Tránh rồi sao vẫn “dính bầu”?
Nhiều cặp vợ chồng đã áp dụng các biện pháp tránh thai nhưng bỗng một hôm “té ngửa” vì không hiểu tại sao vẫn “dính bầu”.
Tránh rồi sao vẫn “dính bầu”?
Nhiều cặp vợ chồng đã áp dụng các biện pháp tránh thai nhưng bỗng một hôm “té ngửa” vì không hiểu tại sao vẫn “dính bầu”.
Tư vấn các biện pháp phòng tránh thai tại Trung tâm tư vấn sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình, Bệnh viện Phụ sản T.Ư – Ảnh: Quỳnh Liên |
Theo chuyên gia y tế, các biện pháp tránh thai hiện nay đều có tỉ lệ thất bại, tỉ lệ này càng cao khi người sử dụng không tuân thủ đúng hướng dẫn hoặc không thăm khám sức khoẻ định kỳ.
Có mà không hay
Cách đây một tháng, chị T.Thuý (33 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) bị chậm kinh khoảng 10 ngày so với chu kỳ hằng tháng, bụng cũng có phần to hơn bình thường, xuất hiện thêm hiện tượng đau bụng lâm râm, hơi nóng đầu…
Tưởng là đau bụng đến tháng, chị Thuý không để tâm đi bác sĩ thăm khám. Khoảng năm ngày sau khi xuất hiện những triệu chứng trên, chị Thuý bị ra máu nhiều, đau bụng quằn quại, mặt tái, chân tay lạnh…, người nhà thấy vậy đưa chị Thuý đi cấp cứu.
Tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, chị Thuý ở trong tình trạng nguy kịch: mạch nhanh, huyết áp tụt thấp, ngất xỉu… và được chẩn đoán có thai ngoài tử cung, có nguy cơ vỡ, buộc phẫu thuật lấy khối thai.
Tuy giữ được tính mạng nhưng chị Thuý rất băn khoăn không hiểu vì sao mình mang thai trong khi đặt vòng ba năm nay.
Chị Hiền (43 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) kể có ba con đã lớn, không có nhu cầu sinh thêm con nên nhiều năm trước chị tìm đến các biện pháp kế hoạch hoá. Ban đầu chị Hiền chọn phương pháp uống thuốc tránh thai hằng ngày, tuy nhiên khi thực hiện lại lúc quên lúc nhớ, vì thế có lần “dính bầu” phải bỏ.
Tiếp tục được hướng dẫn chuyển sang biện pháp đặt vòng nhanh gọn, không cần để ý đến giờ uống thuốc, nhưng khi đặt vòng chị Hiền lại xuất hiện triệu chứng đau bụng, rong kinh, người nổi nhiều mụn dị ứng…
Thấy không ổn, chị Hiền đành bỏ việc đặt vòng. Vì chồng hay đi công tác xa, ít thời gian gần gũi nên khi gặp nhau tuỳ cơ ứng biến (có lúc chồng dùng bao cao su, có khi vợ uống thuốc tránh thai khẩn cấp…). Nhưng nửa tháng trước chị Hiền bị chậm kinh, khi thử que lại lên “hai vạch”, chị Hiền “chết đứng”.
Bác sĩ Hồ Sỹ Hùng, Bệnh viện Phụ sản T.Ư, cho biết có hai nguyên nhân dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn là: không áp dụng biện pháp tránh thai và có áp dụng biện pháp tránh thai nhưng không theo đúng hướng dẫn hoặc không thăm khám sức khoẻ định kỳ.
Không biện pháp nào an toàn 100%
Theo bác sĩ Hùng, các biện pháp tránh thai hiện nay dùng cho cả nam và nữ được chia thành hai nhóm là: vĩnh viễn và tạm thời theo mục đích của người sử dụng (không muốn có con nữa hoặc tạm thời chưa muốn có con).
Ngay cả biện pháp tránh thai “vĩnh viễn” (thực chất là đình sản) là thắt ống dẫn tinh với nam và thắt ống dẫn trứng với nữ có tỉ lệ an toàn cao nhất lên tới 99% nhưng cũng có tỉ lệ nhỏ thất bại (1%).
Tại bệnh viện đã tiếp nhận những trường hợp “dở khóc dở cười” sau khi đình sản vẫn có thai.
Nguyên nhân do người thực hiện kỹ thuật không tốt, có sai sót hoặc do những nguyên nhân khác như việc tinh trùng của người nam có thể tồn tại sau khi triệt sản từ 60 đến 90 ngày. Do đó, người nam sau triệt sản mà quan hệ trong thời gian này vẫn có thể có con.
Tỉ lệ an toàn đối với các biện pháp tránh thai tạm thời thấp hơn. Ở nam, phổ biến nhất là dùng bao cao su. Mặc dù có hai tác dụng là ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục và tránh thai nhưng thực tế hiệu quả sử dụng của phương pháp này rất thấp.
Tỉ lệ người dùng không cao do không đạt được cảm giác và sử dụng không đúng cách – phổ biến nhất là chỉ sử dụng khi sắp xuất tinh thì không có hiệu quả tránh thai vì tinh trùng có ở trong chất nhầy đã kịp xâm nhập vào người nữ từ trước, hoặc sử dụng bao cao su không đúng kích cỡ, chất lượng không tốt dẫn đến việc rách bao trong khi quan hệ…
Phụ nữ có nhiều phương pháp tránh thai hơn như: sử dụng bao cao su nữ, uống thuốc tránh thai hằng ngày, miếng dán tránh thai ngoài da, que cấy tránh thai, thuốc tránh thai khẩn cấp và đặt vòng tránh thai. Mỗi phương pháp này đều có ưu, nhược điểm và tỉ lệ thành công khác nhau.
Cơ chế bảo vệ của bao cao su nữ cũng như tỉ lệ thành công trong tránh thai, tránh bệnh lây qua đường tình dục giống như đối với bao cao su của nam.
Về bản chất của những biện pháp còn lại hầu như là giải phóng hormone sinh sản làm ngăn ngừa sự kết hợp của tinh trùng với trứng và ngăn ngừa thai làm tổ. Riêng vòng tránh thai có hai loại, gồm: loại giải phóng hormone sinh sản giống các biện pháp khác và một loại thực chất là dị vật ngăn cản sự làm tổ của thai.
Các biện pháp tránh thai nói chung đều kén người dùng vì có người bị dị ứng, rong kinh, đau đầu… nếu lạm dụng, sử dụng lâu dài đều có khả năng làm tăng nhẹ tỉ lệ có thai ngoài tử cung, viêm nhiễm…
Riêng vòng tránh thai để lâu có thể dẫn đến biến chứng lạc vòng, vòng không ở vị trí cũ mà di chuyển lên các bộ phận khác trong ổ bụng.
Phải thăm khám định kỳ Bác sĩ Hồ Sỹ Hùng khuyến cáo để hạn chế việc có thai ngoài ý muốn cũng như ngăn ngừa các biến chứng khác khi sử dụng các biện pháp tránh thai, mọi người cần tìm hiểu biện pháp tránh thai phù hợp nhất với bản thân và phải tìm đến các cơ sở kế hoạch hóa, bệnh viện uy tín để được tư vấn, thực hiện kỹ thuật tránh thai. Khi sử dụng cần tuân thủ đúng hướng dẫn, đặc biệt phải thăm khám sức khỏe định kỳ. “Nếu uống thuốc tránh thai hằng ngày, sử dụng que tránh thai, miếng dán, các loại thuốc hormone ức chế mang thai cần thăm khám từ 6 tháng đến 1 năm một lần để được biết các bộ phận khác như gan, thận… có bị ảnh hưởng hay không. Với việc đặt vòng cần đi khám định kỳ 1 năm/ lần để xem vòng có còn ở đúng vị trí…”, ông Hùng nói. |