Công trình “nhà văn hoá” đã được ghép cốp pha chờ đổ mái, ảnh chụp ngày 28.10 – Ảnh: Bích Ngọc
|
Yêu cầu xác minh và có biện pháp bảo vệ di tích
|
|
|
Nếu công trình không hoàn tất thủ tục mà vẫn thi công thì sẽ phải tháo dỡ |
|
|
Ông Phạm Tuấn Đạt, Phó chủ tịch UBND TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh
|
|
|
Trước thông tin báo chí nêu về việc Công ty Tùng Lâm xây dựng nhà văn hoá không phép ngay tại vùng lõi Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, ngày 23.10, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định 6404/UBND/VX1 yêu cầu xác minh và có biện pháp bảo vệ di tích và báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 5.11.
Ngay sau đó, tổ công tác liên ngành của Sở VH-TT-DL và Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh đã đến kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu công ty này tạm dừng thi công, hoàn tất các thủ tục, hồ sơ để được phê duyệt theo quy định. Trong biên bản kiểm tra thực địa hoạt động xây dựng khu vực nhà ga cáp treo 1 của tổ công tác liên ngành ghi rõ: tại thời điểm kiểm tra, trên nền công trình cũ bị dỡ bỏ, Công ty Tùng Lâm đã cho đổ móng và các cột trụ bằng bê tông lớn.
Ghi nhận của PV Thanh Niên sáng 28.10 tại công trường cho thấy không chỉ móng và cột trụ, công trình này đã được ghép cốp pha đến phần mái để tiếp tục chờ đổ bê tông mái; la liệt xung quanh là cốp pha và ngổn ngang gạch vữa. Như vậy, tính từ lúc công trình bị lập biên bản, dừng thi công đến ngày 28.10 cho thấy phần mái đã được tiếp tục thi công dù đã có lệnh dừng. Một số người dân xung quanh cho biết, những hôm trước công nhân vẫn thi công liên tục. Chỉ đến ngày 28.10 mới thôi không làm nữa, “chắc vì biết báo chí hôm nay xuống”. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của Thanh Niên, ông Lê Trọng Thanh, Phó giám đốc Công ty Tùng Lâm khẳng định “hoàn toàn không có chuyện đó”.
Cầu xây không phép trên suối Giải Oan
|
Giải thích về nguồn gốc đất của công trình “nhà văn hoá công ty”, ông Thanh cho biết “nhà văn hoá” hoàn toàn được xây dựng trên nền của công trình cũ. “Chúng tôi được cấp sổ đỏ toàn bộ diện tích ga cáp treo và công trình phụ từ năm 2001 (chỉ là quy hoạch tổng thể khu vực vì sổ đỏ đến năm 2007 mới được cấp – PV). Vì vậy, chúng tôi chỉ xây dựng trên phần đất của mình. Nhà văn hoá này vốn chỉ được xây lại trên nền đất của nhà văn hoá trước đây, đã được phê duyệt quy hoạch”, ông Thanh nói. Cũng theo ông Thanh, nhà văn hoá cũ diện tích khoảng 70 – 80 m2. Nay nâng cấp thì nhà văn hoá mới có rộng hơn một chút, khoảng hơn 100 m2, nhưng chủ yếu là phần mái đưa ra.
Theo ông Lê Trọng Thanh, nhà văn hoá công ty là điểm thờ tự lập ra để dành riêng cho cán bộ công nhân viên của Công ty Tùng Lâm thờ duyên và được nghe giảng cũng như học các nghi lễ Phật giáo. Theo đó, sau khi nhà văn hoá hoàn thành, công ty này sẽ vẫn tiếp tục đưa điện Trúc Lâm Tam tổ vào để thờ.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, việc đưa một điểm thờ tự của nội bộ Công ty Tùng Lâm vào đặt giữa lòng quần thể di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử từ nhiều năm trước đã gây ra sự nhầm lẫn cho du khách và các phật tử khi về đây chiêm bái. Nhiều người cho rằng với kiến trúc cột tròn và mái đình cong vút án ngữ ngay đường vào ga cáp treo, cùng với việc thờ Trúc Lâm Tam tổ, “nhà văn hoá Công ty Tùng Lâm” không khác gì một điểm chùa trong quần thể cụm di tích Yên Tử. Thực tế, nhiều người dân đã đặt lễ cũng như tiền công đức tại chính “nhà văn hoá” cũ của Công ty Tùng Lâm mà Thanh Niên từng lên tiếng trong bài Lập lờ chùa giả giữa lòng Yên Tử ra ngày 8.4.2014.
Tháo dỡ nếu không có phép
|
|
Theo một đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2007, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Tùng Lâm thuê trong vòng 50 năm để xây dựng nhà ga cáp treo và các công trình phụ trợ như: nhà chờ ga cáp treo, khu dịch vụ, khuôn viên… Tổng diện tích đất được giao tại thời điểm đó là trên 10.000 m2. |
|
|
Ông Phạm Tuấn Đạt, Phó chủ tịch UBND TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cho biết diện tích xây mới nhà văn hoá của Công ty Tùng Lâm khoảng
260 m2, gấp 4,3 lần diện tích cũ. Theo tìm hiểu của PV thì diện tích nhà văn hoá cũ chỉ khoảng 60 m2. Ông Đạt khẳng định sẽ đi xuống tận nơi để kiểm tra ngay và hứa sớm có thông tin lại cho báo chí về vấn đề này. Cũng theo ông Đạt: “Nếu công trình không hoàn tất thủ tục mà vẫn thi công thì sẽ phải tháo dỡ”. Riêng về chiếc cầu và kè ở suối Giải Oan của Công ty Tùng Lâm cũng xây dựng không phép từ nhiều năm trước, ông Đạt cho biết: “Doanh nghiệp nói đã hoàn thiện hồ sơ và hợp thức hóa nhưng chúng tôi vẫn chưa được họ báo cáo chính thức”.
Trước câu hỏi: “Vì sao một công trình không phép như cầu trên suối Giải Oan thay vì phải dỡ bỏ theo quy định thì vẫn ngang nhiên tồn tại cho đến tận bây giờ?”, ông Lê Trọng Thanh ngần ngừ một lúc rồi đáp: “Với công trình này, công ty đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ để hợp thức hoá. Và theo đó, cây cầu được phép tồn tại”.
Không khẳng định việc cầu ở suối Giải Oan đã được cấp phép xây dựng, ông Phạm Tuấn Đạt cho biết bên cạnh lĩnh vực tài chính, ông vừa mới được phân công phụ trách thêm mảng văn hoá – du lịch nên chưa thể nắm hết tất cả các thông tin trong lĩnh vực này. Hơn nữa, đây vốn là mảng do người tiền nhiệm để lại, mọi việc đang trong quá trình bàn giao nên ông cần thêm thời gian để rà soát và thông tin cho báo chí.