28/11/2024

Lâm Đồng xoá “ổ chuột” biệt thự, cứu 178 công trình thời Pháp

Tỉnh Lâm Đồng dừng được việc xuống cấp tưởng như không thể cứu vãn nổi của 178 biệt thự tại Đà Lạt được xây dựng từ thời Pháp có giá trị kiến trúc cao.

 

Lâm Đồng xoá “ổ chuột” biệt thự, cứu 178 công trình thời Pháp

 

Tỉnh Lâm Đồng dừng được việc xuống cấp tưởng như không thể cứu vãn nổi của 178 biệt thự tại Đà Lạt được xây dựng từ thời Pháp có giá trị kiến trúc cao.




Biệt thự Phi Ánh được xây dựng vào năm 1928. Năm 1940 vua Bảo Đại đã mua lại biệt thự này từ một công chức Pháp để tặng cho thứ phi Phi Ánh. Sau năm 1975 biệt thự này được giao cho khoảng 30 hộ dân sống. Căn biệt thự xây theo kiến trúc Tây Ban Nha cũng từng xuống cấp trầm trọng. Sau này, nhà đầu tư đã bỏ tiền di dời dân ra khỏi biệt thự, thuê chuyên gia khôi phục nguyên trạng. Đây là căn biệt thự được đánh giá hồi sinh sau khi giao tư nhân sử dụng kinh doanh du lịch. - Ảnh: Mai Vinh
Biệt thự Phi Ánh được xây dựng vào năm 1928. Năm 1940 vua Bảo Đại đã mua lại biệt thự này từ một công chức Pháp để tặng cho thứ phi Phi Ánh. Sau năm 1975 biệt thự này được giao cho khoảng 30 hộ dân sống. Căn biệt thự xây theo kiến trúc Tây Ban Nha cũng từng xuống cấp trầm trọng. Sau này, nhà đầu tư đã bỏ tiền di dời dân ra khỏi biệt thự, thuê chuyên gia khôi phục nguyên trạng. Đây là căn biệt thự được đánh giá hồi sinh sau khi giao tư nhân sử dụng kinh doanh du lịch. – Ảnh: Mai Vinh

Sau năm 1975, khoảng 1.000 người, chủ yếu là công nhân viên nhà nước, được đưa vào ở trong những căn biệt thự cổ. Không chỉ một hộ được cấp hoặc cho thuê một căn để sử dụng mà có từ 7-30 hộ dân cùng chung sử dụng.

Điều này biến Đà Lạt từng trở thành điểm nóng hình thành những khu “ổ chuột” trong những biệt thự do Nhà nước sở hữu. Những căn biệt thự có kiến trúc đẹp từng xuống cấp và người dân ở trong biệt thự đối mặt với những nguy cơ hoả hoạn, sập nhà.

Nhưng nhờ phân loại biệt thự thành nhiều nhóm để đánh giá giá trị từng căn, sau đó dời dân ra khỏi biệt thự cổ, Lâm Đồng đã dừng được việc xuống cấp 178 biệt thự tại Đà Lạt.

Phân loại để cứu nguy

Nguy cơ mất quỹ biệt thự quý buộc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng phải chủ trì phân loại biệt thự thành ba nhóm.

Trong đó, thuộc nhóm 1 có 5 căn, nhóm 2 có 77 căn, nhóm 3 có 96 căn. Nhóm 1 gồm các biệt thự có giá trị về lịch sử, văn hoá; có giá trị đặc biệt về kiến trúc, cảnh quan, đại diện tiêu biểu cho một nền kiến trúc, còn bền vững về kết cấu chính, biệt thự này khi sử dụng không được tác động vào kiến trúc, nội thất và chỉ được cho thuê sử dụng, không được bán.

Nhóm 2 gồm các biệt thự không thuộc nhóm 1 nhưng có giá trị nhất định về lịch sử văn hoá hoặc có giá trị nhất định về mặt kiến trúc, cảnh quan, còn tương đối bền vững về kết cấu chính, giá trị sử dụng cao hay nói cách khác có khả năng sinh lợi cao.

Nhóm biệt thự này không được tác động vào kiến trúc bên ngoài nhưng được thay đổi nội thất, chỉ cho thuê. Nhóm 3 gồm những nhà biệt lập có khuôn viên đất rộng hoặc nhà dạng biệt thự đơn lẻ, khuôn viên đất đã bị chia cắt nằm ở những vị trí quan trọng trong đô thị, ít giá trị về kiến trúc hoặc đã bị thay đổi kiến trúc trong quá trình quản lý sử dụng, có giá trị sử dụng thấp, có thể dỡ bỏ để xây mới và có thể bán cho chủ đầu tư.

Ông Đặng Nguyễn Văn Tích, giám đốc Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt, cho biết nếu không phân loại thì đến giờ này quỹ biệt thự của Lâm Đồng đã rệu rạo hết.

“Tốc độ xuống cấp của biệt thự ngày càng nhanh và tuổi thọ của một công trình nhà thường là 100 năm bị rút ngắn chỉ còn 60 năm hoặc ít hơn. Nguyên nhân sử dụng sai công năng khiến biệt thự bị quá tải. Làm sao mà không hư hại với tốc độ cao nếu một căn nhà ở kiến trúc biệt thự bị thay đổi kết cấu một cách thô bạo thành nhà ở tập thể” – ông Tích nói.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lập – chủ tịch Hội Kiến trúc tỉnh Lâm Đồng – cũng cho biết phân loại biệt thự là cần thiết không chỉ đối với Đà Lạt mà cả những tỉnh khác đang có nhiều biệt thự, vì như vậy hội đồng phân loại sẽ xác định được giá trị của từng căn biệt thự về hai mặt: khả năng sử dụng và giá trị kiến trúc, từ đó có phương án sử dụng phù hợp.

Ông nói: “Phải tuân thủ chặt chẽ để bảo vệ. Biệt thự cổ rất nhạy cảm với người dân vì chứa nhiều ký ức trong đó. Những cái nào thuộc vào nhóm cần phá bỏ thì phải phá bỏ. Còn cố sử dụng hoặc tôn tạo những công trình đáng lẽ không nên tôn tạo vừa tốn kém mà hậu quả khó lường”.

Đầu tư đúng sẽ hồi sinh

Ông Đặng Nguyễn Văn Tích nhấn mạnh muốn dừng được việc xuống cấp của biệt thự phải trả lại đúng công năng cho biệt thự, đó là nơi ở, sinh hoạt, giải trí cho số lượng người ít trong một thời điểm. Còn thay đổi công năng, cơi nới cho phù hợp với chức năng mới như cho tận dụng làm công ty, trụ sở thì sẽ có lúc đối mặt với sự xuống cấp quá mức buộc phải đập bỏ.

“Sử dụng khai thác du lịch sẽ hợp lý, thực tế ở Lâm Đồng một số biệt thự tưởng không còn cách cứu vãn nhưng khi có doanh nghiệp du lịch có nguồn lực tốt đầu tư thì đã hồi sinh” – ông nói.

Trao đổi về việc giao biệt thự cho các nhà đầu tư tư nhân như tỉnh Lâm Đồng đang làm, ông Nguyễn Văn Lập khẳng định:

“Chủ trương đúng, so sánh nhanh các biệt thự giao cho Nhà nước và tư nhân khai thác du lịch sẽ thấy ngay sự khác biệt. Ở khối tư nhân biệt thự sống lại. Còn ở khối nhà nước, hiện khó đánh giá”.

Ông Lập cho rằng biệt thự phải có người ở mới có sức sống. Dời dân rồi ôm khư khư để bảo tồn cũng không đúng. Nhưng giao cho tư nhân mà không giám sát rồi đến lúc biệt thự hư hỏng theo đà khai thác và tôn tạo không cân đối là coi như Nhà nước mất luôn quỹ biệt thự quý.

“Theo tôi, tỉnh Lâm Đồng phải có hội đồng giám sát việc khai thác các biệt thự cổ sau khi giao cho nhà đầu tư mới, bất kể tư nhân hay Nhà nước” – ông Lập nói.

Trao đổi về rất nhiều biệt thự cổ trên toàn quốc đang xuống cấp nhưng không có hướng xử lý, ông Lập nói:

“Những công trình được xếp hạng di tích không bàn tới vì có quy định rồi. Còn những biệt thự khác khó quản lý, duy tu, sử dụng vì không chịu phân loại mà cứ gọi chung là cổ mà không biết cổ ra sao. Tâm lý hễ đụng tới công trình cổ là bối rối. Tôi nghĩ để rạch ròi, cứ lập hội đồng, phân loại ra, đánh giá mức độ cổ rồi tính toán tiếp”.

“Mạnh tay” cứu nhà cổ Hội An

15 nhà cổ được xếp hạng di tích ở TP Hội An (Quảng Nam) đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ đổ sập. Trước thực trạng đó, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hoá TP đã lập hồ sơ báo cáo và đưa ra biện pháp “mạnh tay” nhằm giải bài toán trùng tu những ngôi nhà này.

Ông Phạm Việt Tâm – trưởng phòng trùng tu di tích (thuộc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hoá Hội An) – cho biết:

“4/15 nhà cổ nằm trong dự án tu bổ khẩn cấp các di tích đã được trung tâm đề xuất xin 100% kinh phí trùng tu từ nguồn vốn Nhà nước, số còn lại do Nhà nước và chủ sở hữu cùng góp kinh phí sửa chữa”.

Trong nửa tháng qua, đơn vị trùng tu nhà cổ cũng đang tu bổ toàn bộ nhà số 120 Trần Phú (P.Minh An). Đây là một trong những di tích xuống cấp nặng nhất và nhiều người đang tranh chấp sở hữu, thế nhưng khi cần thì không một ai lãnh trách nhiệm để phối hợp tu bổ.

“Thay vì hạ giải ngôi nhà này, chúng tôi đã quyết định đầu tư 100% kinh phí tu sửa toàn bộ mà không cần cam kết của chủ sở hữu. Dự kiến việc trùng tu kéo dài trong vòng hai tháng với kinh phí khoảng 1,6 tỉ đồng.

Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, Nhà nước sẽ đấu giá cho thuê mặt bằng của ngôi nhà này, đến khi hoàn đủ số tiền bỏ ra Nhà nước sẽ bàn giao lại cho các chủ sở hữu” – ông Nguyễn Chí Trung, giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nói.

Cũng theo ông Trung, việc “mạnh tay” đưa ra phương án trùng tu như trường hợp của ngôi nhà số 120 Trần Phú là một điểm mới trong công tác trùng tu di tích bởi chỉ có cách này thì nhà cổ mới mong thoát khỏi cảnh đổ sập.

THANH BA

MAI VINH