Đốt, rải vàng mã sẽ giảm nếu vận động tốt?
Hầu hết những bạn đọc được hỏi đều cho rằng không nên đốt, rải vàng mã. Vậy chính quyền và nhân dân cần làm gì để triệt tiêu thói quen này?
Đốt, rải vàng mã sẽ giảm nếu vận động tốt?
Hầu hết những bạn đọc được hỏi đều cho rằng không nên đốt, rải vàng mã. Vậy chính quyền và nhân dân cần làm gì để triệt tiêu thói quen này?
Người dân đốt vàng mã tại một chùa ở Bình Dương – Ảnh: Tiến Thành |
Trong số 40 người được hỏi, có đến 34 người cho rằng không nên đốt, rải vàng mã và nhiều người trong số đó cho rằng chính quyền, tôn giáo vận động kiên trì thì người dân sẽ bỏ thói quen này.
Đây là kết quả khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ với 40 người, trong đó: 20 người dân sống tại TP.HCM, 10 người dân sống tại Hà Nội, 10 người còn lại là cán bộ phường, người tu hành và người nghiên cứu xã hội học.
Khảo sát này được thực hiện sau khi có thêm Đà Nẵng vận động để các cơ sở mai táng ký cam kết không rải vàng mã.
Cần gì, đốt nấy
Có đến 23/30 người dân được hỏi cho biết họ thường xuyên đốt, rải vàng mã vào ngày đám giỗ, các ngày cúng, tang ma và vào rằm tháng 7. Trong số đó, 52,2% tin rằng khi đốt, rải vàng mã (tiền âm phủ, nhà lầu, xe hơi giấy…) cho người âm thì bản thân cũng sẽ được phù hộ có những món đồ tương tự trong đời sống thực. 47,8% ý kiến còn lại cho biết không chắc hoặc không tin người âm sẽ dùng nhưng vẫn đốt, rải vàng mã cho an tâm.
Chị T.M.N. (Q.Gò Vấp) cho biết thường đốt vàng mã vào những ngày rằm để cầu mong tổ tiên phù hộ cho việc làm ăn được thuận lợi, gia đạo bình an, con cái ngoan ngoãn. Chị có niềm tin rằng mình đốt gì thì sẽ được nấy. Chị N. kể: “Nhiều lúc nằm mơ thấy “ở dưới” báo là nhận được quần áo rồi, còn nhà cửa, xe hơi, điện thoại mà tôi đốt thì không nghe nhắc đến nên không biết “họ” có nhận được không nữa”.
Khẳng định chắc nịch hơn, bà Nguyễn Thị Trượng (huyện Củ Chi) nói rằng quan niệm “trần gian sao, âm phủ vậy” đã ăn sâu vào suy nghĩ, nếp sống của người dân nên rất khó bỏ mặc dù bà không chắc mình đốt vàng mã thì người âm sử dụng được.
Đồ hoạ: Tấn Đạt |
Tâm linh là lý do mà người đốt, rải vàng mã lựa chọn nhiều nhất và những người làm công tác quản lý, người tu hành, người làm nghiên cứu xã hội học cũng nhận định như vậy (62,5% ý kiến). Số khác cho biết đốt, rải vàng mã theo thói quen, từ nhỏ thấy ông bà, cha mẹ thường làm như thế nào thì cứ theo đó mà thực hiện.
Vận động để người dân từ bỏ dần
Trong số 40 người được hỏi, có đến 34 người thừa nhận việc đốt, rải vàng mã gây ra những ảnh hưởng không tốt, chủ yếu là cho môi trường (75% ý kiến), lãng phí tiền bạc (65% ý kiến) và mê tín dị đoan (15%).
Biết rõ là không tốt nhưng nhiều người vẫn duy trì đốt, rải vàng mã. Chị Nguyễn Thị Thanh Loan (Q.1) nói: “Đúng là đốt, rải nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến môi trường, tro bay tùm lum gây khó chịu, phí tiền phí của, nhưng tôi nghĩ ở mức độ chừng mực vẫn có thể chấp nhận được.
Chuyện này thuộc về tâm linh nên khó nói lắm. Ông bà có câu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên tôi cứ đốt cho vững tâm”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Hùng – chuyên viên văn hoá học một trường đại học ở TP.HCM – lại trăn trở: “Đồng ý đây là theo tâm linh nhưng không ít người lại quá tin, dựa vào đó để cầu, khấn với mong ước được này được nọ, dẫn đến xa rời thực tế”.
Vì liên quan đến yếu tố tâm linh nên giải pháp để người dân từ bỏ thói quen đốt, rải vàng mã bằng cách chính quyền ban hành quy định cấm bán, đốt, rải vàng mã và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm được 37,5% ý kiến đồng tình.
Luồng ý kiến nhiều hơn, chiếm 42,5%, đồng tình với giải pháp chính quyền vận động, tuyên truyền người dân không đốt, rải vàng mã bằng các hình thức ký cam kết, vận động trong khu phố, các cơ sở dịch vụ tang lễ…
Có 45% ý kiến cho rằng giải pháp khả thi nhất để người dân từ bỏ thói quen đốt, rải vàng mã là việc giải thích, vận động từ các tổ chức tôn giáo đến tín đồ. Chị Cúc Liên (Q.Bình Thạnh) bày tỏ: “Tôi đi chùa, được sư thầy giảng giải nên đã giác ngộ được chuyện đốt vàng mã chỉ là phung phí và không có lợi ích gì.
Theo nhà Phật, giấy đốt đi rồi chỉ là tàn tro mà thôi, vừa ảnh hưởng môi trường vừa tốn kém. Thay vì lo nghĩ đến việc phục vụ người mất nên chăng chúng ta hãy làm tròn đạo lý, phụng dưỡng chu đáo cho cha mẹ và chăm sóc tốt cho người thân khi họ còn bên cạnh”.
Hòa thượng Thích Thiện Tánh (phó chủ tịch hội đồng Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, phó ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo TP.HCM): Nên dùng tiền đốt vàng mã làm từ thiện Việc đốt giấy vàng mã, đốt nhà lầu, xe hơi cho người đã khuất vào các dịp giỗ cúng, lễ lộc xuất phát từ truyền thống của người dân từ xưa đến nay. Phật giáo không chủ trương nhưng cũng không cấm cản được vì đây thuộc yếu tố tâm linh của con người. Tuy nhiên, việc làm này phản khoa học vì đốt cháy rồi sao mà dùng được, tất cả chỉ là tàn tro, sao người chết có thể nhận lấy được? Dù có thương cảm, tưởng nhớ người đã khuất đi chăng nữa cũng nên hạn chế đốt vàng mã. Nếu bỏ ra 100.000 đồng để đốt vàng mã thì chỉ nên đốt 10.000 đồng thôi, còn lại đi làm phước vì đốt nhiều vàng mã rất lãng phí. Nhiều phật tử hiểu được, họ không đốt vàng mã mà dùng số tiền đó để làm từ thiện, giúp đỡ mọi người để sẻ chia những yêu thương trong cuộc sống. |
* Bà Trần Thị Dung (Q.Tân Phú, TP.HCM): “Đốt vàng mã nếu sơ suất có thể xảy ra cháy nổ. Biết vậy nên tôi thường đốt trong thùng kim loại để tránh tàn lửa bay, tránh xa những nơi có nguy cơ bắt lửa và không cho con nít lại gần. Đốt xong, tôi rải nước lên để dập tắt hoàn toàn tàn lửa”. * Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (Q.12, TP.HCM): “Chính quyền địa phương cần lắng nghe ý kiến, suy nghĩ của người dân khi họ đốt, rải vàng mã để có cách giải thích hợp tình hợp lý hơn với người dân về tác hại của việc này. Tôi nghĩ để dẹp nạn đốt, rải vàng mã rất khó nhưng nếu kiên trì sẽ cải thiện được”. * Bà Nguyễn Thị Bộp (Q.Bình Thạnh, TP.HCM): “Tôi thấy nhiều người giàu đốt tùm lum thứ, làm ăn càng lớn càng đốt nhiều – những trường hợp như vậy cần xử lý nghiêm. Còn trường hợp đốt ít ít vào ngày rằm thì trong các cuộc họp tổ dân phố, tổ trưởng phải thường xuyên nhắc nhở để bà con hạn chế việc đốt, rải vàng mã”. |