Thảo dược trị gút
Tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM trung bình mỗi tháng tiếp nhận 450 lượt bệnh nhân bị bệnh gút đến khám, chữa bệnh bằng thuốc y học cổ truyền.
Thảo dược trị gút
Tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM trung bình mỗi tháng tiếp nhận 450 lượt bệnh nhân bị bệnh gút đến khám, chữa bệnh bằng thuốc y học cổ truyền.
Bác sĩ Diệc Khả Hân khám cho bệnh nhân bị gút – Ảnh: L.TH.H. |
Hiện Bệnh viện Y học cổ truyền TP có những bài thuốc, vị thuốc làm từ thảo dược điều trị hiệu quả bệnh gút cũng như tăng acid uric (acid uric trong máu tăng nhưng chưa có biểu hiện tại khớp).
Giảm acid uric
Ngày 11-9, ông L.N.H. (61 tuổi, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) đến Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM tái khám bệnh gút mãn tính theo hẹn của bác sĩ. Ông H. cho biết bị bệnh gút hơn 10 năm nay và tái đi tái lại nhiều lần. Mỗi lần tái phát cơn đau kéo dài khi hai, ba ngày, có lúc đau cả tháng.
Những lúc ông đau quá, bác sĩ phải chích thuốc thẳng vào khớp đau để ông bớt khó chịu. Đặc biệt những lúc thời tiết thay đổi hoặc “quá chén” với bạn bè, ăn nhiều hải sản, phủ tạng động vật, ông lại tái phát bệnh.
Có thời điểm xét nghiệm acid uric trong máu của ông cao hơn 500 micromol/l (bình thường ở nam giới là 180 – 420 micromol/l).
Đầu năm 2015, bạn bè khuyên ông H. nên đến Bệnh viện Y học cổ truyền TP khám và điều trị thì thấy hiệu quả giảm bệnh rõ rệt. Tại đây bác sĩ hướng dẫn ông chế độ ăn uống để giảm acid uric như không ăn thuỷ hải sản, cật, gan, nên ăn rau nhiều, dùng đạm thực vật.
Bác sĩ còn cho ông một số thuốc như lục vị, diệp hạ châu, cao râu mèo, uống trà (gồm lá sa kê và đậu đen) mỗi ngày thì thấy acid uric giảm hẳn, thời gian bị bệnh giãn ra nhiều, ít lên cơn đau gút cấp tính như trước, nhất là khi thời tiết chuyển mùa.
Trong khi đó, ông T.S. (44 tuổi, Bình Dương) lại bị tăng acid uric rất cao sau hơn hai tháng liên tục ăn món giò heo hầm với bạch tuộc.
“Tháng 4-2015 tôi làm nhà và cha vợ tôi đã vào phụ giúp. Do cha vợ tôi thích nấu ăn và ông đặc biệt thích món giò heo hầm với bạch tuộc nên ngày nào ông cũng nấu món này. Tôi đã cùng ăn món “khoái khẩu” với bố vợ liên tục suốt hai tháng.
Giữa tháng 6-2015 thấy đau chân, tôi mới đến Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM khám bệnh” – ông T.S. kể.
Khám xong, bác sĩ cho ông T.S. xét nghiệm máu, kết quả acid uric trong máu tăng cao (510 micromol/l). Sau thời gian uống thuốc hạ acid uric trong máu, bổ thận đều bằng các loại thuốc đông y và thay đổi chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ, xét nghiệm lại acid uric đã giảm về mức bình thường, chỉ còn 399 micromol/l.
Bài thuốc trị gút
Theo bác sĩ Diệc Khả Hân – khoa cơ xương khớp Bệnh viện Y học cổ truyền TP, y học cổ truyền gọi bệnh gút là thống phong, nằm trong phạm trù chứng tý. Nguyên nhân bệnh là do ba thứ tà khí gây ra gồm phong, hàn, thấp tích tụ lâu ngày trong cơ thể, trong khi cơ thể lại có sẵn can, thận bất túc.
Do vậy, khi can hư không chủ được cân mạch; thận hư không chủ được cốt tuỷ; hư nhiệt kết hợp với khí trệ huyết ứ do tà khí tích tụ gây bế tắc làm cho khớp xương sưng, nóng, đau, không duỗi ra được khiến bệnh nhân bị đau dữ dội về đêm, khi trời lạnh đau tăng hơn.
Y học cổ truyền phân loại bệnh gút thành ba thể lâm sàng: hàn tý, nhiệt tý và can thận âm hư. Thể hàn tý, bệnh nhân được điều trị tán hàn, sơ phong, táo thấp gia thêm thuốc ôn thông với bài thuốc chủ trị là độc hoạt tang ký sinh.
Thể nhiệt tý, có cách trị là thanh nhiệt trừ thấp bằng bài thuốc bạch hổ quế chi thang. Thể can thận âm hư, cách trị là bổ can thận âm bằng bài thuốc lục vị quy thược gia hà thủ ô, thảo quyết minh, lá sa kê.
Hiện nay, nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh y học cổ truyền có phương pháp, bài thuốc trị bệnh gút hiệu quả.
Cụ thể một số loại dược liệu có tác dụng hạ acid uric máu như kim tiền thảo (lợi tiểu và tăng thải acid uric qua đường niệu), ngải cứu (ức chế mạnh xanthine oxydase giúp giảm tổng hợp acid uric), lá sa kê (kháng khuẩn, tiêu viêm, lợi tiểu, điều trị gút hiệu quả), hi thiêm (hạ acid uric máu, kháng viêm, giảm đau)…
Ngoài ra, bệnh gút còn được điều trị thêm bằng các phương pháp không dùng thuốc khác như châm cứu, vật lý trị liệu, dưỡng sinh.
Theo bác sĩ Hân, bệnh gút là một bệnh lý khớp đáp ứng tốt với điều trị nhưng đòi hỏi phải điều trị liên tục, lâu dài và toàn diện. Để phòng bệnh gút và chống tái phát bệnh, cần kết hợp ngay từ đầu giữa điều trị và phòng bệnh, kết hợp điều trị không dùng thuốc và dùng thuốc.
Cụ thể, bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để cơ thể không tạo ra thêm acid uric bằng cách giảm ăn đạm động vật (thịt không quá 150 gam/ngày), kiêng rượu bia và các chất kích thích như ớt, cà phê.
Nên ăn nhiều thực phẩm có thành phần purin thấp như trái cây, rau xanh, các sản phẩm từ sữa, trứng. Nên uống nhiều nước, đặc biệt là nước khoáng có kiềm (soda), nước sắc lá sa kê. Tập vận động hằng ngày, tránh béo phì, gắng sức, căng thẳng và lạnh đột ngột.
Kiểm soát tốt các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường.
Dưa leo chữa bệnh gút? Về việc nhiều người tự bày nhau mua dưa leo về xay lấy nước uống mỗi ngày để trị bệnh gút và giảm acid uric, bác sĩ Diệc Khả Hân nói đây chỉ là kinh nghiệm dân gian. Đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định uống nước dưa leo xay chữa được bệnh gút. Chưa kể dưa leo gây khó tiêu, không nên dùng thường xuyên vì số lượng quá nhiều sẽ không tốt cho sức khoẻ. Theo bác sĩ Hân, trong dưa leo có 95 – 97% là nước, ngoài ra còn có các chất đạm, đường, chất xơ, các vitamin B, C, E, A, PP và khoáng chất như kali, phospho, canxi, sắt. Quả dưa leo có vị ngọt, tính hàn, khó tiêu không nên dùng nhiều. Do có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, chữa phù thũng – sưng trướng nên dưa leo được dùng làm thuốc trong dân gian để chữa cổ họng sưng đau, bụng trướng, tay chân phù nề, da bị mẩn đỏ, chữa phồng da do phỏng lửa, chữa kiết lỵ tiêu chảy (do nhiệt)… dùng làm mỹ phẩm và chữa bệnh ngoài da. Dưa leo còn là loại thực phẩm ăn mát, lợi tiểu nhưng ăn sống sẽ khó tiêu đối với những người có dạ dày mẫn cảm. |