28/11/2024

Ngồi vào chiếc ghế quá rộng sẽ rất nguy hại

Nhiều người vẫn quan tâm và ủng hộ chủ trương tăng cường đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ tuổi, nhưng cũng có một số trường hợp cụ thể khi được đề bạt thì vấp phải những nghi ngại trong dư luận. Vì sao?

 

Ngồi vào chiếc ghế quá rộng sẽ rất nguy hại

 

Nhiều người vẫn quan tâm và ủng hộ chủ trương tăng cường đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ tuổi, nhưng cũng có một số trường hợp cụ thể khi được đề bạt thì vấp phải những nghi ngại trong dư luận. Vì sao?




PGS.TS Võ Kim Sơn - Ảnh: Nguyễn Khánh
PGS.TS Võ Kim Sơn – Ảnh: Nguyễn Khánh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Võ Kim Sơn – nguyên trưởng khoa quản lý nhà nước và nhân sự Học viện Hành chính quốc gia – chia sẻ:

– Tôi thấy dư luận gần đây dù có băn khoăn về trường hợp người này, người kia được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo có vẻ “quá sức” cũng không hẳn vì tuổi tác, mà điều dư luận lăn tăn là người được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo có làm được công việc vừa được bổ nhiệm hay không?

Nếu người được bổ nhiệm không đáp ứng được công việc, được đặt vào chiếc ghế quá rộng, quá cao có thể rơi vào tình thế muốn xuống cũng không xuống được, rất nguy hại.

Chúng ta nên khuyến khích tư duy này trong xã hội, chứ đừng vội bàn đến những việc khác.

Phải đúng người 
đúng việc

* Vậy theo ông, đâu là tiêu chuẩn quan trọng khi cân nhắc bổ nhiệm một cán bộ vào vị trí lãnh đạo, quản lý?

– Để đặt ai vào vị trí nào đấy, người quản lý cấp cao cần xác lập rõ năng lực người sẽ được đề bạt, bổ nhiệm phải thích ứng với đòi hỏi yêu cầu để thực thi công việc được giao hay không – tiên quyết để “đúng người đúng việc”.

Sự cân nhắc này dựa trên việc đánh giá cán bộ về yêu cầu kiến thức thích ứng với từng loại công việc cụ thể, mức độ thành thạo tối thiểu để làm công việc cụ thể cũng như cách thức ứng xử, giao tiếp với các bên có liên quan để thực thi công việc.

Thực tế, trong quản trị nhân lực của Việt Nam còn yếu khoản định lượng được những đòi hỏi về kiến thức, chuyên môn cần có với vị trí một chức danh cụ thể, mà thường “khoanh vùng” chung chung.

Còn về mức độ thành thạo tối thiểu với công việc thật ra là kỹ năng, nếu chưa ở vai trò quản lý cấp thấp mà đã đẩy người ta lên vị trí lãnh đạo cấp cao là rất mạo hiểm.

Như vậy, điều quan trọng là phải “ăn khớp” được những yêu cầu đòi hỏi cụ thể của công việc với khả năng, trình độ cụ thể của người được bổ nhiệm, chứ không quá phụ thuộc vào phạm trù tuổi tác.

* Theo ông, có cần sửa đổi quy định và trường hợp bổ nhiệm chưa đáp ứng tiêu chuẩn nên thông cảm để khuyến khích, trao người trẻ cơ hội hay bất luận thế nào cũng phải đáp ứng quy định chung, không có ngoại lệ?

– Quy trình bổ nhiệm cán bộ cần được tiếp cận theo khoa học về quản lý nguồn nhân lực, nhưng còn cần phải tuân thủ theo những yêu cầu về mặt pháp lý do Nhà nước quy định.

Có thể dựa trên thực tiễn và căn cứ vào khoa học quản lý nguồn nhân lực, lúc nào đó những quy định về tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm cán bộ có chỗ sẽ được sửa.

Song khi những quy định pháp luật này chưa điều chỉnh thì việc bổ nhiệm cán bộ không thể làm khác.

Nếu nói rằng có trường hợp xuất chúng nên phải vận dụng ngoại lệ thì cũng không thuyết phục vì phải thừa tiêu chuẩn mới gọi là xuất chúng, chứ không thể nói vì xuất chúng mà hạ tiêu chuẩn.

Nhà nước đưa ra quy định chung về tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm cán bộ, nhưng cũng phân cấp để các địa phương có thể chủ động đặt ra tiêu chuẩn phù hợp cho những chức danh quản lý, lãnh đạo cụ thể.

Địa phương vận dụng quy định chung để đưa ra quy định riêng, nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn do địa phương đặt ra không thấp hơn tiêu chuẩn chung trong bổ nhiệm cán bộ các cấp theo quy định của Nhà nước. Không thể tùy tiện xếp một số tiêu chuẩn chung là tiêu chí chính và các tiêu chuẩn chung khác thì mặc nhiên xếp thành tiêu chí phụ để “đẽo chân cho vừa giày”.

Trường hợp tiêu chuẩn giám đốc sở phải có chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên thì người được bổ nhiệm phải đạt được tiêu chuẩn này.

Cụ thể, một người có bước tiến thuận lợi nhất 22 tuổi ra trường, được nhận vào cơ quan ngay thì cũng mất một năm tập sự, rồi tối thiểu sau chín năm làm chuyên viên mới đủ điều kiện thi chuyên viên chính.

Nghĩa là đạt tiêu chuẩn này ít nhất cũng phải 32 tuổi. Không đạt quy chuẩn chung có nghĩa là bổ nhiệm sai, không đúng quy định của pháp luật.

Cũng đừng nên nói rằng quy trình thực hiện đúng vì có lấy ý kiến như quy định, nhưng trong khi lấy ý kiến thì lại chỉ đạo tiêu chuẩn này tính điểm cao, tiêu chuẩn kia là phụ, không tính.

Chính khách 
phải tự soi mình

* Thực tế quy trình bổ nhiệm thường tuân thủ chặt chẽ quy định chung, nhưng nhiều người đặt câu hỏi yếu tố ngoại lệ tại sao thường xuất hiện khi việc bổ nhiệm nhắm đến cán bộ có xuất thân gia đình đặc biệt, thưa ông?

– Dư luận cần khách quan, nhận định về việc bổ nhiệm cán bộ chỉ nên xét xem người được bổ nhiệm có đáp ứng được công việc mới hay không, chứ đừng quá bận tâm vào những yếu tố khác như nguồn gốc, xuất thân gia đình…

Có điều không phủ nhận rằng lâu nay ở đâu đó vẫn có chuyện “nhất thân, nhì quen”. Không xa là câu chuyện lùm xùm “cả họ làm quan” ngay tại một đơn vị hành chính của thủ đô.

Vì vậy muốn đòi hỏi người dân khách quan trong đánh giá thì chính khách cũng phải tự soi mình, biết giữ gìn uy tín và thanh danh của mình bằng cách cân nhắc kỹ lưỡng việc làm của mình.

Không chỉ cân nhắc việc đó đúng hay sai mà phải xem có nên làm hay không. Một ông bộ trưởng thì không nên bổ nhiệm con mình vào vị trí cục trưởng, vụ trưởng trong chính bộ mình phụ trách.

Khi có dư luận không hay, một chính khách phải tìm cách chứng minh thì dù kết quả thế nào cũng đã làm hao hụt ít nhiều phần trăm tín nhiệm rồi.

PGS.TS NGUYỄN MINH TUẤN 
(viện trưởng Viện Xây dựng Đảng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh):

Dư luận có quyền đặt câu hỏi

Phải khẳng định rằng dù có khuyến khích xu hướng trẻ hóa cán bộ, mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ thì cũng không nên tạo ngoại lệ bất thường, bằng mọi cách phải đưa người trẻ vào vị trí lãnh đạo khi vị trí ấy dành cho người trẻ chưa thật sự thuyết phục.

Trước hai ứng viên cho một vị trí lãnh đạo, nếu một người nhiều tuổi có năng lực tốt, đáp ứng được yêu cầu cho vị trí lãnh đạo tốt hơn thì đừng cố ép đặt người trẻ còn thiếu kinh nghiệm, chưa thể hiện rõ tài năng vào vị trí đó chỉ để nói rằng đó là cách trẻ hóa đội ngũ. Làm như vậy cũng sẽ không tốt cho tương lai của chính cán bộ trẻ đó.

Với trường hợp cụ thể, cán bộ được bổ nhiệm chức danh thủ trưởng một sở khi mới 30 tuổi, dư luận có quyền đặt câu hỏi nếu lâu nay ở vị trí tương tự chưa từng có người ở độ tuổi ấy được bổ nhiệm.

Vấn đề là ở chỗ: nếu người trẻ được bổ nhiệm đảm bảo đúng các quy trình (thực chất), lấy năng lực trình độ, hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu để đánh giá, bố trí cán bộ hoặc có tài năng xuất chúng thì chúng ta cần thay đổi cách nhìn để động viên, khuyến khích kịp thời.

Chỉ lo là trong cách làm, trong quy trình bổ nhiệm có sự gò ép, dân chủ hình thức thì trong hoạt động sau này của cán bộ được bổ nhiệm sẽ lộ ra những khiếm khuyết, để lại hậu quả không như mong muốn.

NGỌC HÀ thực hiện