Ai được biên soạn từ điển?
Chỉ cần gắn mác “dành cho học sinh”, hàng loạt cuốn từ điển kém chất lượng tha hồ tung hoành trên thị trường xuất bản phẩm ngành giáo dục.
Ai được biên soạn từ điển?
Chỉ cần gắn mác “dành cho học sinh”, hàng loạt cuốn từ điển kém chất lượng tha hồ tung hoành trên thị trường xuất bản phẩm ngành giáo dục.
Những tác giả biên soạn từ điển không ai biết
Đầu tiên, nhìn vào tên các tác giả của những cuốn từ điển này, người đọc không thể biết họ là ai. Đó là nhóm Hùng Thắng, Thanh Hương, Bàng Cẩm, Minh Nhựt biên soạn Từ điển Tiếng Việt (dành cho học sinh, sinh viên), gắn mác Nhà xuất bản (NXB) Thanh Niên, do Đoàn Minh Tuấn chịu trách nhiệm xuất bản, Thanh Hương biên tập, Hùng Thắng trình bày. Đó là hai tác giả Nguyễn Quang – Minh Trí, tác giả Từ điển Tiếng Việt – dành cho học sinh, NXB Hồng Đức – Công ty CP sách Nhân dân, do Bùi Việt Bắc chịu trách nhiệm xuất bản. Từ điển từ láy – dành cho học sinh, của nhóm tác giả Ngọc Văn Thi, Ngọc Lam, mang logo NXB Thời đại – Nhà sách Trí Đức do Vũ Văn Hợp chịu trách nhiệm xuất bản, Nguyễn Thanh chịu trách nhiệm nội dung…
Những nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã thành danh, được bạn đọc cả nước biết đến, dành cả cuộc đời nghiên cứu ngôn ngữ và họ là những người đã biên soạn từ điển như GS Hoàng Phê, GS Hoàng Văn Hành, GS Nguyễn Văn Tu… Còn các tác giả nêu trên thì chẳng ai biết.
Sai sót, giải thích tối nghĩa
Cuốn Từ điển Đồng nghĩa – Trái nghĩa Tiếng Việt – dành cho học sinh, của nhóm tác giả: Th.S Nguyễn Quốc Khánh, Th.S Trần Trọng Dương, Đình Phúc, Minh Châu, NXB Khoa học xã hội, do PGS-TS Nguyễn Xuân Dũng chịu trách nhiệm xuất bản, Hà Thanh Huyền biên tập, dù tái bản lần thứ nhất, có sửa chữa, nhưng vẫn chưa hết lỗi chính tả. Cuốn sách này nhiều mục từ không có ví dụ, hay sử dụng nhiều ví dụ không rõ nguồn gốc, cũng không có trong các sách giáo khoa dành cho học sinh. Ví dụ, mục từ “Dại” dẫn từ đồng nghĩa “Dại dột” được giải thích: (nói khái quát) Dại – và không có ví dụ cho học sinh hiểu (tr.75).
Cuốn Từ điển Tiếng Việt – dành cho học sinh, của Nguyễn Quang – Minh Trí (NXB Hồng Đức) hiện được bày bán rộng rãi thì lật ngay trang 3 có từ “á khôi” được giải thích “như á nguyên”, nhưng á nguyên ở đâu và được cắt nghĩa như thế nào thì lại không thấy. Trong cuốn Từ điển Tiếng Việt đồng nghĩa – trái nghĩa – dành cho học sinh của TS Đỗ Hoàng Lân – TS Nguyễn Hoài Thu, NXB Mỹ thuật – Công ty CP sách Nhân dân giải thích từ “đi” như sau: “Đi – (ít dùng) biến mất một cách dần dần, không còn giữ nguyên hương vị như ban đầu” và lấy ví dụ: nồi cơm đã đi hơi (tr.128). Cách lấy ví dụ này cho học sinh là khiên cưỡng vì thông thường vẫn nói: nồi cơm đã bay hơi.
“Nhìn vào bảng từ trong các cuốn từ điển dành cho học sinh nêu trên, còn nhiều nội dung chưa chính xác, chưa đạt tiêu chí khoa học. Nếu đây là từ điển dành cho học sinh tiểu học thì nhiều từ trong đó không phù hợp, như: bàn hoàn, quá quan… Còn nếu đây là từ điển dành cho học sinh trung học thì người biên soạn nhầm lẫn nhiều giữa từ đa âm chứ không phải từ láy, ví dụ các từ sau: bỏ ngỏ, bỏ nhỏ, bòng bong, bong bóng… Khi đọc các từ điển như thế này sẽ thấy người biên soạn nhầm lẫn về phương diện từ loại; không phân biệt được giữa từ và cụm từ; giải thích không phân tích theo thành tố nghĩa mà suy nghĩ về nghĩa của từ một cách cảm tính, chủ quan, ví dụ bàn hoàn là từ đơn đa âm tiết chứ không phải từ láy; hoặc nhân tình thế thái là cụm từ chứ không phải từ láy…”, TS Lương Thị Hiền, Tổ ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, phân tích.
“Từ điển Tiếng Việt rất cần cho mỗi học sinh, thậm chí cần cho mỗi cấp. Nghĩa là có cuốn riêng cho học sinh tiểu học, học sinh trung học. Tuy nhiên, từ điển dành cho học sinh còn ít. Những cơ quan lớn như Viện Từ điển học và Bách khoa thư chỗ tôi chẳng hạn thì lại phải tập trung làm những bộ từ điển lớn”, PGS-TS Phạm Hùng Việt, Uỷ viên Hội đồng Khoa học Viện Từ điển học và Bách khoa thư, nói.
Chúng tôi liên lạc với ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin – Truyền thông) nhưng không được. Ông Phạm Quốc Chính, Phó cục trưởng cục này, cho biết hiện ông Hoà đang đi công tác nước ngoài, khi nào về sẽ trả lời báo chí về những cuốn từ điển kém chất lượng.
Tiêu chuẩn nào để soạn từ điển “dành cho học sinh” ?
PGS-TS Phạm Văn Tình, Uỷ viên Hội đồng Khoa học Viện Từ điển học và Bách khoa thư, đưa ý kiến: “Hiện tại chưa có văn bản về quy chuẩn từ điển cho học sinh. Tuy nhiên, từ điển tiếng Việt phổ thông dành cho đối tượng đang học phổ thông thì phải đáp ứng những yêu cầu nhất định của đối tượng này”.
PGS-TS Tình nói thêm, nếu từ điển cỡ lớn có thể thu thập nhiều mục từ thì với những từ ngữ chung có thể gây nhầm lẫn thì không đưa vào từ điển học sinh. Cách giải nghĩa cũng đơn giản phù hợp với tư duy của học trò, không phức tạp cầu kỳ.
Ông Tình cũng khẳng định: “Không có quy chế đặc biệt cho xuất bản từ điển học sinh, nhưng nên lập hội đồng thẩm định bản thảo có chuyên môn. Muốn thẩm định thì người biên soạn phải có nguyên tắc và thể lệ biên soạn.
Trước hết là xác định rõ đối tượng. Hai nữa là phải xác định mục từ, chẳng hạn chúng tôi chỉ chọn những mục từ cơ bản trong tiếng Việt thôi. Tiếng Việt có mấy vạn mục từ, thì chỉ cần một vạn từ thôi là đủ cho học sinh học rồi. Nguyên tắc thứ ba là thu thập đủ các loại từ: động từ, tính từ, danh từ.
Nguyên tắc thứ tư là giải nghĩa một cách đơn giản cho học sinh dễ hiểu, giáo viên dễ giảng. Thứ năm là ví dụ cho các mục từ nên lấy trong sách giáo khoa và các tác phẩm văn học để học sinh dễ hiểu hơn. Trên cơ sở đó thì người ta mới có cơ sở để thẩm định. Lấy ví dụ khó quá là sai, hay xa lạ quá cũng sai”.
|
Hiếu Trình – Trinh Nguyễn