30/11/2024

Mỹ can thiệp cuộc chiến Ấn – Trung năm 1962

Cuốn sách mới xuất bản của một cựu quan chức CIA cho thấy sự giằng co giữa các thế lực trong cuộc khủng hoảng tại Nam Á năm 1962.

 

Mỹ can thiệp cuộc chiến Ấn – Trung năm 1962

 

 

 

Cuốn sách mới xuất bản của một cựu quan chức CIA cho thấy sự giằng co giữa các thế lực trong cuộc khủng hoảng tại Nam Á năm 1962.




Một cánh quân Ấn Độ được điều động tại khu vực biên giới năm 1962 - Ảnh: AFPMột cánh quân Ấn Độ được điều động tại khu vực biên giới năm 1962 – Ảnh: AFP
Sau 30 năm làm việc cho CIA với vai trò cố vấn về vấn đề Nam Á cho 4 đời tổng thống, chuyên gia tình báo hàng đầu của Mỹ Bruce Riedel vừa hé lộ những tình tiết gay cấn xung quanh chiến tranh biên giới Trung – Ấn cách đây hơn nửa thế kỷ, theo Đài NDTV.
Ấn Độ cầu cứu Mỹ
Trong hàng chục năm qua, giới tuyến dài 3.380 km giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã chứng kiến cuộc tranh chấp chủ quyền dai dẳng liên quan tới nhiều khu vực. Trong đó, căng thẳng hiện nay chủ yếu xoay quanh vùng Aksai Chin đang do Bắc Kinh kiểm soát và bang Arunachal Pradesh thuộc sự quản lý của New Delhi. Ấn Độ tuyên bố Aksai Chin thuộc vùng Ladakh của nước này còn Trung Quốc tuyên bố Arunachal Pradesh là một phần của Khu tự trị Tây Tạng với tên Nam Tây Tạng.
Đỉnh điểm của tranh chấp nổ ra vào ngày 20.10.1962 khi khoảng 80.000 quân Trung Quốc bất thần tiến công ồ ạt vào cao nguyên Aksai Chin và vùng trồng chè quan trọng của Ấn Độ ở Assam. Lực lượng phòng thủ biên giới Ấn Độ hoàn toàn bị động và không được trang bị tốt nên nhanh chóng bị áp đảo và New Delhi lập tức phái thêm quân hỗ trợ nhưng tổng số lính tham chiến của nước này cũng chỉ khoảng 10.000 – 12.000 người. Cuộc chiến diễn ra trong điều kiện khắc nghiệt ở độ cao trên 4.250 m, thời tiết giá lạnh và hai bên chủ yếu sử dụng bộ binh.
Theo sách From JFK’s Forgotten Crisis: Tibet, the CIA, and the Sino-Indian War (tạm dịch: Từ cuộc khủng hoảng bị quên lãng của JFK: Tây Tạng, CIA và chiến tranh Trung – Ấn) vừa xuất bản của ông Bruce Riedel, mục tiêu tiến quân của Chủ tịch Mao Trạch Đông khi đó ngoài vấn đề lãnh thổ còn nhằm làm bẽ mặt Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, đồng thời chứng tỏ sức mạnh với Tổng thống Mỹ John F.Kennedy lẫn lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev.
Trước nguy cơ bại trận, ông Nehru đã đề nghị Mỹ hỗ trợ. Trong bức thư gửi Tổng thống Kennedy ngày 19.11.1962, ông yêu cầu Mỹ gửi 12 phi đội gồm chiến đấu cơ siêu thanh và máy bay vận tải cũng như hỗ trợ lắp đặt hệ thống radar trong vùng chiến sự. Bên cạnh đó, phía Ấn Độ còn muốn có thêm 2 phi đội oanh tạc cơ B-47 để dội bom Tây Tạng. “Chỉ 1 thập niên sau khi Mỹ đạt thoả thuận ngừng bắn với Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên, Ấn Độ lại yêu cầu JFK tham gia mặt trận mới chống Bắc Kinh”, NDTC dẫn cuốn sách của tác giả Riedel viết.
Sau khi nhận được thư cầu cứu, Tổng thống Kennedy không đáp ứng trực tiếp yêu cầu của New Delhi nhưng ra lệnh một hải đội tàu sân bay áp sát bờ biển Ấn Độ trong các ngày 19 và 20.11. Chuyên gia Riedel khẳng định do áp lực này đồng thời đã đạt mục đích chiếm quyền kiểm soát Aksai Chin nên vào ngày 21.11.1962, Trung Quốc tuyên bố ngừng bắn và rút quân. Theo tạp chí Time, có 722 lính Trung Quốc thiệt mạng trong khi số thương vong của Ấn Độ lên tới 1.383 người chết và 1.047 người bị thương.
Ngăn chặn Pakistan
Ngoài ra, trong tác phẩm mới, chuyên gia Riedel cho rằng vai trò lớn nhất của Mỹ trong cuộc chiến 1962 không nằm ở máy bay hay tàu chiến mà là ngăn được Pakistan “thừa nước đục thả câu”.
Khi đó là thời cơ lớn nhất để Pakistan tiến chiếm vùng Kashmir tranh chấp với Ấn Độ và đẩy đối thủ số 1 của mình vào thế lưỡng bề thọ địch. Sau khi Thủ tướng Ấn Độ Nehru cam kết rằng nếu được Mỹ viện trợ chiến đấu cơ, nước này sẽ không dùng chúng tấn công Pakistan, Tổng thống Kennedy đã phối hợp với Thủ tướng Anh Harold Macmillan gây áp lực buộc chính quyền Islamabad đứng ngoài cuộc. Đổi lại, Tổng thống Pakistan Ayub Khan yêu cầu Washington ép New Delhi từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với Kashmir. Điều này đã không xảy ra và ông Khan cũng rất bất bình khi Mỹ triển khai tàu sân bay ủng hộ Ấn Độ về mặt thanh thế trong giai đoạn cuối của cuộc chiến.
Vì không muốn làm mất lòng đồng minh lớn nhất của mình nên Pakistan đành “nuốt giận” ngồi yên. Tuy đã đạt mục tiêu “giúp bảo vệ Ấn Độ đứng vững trước một quốc gia Cộng sản” nhưng theo tác giả Riedel, những hành động của Mỹ cũng để lại hậu quả kéo dài đến tận ngày nay. Đó là sự hình thành quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Pakistan và Trung Quốc, mà một trong những đỉnh cao là việc Islamabad ký thoả ước nhượng thung lũng Shaksgam nằm trong phần Kashmir do mình kiểm soát cho Bắc Kinh vào năm 1963.

Thuỵ Miên