Đua nhau mở ngành đào tạo thạc sĩ
Dù phải thi tuyển nhưng đầu vào thạc sĩ ở nhiều trường ĐH lại rất rộng mở, hầu hết người dự thi đều trúng tuyển.
Đua nhau mở ngành đào tạo thạc sĩ
Dù phải thi tuyển nhưng đầu vào thạc sĩ ở nhiều trường ĐH lại rất rộng mở, hầu hết người dự thi đều trúng tuyển.
Có rất nhiều trường ĐH đua nhau đào tạo thạc sĩ. Trong ảnh: khen thưởng cho học viên có điểm thi đầu vào cao tại lễ khai giảng khoá cao học đầu tiên của Trường ĐH Thủ Dầu Một – Ảnh: T.L. |
Theo danh sách thí sinh trúng tuyển, có 16 thí sinh không đạt điểm tối thiểu của môn (5 điểm), 35 thí sinh còn lại trúng tuyển.Kỳ thi tuyển sinh thạc sĩ khoá 2 năm 2015 (tháng 8-2015) của Trường ĐH Ngoại ngữ – tin học TP.HCM có 60 thí sinh dự thi. Trong đó 9 thí sinh bỏ thi, 51 thí sinh có kết quả.
Trường thi trầy trật, trường đậu á khoa
Học viên cao học một trường ĐH tại TP.HCM cho biết cùng là thi đầu vào nhưng có trường lượng thí sinh rất đông, đề thi khó nên cạnh tranh khốc liệt, để đạt điểm 5 cực kỳ khó.
Trong khi đó có trường đề thi đầu vào rất dễ, ít người dự thi, sự cạnh tranh hầu như không có, rất dễ đạt được 5 điểm mỗi môn.
“Năm 2012 tôi dự thi cao học ngành tài chính ngân hàng tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Ngành này lấy 105 chỉ tiêu nhưng có đến 2.000 thí sinh dự thi. Đề thi môn xác suất thống kê tôi làm được vài câu thì bí. Năm đó tôi rớt. Năm sau tôi ôn thi cao học ở một trường ĐH khác, đề thi phần lớn đều nằm trong phần trường đã ôn trước đó. Tôi thi được 19,75 điểm và là á khoa đầu vào của khóa đó” – anh này cho biết thêm.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều học viên thi cao học mấy lần không đậu ở các trường ĐH lớn, nhưng khi thi vào một trường mới tuyển sinh thì đậu ngay.
Câu chuyện phần lớn người dự thi cao học đều đậu không chỉ diễn ra ở một vài trường.
Hầu hết thí sinh dự thi cao học quản trị kinh doanh, kỹ thuật công trình xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp của Trường ĐH Cửu Long (tháng 6-2015) đều trúng tuyển.
Theo kết quả tuyển sinh, ngành quản trị kinh doanh có 36 thí sinh dự thi. Trong đó có 5 thí sinh bỏ thi, 31 người có kết quả. Cuối cùng có 30 thí sinh trúng tuyển cao học, tức chỉ có 1 thí sinh rớt.
Tương tự, ngành kỹ thuật công trình xây dựng có 40 thí sinh dự thi và kết quả 35 thí sinh trúng tuyển cao học. Ở khóa thi cao học tháng 5-2015 của Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu, 63/87 thí sinh trúng tuyển.
Không chỉ các trường ngoài công lập, mà ngay cả ở nhiều trường công lập tình hình cũng tương tự.
Đơn cử Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) năm 2015 lần đầu tiên tuyển sinh cao học năm ngành gồm lịch sử VN, quản lý giáo dục, ngôn ngữ Anh, quản trị kinh doanh và kế toán. Có 328 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó ngành lịch sử VN có 19 thí sinh dự thi và toàn bộ đều trúng tuyển.
Ngành quản lý giáo dục có 40 thí sinh dự thi và 31 người trúng tuyển. Ngành ngôn ngữ Anh có 41 thí sinh dự thi và chỉ có 7 người rớt. Ngành quản trị kinh doanh có 101 thí sinh dự thi, chỉ có 15 người rớt.
Ở các đơn vị khác như Trường ĐH Sài Gòn, Học viện Khoa học xã hội VN, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tình hình cũng không khác mấy. Sự cạnh tranh khá ít, phần lớn người dự thi đều trúng tuyển. Chẳng hạn chương trình thạc sĩ ngành công tác xã hội do Học viện Khoa học xã hội VN liên kết với Philippines tổ chức thi tuyển vào tháng 7-2015. Có 115 thí sinh dự thi và 95 người trúng tuyển.
Ở khóa thi cao học tháng 6-2015 tại Trường ĐH Sài Gòn, sự cạnh tranh cũng khá ít khi ngành ngôn ngữ học chỉ có 16 thí sinh dự thi, 15 người trúng tuyển. Ngành văn học VN có 23 thí sinh dự thi và 17 người trúng tuyển; ngành hóa hữu cơ có 19 thí sinh dự thi và 16 người trúng tuyển.
Tương tự, kỳ thi tuyển sinh cao học tháng 8-2015 tại Trường ĐH Văn hoá TP.HCM có 43 thí sinh dự thi và chỉ có bốn người không trúng tuyển.
Bộ GD-ĐT xé rào?
Hiện nay, do rất nhiều người đi học thạc sĩ nên các trường ĐH đua nhau xin phép đào tạo thạc sĩ. Ngay cả Bộ GD-ĐT cũng làm trái quy định do chính mình đưa ra khi cho phép một số trường tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, một trong những điều kiện tiên quyết để các ĐH, học viện, các trường ĐH được xem xét để cấp phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ là “đã đào tạo trình độ ĐH, hình thức chính quy ngành tương ứng với ngành hoặc chuyên ngành đề nghị cho phép đào tạo trình độ thạc sĩ, và có ít nhất hai khóa sinh viên đã tốt nghiệp”.
Đối chiếu quy định này, Bộ GD-ĐT đã cho phép Trường ĐH Thủ Dầu Một và Trường ĐH Hồng Đức tuyển sinh thạc sĩ ngành quản lý giáo dục là không đúng với quy chế đào tạo thạc sĩ.
Đến thời điểm hiện tại, Trường ĐH Thủ Dầu Một vẫn chưa được phép mở ngành đào tạo bậc ĐH với ngành quản lý giáo dục, nhưng đầu năm 2015 Bộ GD-ĐT lại có quyết định giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ ngành này cho trường.
Tương tự, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hoá) cũng được phép tuyển sinh thạc sĩ ngành quản lý giáo dục, nhưng đến thời điểm hiện tại trường này vẫn chưa tuyển sinh khoá ĐH nào ngành quản lý giáo dục, vì thế không thể đảm bảo điều kiện đã có hai khoá sinh viên tốt nghiệp.
Cũng liên quan đến điều kiện tiên quyết nói trên, nhiều trường ĐH được thành lập và bắt đầu tuyển sinh ĐH từ năm 2010 như ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội, nhưng năm 2015 cũng đã được phép và bắt đầu tuyển sinh trình độ thạc sĩ.
Tính đến năm 2015, khóa sinh viên thứ hai bậc ĐH đào tạo bốn năm ở các trường này mới chuẩn bị tốt nghiệp, tức chưa đủ điều kiện có hai khoá sinh viên tốt nghiệp theo quy định nhưng vẫn được tuyển sinh thạc sĩ nhiều ngành.
Trao đổi về vấn đề này, một phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết năm nay khoá thứ hai bậc ĐH đào tạo bốn năm của trường mới tốt nghiệp, nhưng căn cứ để xin mở ngành đào tạo thạc sĩ đó là các khoá liên thông ĐH chính quy, và như thế thì trường đủ điều kiện hai khoá sinh viên ĐH chính quy tốt nghiệp.
Không phải bằng thạc sĩ ở đâu cũng được! Hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cho biết: đối với cán bộ, giảng viên của trường đi học thạc sĩ, trường có đưa ra danh sách các trường để người học tham khảo và đăng ký dự thi, chứ không phải lấy bằng thạc sĩ ở đâu trường cũng chấp nhận. Căn cứ để trường đưa ra danh sách này đó là các trường đã đào tạo thạc sĩ lâu năm, chất lượng được xã hội thừa nhận. Thực tế hiện nay các trường đào tạo thạc sĩ khá nhiều nhưng không phải trường nào cũng có chất lượng đầu vào, đào tạo như nhau. |
Vấn đề chất lượng chưa được lưu ý PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Trường đại học Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), cho rằng thực tế nhiều người muốn lấy bằng thạc sĩ để thỏa mãn các yêu cầu hành chính, chứ không hẳn muốn nâng cao kiến thức. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa được lưu ý. Ở nước ngoài, việc đào tạo thạc sĩ là toàn thời gian và người học rất vất vả. Còn ở ta, việc tổ chức đào tạo thạc sĩ theo hình thức vừa làm vừa học: ban ngày đi làm, ban đêm học cao học. Như thế thì làm sao có thời gian nghiên cứu, nâng cao chuyên môn, làm sao có chất lượng đào tạo tốt được. Nếu tổ chức đào tạo toàn thời gian, chắc hẳn sẽ rất ít người đi học. |