10/01/2025

Xa La chưa nghiệm thu PCCC: Nhiều cơ quan phải chịu trách nhiệm

Chỉ sau khi toà chung cư CT4 – khu đô thị Xa La (Hà Nội) với ba toà tháp có hàng nghìn người dân sinh sống bị cháy, người dân mới biết toàn bộ hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu.

 

Xa La chưa nghiệm thu PCCC: Nhiều cơ quan phải chịu trách nhiệm

 

Chỉ sau khi toà chung cư CT4 – khu đô thị Xa La (Hà Nội) với ba toà tháp có hàng nghìn người dân sinh sống bị cháy, người dân mới biết toàn bộ hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu.




Công nhân rửa bên ngoài tòa nhà CT4, khu đô thị Xa La - Ảnh: Anh Quang
Công nhân rửa bên ngoài toà nhà CT4, khu đô thị Xa La – Ảnh: Anh Quang

Đánh giá về thực trạng này, đại tá Đoàn Hữu Thắng – phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an – cho biết trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, cơ quan cấp phép xây dựng và cả lực lượng cảnh sát PCCC.

Cơ quan quản lý về xây dựng cần tham mưu cho Chính phủ có những quy định để khi chủ đầu tư bán nhà phải công khai, niêm yết cụ thể về các vấn đề liên quan đến toà nhà, trong đó có PCCC, nhằm minh bạch đối với người dân

Đại tá 
ĐOÀN HỮU THẮNG

Xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Thắng cho biết theo các quy định của pháp luật thì công trình xây dựng (ở đây là chung cư) phải có hồ sơ xin giấy phép xây dựng do cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cấp phép.

Trong bộ hồ sơ này có nhiều thủ tục, trong đó bắt buộc phải có hồ sơ thiết kế về PCCC được cơ quan PCCC thẩm duyệt. Cũng bắt đầu từ giai đoạn được cấp phép xây dựng, cơ quan PCCC có trách nhiệm xuyên suốt đối với công trình.

Cụ thể, ngoài việc thẩm duyệt, cơ quan PCCC sẽ theo dõi kiểm tra an toàn cháy nổ trong suốt quá trình thi công công trình.

Tiếp đó, khi công trình hoàn thành, cơ quan PCCC sẽ kiểm tra, đánh giá về hệ thống PCCC của toà nhà và các điều kiện khác về PCCC, bao gồm cả phương án PCCC, nếu đạt tiêu chuẩn sẽ có văn bản nghiệm thu hệ thống PCCC đối với công trình.

Trong trường hợp tòa CT4 của khu đô thị Xa La, công trình này chưa được nghiệm thu về hệ thống PCCC.

Nói về trách nhiệm của các đơn vị liên quan, đại tá Thắng nhấn mạnh cơ quan cấp phép xây dựng là cơ quan có thẩm quyền cho phép công trình được đưa vào sử dụng nên cơ quan này phải kiểm tra toàn bộ hồ sơ công trình, trong đó phải có văn bản nghiệm thu về PCCC mới được đưa vào sử dụng.

“Đối với tòa CT4 nói riêng và các công trình của Xí nghiệp xây dựng tư nhân số I Lai Châu mà chưa có nghiệm thu về PCCC đã đưa dân vào ở thì phải kiểm tra xem cơ quan cấp phép xây dựng có văn bản nào đồng ý cho đưa công trình vào sử dụng hay không.

Nếu có thì phải xem xét trách nhiệm của cơ quan này. Nếu chưa có văn bản chấp thuận cho phép đưa công trình vào sử dụng mà chủ đầu tư vẫn cho người dân vào ở thì trách nhiệm ở đây thuộc về chủ đầu tư” – đại tá Thắng nói.

Đối với lực lượng cảnh sát PCCC, đại tá Thắng cũng thừa nhận có một phần trách nhiệm khi chưa kiên quyết thực hiện việc ngăn chặn.

Cụ thể, khi phát hiện công trình đã đưa vào sử dụng, đã có dân ở (như khu CT4 đã giao nhà cho người dân từ năm 2012) thì cảnh sát PCCC có trách nhiệm kiến nghị cơ quan chức năng cấp cao hơn có thẩm quyền xử lý vi phạm như cảnh cáo, xử phạt hành chính, thậm chí tạm đình chỉ, đình chỉ việc sử dụng công trình.

Ở Hà Nội, lực lượng cảnh sát PCCC đã thiếu kiên quyết trong vấn đề này. Ông Thắng cũng chứng minh sự thiếu kiên quyết đó khi hiện nay Hà Nội có tới 121 công trình nhà cao tầng, chung cư chưa được nghiệm thu về hệ thống PCCC.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng ghi nhận việc Sở Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Hà Nội đã có văn bản báo cáo UBND thành phố và kiến nghị dừng cấp phép xây dựng mới đối với Xí nghiệp xây dựng tư nhân số I Lai Châu.

Theo ông Thắng, đây cũng là một biện pháp răn đe cần thiết khi cảnh sát PCCC cũng rơi vào sự đã rồi vì người dân đã vào ở thì rất khó có thể tạm đình chỉ, đình chỉ sử dụng công trình vì còn liên quan đến cuộc sống của hàng nghìn người dân…

Nhiều địa phương 
vi phạm về PCCC 
nhà cao tầng

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc không chỉ Hà Nội mà còn nhiều địa phương trên cả nước có thể còn tồn tại nguy cơ tương tự, đại tá Thắng cho biết cơ quan PCCC đã có nhiều biện pháp để kiểm tra, xử lý. Cụ thể là việc thường xuyên kiểm tra về công tác an toàn cháy nổ và các chuyên đề.

Theo số liệu báo cáo chuyên đề nhà cao tầng năm 2014 của lực lượng cảnh sát PCCC cả nước, báo cáo của 58 địa phương cho thấy có 5.163 cơ sở nhà nhiều tầng (5 tầng trở lên), kiểm tra được 4.973 cơ sở và đã phát hiện 5.393 lỗi vi phạm và tồn tại.

Trong số này, có đến 3.997 lỗi vi phạm thuộc về chủ đầu tư, 1.369 thuộc về ban quản lý. Đối với UBND các địa phương cũng có tới 27 lỗi. Qua đợt kiểm tra này đã xử lý phạt hơn 525 triệu đồng.

Cũng từ các cuộc kiểm tra này, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã xác định được nhiều thiếu sót, vi phạm trong phòng chống cháy nổ tại các toà nhà cao tầng.

Cụ thể, chưa thực hiện nghiêm quy định về thẩm duyệt và tổ chức nghiệm thu về PCCC, lỗi vi phạm điển hình là không thông báo kịp thời cho cơ quan cảnh sát PCCC trực tiếp quản lý khi có thay đổi về tính chất hoạt động làm tăng mức độ nguy hiểm về PCCC, đưa công trình vào hoạt động mà chưa được nghiệm thu hay chuyển đổi công năng sử dụng của công trình mà không thực hiện thẩm duyệt về PCCC…

Cục cũng đánh giá tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương đang phổ biến tình trạng chuyển các căn hộ làm văn phòng công ty, chi nhánh ngân hàng hoặc hoạt động kinh doanh dịch vụ, trưng bày hàng hoá… ở các nhà chung cư cao tầng.

Điều này dẫn đến quá tải, chạm chập của hệ thống điện do sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong văn phòng và là một trong những nguy cơ dẫn đến hoả hoạn.

Ngoài ra, các vi phạm về ngăn cháy mà tòa CT4 vừa xảy ra cháy là một ví dụ điển hình.

Theo Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, có nơi diện tích tầng hầm, sàn, chiều dài hành lang vượt quá tiêu chuẩn nhưng không có giải pháp ngăn cháy bổ sung hoặc có nhưng không đảm bảo; nhiều chung cư, nhà cao tầng không có giải pháp ngăn cháy theo chiều đứng như không bịt kín lỗ thông tầng ở các giếng kỹ thuật; cửa giếng kỹ thuật, cửa đổ rác không phải loại chống cháy…

Trước thực trạng này và tình hình nóng về cháy nổ ở chung cư như hiện nay, cục đã thống nhất kiến nghị Bộ Công an có đề nghị Chính phủ ban hành công điện về tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các vi phạm về an toàn PCCC các toà nhà cao tầng, chung cư nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống.

Đi mua nhà phải hỏi có văn bản nghiệm thu về PCCC

Theo đại tá Thắng, người dân khi mua căn hộ cần tìm hiểu hồ sơ bàn giao nhà. Cụ thể, hồ sơ bàn giao nhà có những nội dung liên quan đến toàn bộ công trình, trong đó có văn bản nghiệm thu về PCCC.

Tuy nhiên, ông Thắng lưu ý người dân phải hỏi chủ đầu tư vì có thể có những chủ đầu tư lợi dụng việc người dân chưa nắm được hết các quy định đã cố tình ỉm đi, bàn giao nhà mà không đầy đủ các giấy tờ kèm theo như quy định.

Đại tá Thắng cho rằng chính tâm lý mua nhà ở ngay của người dân đã dẫn đến lơ là trong việc kiểm tra về hệ thống PCCC.

“Thực tế vẫn tồn tại việc các hệ thống PCCC ở các tòa nhà cao tầng chưa thật sự hoàn thiện, có thể thiếu một số tiểu tiết. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn tạo điều kiện để chủ đầu tư cho dân vào ở. Xảy ra điều này cũng vì tâm lý người Việt khi bỏ tiền ra mua nhà muốn “giữ nhà” trước đã, rồi mới tính đến các khía cạnh khác” – ông Thắng nói.

MINH QUANG ([email protected])