10/01/2025

Chấn động những vụ mang bom lên máy bay

Trong lịch sử hàng không thế giới đã xảy ra nhiều vụ khủng bố chấn động với thủ đoạn gài bom trong hành lý hoặc giấu trong người mang lên khoang.

 

Chấn động những vụ mang bom lên máy bay

 

Trong lịch sử hàng không thế giới đã xảy ra nhiều vụ khủng bố chấn động với thủ đoạn gài bom trong hành lý hoặc giấu trong người mang lên khoang.



 

Một mảnh vỡ của máy bay Hãng Pan Am tại Lockerbie năm 1988 - Ảnh: CNNMột mảnh vỡ của máy bay Hãng Pan Am tại Lockerbie năm 1988 – Ảnh: CNN
Dù vẫn chưa có kết luận chính thức từ giới chức các nước liên quan, nhưng ngày càng có nhiều thông tin cho thấy thảm nạn rơi máy bay Nga tại Ai Cập hôm 31.10 làm 224 người thiệt mạng là do nổ bom. Tờ Independent dẫn nguồn tin từ các nhà điều tra giấu tên tiết lộ tiếng động lạ do hộp đen thu được trong giây phút cuối cùng trước khi máy bay rơi “là tiếng nổ”, còn giới chức Mỹ khẳng định với CNN rằng “99,9% đó là một quả bom”.
Trước đây, thế giới đã từng chứng kiến nhiều âm mưu đánh bom máy bay, có vụ gây hậu quả thảm khốc nhưng cũng có vụ được phát hiện kịp thời.
Chuyến bay 182 của Air India
Đến nay, thảm nạn xảy ra với chuyến bay Flight 182 của Hãng Air India (Ấn Độ) vào ngày 23.6.1985 vẫn là vụ đánh bom máy bay nghiêm trọng nhất lịch sử hàng không. Theo CBC, tổng cộng 329 người đã thiệt mạng, đa số là người Canada, khi chiếc Boeing 747-237B nổ tung trong không phận Ireland ở Đại Tây Dương khi đang trên đường từ Toronto (Canada) đến New Delhi (Ấn Độ).
Kết quả điều tra cho thấy, một người đàn ông sử dụng tên giả là Manjit Singh đã mang vali chứa bom đến làm thủ tục chuyển từ chuyến bay Flight 181 sang Flight 182, nhưng nhân viên hàng không từ chối vì lý do chỗ ngồi của thủ phạm trên chuyến 182 chưa được xác nhận. Tuy nhiên, trong lúc chờ xác nhận, nhân viên này vẫn nhận hành lý của Singh ký gửi mà không hề kiểm tra. Thủ phạm nhanh chóng biến mất và chuyến bay Flight 182 khởi hành mà không có ông ta. Kết quả điều tra sau đó cho thấy nhóm vũ trang Sikh Babbar Khalsar chống chính phủ Ấn Độ đứng sau vụ việc.
Vụ nổ trên bầu trời Lockerbie
Hơn 3 năm sau vụ Flight 182, vào ngày 21.12.1988, chiếc máy bay số hiệu Flight 103 của Hãng Pan Am phát nổ trên hành trình từ Frankfurt (Đức) đến Detroit (Mỹ). Toàn bộ 243 hành khách và 16 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng. Những mảnh vỡ lớn của máy bay rơi xuống các khu vực dân cư của Lockerbie, Scotland, làm chết thêm 11 người trên mặt đất, theo BBC.
Năm 2001, ông Abdelbaset al-Megrahi, người Libya, bị kết án chung thân trong phiên tòa gây nhiều tranh cãi tại Hà Lan. Theo cáo trạng, al-Megrahi là sĩ quan tình báo Libya và đã lợi dụng vỏ bọc Trưởng đơn vị an ninh của Hãng hàng không LAA (Libya) để đưa vali gài bom lên máy bay. Người này được chính quyền Scotland phóng thích rồi trục xuất về Libya vào tháng 8.2009 do bị ung thư và qua đời vào tháng 5.2012.
Bom giày và bom quần lót
Âm mưu bất thành này xảy ra trên chuyến bay Flight 63 của Hãng hàng không American Airlines vào ngày 22.12.2001. Chiếc Boeing 767 với 197 hành khách và phi hành đoàn, đang từ phi trường Charles de Gaulle ở thủ đô Paris của Pháp đến phi trường Miami ở bang Florida (Mỹ). Theo tờ Time, thủ phạm Richard Reid, một phần tử Hồi giáo cực đoan đến từ Anh tự nhận là thành viên al-Qaeda, đã mang đôi giày chứa 2 loại chất nổ lên máy bay. Tuy nhiên, khi cố kích hoạt chất nổ trong giày, Reid đã bị các hành khách phát hiện và khống chế. Người này lĩnh 3 án tù chung thân và thêm 110 năm tù giam sau phiên toà ở Mỹ năm 2003.
Vào ngày 25.12.2009, đến lượt Umar Farouk Abdulmutallab, quốc tịch Nigeria, thất bại khi kích nổ quả bom mini giấu trong quần lót y đang mặc trên chuyến bay 253 của Hãng Northwest Airlines đang chở 289 người hướng đến Detroit, Mỹ. Điều đáng nói là cả Reid lẫn Abdulmutallab đều không hề bị phát hiện khi đi qua các cổng kiểm tra an ninh tại sân bay. Sau những vụ việc này, Mỹ mới quyết định lắp đặt các máy quét xuyên thấu toàn thân tại phi trường đồng thời yêu cầu hành khách phải cởi giày khi kiểm tra.
Âm mưu đánh bom xuyên Đại Tây Dương năm 2006
Đây là tên gọi của kế hoạch khủng bố nhằm kích hoạt chất nổ dạng lỏng trong khoang của 7 chiếc máy bay từ Anh đến Mỹ và Canada. Theo tờ Financial Times, âm mưu này đã bị cảnh sát Anh phát hiện và phá vỡ trước khi có thể được thực hiện. Tổng cộng 24 nghi phạm đã bị bắt giữ ở thủ đô London và khu vực lân cận vào đêm 9.8.2006. Trong số này, 16 người đã bị truy tố về tội khủng bố. Tuy nhiên, chỉ có 3 người là Ibrahim Savant, Arafat Khan và Waheed Zaman bị kết tội âm mưu giết người và lĩnh án chung thân vào tháng 10.2010.
Theo CNN, giới chức Mỹ hôm qua 9.11 tiết lộ thông tin về các cuộc liên lạc giữa các tay súng có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) liên quan đến vụ rơi máy bay Nga là do tình báo Israel chuyển cho các đồng nghiệp Mỹ và Anh. Sau khi nghe lén được các cuộc gọi của nhóm vũ trang Wilayat Sinai tại Ai Cập với đầu não IS ở Syria nói về “vụ đặt bom trên máy bay Nga”, Tel Aviv đã chia sẻ với Washington và London. Hiện các bên liên quan từ chối bình luận về thông tin trên còn Nga và Ai Cập thời gian qua liên tục chỉ trích phương Tây không chia sẻ thông tin tình báo về vụ việc cho 2 nước này.
Mặt khác, tờ Sunday Times loan tin Anh đã đề xuất với Nga và Ai Cập về việc sẵn sàng triển khai lực lượng đặc nhiệm hỗ trợ bắt giữ hoặc tiêu diệt Abu Osama al-Masri, thủ lĩnh của nhóm Wilayat Sinai bị cho là đứng sau thảm nạn ngày 31.10.

Kiểm tra cả hành khách lẫn nhân viên
Theo các chuyên gia, nếu đúng là máy bay Nga bị gài bom thì khả năng cao thủ phạm là nhân viên sân bay hoặc hãng hàng không vì hành khách hiện nay bị kiểm tra khá kỹ lưỡng. BBC dẫn lời ông Norman Shanks, cựu Giám đốc an ninh tại Cơ quan Sân bay Anh, nhấn mạnh rằng quy trình kiểm tra an ninh với nhân viên hàng không chứa đựng nhiều lỗ hổng và mỗi nơi tiến hành mỗi khác vì vậy không ai đảm bảo khủng bố không xâm nhập vào đội ngũ an ninh tại các phi trường.
Hiện nhiều nhà lập pháp Mỹ đang kêu gọi siết chặt hơn nữa khâu kiểm tra an ninh tại các phi trường nước này, theo Fox News. Có một số ý kiến cho rằng nước này nên áp dụng quy trình của EU là kiểm tra mọi nhân viên hàng không, bao gồm phi hành đoàn và nhân viên mặt đất khi ra vào khu vực an ninh, bất kể họ đi ra rồi trở vào bao nhiêu lần.
Đầu năm nay, sau khi phát hiện một đường dây buôn lậu súng của nhân viên hàng không ở phi trường Hartsfield-Jackson Atlanta, Cơ quan An ninh vận tải Mỹ đã xem xét việc kiểm tra kiểu châu Âu nhưng cuối cùng quyết định tăng cường kiểm tra an ninh ngẫu nhiên đối với nhân viên tại sân bay đồng thời tăng cường kiểm tra lý lịch trước khi tuyển dụng.

 

Trùng Quang