Đặt hàng triệu hồ mini trong nhà dân, chuyên gia nghĩ sao?
Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM đang nghiên cứu giải pháp “chống ngập bằng hồ chứa tại gia” (Tuổi Trẻ ngày 21-10) và sẽ đề xuất cơ quan thẩm quyền thực hiện tại TP.HCM trong thời gian tới.
Đặt hàng triệu hồ mini trong nhà dân, chuyên gia nghĩ sao?
Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM đang nghiên cứu giải pháp “chống ngập bằng hồ chứa tại gia” (Tuổi Trẻ ngày 21-10) và sẽ đề xuất cơ quan thẩm quyền thực hiện tại TP.HCM trong thời gian tới.
Trong các số báo tuần qua, Tuổi Trẻ đã đăng tải ý kiến nhiều chiều về giải pháp này. Số này, chúng tôi ghi nhận ý kiến về yếu tố kỹ thuật của giải pháp và từ thực tế làm hồ của một người dân.
* Ông Nguyễn Chương Tuấn (kỹ sư cơ khí):
Ông Nguyễn Chương Tuấn |
Khó thực hiện
Nếu làm hồ chứa trên sân thượng, việc xả nước ra cống chung hoặc lấy nước để sử dụng dễ dàng bởi áp lực nước lớn, bên cạnh đó có thể làm mát nhà. Tuy nhiên, kinh phí khá cao vì loại nhà này phải đổ trần bằng ximăng cốt thép.
Trong thực tế, đơn giá đổ tấm thường bằng 50% đơn giá xây dựng, đó là chưa kể kết cấu móng, cột, tường của căn nhà phải chắc chắn hơn, tốn nhiều chi phí hơn.
Nếu xây dựng chống thấm không tốt dẫn tới rỉ nước, rêu, ẩm ướt sẽ làm tuổi thọ của căn nhà giảm đi. Và kinh khủng hơn là mỗi cái hồ trên sân thượng không an toàn sẽ là một “quả bom nước” trên cao.
Nếu làm bể nước dưới đất thì chi phí thấp hơn nhiều so với bể nước trên mái nhà, tuy nhiên cách làm này không phù hợp với những nhà có diện tích nhỏ. Ở những khu vực thấp, nước sẽ tràn ngược từ hệ thống chung vào hồ vì cao độ của hồ thấp hơn cống. Nếu sử dụng máy bơm thì chi phí rất cao.
Như vậy, cả hai cách làm hồ như ý tưởng của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM khó khả thi vì không đem được lợi ích cho người dân, vận hành khó khăn, phức tạp, gây mất nhiều thời gian, kinh phí đầu tư lớn.
Phần lớn nhà tại TP.HCM là nhà ống với diện tích nhỏ, khó thực hiện phương án làm hầm ngầm. Còn làm hồ trên cao thì liên quan đến kết cấu chịu lực của căn nhà, phải đưa vào thiết kế ngay từ đầu chứ không cải tạo thêm trên căn nhà hiện hữu được.
* Bà Nguyễn Vũ Mai Hân (kiến trúc sư):
Bà Nguyễn Vũ Mai Hân |
Bồn nước 2m3, tăng 10% chi phí xây dựng
Nếu xây dựng một bồn nước 2m3 trên sân thượng nhà thì công trình sẽ phải chịu sự thay đổi tải trọng rất lớn, không an toàn cho kết cấu hiện hữu. Chưa kể bồn trên mái phải xử lý chống thấm rất nghiêm ngặt, diện tích bề mặt thu nước mưa không lớn, công tác duy tu bảo dưỡng gặp khó khăn vì bồn hở sẽ chịu tác động trực tiếp của mặt trời và không thân thiện với môi trường.
Đối với những công trình đầu tư mới, phương án đặt bồn trên mái cũng phải tính toán nghiêm ngặt vì tải trọng của bồn sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu chịu lực và nền móng của ngôi nhà, chi phí đầu tư có thể tăng thêm đến 10% giá trị phần thô mà hiệu quả như nói ở trên là không cao.
Về bồn rời dưới đất, bồn xây nổi sẽ rẻ hơn bồn đặt chìm do tiết kiệm được chi phí đào, xử lý chống thấm ngược, chi phí bảo dưỡng, chi phí bơm thoát nước nhưng bù lại bồn nổi sẽ chiếm diện tích hơn.
Với nhu cầu có thể tái sử dụng nước để tưới tiêu hoặc các mục đích sinh hoạt khác không yêu cầu về chất lượng nước thì bồn 2m3 loại đơn giản nhất là bốn mặt gạch xây tô chống thấm bằng vữa già trộn phụ gia, đáy bêtông đá, trên đậy tấm đan bêtông cốt thép dày 8cm có giá khoảng 4 – 6 triệu đồng chưa kể tiền bơm, đường ống và công tác thăm bồn.
Tất nhiên giá thành này còn tuỳ thuộc vào địa chất khu vực, nhu cầu sử dụng riêng của từng hộ, đơn giá vật liệu và giá nhân công từng địa phương… Ví dụ như những khu vực nền đất yếu, áp lực mực nước ngầm mạnh thì phải có công tác nền móng và neo giữ bồn, nếu không sẽ có hiện tượng trôi bồn, gãy đường ống lúc bồn cạn nước.
Đối với giá thành khoảng 2 triệu đồng/bồn chứa nước mà đề án vạch ra, theo tôi là không có cơ sở, có thể giá thành này được tính trên đầu tư xây dựng hàng loạt chứ không phải đầu tư riêng lẻ.
*Ông Nguyễn Tử (người dân P. Tăng Nhơn Phú B, Q.9, TP.HCM):
Dân không thấy lợi Ý tưởng mỗi nhà có một hồ chứa nước để chống ngập thật ra đối với tôi không mới. Nhà tôi đã có một hồ chứa khoảng 2m3 nước đặt ngầm dưới đất khi tôi xây nhà vào năm 2008. Toàn bộ hệ thống ống dẫn nước mưa từ sân thượng xuống hồ đều được đặt ngầm trong tường, đầu mỗi lỗ thoát mưa có lưới ngăn rác, đất và ngăn côn trùng bò vào. Tôi thiết kế một ống dẫn từ hồ ra hệ thống thoát nước chung để nước trong hồ tự động thoát ra cống. Vì thiết kế chung với nhà khi đang xây dựng nên tôi không thể tách chi phí cho hệ thống này là bao nhiêu. Ban đầu, gia đình tôi chưa có định mức nước máy nên phải sử dụng tiết kiệm. Tôi bơm nước mưa từ hầm lên sân thượng để tưới cây, để lau rửa nhà. Nhưng khoảng một năm sau, khi gia đình tôi được cấp định mức nước máy đầy đủ thì tôi chuyển hẳn qua xài nước máy hoàn toàn kể cả tưới cây và rửa nhà. Lý do là tiền nước máy để trả cho lượng nước tưới cây, rửa nhà rẻ hơn tiền điện bơm nước mưa từ hầm lên các tầng trên. Từ đó, hầm nước mưa không còn được sử dụng vào sinh hoạt hằng ngày nữa. Do cống chung không thấp hơn miệng hầm bao nhiêu nên ống thoát nước từ hầm ra cống được đặt khá cao, khoảng 1/3 độ sâu tính từ miệng hầm (nếu đặt thấp hơn thì nước ngoài cống sẽ chạy ngược vào hầm). Vì vậy, khi nước mưa không được bơm ra thì nước trong hầm có thường xuyên chiếm đến 2/3 khối lượng. Khi trời mưa, hầm chỉ chứa thêm được 1/3 khối lượng, tức gần 700 lít. Từ thực tế hầm chứa nước của gia đình, tôi thấy gần như người dân không có một lợi ích nào từ việc đào hầm chứa vì không tiết kiệm được cũng không kinh tế hơn. Làm hầm chỉ một mục đích duy nhất là giúp giảm ngập. Và cách làm này chỉ có thể áp dụng được đối với nhà xây dựng mới, có đất rộng, mà TP.HCM đâu phải nhiều nhà có đất rộng. |