28/11/2024

Gấp rút “khám bệnh” cho nhà cổ: “cha chung không ai khóc”

Vụ sập biệt thự cổ gây chết người ở Hà Nội một lần nữa khơi lại các mối quan tâm về cách bảo tồn, sử dụng những công trình cổ ở VN. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các chuyên gia.

 

Gấp rút “khám bệnh” cho nhà cổ: “cha chung không ai khóc”

 

Vụ sập biệt thự cổ gây chết người ở Hà Nội một lần nữa khơi lại các mối quan tâm về cách bảo tồn, sử dụng những công trình cổ ở VN. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các chuyên gia.


 


Biệt thự xuống cấp trên phố Phan Bội Châu, Hà Nội - Ảnh: Lâm Hoài
Biệt thự xuống cấp trên phố Phan Bội Châu, Hà Nội – Ảnh: Lâm Hoài

* TS NGUYỄN THỊ HẬU:

Tìm hình thức quản lý, sở hữu phù hợp

Bảo tồn, trùng tu hay phá bỏ những ngôi nhà, công trình cổ đã quá hạn sử dụng? Không phải bây giờ câu hỏi này mới đặt ra, gần đây nhất là vụ Bưu điện tỉnh Bình Thuận hay Trường Châu Văn Liêm ở TP Cần Thơ, dư luận đã có hai luồng ý kiến:

Về phía chính quyền: cần phá bỏ để tránh nguy hiểm cho người sử dụng, đồng thời xây dựng công trình mới phù hợp với quá trình hiện đại hóa đô thị.

Về phía cộng đồng, trong đó có những người dân từng có nhiều ký ức gắn bó với địa điểm, công trình; những nhà nghiên cứu lịch sử, bảo tồn di sản văn hoá; kiến trúc sư quy hoạch đô thị…: mong muốn công trình được trùng tu, phục hồi để bảo tồn cảnh quan “hồn phố”, giữ được lịch sử đô thị cho nhiều thế hệ cư dân sau này.

“Tồn tại hay không tồn tại” những ngôi nhà cổ đã hết hạn sử dụng? Trả lời câu hỏi này không hề đơn giản, bởi vì đó là một phần của sự mâu thuẫn gay gắt giữa bảo tồn và phát triển ở các đô thị hiện nay.

Để tránh những sự cố như ngôi nhà cổ ở phố Trần Hưng Đạo, thiết nghĩ việc cần làm ngay là khẩn trương tổng kiểm tra về chất lượng những công trình, biệt thự nhà cổ thời Pháp đã được xếp hạng quốc gia hay tỉnh thành để kịp thời phát hiện và sửa chữa ngay những hư hỏng dù nhỏ, hoặc trùng tu nếu đã xuống cấp, không an toàn.

Tuy nhiên, phải có hướng dẫn của cơ quan quản lý di sản văn hoá và sự giám sát của chuyên gia, nhà khoa học bảo tồn di sản.

Việc đánh giá giá trị hệ thống nhà cổ, biệt thự thời Pháp, như Hà Nội đã làm và TP.HCM sắp làm, theo hệ thống tiêu chí cụ thể để phân loại bảo tồn hay không bảo tồn là rất cần thiết, nhưng rất khó khăn.

Chưa nói đến tình trạng biệt thự xuống cấp nặng thì nhiều biệt thự đã chuyển đổi công năng, chuyển đổi hình thức sở hữu. Khi những công trình, biệt thự cổ còn là sở hữu “chung” hay “tập thể” thì sẽ tiếp diễn tình trạng “cha chung không ai khóc”, tình trạng khai thác sử dụng kiểu “của chùa”. Dù có được (hay “bị”) đưa vào diện bảo tồn thì cũng rất khó thực thi.

Vì vậy, nên chăng cần trả lại công năng của các công trình này như nó vốn có và có hình thức quản lý, sở hữu phù hợp. Như vậy mới có thể bảo tồn giá trị lịch sử – văn hoá, đồng thời có thể khai thác tốt về giá trị kinh tế.

* GS.TS.KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH:

Đừng thấy cảnh báo hết hạn sử dụng thì đập bỏ!

Việc làm cấp thiết nhất hiện nay là Hà Nội, TP.HCM hay ở đâu có những kiến trúc Pháp cũ là phải tiến hành kiểm kê để bảo tồn theo giá trị của nó. Phải kiểm tra tình trạng kỹ thuật của những công trình đó và xếp hạng tình trạng theo từng mức.

Công trình nào cần tu sửa thì phải lập hồ sơ tiến hành tu sửa. Đặc biệt, những công trình nguy cấp thì cần phải tính toán việc cứu chữa khẩn cấp.

Chuyện nhà sập là rất đau thương. Nhưng quả thật sự kiện ấy không thể tránh được khi suốt cả trăm năm qua chúng ta sử dụng, “vắt kiệt” đến mức tồi tệ ngôi nhà mà không bảo quản, sửa chữa, chăm sóc.

Chẳng có một cụ già nào sống 100 tuổi mà không uống thuốc cả. Cũng không có chiếc xe nào chạy được lâu dài mà không qua bảo trì, tu sửa. Cha ông ta ngày xưa làm đình chùa, mấy năm là phải đảo ngói, thỉnh thoảng phải thay thế những cấu kiện như cột, kèo…

Vậy mà công trình 107 Trần Hưng Đạo 110 tuổi rồi, chẳng được chăm sóc thì làm sao tồn tại. Đó là chưa nói đến thời đầu thế kỷ 20 chỉ có ximăng chứ chưa có bêtông cốt thép…

Đáng lẽ cơ quan chức năng phải kiểm tra định kỳ xem các ngôi nhà xuống cấp thì phải chỉnh trang. Nếu thuộc diện cảnh báo thì phải cứu chữa. Nếu hoàn cảnh không cứu chữa được thì phải đưa dân ra khỏi nhà để chờ có tiền sửa chữa.

Chuyện cảnh báo hết hạn sử dụng của người Pháp là theo tính toán của họ. Tuy nhiên, chẳng ai nói rằng “ngôi nhà này đã được 70 năm rồi, phải phá nó đi” cả. Bởi vì nó có giá trị không chỉ về thẩm mỹ, cảnh quan mà còn về mặt văn hoá lịch sử…

Hàng nghìn ngôi nhà Pháp đang được sử dụng rất tốt. Họ gửi văn bản cảnh báo như thế, có nghĩa nhắc nhở mình phải đầu tư gia cường, gia cố, nâng cấp… Như Trường Châu Văn Liêm chẳng hạn, nếu trùng tu thì có thể tồn tại thêm cả trăm năm nữa!

Nhiều đình, chùa khi xây dựng cha ông ta đâu có tính sử dụng 150 hay 200 năm, nhưng nó vẫn được duy trì đến ngày nay đấy thôi! Cho nên đừng thấy cảnh báo hết hạn sử dụng là nói cần đập bỏ xây mới.

Có lẽ đã đến lúc nên thành lập một cơ quan chuyên trách về bảo tồn và phát huy giá trị các công trình cổ thời Pháp, bởi công việc này đòi hỏi một đội ngũ có chuyên môn sâu về những kỹ thuật xây dựng với chất liệu gạch, vữa, khung mái gỗ, các chi tiết kim khí rất đặc trưng thời Pháp thuộc

KTS EMMANUEL CERISE

* Ông EMMANUEL CERISE (kiến trúc sư, đồng giám đốc dự án hợp tác phát triển đô thị Hà Nội – Île-de-France – IMV):

Thêm kiến thức cho đội ngũ 
quản lý và bảo tồn

IMV từ lâu nay đã thực hiện nhiều dự án hợp tác về nghiên cứu bảo tồn di sản đô thị, đặc biệt đã nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp phía nam quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Trong nội dung nghiên cứu, chúng tôi có thống kê và phân loại các công trình có giá trị, đồng thời dự thảo một quy chế quản lý.

Gần đây, tôi cũng rất vui mừng khi được biết thông tin rằng sau một thời gian xem xét và điều chỉnh cho phù hợp, Hà Nội chính thức công bố quy chế quản lý khu phố cũ mà chúng tôi vẫn quen gọi là khu phố Pháp. Đây sẽ là một công cụ hành chính hiệu quả để làm khuôn khổ thực hiện những dự án cụ thể về bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình cổ thời Pháp tại Hà Nội.

Khuyến nghị quan trọng nhất mà tôi mong muốn gửi tới chính quyền thành phố Hà Nội là cần tổ chức đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ kiến trúc sư, cán bộ bảo tồn, quản lý đô thị của thành phố.

Những đối tượng đầu tiên cần được đào tạo là các cán bộ chuyên môn của Sở Quy hoạch – kiến trúc Hà Nội và phòng chức năng của các quận có liên quan để họ được trang bị đầy đủ kiến thức về quản lý hoặc giám sát một dự án bảo tồn công trình cổ, từ khâu đánh giá hiện trạng kết cấu, xác định các yếu tố hư hại, xác định các giá trị di sản đến hỗ trợ người dân hoặc đơn vị quản lý – sử dụng công trình thực hiện dự án trùng tu hiệu quả.

Ở Pháp, chúng tôi có một đội ngũ rất hùng hậu các kiến trúc sư bảo tồn công trình cổ, song việc họ phát huy được năng lực và trình độ chuyên môn của mình là nhờ có một hệ thống công cụ quản lý bảo tồn di sản đã tồn tại từ cả trăm năm nay.

Ở Việt Nam, không thể nói là chưa có gì trong công tác bảo tồn di sản bởi các bạn có hẳn Cục Di sản văn hóa quản lý các công trình di sản thuộc Bộ Văn hoá – thể thao và du lịch. Nói cách khác là chúng ta đã có hệ thống các cơ quan quản lý, song cần được củng cố và nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên môn của các cơ quan đó.

Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội trong những dự án cụ thể, chẳng hạn như tổ chức các khóa đào tạo cho đội ngũ chuyên môn của các cơ quan chức năng của thành phố.

Mặt khác, chúng tôi cũng có thể kết nối với rất nhiều trường đại học danh tiếng ở Paris có các chuyên ngành đào tạo về bảo tồn công trình để có thể giúp các cơ quan chuyên môn của thành phố Hà Nội quản lý tốt hơn những công trình Pháp cổ trên địa bàn thành phố.

Biệt thự cổ bị sập có nguy cơ sập tiếp phần còn lại

Chiều 24-9, trước hiện tượng biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo tiếp tục có những vết nứt, nghiêng, có nguy cơ sụp đổ tiếp, UBND phường Cửa Nam (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) phải di dời tiếp 36 hộ dân ở phía trong của khu nhà 107 Trần Hưng Đạo về tạm cư tại chung cư CT1B Định Công (Q.Hoàng Mai).

Liên quan biệt thự này, ông Dương Chí Dũng – phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội – một lần nữa khẳng định Sở Xây dựng chưa nhận được đề nghị sửa chữa nhà nào của Tổng công ty Đường sắt VN.

XUÂN LONG

 

THÁI LỘC – QUỐC TOÀN ghi