Không chuyên môn cũng xác định khuyết tật cho trẻ!: Khi hội đồng… bó tay
Theo quy định hiện hành, trừ trưởng trạm y tế, những thành viên còn lại trong hội đồng xác định mức độ khuyết tật ở các phường, xã đều không có chuyên môn về y khoa.
Không chuyên môn cũng xác định khuyết tật cho trẻ!: Khi hội đồng… bó tay
Theo quy định hiện hành, trừ trưởng trạm y tế, những thành viên còn lại trong hội đồng xác định mức độ khuyết tật ở các phường, xã đều không có chuyên môn về y khoa.
Cho nên, trong nhiều trường hợp, hội đồng đã phải “bó tay”, không thể xác định được hoặc xác định thiếu chính xác.
“Có những lúc đánh giá cảm tính lắm”
Ông Mai Văn Thọ, Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Hội đồng xác định mức độ khuyết tật P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM, cho biết: Hội đồng xác định mức độ khuyết tật của phường căn cứ vào những bộ câu hỏi theo quy định (dành cho trẻ dưới 6 tuổi và người từ đủ 6 tuổi trở lên) kết hợp quan sát, phỏng vấn để đánh giá.
Tuy nhiên, ông Thọ thẳng thắn nhìn nhận: “Đối với những thể khuyết tật vận động, việc xác định mức độ khuyết tật có vẻ dễ. Nhưng đối với những thể về tâm thần, thần kinh, trí tuệ thì nói thật, có những lúc hội đồng đánh giá mang tính chủ quan, cảm tính lắm”. Ông Thọ dẫn chứng những “ca khó” như tâm thần phân liệt với những lúc người ta bình thường, nhưng có lúc lại lên cơn. Hoặc như bệnh tự kỷ thì “cũng thuộc dạng khuyết tật trí tuệ nhưng nhìn bề ngoài đúng là bối rối, khó lòng phân biệt được”…
Có cùng trăn trở trên, ông Phạm Minh Trí, nguyên Phó chủ tịch UBND P.12, Q.8 (hiện là Phó phòng Nội vụ UBND Q.8), cũng cho hay: “Với những dạng khuyết tật về thần kinh, tâm thần, trí tuệ mà đặc biệt là những trường hợp không có gì rõ ràng như các cháu bị tự kỷ chẳng hạn, chúng tôi xác định theo bảng câu hỏi thì nó không ra”. Ông Trí cho hay: Tính đến nay, tại P.12, Q.8 có 276 người đã được xác định mức độ khuyết tật ở tất cả các dạng tật. Trong đó, có đến 108 người khuyết tật về thần kinh, tâm thần, trí tuệ.
Thạc sĩ tâm lý lâm sàng – giáo dục đặc biệt Đoàn Mỹ Huệ nhận xét rằng việc đánh giá khuyết tật của hội đồng cấp xã có rất nhiều bất cập và nghịch lý, thậm chí có những nơi rất “hài hước”. Bà Huệ nêu câu chuyện: Nhìn vẻ to khoẻ của một chàng trai khiếm thính, có hội đồng đánh giá là chàng trai này… không thể nào mất sức lao động được, tức là không thể nào khuyết tật được (?!). Đặc biệt, bà Huệ cảnh báo: “Không ít trẻ tự kỷ nhìn bề ngoài rất đẹp, rất sáng láng nhưng khi tìm hiểu kỹ mới biết bệnh trạng rất nặng. Theo tôi, nếu hỏi qua loa như hội đồng cấp xã đang thực hiện thì chắc chắn không thể xác định chính xác dạng tật và mức độ khuyết tật của những trẻ như vậy”.
Có nên duy trì ?
Trao đổi với PV Thanh Niên, một cán bộ (xin giấu tên) phụ trách LĐ-TB-XH tại một phường ở Q.1, TP.HCM đề nghị nên… giải thể hội đồng xác định mức độ khuyết tật ở các xã, phường. Chị này bộc bạch: “Thực ra mình có chuyên môn nghiệp vụ gì về y khoa đâu. Mình nhìn người đó bằng mắt thường, nên không thể nào xác định được chính xác mức độ khuyết tật của người ta. Có những trường hợp mình nhìn thấy nhẹ nhưng khi ra giám định lại là nặng. Nhưng có những trường hợp tưởng nặng nhưng khi đi giám định lại là nhẹ thôi. Nhất là những dạng tự kỷ, mình không xác định được luôn chứ đừng nói là khó xác định!”.
Đề cập đến những nghịch lý, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập TP.HCM (trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM), cho hay luật Người khuyết tật quy định nhiệm vụ hàng đầu của những trung tâm này chính là phát hiện khuyết tật để tư vấn lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp. Thế nhưng, kết luận đánh giá của trung tâm lại không được công nhận về mặt pháp lý. Trong khi đó, thành phần hội đồng cấp xã lại không có nhà giáo dục, mặc dù có rất nhiều ca xác định khuyết tật đang trong độ tuổi đi học.
Bác sĩ Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Trung tâm giám định y khoa kiêm Phó chủ tịch thường trực Hội đồng giám định y khoa TP.HCM, cho biết: Trong năm 2014, hội đồng này đã giám định cho 88 trường hợp khuyết tật và 9 tháng đầu năm nay đã giám định cho 62 ca khuyết tật (trong đó có 35 ca dưới 18 tuổi, 8 ca từ 18 – 30 tuổi)… Tất cả những ca này đều do hội đồng xác định mức độ khuyết tật ở các phường xã chuyển lên, do họ không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật hoặc người dân khiếu nại với kết luận của hội đồng cấp xã. “Hồ sơ các phường xã chuyển lên chủ yếu là các bệnh về thần kinh, tâm thần hoặc nghe nhìn. Cũng có trường hợp kết luận của Hội đồng giám định y khoa TP.HCM giống với kết luận của các phường, xã. Tuy nhiên, nhìn chung là có xu hướng nặng hơn so với đánh giá của phường xã”, ông Châu nhận xét.
Theo ông Nguyễn Minh Châu, việc xác định mức độ khuyết tật ở cấp phường, xã hiện nay gần như chỉ dựa vào trực quan, chỉ nghe – nhìn rồi đánh giá, nên có hạn chế nhất định. Vì vậy, ông Châu cho rằng, nếu muốn có nhiều chuyên viên y tế tham gia xác định mức độ khuyết tật một cách toàn diện hơn thì cần phải tập trung theo cụm hoặc theo tuyến quận, huyện.
Sẽ nghiên cứu chỉnh sửa những bất cập
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó trưởng phòng Chính sách, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), nhìn nhận: “Chúng tôi đã nhận được phản ánh từ các địa phương. Đúng là có những vấn đề bất cập này phát sinh trong quá trình xác định mức độ khuyết tật ở hội đồng cấp xã. Đặc biệt, nhiều địa phương băn khoăn về thành viên hội đồng cấp xã, cách chấm điểm đều là đánh giá trên tiêu chí trực quan. Đôi khi mức độ nặng và đặc biệt nặng, tiền trợ cấp khác nhau dù chỉ chênh nhau 1 điểm, ranh giới rất mờ nên tính chính xác không cao. Ngoài ra, có một số hội đồng có thể bị ảnh hưởng bởi quan hệ họ hàng, dòng tộc”.
Ông Thành cho biết, Cục Bảo trợ xã hội đang tiến hành điều tra khảo sát thực tế tại các địa phương để thu thập thêm thông tin, xây dựng báo cáo để trình lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH. Dự kiến, cuối năm nay, Bộ sẽ mở hội nghị xác định mức độ khuyết tật và có thể sẽ nghiên cứu chỉnh sửa những bất cập.
Thu Hằng
|
Như Lịch