29/11/2024

Bí quyết phát triển trí não, chiều cao

Thiếu hụt vi chất ở bà mẹ và trẻ nhỏ là nguyên nhân gây thấp còi. Do đó, bổ sung vi chất góp phần giảm nguy cơ tử vong do bệnh tật, tăng chiều cao và phát triển trí não.

 

Bí quyết phát triển trí não, chiều cao

 

Thiếu hụt vi chất ở bà mẹ và trẻ nhỏ là nguyên nhân gây thấp còi. Do đó, bổ sung vi chất góp phần giảm nguy cơ tử vong do bệnh tật, tăng chiều cao và phát triển trí não.



Rau quả góp phần bổ sung những vitamin cần thiết cho cơ thể - Ảnh: ShutterstockRau quả góp phần bổ sung những vitamin cần thiết cho cơ thể – Ảnh: Shutterstock
Thấp còi do “đói” vi chất
Kết quả điều tra mới nhất trên toàn quốc về vi chất dinh dưỡng được Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện trong năm 2014 – 2015 cho thấy trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ vẫn đang trong tình trạng “đói” các vi chất thiết yếu: vitamin A, kẽm, sắt, i ốt.
Theo điều tra, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi hiện chiếm 13%; 34,8% bà mẹ cho con bú có hàm lượng vitamin A trong sữa mẹ thấp. Vitamin A có vai trò quan trọng cho tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng và chống lại các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu chảy, hay nhiễm các vi rút như sởi, thuỷ đậu, rubella. Vi chất này có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng. “Thiếu vitamin A tiền lâm sàng làm tăng tỷ lệ tử vong, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng, làm chậm phát triển ở trẻ em”, TS Lê Thị Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhấn mạnh. Để phòng thiếu hụt, cần thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ. Với trẻ lớn, chế độ ăn của trẻ cần có thức ăn giàu vitamin A như trứng, cá, thịt, gan, tôm; các loại rau như xà lách, rau ngót, rau diếp, rau dền; các loại củ quả như gấc, cà rốt, đu đủ chín, xoài chín.
Là chất xúc tác trong phân chia tế bào, kẽm có vai trò vô cùng quan trọng tới sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể. Kẽm còn giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể, điều hòa vị giác, tạo cảm giác ngon miệng. “Bổ sung kẽm cho trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi có tác dụng phục hồi rõ rệt cả về tốc độ phát triển chiều cao và cân nặng, làm tăng nồng độ hormone tăng trưởng. Bổ sung vi chất này cho trẻ có cân nặng sơ sinh thấp cho thấy có sự tăng trưởng tốt cả về chiều cao và cân nặng trong 6 tháng đầu đời”, TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm vẫn chiếm đến 69,4%, tỷ lệ thiếu kẽm của phụ nữ tuổi sinh đẻ là 63,6% và 80,3% ở nhóm phụ nữ có thai.
Để phòng chống thiếu kẽm, nên lựa chọn thực phẩm có nhiều kẽm như: tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan heo, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng…). Giá đỗ cũng giàu kẽm và dễ hấp thu. Với trẻ nhỏ, kẽm trong sữa mẹ là dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò.
Chậm phát triển trí não do thiếu sắt, i ốt
Thiếu máu do thiếu sắt là thể bệnh thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất ở nước ta. Nguyên nhân thiếu sắt chủ yếu do chế độ ăn thiếu hụt chất sắt. Ngoài ra còn do nhiễm giun (giun sống ký sinh trong ruột và “ăn” các chất dinh dưỡng trong đó có chất sắt). Thiếu sắt hiện chiếm tỷ lệ 50,3 (trẻ em); 47,3% (phụ nữ có thai) và 23,6% (phụ nữ tuổi sinh đẻ).
Theo TS Nguyễn Thị Lâm, sắt có vai trò quan trọng để tạo hồng cầu, cho phát triển trí não ở trẻ. Cần cung cấp đủ năng lượng và các thực phẩm giàu sắt từ động vật: thịt, lòng đỏ trứng gà, tim, gan, cá… và thức ăn thực vật: đậu, rau lá xanh, mộc nhĩ, nấm hương… Hạn chế sử dụng các thực phẩm hay đồ uống chứa chất ức chế hấp thu sắt như: nước chè đặc, cà phê. Phụ nữ có thai thiếu máu làm tăng nguy cơ đẻ non, nguy cơ sinh con nhẹ cân và dễ bị băng huyết khi sinh. Nên bổ sung viên sắt cho phụ nữ có thai và một số trường hợp khác cần tăng nhu cầu vi chất này như: trẻ em đang lớn, phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ.

 

Liên Châu