29/11/2024

Cần một đề án tổng thể về sư phạm

Sau loạt bài “Có nên miễn học phí cho sinh viên sư phạm?”, Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của người từng thụ hưởng chương trình, sinh viên, các nhà quản lý và bạn đọc về vấn đề nói trên.

 

Cần một đề án tổng thể về sư phạm

 

Sau loạt bài “Có nên miễn học phí cho sinh viên sư phạm?”, Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của người từng thụ hưởng chương trình, sinh viên, các nhà quản lý và bạn đọc về vấn đề nói trên.




Một tiết học tiếng Anh của sinh viên năm 4 khoa Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Một tiết học tiếng Anh của sinh viên năm 4 khoa Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

Xin được giới thiệu cùng bạn đọc.

PGS.TS Phạm Hoàng Quân (phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo khối sư phạm Trường ĐH 
Sài Gòn):

PGS.TS Phạm Hoàng Quân
PGS.TS Phạm Hoàng Quân

Dồn lực chăm lo cho sinh viên giỏi

Hiện nay, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm vẫn còn tác dụng. Điều này thể hiện qua việc điểm trúng tuyển đầu vào các ngành sư phạm rất cao.

Nếu kinh phí nhà nước vẫn còn thì nên duy trì chính sách này để tạo điều kiện cho học sinh giỏi ham thích nghề giáo.

Vấn đề là ràng buộc như thế nào để sinh viên ra trường phải phục vụ ngành giáo dục. Ngoài ra, nhiều sinh viên sư phạm ra trường muốn đi dạy nhưng không có việc làm.

Các sở GD-ĐT và Bộ GD-ĐT cũng nên rà soát xem nhu cầu nhân lực của ngành ra sao…

Theo tôi, không nên miễn hoàn toàn học phí cho tất cả sinh viên sư phạm, mà phải có sự phân bổ theo hướng tăng cường hỗ trợ sinh viên giỏi. Việc thực hiện cần có lộ trình, theo đó cần dồn lực để chăm lo cho 30 – 40% sinh viên giỏi nhất của mỗi khoá học.

Ví dụ, 10% sinh viên có kết quả học tập loại giỏi sẽ được miễn học phí và được cấp học bổng toàn phần, 10% tiếp theo được miễn học phí và học bổng bán phần, 10% tiếp theo nữa chỉ được miễn học phí…

*  PGS.TS Trần Hữu Tá 
(chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM):

PGS.TS Trần Hữu Tá
PGS.TS Trần Hữu Tá

Phạt nặng sinh viên sư phạm không phục vụ ngành

Với tư cách là người gắn bó với ngành sư phạm 56 năm nay, theo tôi, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm là đúng và mang tính nhân văn rất rõ.

Chính sách này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đến thế hệ tương lai, đến hoạt động giáo dục mà chúng ta coi là quốc sách. Vì vậy nên tiếp tục thực hiện chính sách này nhưng phải chú ý tất cả các khâu, đó là: đào tạo, sử dụng, bồi dưỡng.

Để chính sách này thiết thực hơn, cần phải thực hiện việc đào tạo theo nhu cầu chứ không nên đào tạo như hiện nay.

Nếu địa phương nào thừa giáo viên thì tạm ngưng việc đào tạo ngành sư phạm. Khi đó, các trường sư phạm chuyển sang làm nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên. Hiện nay ở các địa phương vùng sâu vùng xa vẫn còn thiếu nhiều giáo viên.

Cần thực hiện sự luân phiên giáo viên và quy định tất cả sinh viên sư phạm ra trường phải đến vùng sâu vùng xa làm việc ít nhất ba năm.

Nhà nước phải có quy định nghiêm đối với sinh viên sư phạm, nếu sau khi ra trường mà không phục vụ ngành sẽ bị phạt nặng, chứ không chỉ là bồi hoàn kinh phí đào tạo.

PGS.TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng):

PGS.TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh
PGS.TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh

Nhà nước bao cấp giáo dục là việc 
nên làm

Thực tế tại trường chúng tôi, trong tuyển sinh các ngành khối sư phạm luôn có điểm rất cao. Điều đó chứng tỏ các em học giỏi đều vào sư phạm.

Tôi cho rằng khi học sinh chọn học sư phạm, bên cạnh việc yêu thích ngành này còn có yếu tố được miễn học phí. Mức học phí hiện nay đối với các gia đình khá giả không là gì, nhưng với học sinh ở quê, gia đình khó khăn thì đây vẫn là khoản tiền lớn. Nếu không miễn học phí nữa, học sinh ở vùng nông thôn sẽ không có điều kiện đi học. Nhà nước bao cấp cho giáo dục là việc nên làm.

ThS Nguyễn Thị Thu Huyền (giảng viên khoa khoa học giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

ThS Nguyễn Thị Thu Huyền
ThS Nguyễn Thị Thu Huyền

Cần có chính sách học bổng lớn hơn

Hiện tại thử làm một bài toán, chúng ta có thể thấy học phí không còn là gánh nặng cho sinh viên sư phạm.

Với mức 165.000 – 195.000 đồng/tín chỉ, bốn năm học cần tích luỹ khoảng 130 tín chỉ, học phí chỉ dao động ở khoảng trên 21 triệu đến dưới 26 triệu đồng. Phân tích như vậy để thấy chính sách miễn học phí không thật sự hấp dẫn với sinh viên.

Hiện nay, một lượng không hề nhỏ sinh viên sư phạm ra trường nhưng chuyển hướng sang ngành khác do không có việc làm hoặc không ham thích nghề, khiến nguồn tài chính hỗ trợ ngành sư phạm bị phân tán.

Theo tôi, cần một đề án lớn và hoàn chỉnh, trong đó sự hỗ trợ và ưu tiên với ngành sư phạm vẫn đảm bảo, nhưng không nhất thiết phải miễn học phí.

Thực tế, hầu hết các nước đều không còn duy trì chính sách này. Thay vì miễn học phí, Nhà nước cần có chính sách học bổng lớn hơn cho sinh viên sư phạm. Bộ GD-ĐT cần đầu tư nhiều hơn cho các trường sư phạm về cơ sở vật chất, đào tạo giảng viên, đổi mới chương trình…

Đồng thời Nhà nước phải nâng mức lương cơ bản, cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên và kiểm soát quy trình tuyển dụng công bằng…

Căn cơ nhất vẫn là quy hoạch

Là người trực tiếp được hưởng chính sách này từ những ngày đầu triển khai cách đây gần 20 năm, qua thực tiễn tôi nhận thấy điều quan trọng là việc thực hiện chính sách này vẫn còn ở chế độ “vừa chạy vừa xếp hàng”, chưa có dự báo và tính toán căn cơ.

Vì vậy, bài toán không phải là có nên hay không nên miễn học phí cho sinh viên sư phạm, mà phải xây dựng và triển khai quy hoạch khoa học, hiệu quả để trả lại vị thế của người thầy trong xã hội hiện nay.

Vị thế ấy chính là chất lượng đào tạo sinh viên sư phạm và bảo đảm việc làm, thu nhập cho giáo viên.

Những năm 1995 – 1996, cả nước thiếu gần 120.000 giáo viên phổ thông. Tuy nhiên, do không có dự báo và tính toán chính xác cần tuyển sinh những năm sau đó bao nhiêu thì vừa nên mới ồ ạt tuyển và đào tạo sinh viên sư phạm, từ đó dẫn đến việc thừa sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm.

Từ việc thừa thãi đó dẫn đến việc phải “chạy” các suất viên chức, biên chế, vì thế tiêu cực trong ngành giáo dục xuất hiện.

Đã bỏ tiền ra “chạy suất” thì dĩ nhiên phải cố gắng tìm cách bù lại, dẫn đến tình trạng giáo viên tìm cách dạy thêm, kể cả cách dạy thêm tiêu cực. Hình ảnh, vị thế, vai trò… của giáo viên ít nhiều đã giảm đi trong xã hội từ chính hiện tượng đó.

Tiếp đến, việc quy hoạch, xây dựng hệ thống trường sư phạm chưa bảo đảm. Địa phương nào cũng đua nhau mở trường hoặc ngành đào tạo sư phạm, có tỉnh đến 2 – 3 trường! Thế nên dẫn đến chất lượng đào tạo giáo viên thấp, chất lượng giáo dục thấp sẽ là điều đương nhiên!

Bộ GD-ĐT cần nghiêm túc khảo sát, đánh giá lại chất lượng các trường, kể cả chất lượng giáo viên, để có định hướng chiến lược dài hơi hơn, căn bản hơn trong quy hoạch hệ thống trường sư phạm, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên.

Dự báo chính xác, đào tạo đúng số lượng sẽ bảo đảm việc sử dụng giáo viên ra trường theo nhu cầu thực tế. Đội ngũ giáo viên sau đào tạo chắc chắn có việc làm, bảo đảm thu nhập thì vị thế của giáo viên được nâng lên…

NGUYỄN THÀNH (Đà Nẵng)

TRẦN MẠNH HUY 
(sinh viên năm 4 ngành sư phạm tiếng Nga Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Tăng học bổng thay vì 
miễn học phí

Việc miễn, giảm học phí chỉ nên áp dụng đối với sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình diện chính sách (con thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng…).

Thay vì miễn học phí, Nhà nước cần có chính sách học bổng riêng dành cho sinh viên sư phạm có thành tích học tập tốt (giá trị học bổng lớn hơn mức học phí). Sinh viên học càng giỏi, học bổng sẽ càng cao.

Như vậy, điều này sẽ là động lực để sinh viên phấn đấu học tập tốt hơn. Các sinh viên sư phạm có thứ hạng tốt nghiệp cao nhất của khoá học sẽ được ưu tiên chọn nơi công tác, phục vụ ngành theo nguyện vọng.

TRỊNH THANH BÌNH (sinh viên năm 4 ngành sư phạm kỹ thuật xây dựng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):

Nâng cao chất lượng đào tạo, tăng thu nhập giáo viên

Tôi nghĩ thay cho miễn học phí, Nhà nước nên dành kinh phí cho các trường sư phạm trang bị hệ thống giảng đường, phòng tập giảng hiện đại, sân tổ chức các hoạt động trải nghiệm, đồ dùng dạy học tiên tiến, đủ loại phương tiện, giáo trình (trong và ngoài nước)…

Đồng thời phải thực hiện việc phân công nhiệm sở cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp và có ràng buộc cụ thể về thực hiện cam kết phục vụ ngành.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách tăng thu nhập cho giáo viên để đảm bảo tính cạnh tranh với các ngành nghề khác.

Như vậy mới có thể nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và tuyển chọn được người giỏi vào nghề giáo.

 

TRẦN HUỲNH thực hiện ([email protected])