01/11/2024

Chất vấn Quốc hội: ‘Nhiều cán bộ giàu lên nhanh chóng’

Hôm qua, QH bước vào phiên chất vấn, trả lời chất vấn theo phương thức đổi mới, có thể chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ nào.

 
Chất vấn Quốc hội: ‘Nhiều cán bộ giàu lên nhanh chóng’
 
 
 
Hôm qua, QH bước vào phiên chất vấn, trả lời chất vấn theo phương thức đổi mới, có thể chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ nào. 




Đã có rất nhiều vấn đề cũ được ĐB xới lại đặt lên bàn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại QH

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại QH – Ảnh: Ngọc Thắng

Trước phiên chất vấn, QH đã nghe Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hoà Bình trình bày các báo cáo của Chính phủ, của TAND tối cao và Viện KSND tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến năm 2015; nghe Báo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của QH và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ QH khóa 13 đến năm 2015 do Trưởng ban Dân nguyện của QH Nguyễn Đức Hiền trình bày trước QH.



Chất vấn Quốc hội: ‘Nhiều cán bộ giàu lên nhanh chóng’ - ảnh 2
Trong bối cảnh đời sống nhân dân còn vô cùng khó khăn, hàng triệu nông dân, hàng triệu người lao động, công nhân đang hằng ngày vật lộn với mức lương vài ba triệu đồng thì có nhiều cán bộ, thậm chí cán bộ giữ cương vị rất thấp đã giàu lên một cách rất nhanh chóng
Chất vấn Quốc hội: ‘Nhiều cán bộ giàu lên nhanh chóng’ - ảnh 3

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định)

Phát biểu trước phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng mục đích cuối cùng (của chất vấn) không phải làm căng thẳng vấn đề lên mà phải đặt ra vấn đề nhìn thẳng vào sự thật và để giải quyết vấn đề cho tốt.

Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn

Báo cáo do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày thẳng thắn nhìn nhận cân đối ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, chi thường xuyên lớn, bội chi còn cao. Quản lý và sử dụng ngân sách ở một số bộ ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ, còn tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và lãng phí trong chi ngân sách. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Việc sử dụng các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương ở một số dự án hiệu quả còn thấp. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu nhìn chung còn chậm.

Trong lĩnh vực ngân hàng, báo cáo cho biết nội dung chất vấn tập trung vào điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, quản lý, kinh doanh vàng, ngoại tệ, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Báo cáo đánh giá công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa. Điều chỉnh giảm lãi suất phù hợp diễn biến vĩ mô và lạm phát; mặt bằng lãi suất hiện nay bằng khoảng 40% so với năm 2011. Thị trường tiền tệ dần ổn định, thanh khoản của nền kinh tế và toàn hệ thống được cải thiện. Điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế giai đoạn 2011 – 2014 tăng 12,6%/năm; dự kiến năm 2015 tăng khoảng 17%; cơ cấu chuyển dịch tập trung hơn cho các lĩnh vực ưu tiên.

Thực hiện quyết liệt Đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD); tăng cường thu hồi, cơ cấu lại, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro của TCTD; phát huy vai trò của Công ty quản lý tài sản (VAMC); nợ xấu đã được kiểm soát, đến cuối tháng 9.2015 còn 2,93% (từ 2012 đến tháng 9.2015, 98,09% nợ xấu tương đương 455.790 tỉ đồng đã được xử lý, trong đó bán nợ xấu cho VAMC chiếm 42% và các TCTD tự xử lý chiếm 58%)…

Chất vấn Quốc hội: ‘Nhiều cán bộ giàu lên nhanh chóng’ - ảnh 4

 ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) – Ảnh: TTXVN



Kiên quyết khởi tố cán bộ tư pháp làm oan người vô tội

 
Báo cáo trước QH, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết đã trả lời, thực hiện nghiêm túc lời hứa của mình trước cử tri và các ĐBQH. Theo đó, trong thời gian qua, Viện KSND tối cao đã yêu cầu khởi tố nhiều vụ án tham nhũng cũng như đẩy nhanh tiến độ truy tố; chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp trung ương tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan hoặc sai nghiêm trọng; một số vụ án có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình và vụ án có đơn khiếu nại bức xúc, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Cơ quan điều tra hình sự thuộc Viện KSND tối cao chú trọng phát hiện khởi tố, điều tra nhiều vụ việc tham nhũng trong hoạt động tư pháp như vụ Ngô Văn Anh – Chánh toà kinh tế TAND TP.Hải Phòng; vụ Nguyễn Duy Hiệp – Chánh án TAND H.Thanh Liêm (Hà Nam)… “Viện KSND tối cao kiên quyết khởi tố, điều tra xử lý đối với cán bộ tư pháp có vi phạm nghiêm trọng dẫn đến làm oan người vô tội hoặc xâm phạm quyền con người”, ông Bình nói.
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết 6 tháng đầu năm 2015 số án thụ lý tăng hơn 8.342 vụ nhưng tỷ lệ bản án bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan đã tiếp tục giảm 0,21%. Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành nghị quyết hướng dẫn áp dụng điều 60 bộ luật Hình sự; thông qua xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm cũng đã giám sát chặt chẽ các trường hợp cho hưởng án treo theo đúng quy định. Cụ thể, năm 2014 tỷ lệ các bị cáo được hưởng án treo giảm 18,7%, trong đó tỷ lệ bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo giảm 8,2% so với năm 2013; 6 tháng đầu năm 2015 tỷ lệ bị cáo phạm tội tham nhũng được hưởng án treo chỉ còn 12% và tiếp tục giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. “Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và đã hạn chế tới mức thấp nhất kết án oan người không có tội. TAND các cấp đã đưa ra xét xử kịp thời nhiều vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng, vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt các vụ án về kinh tế, tham nhũng”, ông Bình khẳng định.


Tuy nhiên, báo cáo cho biết việc cơ cấu lại một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và xử lý nợ xấu còn khó khăn.
Còn một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Việc tiếp cận vốn tín dụng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn.
Chống tham nhũng chưa quyết liệt vào cuối nhiệm kỳ
Trong phiên thảo luận và chất vấn, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đánh giá Chính phủ và các cơ quan tư pháp, các bộ, ngành T.Ư đã có nhiều cố gắng để giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc mà cử tri cả nước nêu ra.
Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề mà các ĐBQH cũng như cử tri chưa thấy an tâm. “Quốc nạn tham nhũng vẫn còn là vấn đề nhức nhối trong đời sống. Cử tri nhận thấy, vào những năm cuối của nhiệm kỳ QH trước Đại hội Đảng các cấp cuộc đấu tranh này chưa được đẩy lên ở mức quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa.
Trong bối cảnh đời sống nhân dân còn vô cùng khó khăn, hàng triệu nông dân, hàng triệu người lao động, công nhân đang hằng ngày vật lộn với mức lương vài ba triệu đồng thì có nhiều cán bộ, thậm chí cán bộ giữ cương vị rất thấp đã giàu lên một cách rất nhanh chóng”, ĐB này nói.
Không muốn đi sâu vào những thành tích vì đã có nhiều người nói, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng hiện nay đang có nhiều vấn đề khiến cử tri lo lắng như nợ công tăng cao, tham nhũng chưa được đẩy lùi, có trường hợp cán bộ mới đề bạt được thời gian ngắn thì bị bắt nhưng cơ quan chức năng trả lời đã bổ nhiệm đúng quy trình. Bệnh thành tích trong báo cáo còn rất nặng nề với nhiều loại số liệu “nhảy múa”.
ĐB Thuyền đặt câu hỏi: “Cải cách hành chính đã đem lại một số kết quả nhưng tổ chức bộ máy cả Đảng, đoàn thể và cơ quan nhà nước rất cồng kềnh, chồng chéo, biên chế chưa giảm được bao nhiêu, chất lượng phục vụ người dân còn kêu phiền hà. Xin hỏi Phó thủ tướng, Chính phủ có trách nhiệm gì trong vấn đề này không? Giải pháp gì để giải quyết tình trạng trên trong thời gian tới?”.
“Đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế”
Trả lời chất vấn của ĐB Thuyền: “Riêng lĩnh vực quản lý thị trường tôi cho là yếu kém từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Cử tri bức xúc, Bộ trưởng thì lúc nào cũng nói quyết liệt nhưng mọi việc vẫn như cũ. Đi tiếp xúc lần nào cử tri cũng phản ánh hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn tràn lan. Trách nhiệm này thuộc về ai, Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục thời gian tới?”, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận tình trạng hàng giả, hàng nhái được lực lượng quản lý thị trường bắt giữ xử lý hàng năm đều tăng so với năm trước nhưng tình hình không thay đổi.
“Tôi xin nhận khuyết điểm trước QH”, Bộ trưởng Hoàng nói và cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó do kinh tế thị trường hội nhập ngày càng sâu đã gây ra những mặt trái.
Trong thực thi vai trò quản lý nhà nước, đường biên giới kéo dài hàng ngàn km khiến lực lượng chức năng chưa kiểm soát đạt yêu cầu. Một số bộ phận người tiêu dùng vẫn có thói quen dùng các loại hàng hoá giá rẻ dù biết không đảm bảo chất lượng.
Mặt khác, các chế tài xử lý hiện còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Về giải pháp, Bộ đang tham mưu Chính phủ bổ sung sửa đổi các chế tài theo hướng tăng nặng, đồng thời tiến tới nâng cấp lực lượng quản lý thị trường thành tổng cục để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Trong khi đó, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: “Tại kỳ họp thứ 2 và thứ 6, nhiều ĐB đặt vấn đề với Bộ trưởng về trách nhiệm trong việc kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, không sử dụng chất cấm trong sản xuất chế biến nông sản và chăn nuôi. Bộ trưởng hứa sớm khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, qua thực tế cuộc sống hằng ngày và phản ánh của cử tri cho thấy không những được khắc phục mà có chiều hướng gia tăng. Có thể nói, con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng như hiện nay”.
Nhiều ĐB đã đặt câu hỏi với Bộ KH-CN, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Tài chính, Bộ TN-MT. Các phó thủ tướng và Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhận được một số chất vấn.
Tuy nhiên do giới hạn về thời gian nên các câu hỏi với các phó thủ tướng, Thủ tướng chưa được trả lời ngay tại phiên chất vấn ngày hôm qua. Hôm nay (17.11), các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn tại QH.
Cũng trong hôm qua, QH đã chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT xung quanh những vấn đề “nóng” trong giáo dục đào tạo.

 

Cử tri đề nghị khởi kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế
Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp QH, được Trưởng ban Dân nguyện của QH Nguyễn Đức Hiền trình bày sáng 16.11, nêu cử tri đặc biệt quan tâm vấn đề Biển Đông. Cụ thể, cử tri của gần 30 tỉnh thành tiếp tục bày tỏ thái độ bức xúc đối với những vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông; đề nghị có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn để giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, dư luận quốc tế trong việc đối phó với các hành động nêu trên của Trung Quốc; sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Cử tri cũng kiến nghị cần thận trọng hơn trong các chính sách đối ngoại, cân nhắc khi hợp tác, ứng xử đối với một số nước bạn, đặc biệt là Trung Quốc; hạn chế các chính sách thỏa hiệp để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc.
Cử tri đề nghị Bộ Quốc phòng cần tổng rà soát, kiểm tra, đánh giá lại việc xây dựng các công trình, cho thuê đất, giao đất tại các vị trí, khu vực có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến an ninh, quốc phòng. Cử tri cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng trước tình trạng người Trung Quốc giấu mặt mua nhà đất ven biển tại TP.Đà Nẵng, nhiều dự án đã bị người Trung Quốc mua để xây dựng cao ốc cho nhiều người ở…

Thái Sơn – Trường Sơn