Trị bệnh bằng muối hột và thảo dược
Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM đang thu hút bệnh nhân đến trị bệnh bằng cách chườm muối hột và thảo dược được làm nóng kết hợp với châm cứu và bấm huyệt.
Trị bệnh bằng muối hột và thảo dược
Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM đang thu hút bệnh nhân đến trị bệnh bằng cách chườm muối hột và thảo dược được làm nóng kết hợp với châm cứu và bấm huyệt.
Điều dưỡng khoa khám bệnh chườm muối hột và ngải cứu cho một bệnh nhân – Ảnh: L.TH.H. |
Những bệnh nhân chọn phương pháp điều trị này đa số bị bệnh mãn tính, người lớn tuổi, sợ dùng thuốc tây có nhiều tác dụng phụ hoặc đã điều trị bằng thuốc tây nhưng không lui bệnh.
Bệnh giảm
Lầu 1 khoa khám bệnh Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM thường thơm nức mùi thảo dược. Các điều dưỡng luôn tay cho muối hột, lá ngải cứu vào một cái tô rồi bỏ vào lò vi sóng làm nóng. Sau bốn phút, tô muối hột và ngải cứu được đặt vào miếng vải trắng lớn cột chặt lại đem chườm nóng cho bệnh nhân.
Tùy theo bệnh nhân đau ở cổ, vai, tay, đầu gối, lưng, hông mà các chị điều dưỡng nhẹ nhàng chườm vào. Sau khi chườm nóng muối với thảo được, bệnh nhân còn được bác sĩ, kỹ thuật viên xoa bóp, ấn huyệt hoặc châm cứu vào các huyệt trên cơ thể.
Bà Trần Kim Phương (52 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là một trong những bệnh nhân thường xuyên đến điều trị bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM bằng phương pháp chườm muối hột và thảo dược làm nóng kết hợp với châm cứu.
Theo chỉ định của bác sĩ phải điều trị một tháng, nên cả tháng 9-2015 ngày nào (trừ thứ bảy, chủ nhật) bà cũng đến khoa khám bệnh điều trị bệnh thoái hóa cột sống cổ. Theo bà Phương, cách đây bốn năm bà bị đau mỏi cổ, tê một bên tay và đến đây điều trị. Với phương pháp điều trị này, bệnh bà giảm hẳn, đến nay mới tái phát.
ThS.BS Đỗ Tân Khoa – trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM – cho biết theo các tài liệu y văn cổ, muối hột rang nóng có tác dụng chính là trừ phong thấp. Hơi nóng và vị mặn của muối ở nồng độ rất cao giống như một giác hút khổng lồ hút phong thấp trong người của bệnh nhân ra ngoài.
Ngoài ra, các thảo dược sử dụng chung với muối hột chủ yếu là các loại dược liệu chứa nhiều tinh dầu như ngải cứu, hương nhu, tía tô, lá lốt, lá cây đại bi, lá cây đại tướng quân (tùy theo vùng miền mà chọn loại thảo dược nào).
Tinh dầu có trong các loại thảo dược này có tác dụng giãn mạch, tăng cường lưu thông khí huyết, chống ứ trệ tuần hoàn. Khi phối hợp muối hột và thảo dược có nhiều tinh dầu sẽ làm thông kinh mạch, trục được phong thấp.
Túi chườm tại nhà
Đối với bệnh nhân không thể đến điều trị trực tiếp tại bệnh viện, bác sĩ Khoa cho biết bệnh viện đã nghiên cứu, sản xuất hai loại túi chườm có thể mua về sử dụng tại nhà rất tiện lợi. Loại có thể chườm tổng quát tất cả vùng của cơ thể và loại chườm đau lưng.
Thành phần chính của túi chườm tại nhà có chín loại dược liệu (gồm hai nhóm) có tác dụng chống viêm, giảm đau và giúp giữ nhiệt lâu dài như thảo quyết minh, gạo lứt. Việc phối hợp chín loại thảo dược này theo tỉ lệ nào, bào chế ra sao, cách bảo quản lâu dài đều được các y bác sĩ tính toán, kể cả việc đặt túi trong lò vi sóng bao nhiêu phút, ở nhiệt độ nào đều có nghiên cứu bài bản.
Với túi chườm dược liệu sử dụng tại nhà có chỉ định điều trị cho bệnh nhân bị đau nhức cơ xương khớp cấp tính và mãn tính (trừ khớp đau đang sưng nóng, đỏ). Túi chườm này còn sử dụng được cho người muốn giảm cân (chườm vùng có nhiều mỡ), bệnh nhân đau nhức cơ xương khớp do lạnh, người bị đau cứng cổ gáy do lạnh, đau bụng do lạnh, rối loạn tiêu hóa do ăn uống đồ lạnh, phụ nữ sau sinh, viêm đại tràng mãn hoặc viêm dạ dày, tá tràng mãn.
“Phương pháp này còn giúp người bệnh có thể tự can thiệp vào việc điều trị bệnh lý của chính mình, về mặt tâm lý rất cần thiết” – bác sĩ Khoa chia sẻ.
Theo ThS.BS Đỗ Tân Khoa, y học hiện đại cho rằng sự phối hợp của hơi nóng với tác dụng của tinh dầu sẽ làm giãn mạch, tăng cường tuần hoàn nuôi dưỡng vùng bị đau, chống co cứng cơ, đây là cơ sở để chống đau cấp tính, có sự ứ trệ của tuần hoàn và co cứng cơ. Còn theo y học cổ truyền, phối hợp sử dụng muối hột và dược liệu làm nóng với các huyệt châm cứu sẽ tạo ra hai pha tác dụng: chườm lên vùng đau khi còn nóng nhiều sẽ giúp trục phong thấp, thông huyết mạch, giúp giảm đau là chính, nhưng khi nhiệt độ muối và dược liệu giảm xuống còn ấm ấm sẽ được tiếp tục chườm vào các huyệt vị có cơ quan bị bệnh tạo nên tác dụng bồi bổ cơ thể. |