Chương trình giáo dục phổ thông mới: Sẽ rõ hơn tính thực nghiệp
Nhiều chuyên gia cho rằng Bộ GD-ĐT lại đang tiếp tục… làm ngược, khi xây dựng chương trình tổng thể giáo dục phổ thông trước khi chốt việc thiết kế cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân.
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Sẽ rõ hơn tính thực nghiệp
Nhiều chuyên gia cho rằng Bộ GD-ĐT lại đang tiếp tục… làm ngược, khi xây dựng chương trình tổng thể giáo dục phổ thông trước khi chốt việc thiết kế cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân.
Từ cấp tiểu học, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chú trọng rèn luyện cho học sinh khả năng thực hành. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Q.12, TP.HCM) tham gia thí nghiệm tương tác do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với doanh nghiệp tổ chức – Ảnh: T.T.D. |
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Chính vì thế mà một “khoảng hẫng” đã bộc lộ, liên quan tới việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Nói về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận:
– Vấn đề hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, THPT đã được đặt ra nhiều năm qua nhưng hiệu quả thấp do nhiều nguyên nhân.
Trước hết, chương trình giáo dục chưa chuẩn bị tốt kiến thức phổ thông nền tảng cho học sinh THCS, nội dung giáo dục còn nặng về lý thuyết, hàn lâm, xa rời thực tiễn, chưa coi trọng đúng mức việc rèn kỹ năng, thực hành cho học sinh; cơ sở vật chất phục vụ hướng nghiệp nghèo nàn.
Nhà trường, thầy cô, phụ huynh, học sinh trong một thời gian dài chạy theo điểm số, học và dạy học chỉ để phục vụ các kỳ thi.
Tuy nhiên, việc phân luồng kém hiệu quả còn do ngành nghề của xã hội chưa phát triển, ít cơ hội việc làm đa dạng cho người được đào tạo từ các trường nghề.
* Vậy khi thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT đã có những thay đổi gì để khắc phục bất cập trên?
– Ở cấp THPT, tính thực nghiệp sẽ rõ hơn khi chương trình được thiết kế với các nhóm môn học tự chọn và các chuyên đề học tập theo sở trường, định hướng nghề nghiệp.
Ngoài ra việc hướng nghiệp sẽ được chú trọng ngay trong từng môn học bằng cách lựa chọn các kiến thức thiết thực, dạy học gắn với giải quyết các vấn đề của cuộc sống, chú trọng các hoạt động thực hành, trải nghiệm sáng tạo. Đây là cách hướng nghiệp tự nhiên, được xen kẽ ngay trong nội dung dạy học.
Theo dự thảo chương trình mới, ngay từ lớp 10 học sinh có thể lựa chọn các môn học theo định hướng hàn lâm (khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên), định hướng kỹ thuật công nghệ, hoặc chọn các khối thể dục thể thao, nghệ thuật…
Chương trình giáo dục cấp THPT theo hướng mở cùng với quyền tự chủ cũng cho phép các nhà trường có thể hợp tác với doanh nghiệp, cơ sở giáo dục ĐH, CĐ để tổ chức các mô hình dạy học gắn với thực tiễn lao động sản xuất tại địa phương, tổ chức các chuyên đề dạy học gần với nội dung đào tạo của trường ĐH, CĐ.
* Nhưng theo cấu trúc hệ thống giáo dục thời gian tới: hết lớp 9, học sinh sẽ hoàn thành giai đoạn giáo dục cơ bản, nhiều học sinh có thể không học lên THPT mà học nghề hoặc đi làm. Trong khi việc hướng nghiệp lên cấp THPT mới được chú trọng thì có phải quá chậm không?
– Chương trình giáo dục phổ thông mới từ cấp tiểu học đến THCS cũng sẽ chú trọng giáo dục, rèn luyện cho học sinh khả năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn… Các bài học sẽ gần gũi, gắn với cuộc sống và có tính định hướng nghề nghiệp, mức độ từ đơn giản đến sâu hơn trong suốt quá trình học tập của học sinh.
Ở cấp THCS, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, mô hình học tập gắn với doanh nghiệp, trường học trang trại, các hoạt động thực hành, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật sẽ giúp học sinh có được những kiến thức, kỹ năng và cả ý thức đối với lao động, với nghề nghiệp tương lai. Đây là những kiến thức, kỹ năng nền tảng để học sinh rẽ nhánh sang học nghề, hoặc chuẩn bị cho mình một cuộc sống tự lập ngay sau giai đoạn giáo dục cơ bản.
* Ông nghĩ thế nào về đề xuất phải xây dựng hệ thống trường phổ thông trung học kỹ thuật để phục vụ việc chia nhánh sau giai đoạn giáo dục cơ bản, một nhánh song song với nhánh trường THPT?
– Trên thực tế, mô hình trường phổ thông trung học kỹ thuật đã được mở thí điểm ở một số địa phương. Học sinh học theo mô hình trường này đều được trang bị kỹ kiến thức, kỹ năng và có cơ hội công việc tốt, cũng có thể dự thi vào ĐH, CĐ. Nếu triển khai rộng được mô hình này thì quá tốt.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế là việc này rất khó khả thi. Bởi mô hình này cần được đầu tư rất lớn về trang thiết bị – trong đó chủ yếu là trang thiết bị phục vụ việc dạy học thực hành – cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung đội ngũ giáo viên có thể đảm nhiệm được việc dạy thực hành.
Đây là hai việc khó khăn, không phải cứ muốn là làm được ngay. Chính vì vướng mắc này mà trong chương trình tổng thể giáo dục phổ thông chưa đề cập đến mô hình này.
Tuy nhiên, chương trình giáo dục THPT mới được thiết kế theo hướng mở, từ đó khi cần thiết có thể nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung để có được chương trình cho trường THPT kỹ thuật hoặc THPT học theo phương thức vừa làm vừa học (giáo dục thường xuyên).
Các nước chia nhánh rất rõ sau giai đoạn giáo dục cơ bản, nhưng họ cũng không bắt buộc học sinh học theo hướng nào, mà chủ yếu là triển khai với đội ngũ tư vấn rất tốt.
Đội ngũ này tư vấn cho phụ huynh, học sinh quyết định đi theo nhánh phù hợp một cách tự nguyện, đồng thời thiết kế cơ cấu hệ thống và chương trình phù hợp để học sinh có cơ hội liên thông học lên trên hoặc học sang ngang theo định hướng khác.
Chúng ta cũng đang đi theo hướng này. Vì vậy, một giải pháp linh hoạt trên cơ sở nhu cầu thật sự của người học đã được lựa chọn để xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.