt (gần 22%).
Bác sĩ CK II Trịnh Hữu Tùng, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, cho biết dù theo quy định, chỉ bác sĩ mới có quyền kê toa thuốc nhưng hiện ai muốn làm bác sĩ cũng được. Người bệnh chỉ cần ghé vào các nhà thuốc, kể vài triệu chứng, lập tức được nhân viên bán thuốc, trong đó có cả thuốc kháng sinh mà không cần có toa.
Chưa kể, ở trẻ em thuốc cần cho liều lượng theo trọng lượng cơ thể, nếu không biết cân nặng của trẻ, có thể dùng quá liều hoặc không đủ liều kháng sinh. Bên cạnh đó, có những người bệnh còn mượn toa thuốc người quen để mua thuốc uống theo vì thấy mình có triệu chứng giống hoặc sử dụng lại toa thuốc cũ vì thấy cùng triệu chứng. Một tình trạng đáng lo ngại khác là một số ít nhân viên y tế cho chỉ định thuốc không đúng.
Ví dụ, người bệnh chỉ bị cảm cúm do nhiễm siêu vi nhưng vẫn cho thuốc kháng sinh trong khi nhiễm siêu vi không cần dùng kháng sinh. Một số bác sĩ chỉ định thuốc quá tay, cho thuốc kháng sinh mạnh hay thế hệ mới hơn, trong khi bệnh chưa cần điều trị đến thuốc như vậy… Những lý do trên đều có thể dẫn đến tình trạng tạo chủng vi khuẩn lờn thuốc, kháng thuốc kháng sinh.
Ngày 29-10, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận một bé trai 3 tuổi mắc bệnh viêm phổi từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên với lý do sau hai tuần điều trị không đáp ứng với điều trị. Bệnh nhi được làm kháng sinh đồ nhằm tìm vi khuẩn gây bệnh, cũng như biết mức độ nhạy cảm hay kháng với các thuốc kháng sinh để sử dụng kháng sinh cho đúng. Kết quả kháng sinh đồ cho thấy vi khuẩn bệnh nhi mắc phải đã kháng với nhiều loại kháng sinh, trong đó có cả kháng sinh Cephalosporine thế hệ thứ 3, thứ 4 (là những loại kháng sinh mới – PV).
Theo bác sĩ CK I Trần Anh, trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Nhi Đồng 2, có những bệnh nhi khi đến bệnh viện đã kháng hết với các loại kháng sinh làm quá trình điều trị khó khăn, kéo dài.
Mức phạt quá thấp
Theo Luật dược hiện hành, bán thuốc kê đơn không có đơn thuốc là 1 trong 13 hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên ông Cao Hưng Thái cũng cho rằng khó kiểm soát được hệ thống 30.000 nhà thuốc, đồng thời nhận xét nhận thức của người dân hạn chế, chưa hiểu biết về kháng thuốc là căn nguyên quan trọng dẫn đến kháng thuốc.
Còn ông Nguyễn Việt Cường, chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết khoản 1 điều 40 của nghị định 176 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định cảnh cáo, phạt tiền 200.000 – 500.000 đồng đối với hành vi bán thuốc trong danh mục thuốc bán theo đơn mà không có đơn bác sĩ. Tuy nhiên, số lượng nhà thuốc bị phạt bởi hành vi này rất ít ỏi, dù ông Cường khẳng định “bắt được thì vẫn phạt”.
Ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, khẳng định đã có nhiều trường hợp bị phạt nặng về bán thuốc không theo đơn. Nhưng qua khảo sát của Tuổi Trẻ trong 2 năm trở lại đây chưa có nhà thuốc nào bị phạt nặng như khẳng định của ông Khuê. Thực tế, quy định nghiêm cấm bán thuốc kê đơn mà không có đơn từ năm 2006 đến nay có khả thi không?
Trong kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc đến năm 2020, có 6 nhóm hoạt động nhằm phòng chống kháng thuốc được Bộ Y tế đề cập, trong đó có giải pháp sử dụng kháng sinh hợp lý trong trồng trọt, chăn nuôi; kiểm soát nhiễm khuẩn; sử dụng thuốc hợp lý; giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc…
Song, nhìn tổng thể các giải pháp này, một chuyên gia y khoa nói với Tuổi Trẻ: Bộ Y tế vẫn chưa có một giải pháp toàn diện để kiểm soát bán thuốc theo đơn, chưa có giải pháp nào kiểm soát số lượng thuốc nhập vào, bán ra, số đơn thuốc lưu tại nhà thuốc… Đây mới là mấu chốt của tình trạng mua bán thuốc tự do và là căn nguyên quan trọng của tình trạng kháng thuốc.
Một nguy cơ rất báo động là chỉ sau 70 năm từ khi giới thiệu thuốc kháng sinh, chúng ta đang đối mặt với tương lai không có thuốc kháng sinh hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là với các phẫu thuật và phương pháp điều trị như hoá trị liệu ung thư, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người.
WHO: Kháng kháng sinh là “cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu” Theo CBSNews, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố một khảo sát quy mô trên 10.000 người để cảnh báo kháng kháng sinh có thể trở thành “cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu” do người dân vẫn mơ hồ về mối đe doạ ngày càng tăng từ tình trạng kháng thuốc kháng sinh đối với sức khoẻ công chúng. Tuyên bố của WHO được đưa ra nhân dịp tổ chức này triển khai chiến dịch toàn cầu mang tên “Thuốc kháng sinh – Hãy sử dụng cẩn trọng”, bắt đầu với “Tuần lễ nhận thức kháng sinh toàn cầu” từ ngày 16 đến 22-11. Tổng giám đốc WHO, bà Margaret Chan cho biết “tình trạng kháng kháng sinh gia tăng là một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, và các chính phủ giờ đây nhận thức rằng đó là một trong những mối đe doạ lớn nhất đối với sức khoẻ công chúng”. Khảo sát quy mô của WHO được tiến hành tại 12 quốc gia gồm Barbados, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nigeria, Nga, Serbia, Nam Phi, Sudan và Việt Nam cho thấy gần 60% trong tổng số 10.000 người được hỏi biết rằng kháng kháng sinh là vấn đề có thể ảnh hưởng tới gia đình họ, nhưng không chắc sẽ ảnh hưởng như thế nào. Đáng nói, có tới 64% số người được khảo sát nói rằng kháng sinh có thể được sử dụng để chữa cảm lạnh và cảm cúm, dù thực tế nó không có tác dụng gì đối với các loại virút này. |