29/11/2024

Nghiệt ngã học phí

Nhiều trường ĐH có hình thức xử lý sinh viên đóng học phí trễ một cách nghiệt ngã, thậm chí sai quy định.

 

Nghiệt ngã học phí

 

 

Nhiều trường ĐH có hình thức xử lý sinh viên đóng học phí trễ một cách nghiệt ngã, thậm chí sai quy định.




Nhà trường cần có biện pháp phù hợp để vừa thu được học phí nhưng vẫn đảm bảo tính nhân văn và mang tính giáo dục 2Sinh viên đóng học phí
Phạt từ 3 – 10% trên học phí
Theo Thông báo số 80 ngày 1.10 về việc thu học phí hệ đào tạo liên thông và bậc TCCN của Trường ĐH Bình Dương, học kỳ 1 năm học 2015 – 2016 mỗi sinh viên (SV) đóng hơn 2,1 đến 2,3 triệu đồng tuỳ ngành. Thời gian nộp học phí từ ngày 1 đến hết 31.10.
Đặc biệt, thông báo này nhấn mạnh, những SV đóng học phí chậm mà không có đơn xin gia hạn sẽ chịu mức phạt theo quy định chung của nhà trường. Mức tiền phạt này được quy định chi tiết theo từng mốc thời gian đóng chậm học phí. Cụ thể, nộp học phí chậm dưới 10 ngày phạt 3% trên tổng số học phí học kỳ, chậm dưới 20 ngày phạt 5%, chậm dưới 30 ngày phạt 8% và chậm từ một tháng trở lên tính theo mức phạt 10% mỗi tháng.
Thông báo này được Viện Đào tạo mở và nghiên cứu phát triển của trường này ký, đóng dấu, được công bố công khai trên website trường từ ngày 2.10. Hình thức xử lý chậm đóng học phí này cũng đã được trường áp dụng nhiều năm trước đó.
Điều đáng nói, Nghị định 49/2010 và Nghị định 86/2015 về cơ chế thu và quản lý học phí quy định rõ, học phí được thu định kỳ hằng tháng, trường hợp SV tự nguyện nhà trường mới được thu một lần cho cả học kỳ hoặc nguyên năm. So với thông báo trên, Trường ĐH Bình Dương đã không thực hiện việc thu học phí đúng quy định khi thông báo thu theo học kỳ. Vì vậy, việc phạt tiền SV không đóng học phí nguyên học kỳ càng không đúng quy định nhà nước.
Chiều 8.10, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Minh Tùng, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bình Dương, cho biết thông báo này có thể do nhầm lẫn (!). Ông Tùng khẳng định trường này đã ra quyết định huỷ bỏ việc phạt tiền với SV đóng chậm học phí kể từ học kỳ 2 của năm học 2014 – 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trường vẫn chưa đưa ra được quyết định hủy bỏ như vị đại diện trường nói.
Nộp chậm là tự ý bỏ học hoặc bị xóa tên
Nhiều SV cho rằng trường đưa ra cách phạt chậm đóng học phí chưa thật sự nhân văn như: thôi học, xoá tên khỏi trường.
Theo quy định tài chính năm 2015 ban hành kèm Quyết định 389 về học phí của Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, SV trường này nếu không hoàn thành nghĩa vụ học phí và các khoản phí khác đúng hạn được xem như thôi học tự nguyện. Trong khi đó, cũng trong quy định này, trường cho biết sẽ thu khoản “phí nhập học lại” áp dụng với trường hợp SV đã có quyết định cho thôi học sau đó được nhà trường đồng ý cho quay lại học tiếp. Cụ thể, phí nhập học lại sau khi bị thôi học lên tới mức 2.170.000 đồng/SV/lần. Như vậy, trong số những SV bị buộc thôi học sẽ có những SV không đóng học phí đúng thời hạn quy định, nếu muốn nhập học trở lại sẽ phải đóng khoản “phí nhập học lại”.
Tương tự, trong thông báo xử lý kết quả xét lên lớp và danh sách SV nợ học phí Trường ĐH Nguyễn Tất Thành công bố đầu năm 2015, SV đang học và nợ học phí, nhân viên thanh tra giáo dục – quản lý SV sẽ vào từng lớp học và đọc tên SV nợ học phí sau đó mời ra khỏi lớp. Những SV không hoàn thành công nợ sẽ không được vào lớp và gửi thông báo về phụ huynh. SV không hoàn thành học phí nợ trong năm học cũ mà không có phản hồi thì trường xem như tự ý bỏ học, ra quyết định buộc thôi học hoặc đình chỉ xoá tên khỏi các lớp đang học.
Hạ hạnh kiểm đến đình chỉ học tập
Trong khi đó, một số trường khác chọn hình thức xử lý… hạ hạnh kiểm. Trong thông báo gia hạn thu học phí học kỳ 2 năm học 2014 – 2015, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho phép SV chưa đóng học phí 2 đợt được gia hạn đóng học phí. Tuy nhiên, các SV này sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm theo quy định. Quá thời hạn thông báo đóng học phí, SV không nộp sẽ bị xóa kết quả học tập cho dù đã thi giữa hay cuối kỳ, đồng thời sẽ bị xếp loại hạnh kiểm không đạt.
Trường ĐH Tài nguyên – Môi trường Hà Nội cũng có biện pháp khá cứng rắn. Cụ thể, SV không được vào phòng thi khi chưa đóng học phí, không được phép học lại các môn chưa đạt. Đồng thời, những SV đóng học phí chậm so với quy định sẽ bị khiển trách, nộp sau 20 ngày bị cảnh cáo, sau 30 ngày trở lên sẽ bị đình chỉ học tập một năm.
Còn Trường ĐH Y Dược TP.HCM không cho phép SV còn nợ học phí được xác nhận hồ sơ SV, không được đưa vào danh sách thi hết môn và thi trả nợ. Đặc biệt, các bộ môn sẽ không công bố điểm thi với những SV đã dự thi hết môn cho đến khi có biên lai đóng học phí.
Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác HS-SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Trước đây trường có áp dụng hình thức xử lý không cho SV vào thi nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ học phí. Tuy nhiên, sau này trường không áp dụng nữa do thấy có phần nặng nề”. Theo ông Đức, trong mỗi học kỳ trường cho phép SV được đóng học phí theo 2 đợt suốt học kỳ. Trường hợp sau khi thi xong học kỳ mà chưa đóng học phí, trường sẽ không cho phép SV đăng ký thêm học phần mới. Tuy nhiên, SV đóng học phí không đúng hạn sẽ bị trừ điểm rèn luyện từ 2 – 5 trong thang điểm 100.
Không có quy định phạt tiền
Ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), cho biết trong quy định về học phí (cụ thể Nghị định 49 và Nghị định 86) không có điều nào quy định về việc phạt tiền chậm nộp học phí. Ông Quang cho rằng đóng học phí là nghĩa vụ của người học. Tuy nhiên, nhà trường cần có biện pháp phù hợp để vừa thu được học phí nhưng vẫn đảm bảo sự nhân văn và mang tính giáo dục. Trường có thể thông qua các tổ chức đoàn thể giáo dục cho SV ý thức về trách nhiệm của mình, còn hình thức phạt tiền trường cần phải cân nhắc.

Hà Ánh