28/11/2024

Gỡ vướng cho vùng trũng giáo dục ĐBSCL

Ngày 25-9, tại Đại học Cần Thơ, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH cùng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội nghị tổng kết phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015.

 

Gỡ vướng cho vùng trũng giáo dục ĐBSCL

 

Ngày 25-9, tại Đại học Cần Thơ, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH cùng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội nghị tổng kết phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015.




Điều kiện để phát triển giáo dục ở vùng ĐBSCL còn nhiều thiếu thốn. Trong ảnh: học sinh ở huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đi đò ngang đến trường - Ảnh: Thùy Trang
Điều kiện để phát triển giáo dục ở vùng ĐBSCL còn nhiều thiếu thốn. Trong ảnh: học sinh ở huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đi đò ngang đến trường – Ảnh: Thuỳ Trang

Chủ trì hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị các đại biểu phải chỉ rõ, thẳng thắn cần cơ chế đặc thù gì để khắc phục yếu kém của vùng về giáo dục, không cần phải nói vòng vo.

“Xin tiền” xây trường mầm non

Tại hội nghị, đại diện nhiều tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vốn để địa phương hoàn thành phổ cập mầm non.

Đại diện UBND tỉnh Cà Mau cho biết tỉnh mới có 132 trường mầm non, số trẻ ở tuổi mẫu giáo đến trường là 62% và tỉ lệ trẻ 5 tuổi được ăn ở bán trú là 35%, thấp hơn nhiều so với các tỉnh trong khu vực.

Tại Cà Mau, số phòng học chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, học sinh còn phải học nhờ, phải mượn của trường tiểu học đến 300 phòng học.

Cho đến nay Cà Mau chỉ mới có 60/101 xã phường, thị trấn hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, vì vậy đề nghị trung ương quan tâm hỗ trợ “thích đáng” – với khoảng 600 tỉ đồng.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Minh Giang, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, cho biết tỉnh này cần đầu tư hơn 500 phòng học mới, sửa chữa 400 phòng học cũ và thiếu khoảng 1.000 biên chế – trong đó có khoảng 800 giáo viên mầm non, với tổng số vốn cần đầu tư 
khoảng 700 tỉ đồng.

Sau khi nghe các địa phương lần lượt “kể khổ”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải chen ngang: “Các đồng chí xin tiền thì chỉ cần nói một tiếng là “xin tiền”, còn lại nên đề xuất giải pháp… Ví dụ như thiếu giáo viên cấp I, mẫu giáo thì cần đặc thù thế nào, chứ không thì hội nghị này có đến 7-8 ý kiến chỉ xin biên chế và xin tiền…”.

Sau khi được gợi ý, tới lượt phát biểu của mình, ông Trần Thanh Đức, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, vô thẳng vấn đề khi cho rằng hiện tại cơ chế đặc thù cho ĐBSCL về tài chính là chưa có, vì vậy Chính phủ cần giải quyết ngay việc này, không “cào bằng” như 
những vùng miền khác.

Ông Bùi Văn Ga, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết tình trạng thiếu phòng học mầm non, phòng học xuống cấp ở ĐBSCL còn nhiều (toàn vùng còn 1.905 phòng học tạm và hơn 2.600 phòng học nhờ, mượn).

Trước mắt Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất Chính phủ xây mới 1.492 phòng học còn thiếu (kinh phí gần 1.800 tỉ đồng) để đảm bảo cho trẻ 5 tuổi ở khu vực này có đủ phòng học và đạt phổ cập giáo dục mầm non.

Ông Ga cảnh báo: “Hầu hết các tỉnh trong vùng ĐBSCL đều nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương, không có khả năng bổ sung thêm ngân sách, hỗ trợ từ trung ương thì chưa đủ để cải thiện cơ sở vật chất cho bậc học mầm non dẫn đến thiếu hụt lớn về cơ sở vật chất phòng học.

Nếu không khắc phục, ĐBSCL sẽ tiếp tục tụt hậu, tiếp tục là vùng trũng của giáo dục 
mầm non cả nước”.

Đau đầu chuyện sáp nhập trường nghề

Cũng tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương ở ĐBSCL đề nghị hai bộ GD-ĐT, LĐ-TB&XH phải sớm hướng dẫn việc sáp nhập “ba trong một” đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề.

Theo ông Võ Minh Chiến – phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, hiện tại có nhiều trung tâm “chỉ có 2-3 người chẳng làm gì cả” nên hai bộ cần sớm nghiên cứu, hướng dẫn việc này.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu thực tế có lần ông về địa phương, thấy ba trung tâm dạy nghề đều rất hoành tráng nhưng “mỗi tội là không 
có người học”!

Ông Trần Thanh Đức cũng cho rằng khi có chủ trương sáp nhập thì “tỉnh nào cũng ủng hộ’, riêng Tiền Giang đã bàn chuyện sáp nhập cả một năm nay.

Tuy nhiên, ông Đức kiến nghị khi sáp nhập thì nên giao cho UBND các huyện quản lý trực tiếp, kể cả về cơ sở vật chất lẫn chuyên môn.

Trong khi đó, những địa phương không thực hiện theo nội dung được nêu tại quyết định 1033 (về việc thành lập các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề) thì thở phào nhẹ nhõm.

Bà Nguyễn Thị Minh Giang bộc bạch: “Chỉ riêng trung tâm giáo dục thường xuyên kiêm thêm việc dạy nghề mà công suất còn không hết. Lúc đó, khi tham mưu cho UBND tỉnh thì tôi rất lo là làm trái cấp trên, nhưng giờ tổng kết thì tôi thấy rất… sướng!”.

Giải đáp các kiến nghị của địa phương xung quanh vấn đề này, ông Huỳnh Văn Tí, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nói:

“Chúng tôi đã thống nhất (việc sáp nhập) và gọi tên chung là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên.

Nói chung là thống nhất trung tâm sẽ thuộc UBND huyện, giám đốc phải có trình độ đại học… Chúng tôi đang chờ Bộ GD-ĐT đưa qua là ký liền”.

Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành phải gỡ vướng mắc ngay cho các địa phương, với lưu ý “tất cả văn bản gì mà để cấp dưới không bị vướng thì đề nghị phải làm sớm”.

Ông Đam cũng đồng ý sẽ ban hành văn bản thay thế quyết định 1033, trong đó lưu ý không “tham” mà đề ra các chỉ tiêu quá cao rồi không thực hiện được.

Ông Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT tập hợp các kiến nghị tại hội nghị, trong đó cần nghiên cứu một số vấn đề đặc thù của vùng để giúp ĐBSCL thoát khỏi vùng trũng giáo dục.

Khuyến khích mở phân hiệu đại học ở ĐBSCL

Ông Võ Minh Chiến, phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, kiến nghị cho phép các trường đại học trọng điểm quốc gia và đại học đào tạo có chất lượng mở phân hiệu tại các tỉnh ĐBSCL, để vừa tạo điều kiện cho sinh viên học tại địa phương, vừa giúp TP.HCM giảm áp lực.

Ngoài ra, cần đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất Trường đại học Cần Thơ xứng tầm khu vực và thế giới, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao cho vùng.

Đồng thời cần tăng cường đầu tư để mở rộng quy mô đào tạo cho một số trường công lập như Đại học Trà Vinh, Đại học Y dược Cần Thơ và Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.

Theo ông Chiến, hiện toàn vùng ĐBSCL có 17 trường đại học, 25 trường cao đẳng và 1 phân hiệu đại học với 175.000 sinh viên. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng số trường đại học, cao đẳng của vùng còn ít so với cả nước, nhưng “những trường này hiện nay tuyển sinh không đủ”.

Vì vậy, ông Đam gợi ý các trường nên dùng chung chỉ tiêu, đừng xem nhau như đối thủ cạnh tranh (trường này có thể tham gia như một khoa của một trường đại học có uy tín khác).

“Trong y tế còn có bệnh viện vệ tinh, đại học nên chăng cũng nghiên cứu. Cần ngồi bàn với nhau, cần thiết thì tôi ngồi lại bàn với các đồng chí” – ông Đam nói.

 

CHÍ QUỐC – THUỲ TRANG ([email protected])