30/11/2024

Nghe nhạc bớt bệnh

Thầy thuốc ở Bệnh viện Đại học Stuttgart không vô cớ cho bệnh nhân khoa tim mạch suốt ngày nghe toàn nhạc nhẹ.

 

Nghe nhạc bớt bệnh

 

Thầy thuốc ở Bệnh viện Đại học Stuttgart không vô cớ cho bệnh nhân khoa tim mạch suốt ngày nghe toàn nhạc nhẹ.



Các nhà nghiên cứu bên Đức đã khẳng định: so với nhóm bệnh nhân không được nghe cùng bản nhạc trong lúc nằm viện, huyết áp của những người thưởng thức Dòng sông Danube xanh hay Ave Maria có thể giảm 5-10mm.

Đừng tưởng 5-10mm huyết áp không quan trọng. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần giảm được bấy nhiêu đã đủ để ngăn ngừa tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…

Âm nhạc là một trong các nhân tố đang được ưa chuộng trong phác đồ điều trị trầm uất, mất ngủ, rối loạn nhịp tim, hội chứng mãn kinh và đau nhức thần kinh ở nhiều nước châu Âu

12 phút đã đủ

Thêm tin vui cho người bận rộn. Không cần phải ngồi yên cả giờ nghe nhạc mới có tác dụng. Theo các nhà nghiên cứu ở Đại học Belgrad, chỉ cần 12 phút với bản nhạc đúng gu đã đủ để điều chỉnh và ổn định huyết áp.

Gọi là điều chỉnh vì âm nhạc tác dụng theo hai chiều tuỳ nhịp nhanh chậm của bản nhạc. Kết quả cụ thể của nhiều mô hình nghiên cứu cho thấy nhạc điệu có nhịp nhanh hơn nhịp trung bình của trái tim (75 – 80 lần/phút) có tác dụng cải thiện huyết áp thấp, xúc tác phản ứng tạo huyết, thúc đẩy phản ứng biến dưỡng… Ngược lại, nhạc có tiết tấu hòa hoãn hạ huyết áp cao, an thần, chống co thắt bắp thịt…

Nói cách khác, theo giọng thầy thuốc, nghe nhạc cũng phải đúng chỉ định. Nếu chọn mặt gửi vàng thì người nghe nhạc cũng cần “chọn nhạc mà nghe” nếu muốn mượn cung đàn để phòng và chữa bệnh cho đúng với cơ tạng cá biệt.

Mặt khác, nhạc dù nhanh hay chậm, miễn là ưng ý người nghe, đều thúc đẩy tiến trình tổng hợp kháng thể, nghĩa là vừa góp phần phòng bệnh, vừa gia tốc tiến trình phục hồi. Nói ngược lại, nếu phải nhét đầy tai toàn thứ nhạc đi ngược với nghệ thuật thì người nghe khó tránh sinh bệnh do rối loạn trên trục thần kinh – nội tiết – biến dưỡng sớm muộn cũng gõ cửa gia chủ!

Cũng nhờ cơ chế trung hoà nội tiết tố stress của tuyến thượng thận qua tiếng trầm bổng mà âm nhạc là một trong các nhân tố đang được ưa chuộng trong phác đồ điều trị trầm uất, mất ngủ, rối loạn nhịp tim, hội chứng mãn kinh và đau nhức thần kinh ở nhiều nước châu Âu. Bên đó chắc chắn không thiếu thuốc đặc hiệu nhưng người tiêu dùng chọn cách an toàn vì được thông tin chính xác về tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc hoá chất tổng hợp.

Chuyên gia về bệnh lý do stress hoàn toàn có lý khi khuyên người quá căng thẳng vì mâu thuẫn trong nghề nghiệp, trong gia đình… nên nhiều lần trong ngày bỏ ra mỗi lần không hơn 10 phút để thả hồn theo cung điệu ưa thích. Nếu nhảy múa theo điệu nhạc càng hay vì đó chẳng khác nào thể dạng mượn vận động để trung hòa tác dụng của các chất oxy hóa tích lũy từ stress.

Đừng nghe quá lớn

Thêm một điểm nên lưu ý. Nghe nhạc gì tuỳ sở thích của người nghe, nhưng đừng nghe quá lớn, đừng vặn mức tối đa khi dùng tai nghe vì, cũng theo kết quả nghiên cứu hẳn hoi, tiếng động đinh tai, cho dù vừa ý người nghe, là đòn bẩy của cao huyết áp, mất ngủ, chóng mặt, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đau đầu mãn tính…, không kể đến chuyện ù tai chính mình và điếc tai người bên cạnh!

Nhưng nếu kết luận về mức độ tai hại trên mạch máu mà chỉ dựa vào cường độ âm thanh thì đúng là phiến diện. Tiếng nhạc chói tai, trái tai có tác hại nhanh hay chậm còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố nhạy cảm khác, như:

* Tần số kích ứng thính giác: Ngay cả với cường độ âm thanh bình thường, mạch máu trên thành tim của người phải giao tiếp với tiếng nhạc, tiếng đàn nhiều giờ liên tục dễ bị thương tổn nếu so sánh với người tuy phải chịu âm thanh đinh tai nhức óc nhưng có giờ giải lao.

* Trạng thái tiếp nhận kích ứng âm thanh: Nhạc hay dở thế nào là chuyện khác nhưng nếu người nghe “thương người thương cả đường đi” thì tỉ lệ mắc bệnh vành tim vẫn thấp hơn ở người “khó chịu” với bản nhạc nào đó, dù là người khác khen hay.

* Thời điểm ghi nhận âm thanh: Tiếng nhạc vào ban đêm bao giờ cũng nguy hiểm hơn ban ngày vì khi đó cơ thể giảm sút khả năng điều chỉnh và vì thế dễ phản ứng sai lệch. Tài xế xe tải về đêm không nên nghe nhạc quá lớn vì dễ mất phản ứng tinh tế, chẳng hạn quẹo ngay vào… nhà dân!

Nghe nhạc du dương chắc chắn có lợi cho sức khoẻ. Chỉ kẹt ở chỗ khuyên bao giờ cũng dễ hơn làm. Người có nếp sinh hoạt căng hơn dây đàn mấy ai còn tìm được thời giờ để nghe nhạc? Nếu xưa nay tìm được ít phút thảnh thơi thì đâu phải căng thẳng thế này! Tệ hơn nữa là khi không muốn nghe nhưng phải nhét đầy tai tiếng nhạc inh ỏi từ loa của… hàng xóm suốt đêm thích thử giọng karaoke, của ban nhạc đám tang hoà âm lúc 1g sáng, của tiệm bán quần áo nhưng để nhạc lớn hơn loa sân vận động!

Âm nhạc tính lại cho cùng, cũng như thuốc, là dao hai lưỡi, vì thế phải “đọc kỹ hướng dẫn trước khi nghe”!

Nhạc giúp xả stress

* Bạn Nguyễn Bá Duy (sinh viên năm tư ĐH KHXH&NV TP.HCM): “Khi qua một ngày chạy xe ngoài đường đi học, đi công việc, tối đến ngồi với laptop học bài hay đọc nhiều thứ, nghe nhạc kèm theo cũng xả stress tốt. Nghe nhạc giúp mình điều hòa cảm xúc sau một ngày dài hoạt động, giúp mình tự tin – vì mình thích ca hát. Mình nghe rất nhiều thể loại, bài nào hợp với cảm xúc lúc đó, nghe và cảm thì mình nghe”.

* Bạn Nguyễn Thị Ngọc Vân (21 tuổi, H.Bình Chánh, TP.HCM): “Mình nghe nhạc mọi lúc mọi nơi, cứ rảnh là mình nghe. Mình hay nghe nhạc jazz và pop ballad vì giai điệu của chúng rất cuốn hút. Với những áp lực của một sinh viên năm cuối, chỉ có âm nhạc mới giúp mình thấy thoải mái và giảm được stress. Nói chung mình không kén chọn, nhạc nào hợp với cảm xúc và giúp mình thư giãn được là mình nghe”.

* Bà Nguyễn Thị Khuê Trang (55 tuổi, Q.9, TP.HCM): “Tôi hay nghe nhạc đỏ hoặc nhạc thiền để tĩnh tâm. Với âm điệu du dương, âm nhạc giúp tôi bớt căng thẳng và thoải mái trí óc hơn. Công việc kinh doanh khiến tôi chịu nhiều áp lực, nhưng nhờ có âm nhạc nên tôi thấy nhẹ nhàng hơn. Vào mỗi sáng sớm hay trước khi đi ngủ tôi thường nghe nhạc khoảng nửa tiếng để thư giãn. Tôi có cảm giác nhạc giúp tôi trẻ ra rất nhiều”.Duyên Phan ghi

 

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG