28/11/2024

Giáo sinh yếu do giáo viên!

Đánh giá không chính xác của người hướng dẫn đối với giáo sinh khiến kết quả của kỳ thực tập không phản ánh đúng chất lượng thật của những giáo viên tương lai. Chưa kể những gì học ở trường ĐH lại khác với thực tiễn khiến giáo sinh lúng túng.

 

Giáo sinh yếu do giáo viên!

 

Đánh giá không chính xác của người hướng dẫn đối với giáo sinh khiến kết quả của kỳ thực tập không phản ánh đúng chất lượng thật của những giáo viên tương lai. Chưa kể những gì học ở trường ĐH lại khác với thực tiễn khiến giáo sinh lúng túng.


 


Giáo viên hướng dẫn giáo sinh thực tập tại một trường THPT ở TP.HCM - Ảnh: B.HGiáo viên hướng dẫn giáo sinh thực tập tại một trường THPT ở TP.HCM – Ảnh: B.H
Chưa xử lý tốt các tình huống
Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.1 TP.HCM nhận xét: “Tiến bộ rõ nét nhất của giáo sinh chính là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và cập nhật kiến thức từ internet vào bài giảng soạn trên giáo án điện tử. Còn lại, các kỹ năng khác liên quan đến việc dạy khá yếu và hầu như không có sự chuẩn bị”.
Bà Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu phó Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM nói thêm: “Giáo sinh chưa xử lý tốt được các tình huống sư phạm, thường lúng túng hoặc bỏ qua khi gặp các thắc mắc về ứng xử giao tiếp. Nhiều khi vì muốn gần gũi với học sinh (HS) mà quên mất vai trò của mình nên cách hành xử không còn nằm trong chuẩn mực, có phần vô tư”.
Còn ông Huỳnh Công Hoàng, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết giáo sinh không có kỹ năng về công tác chủ nhiệm. Đặc biệt các em khá “ngơ ngác”, không biết cách tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, trong khi hoạt động này diễn ra hằng tháng trong trường phổ thông.
Một giáo viên hướng dẫn thực tập tại trường mầm non của Q.5 nói rằng nhiều giáo sinh mới va chạm thực tế như trẻ bệnh, trẻ khóc mà đã cảm thấy quá sức, không vượt qua được.
Bà Diễm Trang còn cho hay có những giáo sinh có tâm thế “biết hơn” giáo viên và không có thái độ cầu thị trong quá trình thực tập tại trường. Chính điều này dẫn đến trường hợp giáo viên hướng dẫn không thoải mái khi truyền lại kinh nghiệm. Tương tự, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1, TP.HCM cũng nói giáo sinh còn lơ là, ít chịu học hỏi kinh nghiệm của giáo viên hướng dẫn.
Nương nhẹ khi đánh giá
Hiệu phó chuyên môn một trường THPT tại Q.Tân Bình, TP.HCM chuyên phụ trách công tác thực tập của giáo sinh cho rằng mỗi khóa thực tập may ra có khoảng 30% đạt tiêu chuẩn có thể đứng lớp ngay. Trong khi đó, các trường phổ thông không thể chờ đợi giáo viên mới “cứng tay” để phân công nhận lớp. Vì vậy, ông Huỳnh Công Hoàng cho hay mỗi giáo viên mới, trường phải phân công một giáo viên cũ hướng dẫn, kèm cặp thêm để kịp thời phát hiện những lỗ hổng về kiến thức, yếu về phương pháp, kỹ năng.
Tuy vậy, kết quả thực tập của sinh viên phần nhiều đều được đánh giá tốt. Chẳng hạn trong đợt tổng kết công tác thực tập sư phạm khối THPT năm học 2014 – 2015, Trường ĐH Sài Gòn đưa ra con số trên 95% sinh viên đạt loại giỏi, xuất sắc trong thực tập.
Lý giải việc đánh giá của các trường phổ thông về giáo sinh, lãnh đạo của một trường tại Q.Bình Thạnh nói: “Các tiêu chí đánh giá thực tập của các trường có chuyên ngành sư phạm khá chi tiết nhưng do không muốn gây khó cho giáo sinh, không rạch ròi tình cảm với công việc, thương giáo sinh sắp bước chung đường nên người hướng dẫn vẫn còn sự vị nể trong nhận xét và đánh giá”.
Chính lãnh đạo Trường ĐH Sài Gòn cũng nhìn nhận điều này khi cho rằng kết quả đánh giá chưa phản ánh đúng trình độ của sinh viên vì thực tế nhiều sinh viên được đánh giá thực tập loại giỏi nhưng khi tốt nghiệp chỉ xếp loại trung bình. Theo nhà trường, nguyên nhân là việc kiểm tra đánh giá còn phụ thuộc nhiều vào cảm xúc nên người hướng dẫn có tâm lý nương nhẹ khi đánh giá sinh viên thực tập.
“Cưỡi ngựa xem hoa”
Trong khi đó, giáo sinh thực tập tại một trường mầm non than thở: “Thời gian thực tập 1 tháng mà trong trường có 4 nhóm lớp, tính ra mỗi nhóm lớp chúng em thực tập được 5 ngày học. Với thời gian như vậy, chúng em chỉ kịp làm quen với trẻ chứ chưa đủ thời gian để học những kỹ năng của giáo viên hướng dẫn”.
Một sinh viên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận xét: “Những phương pháp dạy trẻ mà em học ở trường ĐH khác hoàn toàn với những điều áp dụng trong trường mầm non. Việc sắp xếp lịch kiến tập một buổi/tuần kéo dài trong năm học gây khó khăn cho giáo sinh trong việc theo dõi quá trình phát triển của trẻ để rèn được kỹ năng cho nghề nghiệp”.
Còn giáo sinh môn ngữ văn tại H.Bình Chánh cho biết: “Ở trường chúng em, học nghiệp vụ sư phạm học trong thời gian ngắn và chỉ đơn thuần là lý thuyết. Vì vậy, sinh viên nào cũng mong muốn đến trường phổ thông để có dịp va chạm với nghề. Đến năm thứ 3 chúng em có đợt kiến tập, năm thứ 4 thực tập nhưng thời gian hơn 1 tháng coi như chỉ cưỡi ngựa xem hoa”.
Cần sự tương tác giữa trường ĐH và phổ thông
Để giáo sinh không bỡ ngỡ với chương trình giảng dạy, nhiều giáo viên cho rằng chương trình đào tạo của các trường sư phạm nên có sự tương tác với chương trình phổ thông. Theo đó, trường sư phạm phải nắm rõ chương trình phổ thông bao gồm những môn gì, hoạt động nào để cung cấp cho sinh viên kiến thức nền. Trên cơ sở đó, khi ra trường, sinh viên trang bị thêm những kỹ năng phục vụ cho nghề.
Bà Diễm Trang còn cho rằng mục tiêu đặt ra khi chọn nghề sẽ quyết định cách thức hành nghề của sinh viên. Bên cạnh việc trang bị kiến thức thì chỉ có lòng yêu nghề, say mê với việc truyền kiến thức mới giúp cho giáo viên sự tự tin, dám tạo những đột phá trong phương pháp giảng dạy. Còn ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) cũng nói rằng điều quan trọng đối với giáo viên là lúc chọn học ngành sư phạm phải xuất phát từ tình yêu nghề và tình yêu đối với HS. Do vậy, thời gian thực tập sẽ là giai đoạn hun đúc tình cảm đó.

 

Bích Thanh