Đừng gọi thuốc là “kẹo”
Kẹo ngậm ho chính là thuốc viên ngậm dùng trị ho nhưng hình dạng giống viên kẹo ngậm và người ngậm thấy có vị ngọt thơm ngon như kẹo nên nhiều người gọi như thế.
Đừng gọi thuốc là “kẹo”
Kẹo ngậm ho chính là thuốc viên ngậm dùng trị ho nhưng hình dạng giống viên kẹo ngậm và người ngậm thấy có vị ngọt thơm ngon như kẹo nên nhiều người gọi như thế.
Trẻ em thường bị ho do phản ứng với thời tiết, nhưng phụ huynh cũng đừng vội nôn nóng cho trẻ dùng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ – Ảnh minh hoạ: Châu Anh |
Bởi lẽ khi gọi thuốc là kẹo người ta dễ tưởng lầm đó là thứ dùng sao cũng được. Trên thế giới đã có nhiều báo cáo trẻ con nghe thuốc là kẹo (nhiều phụ huynh gọi như thế nghĩ là trẻ sẽ dễ uống thuốc hơn) lén đánh cắp thuốc dùng và bị ngộ độc. Đối với thuốc, không nên dùng từ “kẹo” để gọi mà tốt nhất cứ gọi đúng tên là “thuốc”.Tuy nhiên theo thiển ý, không nên gọi thuốc viên ngậm là kẹo ngậm.
Thuốc viên ngậm là thuốc người dùng không nuốt mà thuốc được giữ trong khoang miệng hoặc đặt dưới lưỡi cho tan nhằm để hoạt chất phóng thích và hấp thu qua niêm mạc miệng, dưới lưỡi để vào máu hoặc cho tác dụng tại chỗ.
Đây cũng là dạng thuốc dùng thích hợp trong các trường hợp người bệnh gặp khó khăn trong việc uống thuốc viên (như bị nôn ói, hoặc bị viêm loét dạ dày tá tràng…).
Trước đây ngành dược có bào chế thuốc viên bao đường (nay gần như rất ít dùng dạng thuốc này), khi uống thấy có vị ngọt nên nhiều người nghĩ thuốc viên uống có thể ngậm như kẹo.
Thật ra, chỉ có thuốc viên được ghi rõ là dùng bằng cách ngậm thì mới ngậm chứ các loại thuốc viên khác là không được ngậm. Có thuốc nếu ngậm, không chỉ làm giảm chất lượng điều trị của thuốc mà còn có thể bị tai biến do thuốc.
Như viên nén bao tan ở ruột Aspirin pH8, nếu ngậm thuốc viên bao tan ở ruột sẽ làm hỏng lớp bao, dược chất aspirin phóng thích ở dạ dày, gây hại cho niêm mạc dạ dày. Hiện nay có thuốc viên ngậm dùng nhiều là thuốc viên ngậm trị ho nhưng được tiếp thị gọi là kẹo ngậm ho.
Thuốc viên ngậm trị ho thường chứa các hoạt chất giúp giảm ho như các hoạt chất tinh dầu bạc hà (menthol), tinh dầu tràm (eucalyptol), hoặc chứa dược chất ức chế phản xạ ho như dextromethorphan…
Có cả thuốc viên ngậm đông y như Bổ phế ngậm. Thuốc viên ngậm có vị ngọt là nhờ có tá dược làm ngọt là đường mía (saccharose) hoặc chất làm ngọt nhân tạo (như aspartam) dành cho người kiêng đường hay người bệnh đái tháo đường.
Ho là triệu chứng thường gặp. Riêng ở trẻ em rất dễ ho do hay bị viêm nhiễm đường hô hấp, dễ gặp các bệnh tai mũi họng đưa đến cơ quan thụ cảm ho bị kích thích. Ho cũng là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể.
Chính nhờ ho biểu hiện bằng sự thở ra rất mạnh giúp làm sạch đường thở, tống xuất đàm, dịch tiết hoặc vật lạ lọt vào đường hô hấp, giúp nhung mao hô hấp hoạt động tốt.
Có một số trường hợp như bị hen phế quản, viêm phế quản cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần ho để tống xuất đàm nhớt mà lại dùng thuốc ức chế phản xạ ho là không có lợi, chỉ có hại.
Cảm lạnh vào mùa mưa dễ khiến người lớn và trẻ bị ho. Một số chuyên gia khuyên chỉ cần giữ ấm, dinh dưỡng đầy đủ chất, uống nước nhiều hơn, đặc biệt là nước cam hoặc nước chanh, để tăng sức đề kháng thì có khả năng tự khỏi sau một vài ngày và không cần dùng thuốc. Lúc này có thể dùng thuốc viên ngậm trị ho (chỉ dùng cho người lớn và trẻ tương đối lớn).
Dùng thuốc viên ngậm trị ho, lưu ý thực hiện các động tác mà ngậm kẹo thông thường không làm: trước và sau khi đưa thuốc vào miệng cần rửa tay sạch sẽ, ngậm cho thuốc tan từ từ, tránh nhai viên thuốc.
Đối với trẻ, cho trẻ dùng thuốc viên ngậm trị ho dăm ba ngày mà không thấy đỡ thì nên đưa trẻ đi khám; nếu nghi ngờ trẻ bị viêm nhiễm, tức có sự nhiễm khuẩn dẫn đến ho, nhất thiết phải đưa trẻ đi khám bệnh ở bác sĩ chứ không cho trẻ ngậm “kẹo” trị ho.
“Dùng thuốc viên ngậm trị ho, lưu ý thực hiện các động tác mà ngậm kẹo thông thường không làm: trước và sau khi đưa thuốc vào miệng cần rửa tay sạch sẽ, ngậm cho thuốc tan từ từ, tránh nhai viên thuốc |