15 lần vỡ ống nước, bệnh viện khóc thét
Ông Nguyễn Duy Ánh, giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết 15 lần đường ống Sông Đà bị vỡ thì cả 15 lần bệnh viện này đều bị cúp nước.
15 lần vỡ ống nước, bệnh viện khóc thét
Ông Nguyễn Duy Ánh, giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết 15 lần đường ống Sông Đà bị vỡ thì cả 15 lần bệnh viện này đều bị cúp nước.
Chiều 1-10, người nhà và bệnh nhân tại Bệnh viện 19-8 (Hà Nội) vẫn phải khiêng nước từ hồ chứa lên các phòng bệnh để dùng – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Cúp nước tại nhà dân đã khổ thì cúp nước tại bệnh viện còn khổ hơn nhiều…
Đến chiều 30-9, nước đã chảy tí tách vào bể chứa của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhưng sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà hôm 26-9 khiến năm ngày qua bệnh viện này phải hoãn 20 ca mổ, không nhận mổ chủ động, mổ phụ khoa, quần áo bệnh nhân và thầy thuốc phải đi thuê giặt bên ngoài…
Còn tại Bệnh viện 19-8, đến chiều 1-10 tình trạng thiếu nước vẫn diễn ra nghiêm trọng.
Có nơi đề nghị chúng tôi làm giếng khoan và giàn lọc như các bệnh viện khác đã làm, nhưng tôi không đồng ý việc đó vì bệnh viện không có chức năng và thành phố đã có cả hệ thống cung cấp nước sạch lớn như vậy, tại sao mình lại tự khoan giếng để ảnh hưởng tới nước ngầm? |
Ông NGUYỄN DUY ÁNH (giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) |
Khổ đủ đường
Đưa con đi sinh ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bốn ngày nay thì có đến ba ngày gia đình bà Lê Thị Mỹ (Hoài Đức, Hà Nội) chịu cảnh thiếu nước.
“Ban ngày hoàn toàn không có nước, tối đến mới được bơm một chút. Chúng tôi phải mua nước đóng chai hoặc tích trữ để giội khi đi vệ sinh, nhưng không đủ nước giội nên nhà vệ sinh lúc nào cũng bốc mùi” – bà Mỹ kể.
Ông Nguyễn Duy Ánh cho biết những lần vỡ ống nước Sông Đà trước đây chỉ cúp nước trong ba ngày, còn lần này theo thông báo của Xí nghiệp nước sạch Đống Đa đến ngày 1-10 mới có nước trở lại.
“Đến ngày 1-10 nước chảy chậm vào bể chứa của chúng tôi được lưng bể, nhưng bệnh viện chúng tôi mỗi ngày có khoảng 1.000 người tới khám, 600 bệnh nhân nội trú, 400 cháu sơ sinh, 250 ca đẻ, 150-170 ca phẫu thuật bệnh lý phụ khoa, 1.000 cán bộ nhân viên, ít nhất phải sử dụng 300-400 khối nước. Số nước mới chảy chỉ đủ dùng tối 1-10, chưa biết sáng 2-10 tình hình ra sao” – ông Ánh lo lắng.
Tại Bệnh viện 19-8, ông Lê Bá Liên – 55 tuổi, điều trị nội trú tại khoa nội tiết – cho biết suốt năm ngày qua ông và nhiều bệnh nhân chiều nào cũng tập trung tại bể chứa nước trung tâm của bệnh viện để lấy nước vào từng thùng nhựa, chai nhựa, xô, chậu đưa lên tầng 5 (khu vực điều trị) dùng.
Suốt cả buổi chiều 1-10, cả phòng gồm 10 người trữ được một thùng nước lớn 90 lít cùng hàng chục chai nhựa 5 lít, số nước này mọi người nói để dùng cho cả ngày mai (2-10).
Ông Nguyễn Văn Hiển, phó giám đốc Bệnh viện 19-8, cho biết mỗi ngày bệnh viện có 800 – 1.000 bệnh nhân nội trú nên nhu cầu sử dụng nước rất lớn.
15 lần vỡ đường ống Sông Đà đều ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện, đặc biệt ở những chuyên khoa cấp cứu, nhiễm khuẩn…
Đến chiều 1-10, theo ông Hiển, nước đã có trở lại nhưng rất yếu…
Ngoài bệnh viện, nhiều khu vực dân cư ở Hà Nội đã thiếu nước sạch trong tuần vừa qua. Nhiều gia đình phải huy động xô, chậu, chai nhựa đi hứng nước tích trữ, có gia đình không có cả nước để giội nhà vệ sinh.
Phương án tăng thêm nguồn cấp nước
Liên quan việc thiếu nước sạch tại khu vực Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đại diện Xí nghiệp nước sạch Đống Đa (Công ty Nước sạch Hà Nội) thừa nhận xảy ra việc này do sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà xảy ra liên tiếp (ngày 25 và 26-9).
Để khắc phục tạm thời, xí nghiệp đã điều động xe téc đến tăng cường, đồng thời điều tiết hệ thống van nhưng không đủ. Đến tối 30-9, nước được cấp trở lại cho bệnh viện.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Ánh cho biết đến ngày 1-10 dù nước đã chảy trở lại tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhưng chảy nhỏ giọt.
Còn việc thiếu nước tại Bệnh viện 19-8, ông Nguyễn Anh Việt – Công ty CP đầu tư và kinh doanh nước sạch Viwaco – cũng xác nhận do sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà. Những ngày sau đó khu vực này vẫn thiếu nước, ông Việt lý giải do ở khu vực nằm xa nguồn, áp lực nước yếu.
Cũng theo ông Việt, Viwaco đã tăng cường mỗi ngày 4-5 xe téc bổ sung nguồn nước cho bệnh viện.
“Thế vì sao đến chiều 1-10 bệnh viện vẫn thiếu nước?”, trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Việt cho rằng sáng 1-10 đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng TP và lãnh đạo công ty đã đến hiện trường kiểm tra và ghi nhận nước được cấp đầy đủ (?).
Về phương án tăng thêm nguồn cấp nước cho TP, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết trong tháng 10 TP sẽ khởi công Nhà máy nước mặt sông Hồng tại huyện Đan Phượng với công suất 300.000 m3/ngày đêm, dự kiến sau hai năm dự án sẽ hoàn thành.
Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ nâng cấp công suất, sản lượng của Nhà máy nước Bắc Thăng Long – Vân Trì thêm khoảng 30.000 m3/ngày đêm.
Ông Hùng cho hay với hai dự án này, thời gian tới sẽ cấp bù cho sản lượng mà Công ty Nước sạch Hà Nội hiện đang còn thiếu để cung cấp nước cho các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm và khu vực nội thành khác.
Ngoài ra, theo ông Hùng, một đường ống khẩn cấp dài hơn 20km dẫn nước sạch Sông Đà từ Hòa Lạc về đến Trung tâm hội nghị quốc gia nhằm giảm áp, bảo đảm an toàn cho đường ống số 1 đang quá tải cũng đang được khẩn trương triển khai.
UBND TP Hà Nội đã giao các đơn vị liên quan cùng các chuyên gia lên kế hoạch xây dựng trong thời gian nhanh nhất. Dự kiến chỉ mất khoảng ba tháng để hoàn thành đưa vào vận hành, chia sẻ lượng nước khoảng 80.000 – 100.000m3 cho tuyến số 1.
Ông Hùng cũng cho biết trong hôm nay (2-10), TP sẽ trình Chính phủ tờ trình xin lệnh khẩn cấp để triển khai thi công đường ống. Trước mắt sẽ truyền tải từ Hoà Lạc về trung tâm TP, sau này trở thành đường ống phân phối cho các mạng xung quanh.
Liên quan tới tiến độ dự án nước sạch Sông Đà giai đoạn 2, do Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) thuộc Tổng công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam – Vinaconex làm chủ đầu tư, ông Phạm Chí Sơn – giám đốc ban đối ngoại – pháp chế Vinaconex – cho hay dự kiến ngày 7-10 chủ đầu tư sẽ khởi công dự án.
Theo ông Sơn, sẽ có đồng loạt các mũi thi công được triển khai cùng lúc tại dự án này. Mục tiêu tới tháng 6-2016 sẽ hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng cấp nước.
Được biết tại giai đoạn 2 này, chủ đầu tư đã lựa chọn gang dẻo để sử dụng vật liệu đường ống dẫn nước. Loại ống này sẽ được nhập khẩu thông qua đấu thầu quốc tế.
Tổng vốn đầu tư dự án nước Sông Đà giai đoạn 2 dự kiến khoảng 4.922 tỉ đồng…
Sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 2 sẽ nâng công suất toàn bộ hệ thống đường ống nước Sông Đà lên 600.000 m3/ngày đêm, khai thác hết công suất còn lại nhà máy giai đoạn 1, giảm tải và hỗ trợ tuyến ống số 1 khi có sự cố.
70.000 hộ dân bị ảnh hưởng Sự cố vỡ ống dẫn nước sạch Sông Đà lần thứ 15 (ngày 26-9) đã khiến 70.000 hộ dân tại các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đống Đa (Hà Nội) bị ảnh hưởng. Công ty CP đầu tư và kinh doanh nước sạch Viwaco là đơn vị phân phối nước sạch lớn nhất từ nguồn nước này. Theo ông Nguyễn Anh Việt, nếu có các sự cố tương tự (không biết sẽ tiếp tục xảy ra lúc nào), việc thiếu nước sạch trên diện rộng như trên là bất khả kháng. “Thời điểm hiện nay nếu không xảy ra vỡ đường ống, nguồn nước đảm bảo được cung cấp đầy đủ cho các hộ dân là khách hàng của Viwaco” – ông Việt khẳng định. |