Đổi mới đánh giá học sinh ở bậc THCS bằng cách đa dạng hoá các hình thức kiểm tra, không nhất thiết chỉ có bài kiểm tra trên lớp – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
* Năm học này, cùng với việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, Bộ có hướng dẫn gì để thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá vốn bị xem là áp lực với học sinh (HS) lâu nay?
– Bộ đã có hướng dẫn về đổi mới kiểm tra đánh giá theo tinh thần chung là cởi mở hơn, chuyển từ việc đánh giá kết quả HS nắm được kiến thức đến đâu sang kiểm tra đánh giá giúp HS vượt qua khó khăn nhất định để học tiếp. Tinh thần chung là như vậy nhưng vận dụng vào mỗi cấp học là khác nhau.
Tiểu học thì tiếp tục duy trì bỏ chấm điểm thường xuyên. THCS đổi mới rõ nét hơn ở mô hình trường học mới, còn ở trường THCS truyền thống thì ít hơn, bước đầu thể hiện bằng việc Bộ chỉ đạo đa dạng hoá các hình thức kiểm tra, đánh giá. Bước đầu có thể thay các bài kiểm tra trên lớp bằng những sản phẩm của HS sau một hoạt động trải nghiệm, sau một buổi tham quan dã ngoại có bài thu hoạch… Chúng tôi khuyến khích những cách đánh giá như vậy càng nhiều càng tốt. Nghĩa là đưa HS vào một tình huống cụ thể để đánh giá, chú trọng tới đánh giá năng lực nhiều hơn là đánh giá chỉ nhằm vào kiến thức.
* Các trường THCS thực hiện theo mô hình trường học mới thì việc đổi mới đánh giá gần với tiểu học hơn.
– Không ít HS, phụ huynh có con học lớp 6 đã phản ánh con họ bị thay đổi quá đột ngột về cách đánh giá khi mà tiểu học thì hầu như không chấm điểm còn lên THCS thì vẫn đánh giá theo cách cũ – liên tục chấm điểm. Ông suy nghĩ gì về điều này?
Tôi đã đọc phản ánh này qua báo và khẳng định thời gian đầu Bộ không bắt mỗi HS lớp 6 phải có điểm cao. Chúng tôi biết các em mới từ tiểu học lên do chưa quen với các bài kiểm tra viết với nhiều mức thời gian khác nhau nên còn lúng túng, chưa quen với kỹ năng ấy. Điều này không đánh đồng với năng lực của HS được vì kỹ năng ấy chỉ cần 1 – 2 tháng là có thể quen. Chúng tôi biết có một số giáo viên mang điểm số ra để “hù doạ” HS là hoàn toàn không phải và chúng tôi sẽ chỉ đạo phải chấn chỉnh. Tuy nhiên, đây không phải là hiện tượng phổ biến.
Mặc dù vậy, cũng cần xác định là mục tiêu ở mỗi cấp, bậc học là khác nhau nên cách đánh giá cũng phải khác nhau. Ở cấp THCS thì ý thức, trách nhiệm của các em rõ ràng phải cao hơn HS tiểu học. Nếu tiểu học còn nặng về thói quen, cần phải động viên khích lệ nhiều thì ở THCS vẫn cần động viên nhưng trách nhiệm của cá nhân cũng phải nhiều hơn. Việc đánh giá HS ở cấp học này cần phải định lượng nhiều hơn định tính. Các em phải dần dần điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với những quy tắc chung.
* Có ý kiến cho rằng, HS tiểu học học kém hơn vì bỏ chấm điểm. Ông có thấy đó là điều đáng lo ngại không?
– Tôi đảm bảo kiến thức của HS không phải yếu hơn vì bỏ chấm điểm. Hơn nữa, chất lượng giáo dục cùng với việc đổi mới giáo dục phổ thông sẽ quan niệm khác, chất lượng giáo dục không phải chỉ coi trọng kiến thức đơn thuần mà dần dần sẽ quan tâm hơn đến năng lực, phẩm chất của HS. Nếu cứ muốn HS phải có điểm cao về toán, tiếng Việt và nhìn vào đó để nói HS giỏi hơn hay dốt hơn là hoàn toàn không đúng với mục tiêu đổi mới chất lượng giáo dục toàn diện mà chúng ta đang hướng đến.
Muốn làm được như vậy thì chúng tôi dần định hướng lại để thấm nhuần tới giáo viên và các cấp quản lý ở cơ sở giáo dục giá trị của việc kiểm tra đánh giá. Trước hết giáo viên phải hiểu rõ về giá trị của kiểm tra đánh giá để vận dụng cho linh hoạt, tránh máy móc và nặng nề về điểm số như hiện nay.
Nhiều cách đánh giá thay bài kiểm tra
Năm học 2015 – 2016, đổi mới kiểm tra, theo hướng chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả HS trung học: Đánh giá qua các hoạt động trên lớp; qua hồ sơ học tập, vở học tập; qua việc HS báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video clip…). Về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập, giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành. Kết hợp đánh giá trong quá trình dạy học, giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và nhận xét, góp ý lẫn nhau của HS, đánh giá của cha mẹ HS và cộng đồng. Khi chấm bài kiểm tra phải có phần nhận xét, hướng dẫn, sửa sai, động viên sự cố gắng, tiến bộ của HS.
|