Giáo Hội Việt Nam trong tình hiệp thông
Đây là bài mới soạn cho chương 21 của cuốn Niên giám Giáo Hội Công giáo Việt Nam 2015. Xin chia sẻ với các bạn và rất mong nhận được ý kiến các bạn trước khi chính thức trình bản thảo lên Hội đồng Giám mục Việt Nam.
CHƯƠNG 21
GIÁO HỘI VIỆT NAM TRONG TÌNH HIỆP THÔNG
Công đồng Vaticanô II và sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo nói rất nhiều về sự hiệp thông: “Hội Thánh là sự hiệp thông mới giữa Thiên Chúa và con người: vì được kết hợp với Người Con độc nhất, Đấng đã trở nên trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29), Hội Thánh được hiệp thông với cùng một Chúa Cha, trong cùng một Chúa Thánh Thần” (x. Ep 4,4-6)” (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG), số 2790). Chúa Thánh Thần chính là tình yêu nối kết Ngôi Cha và Ngôi Con lại với nhau thì Ngài cũng nối kết con người chúng ta với Thiên Chúa cũng như với muôn vật, muôn loài (x. GLHTCG, số 734, 1108-09, 1097).
Sự hiệp thông này không phải chỉ dành cho con người với con người (x. GLHTCG, số 357, 775, 1445, 1702, 2419) mà còn với các thiên thần, các thánh nhân (x. GLHTCG, số 954-959), với những người đã khuất (x. GLHTCG, 958, 1684, 1689, 1690), với vạn vật quanh ta như Chúa Giêsu đã nêu gương khi Người ra lệnh cho gió yên, biển lặng, bánh cá hoá nhiều. Đây là những điểm rất mới để mời gọi tín hữu Công giáo Việt Nam tham dự vào sự hiệp thông của Giáo Hội.
1. Sự hiệp thông dựa vào hiện trạng tôn giáo của Việt Nam
Tuy nhiên, trước khi đi sâu vào những nguyên tắc hiệp thông cần giữ và những việc cần làm để hiệp thông như đối thoại đại kết với những anh chị em theo Kitô giáo, hay đối thoại liên tôn với những anh chị em theo các tôn giáo ngoài Kitô giáo hoặc không theo tôn giáo nào, chúng ta thử tìm hiểu hiện trạng về tôn giáo ở Việt Nam.
Hiện trạng này có thể nói được biểu lộ qua:
1.1. Thành phần tôn giáo trong cơ cấu dân tộc
Sau đây là số thống kê mới nhất và tương đối chính xác hơn cả so với nhiều số liệu của các tổ chức trong tôn giáo hay ngoài tôn giáo vì được thực hiện rất bài bản, nghiêm túc trong đợt Tổng điều tra dân số toàn quốc. Theo Thống kê của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam thực hiện ngày 1/4/2009, dân tộc VN có 13 tôn giáo với số tín đồ như sau:
STT |
Tôn giáo |
Tổng số |
Thành thị |
Nông thôn |
Tỷ lệ % so với dân số |
1 |
Phật giáo |
6.802.318 |
2.988.666 |
3.813.652 |
7,92% |
2 |
Công giáo |
5.677.086 |
1.776.694 |
3.900.392 |
6,61% |
3 |
Hoà Hảo |
1.433.252 |
291.196 |
1.142.056 |
1,66% |
4 |
Hồi giáo |
75.268 |
9.997 |
65.271 |
0,08% |
5 |
Cao Đài |
807.915 |
182.414 |
625.501 |
0,94% |
6 |
Minh Sư đạo |
709 |
408 |
301 |
|
7 |
Minh Lý đạo |
366 |
123 |
243 |
|
8 |
Tin Lành |
734.168 |
93.241 |
640.927 |
0,85% |
9 |
Tịnh độ Cư sĩ Phật hội VN |
11.093 |
2.313 |
8.780 |
|
10 |
Đạo Tứ Ân Hiếu nghĩa |
41.280 |
17.580 |
23.700 |
|
11 |
Bửu Sơn Kỳ Hương |
10.824 |
414 |
10.410 |
|
12 |
Ba Ha’i |
731 |
405 |
326 |
|
13 |
Bà La Môn |
56.427 |
10.375 |
46.052 |
|
14 |
Không xác định tôn giáo |
30 |
6 |
24 |
|
|
Toàn quốc |
15.651.467 |
5.373.832 |
10.277.635 |
18,23% |
Theo bản thống kê này, số người theo tôn giáo cả nước chỉ có 18,23% dân số gồm 15.651.467 người trên tổng dân số 85.846.997 tính vào thời điểm 1/4/2009. Trong số 13 tôn giáo, chúng ta thấy có Phật giáo chiếm 7,92%, Công giáo 6,61%, Hoà Hảo 1,66%, Cao Đài 0,94% và Tin Lành 0,85%. Các tôn giáo còn lại có số tín đồ rất ít. Có hơn 81% dân số đã không kê khai tôn giáo của họ. Chỉ có 30 người không kê khai rõ ràng tôn giáo của mình (x. Ban Chỉ Đạo Tổng Điều tra Dân số, Kết quả Toàn bộ Tổng Điều tra Dân số, NXB Thống Kê, Hà Nội 2010, tr. 281).
Nếu so sánh số liệu của những năm trước và gần đây về số tín hữu của Tin Lành, chúng ta thấy cộng đồng Tin Lành, cũng gọi là Cộng đồng Kháng Cách, (nhiều học giả gọi là Cải Cách) là cộng đồng phát triển nhanh nhất ở Việt Nam. Có thể nói sự thành công về lĩnh vực truyền giáo của anh em Tin Lành, nhất là nơi các dân tộc thiểu số miền Tây Nguyên, mà nhiều khi người Công giáo không quan tâm, thậm chí xem thường. Gọi là Cộng đồng Kháng Cách vì bao gồm cả các hệ phái như Cơ đốc Phục Lâm, Chứng nhân Giêhôva, Mormon,… nhưng các cộng đồng vừa kể lại không được công nhận là thành phần trong cộng đồng Tin Lành với hàng chục hệ phái đang có mặt ở Việt Nam.
Trong tổng Điều tra Dân số ngày 1/4/1999, số tín hữu Tin Lành lúc đó là 410.134 người; 10 năm sau tăng lên 734.168, và năm nay (2015) khoảng từ 1 triệu đến 1,4 triệu người (x. Báo Pháp Luật, bài của Nguyễn Cao Thanh; Ban Tôn giáo Chính phủ, Wikipedia, mạng Internet, Bài Tin Lành tại Việt Nam, truy cập ngày 7/9/2015). Như thế, số tín hữu Tin Lành tăng gấp 3 lần trong vòng 20 năm. Trong khi đó, số tín hữu Công giáo là 5.111.119 người vào năm 1999; 5.677.086 người vào năm 2009 và 6.469.084 người vào ngày 1/4/2015 (Theo Văn phòng Tổng Thư ký HĐGMVN). Số tín hữu Công giáo vẫn giữ nguyên tỷ lệ gần 7% suốt 130 năm qua, số người tăng 1,3 triệu trong thời gian 1ừ 1999-2015 chỉ tương đương với đà phát triển tự nhiên. Đây là điều GHCGVN cần lưu ý về lĩnh vực Phúc Âm hoá.
Trong số người khai “không tôn giáo”, có thể có một số đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tính đến ngày 3/2/2015, số đảng viên là 4,4 triệu người, nhân dịp tổng kết 85 năm kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Số người này chọn lựa thái độ “vô thần” rõ rệt của mình đối với tôn giáo. Ta cũng có thể kể thêm một số người nữa chọn lựa thái độ đó trong khoảng 6,1 triệu đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh theo số liệu năm 2007. Còn đại đa số trong 81% dân số này, dù không khai là đang theo một tôn giáo cụ thể nào, nhưng lại có một niềm tin mãnh liệt, mà người ta gọi là tín ngưỡng, có khi gọi là theo đạo thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra, ta cũng nên chú ý đến các tín ngưỡng bản địa ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, các tín ngưỡng phụ phổ biến như Đạo Mẫu, Đạo giáo, Nho giáo, việc thờ Thành Hoàng ở một số nơi vùng quê hay thờ Cá Ông ở các vùng biển.
Chúng ta ghi nhận rằng trong tờ khai Điều tra dân số 2009 về tôn giáo không có mục “Đạo thờ cúng tổ tiên” hay “Vô thần”. Số người “không tôn giáo” này, gồm cả những đảng viên Cộng sản hay đoàn viên Đoàn Thanh niên, vào những ngày lễ, Tết, đầu tháng hay giữa tháng Âm lịch, cũng có thể đi đền chùa, khiến người ta lầm tưởng họ theo Phật giáo. Nhưng nếu hỏi họ có phải là theo Phật giáo hay “vô thần” không thì nhiều người quả quyết là “không”.
Ta cũng nên lưu ý: nếu chỉ căn cứ vào số liệu thống kê này, người ta có thể đánh giá thấp vai trò của các tôn giáo trong đời sống xã hội vì ảnh hưởng chưa tới 20% dân số. Thực tế người VN có một lòng đạo đức sâu xa, hầu hết tin vào một Đấng Tối Cao, Đấng linh thiêng gọi là Trời, ông Trời, Chúa Trời, ông Thiên. Đấng linh thiêng ấy là nền tảng cho đạo lý con người, giúp họ sống công minh, chính trực, ăn ở nhân nghĩa với nhau. Trong văn chương cũng như trong thực tế hằng ngày, nhiều người dân VN vẫn tin rằng “Trời cao có mắt”, “Thiên bất dung gian”, “lưới Trời lồng lộng”, “duyên Trời xe định”… Các trẻ em vẫn còn hát những bài đồng dao như: “Lạy Trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày, Lấy đầy bát cơm, Lấy rơm đun bếp”…
Để bảo vệ nền đạo đức dân tộc và gìn giữ bản sắc văn hoá của dân tộc, chúng ta cần phải để ý đến con người VN, nhất là những người trẻ trong xã hội hiện nay, đang được giáo dục như thế nào về niềm tin này. Sự suy thoái đạo đức và văn hoá hiện nay cũng phản ánh một nền giáo dục kém chất lượng mà cả xã hội quan tâm và bàn đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Những bộ sách giáo khoa trong mấy chục năm qua, nhất là từ năm 1954 ở ngoài miền Bắc và 1975 trên toàn quốc VN, không còn những bài học đạo đức để cổ vũ cho niềm tin vào Đấng Linh Thiêng, trong khi chính niềm tin vào Đấng Linh Thiêng này đã giữ cho dân tộc VN tồn tại và phát triển trong suốt 4.000 năm lịch sử.
1.2. Các tổ chức quản trị tôn giáo được Chính phủ công nhận
Trong tinh thần hiệp thông và liên đới, chúng ta cũng nên biết các tổ chức quản trị tôn giáo được Chính phủ công nhận vì qua các tổ chức này chúng ta cũng có thể biết thêm về hiện tình và nội bộ của các tôn giáo ấy.
Các tổ chức quản trị tôn giáo được Chính phủ công nhận
Ngoài ra, Chính phủ cũng thành lập Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ để giúp Chính phủ trong các hoạt động liên quan tới tôn giáo. Trụ sở của Ban này hiện đặt tại: Phường Yên Hoà – Quận Cầu Giấy – Hà Nội, Điện thoại: 04 38248763. Fax: 08041313, Email: bantongiaocp @chinhphu.vn.
2. Thực hiện chương trình hiệp thông
Việc thực hiện các hoạt động hiệp thông giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam với các tôn giáo và với những người không tôn giáo cần được Văn phòng Mục vụ Đối thoại & Liên tôn trực thuộc HĐGMVN nghiên cứu, đề nghị và hướng dẫn thì mới mong có những kết quả thật sự tốt đẹp và bền vững, chứ không phải chỉ là những cuộc gặp gỡ nặng phần hình thức ngoại giao, tốn kém tài chính cho những bữa tiệc và quà tặng.
Muốn thế, Văn phòng này nên chú ý đến thành phần tôn giáo trong cơ cấu dân tộc để thấy việc đối thoại với thành phần “không tôn giáo” là quan trọng nhất vì chiếm tới 81% dân số, sau đó mới đến việc đối thoại liên tôn với hơn 12% đồng bào theo các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo và sau cùng mới tới việc đối thoại đại kết với anh chị em trong Kitô giáo chỉ chiếm khoảng hơn 1% dân số hiện nay.
2.1. Đối thoại với người không có tôn giáo
Trong sứ mạng loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho muôn loài, nhất là cho đồng bào Việt Nam, chúng ta cần phải đối thoại với anh chị em không có tôn giáo vì họ là thành phần chiếm đa số trong cộng đồng xã hội và có khả năng làm thay đổi xã hội. Khi khai báo mình không có tôn giáo, rất nhiều người VN vẫn tin vào Trời, Ông Trời, Chúa Trời. Họ vẫn thỉnh thoảng đến chùa lạy Phật, đến nhà thờ dự lễ để cầu cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất, đến “Đức Mẹ Fatima (Bình Triệu)” hay “đi khấn Cha Trương Bửu Diệp” để xin ơn. Tín ngưỡng ấy đã ăn sâu vào cấu trúc văn hoá và đã trở thành bản sắc văn hoá của người VN.
Trong cuộc đối thoại với người không có tôn giáo, chúng ta sẽ khởi đầu từ niềm tin tưởng sâu xa ấy để tìm hiểu về tôn giáo như là nét văn hoá mới rất cần thiết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, cũng như xây dựng con người VN.
Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới 2012 cổ vũ việc đối thoại với những người không tôn giáo và nhắc nhở tín hữu Công giáo có nhiệm vụ giúp họ tìm ra chân lý: “Ngày nay, ý niệm hiện đại cho rằng tự do có nghĩa là độc lập tuyệt đối với chân lý, khiến người ta coi chủ nghĩa tương đối là lối suy nghĩ thích hợp nhất để sống trong bối cảnh đa dạng về văn hoá và tôn giáo. Về phương diện này, nhiều câu trả lời khuyến cáo các cộng đoàn và từng cá nhân tín hữu Kitô, nhân danh sự thật sẽ giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32), phải biết cách dẫn đưa con người tới sự thật, bình an và việc bảo vệ phẩm giá của mỗi con người cũng như phải biết cách hành động chống lại mọi hình thức bạo lực và phủ nhận nhân quyền” (x. TLLV, số 126).
Trong cuộc đối thoại này, chúng ta bắt đầu từ tình trạng suy thoái đạo đức của dân tộc dẫn đến yêu cầu nhận thức mới về tôn giáo như là một hình thức tối thượng của văn hoá vì tôn giáo chân chính luôn cổ vũ cho con người sống theo những giá trị cao quý của chân thiện mỹ. Từ đó, xã hội sẽ không còn coi tôn giáo như là một hình thức xa lạ, đối nghịch với nền văn minh, một thứ “thuốc phiện ru ngủ quần chúng” để nhận ra những đóng góp tích cực của các tôn giáo trong dòng lịch sử, trong đó có Công giáo, và mời gọi mọi người xây dựng tín ngưỡng và tôn giáo như một nét văn hoá mới cho dân tộc VN. (x. Nguyễn Ngọc Sơn. Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, tr.353-370).
2.2. Đối thoại liên tôn với tín đồ các tôn giáo ngoài Kitô giáo
Trong công cuộc TPAH ở VN, chúng ta không thể không quan tâm đến các đối tượng, là các anh chị em tín hữu thuộc các tôn giáo khác, đang nói gì về đạo của họ và về đạo của ta đối với một số vấn đề quan trọng như thiên đường địa ngục, luân hồi tiền kiếp, thờ cúng tổ tiên… Rất nhiều khi họ tưởng lầm về đạo ta hay ta tưởng lầm về đạo họ, dẫn đến thái độ lãnh đạm với nhau, không hợp tác hoặc có khi tranh chấp, xung đột và có thể gây nên cả chiến tranh tôn giáo như đã từng xảy ra trong lịch sử.
Vì thế Giáo hội Công giáo, qua Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 2012, đã khuyến khích các tín đồ gặp gỡ, đối thoại với nhau vì “các cuộc gặp gỡ đối thoại này là cơ hội đầy triển vọng để nhận thức rõ hơn sự phức tạp của ngôn từ và các hình thức của yếu tố tôn giáo trong nhân loại như được thấy trong kinh nghiệm của các tôn giáo khác. Chúng cũng cho phép người Công giáo hiểu rõ hơn những cách thức mà đức tin Kitô giáo sử dụng để diễn tả bản chất tôn giáo của tâm hồn con người và làm giàu cho di sản tôn giáo loài người bằng tính cách độc đáo của đức tin Kitô giáo” (x. Tài liệu Làm Việc (TLLV), số 67).
“Đối thoại liên tôn và thảo luận với các tôn giáo lớn của phương Đông là một cơ hội để các cộng đồng Kitô chúng ta đào sâu sự hiểu biết về đức tin của mình, cải thiện các công cụ đối thoại và hợp tác vào việc phát triển hoà bình trong xã hội” (x. TLLV, số 73).
“Cuộc đối thoại liên tôn sẽ giúp con người tìm ra chân lý và thật sự tự do để đón nhận chân lý theo cách thế xứng hợp với phẩm giá và bản tính xã hội của con người” (x. TLLV, số 127).
Chính trong tinh thần đối thoại liên tôn của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới 2012, những người có trách nhiệm hướng dẫn cộng đồng tín hữu Công giáo là các giám mục, linh mục, tu sĩ cần phải tìm hiểu sâu xa hơn về một số vấn đề liên quan đến sự sống con người sau khi chết như thiên đường hay địa ngục, tái sinh theo thuyết luân hồi hay phục sinh theo Chúa Giêsu Kitô, việc thờ cúng tổ tiên… để có thể hướng dẫn đúng đắn người tín hữu giáo dân. Những quy định và hướng dẫn của HĐGMVN trong các Thông cáo ngày 14/6/1965 và 14/11/1974 trong việc áp dụng Huấn thị Plane compertum est của Toà Thánh cần được sửa đổi và mở rộng thì mới phá tan được những nghi ngại về việc đạo Công giáo thiếu tôn kính đối với tổ tiên và chối bỏ thực tế về những người đã khuất (x. Nguyễn Ngọc Sơn. Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, tr.383-400).
2.3. Đối thoại đại kết với các tín đồ Kitô giáo
Công đồng Vaticanô II (1962-1965) đã cổ vũ việc đối thoại đại kết để hợp nhất toàn thể các Kitô hữu qua Sắc lệnh Unitatis Redintegratio (HN) ban hành ngày 21/11/1964 và mở ra Tuần lễ “Cầu nguyện cho sự hợp nhất Kitô hữu” hằng năm từ 18/1 đến 25/1. Thượng Hội đồng Giám mục XIII vào tháng 10/2012 tại Rôma cũng đã nhắc nhở chúng ta về việc đối thoại đại kết này ở các số 72 và 125 của TLLV. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, từ số 820 đến 822, đã nói đến sự hợp nhất Kitô hữu và tóm tắt những điểm chính yếu cần thực hiện để tiến hành hữu hiệu công cuộc xây đựng sự hợp nhất ấy như sau:
“Để đáp lại lời Thánh Thần kêu gọi xây dựng hợp nhất cho thích đáng, cần phải có:
– một nỗ lực canh tân thường xuyên trong Giáo Hội nhắm tới việc sống ơn gọi của mình cho trung thành hơn. Nỗ lực canh tân ấy chính là động lực đẩy mạnh đà tiến hướng tới sự hợp nhất (HN 6);
– một cuộc thay lòng đổi dạ “để sống Phúc Âm bằng một cuộc sống tinh tuyền hơn mãi” (HN 7), vì thái độ bất trung của các thành viên đối với hồng ân của Chúa Kitô, chính là nguyên nhân gây ra chia rẽ;
– việc cầu nguyện chung, bởi vì cuộc thay lòng đổi dạ và cuộc sống thánh thiện, cùng với việc cầu nguyện chung và riêng cho sự hợp nhất các Kitô hữu, phải được coi là linh hồn của toàn bộ phong trào đại kết, và thật đáng được gọi là “công cuộc Đại kết thiêng liêng” (HN 8);
– thái độ hiểu biết lẫn nhau trong tình huynh đệ (x. HN 9);
– việc đào tạo tinh thần đại kết cho các tín hữu và nhất là cho các linh mục (x. HN 10);
– việc đối thoại giữa các nhà thần học và gặp gỡ nhau giữa các giáo hội và các cộng đoàn khác nhau (x. HN 4,9,11);
– việc hợp tác giữa các Kitô hữu về những lĩnh vực khác nhau trong nỗ lực phục vụ con người (x. HN 12).
Con đường hợp nhất không phải là “con đường trở về” với Giáo Hội Rôma, mà là con đường, trong đó tất cả đều đồng hành hướng về sự hợp nhất mà Đức Kitô đã mong muốn.
Tại Việt Nam cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, người ta thấy có những cuộc tranh luận gay gắt về một số khác biệt giữa Công giáo và các hệ phái Kitô giáo khác: “Thật vậy, tất cả đều xưng mình là môn đệ của Chúa Kitô nhưng lại cảm nghĩ và đi theo những đường lối khác nhau như thể chính Chúa Kitô bị phân rẽ vậy (x.1Cr 1,3). Quả thực sự phân rẽ này hiển nhiên vừa trái ngược với ý muốn của Chúa Kitô vừa là gương xấu cho thế giới và phương hại cho công cuộc rất thánh thiện là rao giảng Phúc Âm cho mọi thụ tạo” (CĐ. Vat.II, Sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 1; TLLV, số 125).
GHCGVN có thể cộng tác với Hội Thánh Tin Lành về nhiều phương diện, nhất là ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số, các hoạt động từ thiện. Trong tinh thần đối thoại để đóng góp vào công cuộc hợp nhất Kitô hữu, người tín hữu Công giáo Việt Nam có thể giới thiệu các câu giải đáp cho những vấn nạn như vấn nạn “Anh chị em ruột của Đức Giêsu Kitô” đã từng gây nhiều tranh cãi (x. Sđd, Cẩm nang…, tr. 371-382). Đây là việc được THĐGM 2012 khích lệ: “Phải tiếp tục có những cố gắng một cách thuyết phục để chứng tỏ mọi Kitô hữu đều hợp nhất trong việc chỉ cho thế giới thấy sức mạnh tiên tri và biến đổi của sứ điệp Phúc Âm” (TLLV, số 72).
3. Những lĩnh vực hiệp thông mới
Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (x. Mc 16,15-20) (x. Tài liệu Làm việc (TLLV) của Thượng Hội đồng Giám mục 2012, số 125). Nếu so sánh với thánh Matthêu “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19) và thánh Luca: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân” (Lc 24,47), ta sẽ thấy lệnh truyền của Chúa Giêsu ở Phúc Âm theo thánh Marcô mạnh mẽ hơn và mở rộng đến muôn loài, muôn vật chứ không chỉ nhằm đến con người.
Đây là những câu hỏi rất thích hợp cho thời đại hiện nay, nhất là khi người tín hữu chúng ta nhận thấy việc loan báo Tin Mừng chưa mấy thành công, số người theo đạo mỗi ngày một ít, số người bỏ đạo mỗi ngày một nhiều.
Muôn loài thụ tạo bao gồm các thiên thần, các người đã khuất và vạn vật quanh ta chứ không phải chỉ có những con người đang sống. Đây là nét mới trong lệnh truyền của Chúa Giêsu mà trước đây ít ai dám nghĩ tới (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG), số 849-856).
Nhưng tại sao lại rao giảng cho các đối tượng ấy và thực hiện việc này như thế nào?
Kitô giáo giải thích cho chúng ta rằng “con người là thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của chính Ngài” (x. St 1,27). Hình ảnh Thiên Chúa nơi con người chính là yếu tố định hình và phân biệt con người với muôn loài thụ tạo khác. Yếu tố này giúp cho con người mở ra với Thiên Chúa, với muôn loài để hiệp thông trong tình yêu (x. HTXHCG, số 108). “Vì thế, trong số các thụ tạo hữu hình của thế giới, chỉ có con người mới có khả năng tìm Chúa. Con người là một ngôi vị do Chúa tạo dựng để liên hệ với Người; chỉ trong mối liên hệ này, con người mới tìm được sự sống, mới thể hiện được chính mình và hướng về Thiên Chúa một cách tự nhiên” (x. HTXHCG, số 109).
Vì Thiên Chúa là Đấng siêu việt, vô biên, vô hạn, tuyệt đối nên con người, vì là hình ảnh Ngài, cũng có khả năng mở ra đến siêu việt, vô biên. Đó là khả năng tuyệt vời của con người. “Con người mở ra với Đấng vô biên là Thiên Chúa cũng như với mọi thụ tạo… Con người mở ra với sự hiện hữu sung mãn, với chân trời vô biên của hiện hữu”. Vì thế, con người có khả năng tiếp xúc với Thiên Chúa, các thiên thần, các thánh nhân, những con người khác, vật khác và với cả quỷ dữ, tà ma (x. HTXHCG, số 130).
Hơn nữa, Đức Giêsu Kitô là con người hoàn hảo, là Thiên Chúa làm người, Người đã chết và sống lại để giải đáp cho chúng ta những vấn nạn đó. Khi chúng ta tin vào Người, chúng ta mới hiểu được con người thật sự là ai và có khả năng vô biên như thế nào vì chúng ta không còn chỉ là thụ tạo nhưng được thông phần vào chính bản tính Thiên Chúa (x. CĐ Vat. II, Gaudium est Spes, số 22,38,41,45).
Đây là những điểm giáo huấn mới mẻ nhưng nhiều tín hữu chưa biết vì chỉ mới được công bố vào năm 2004 qua cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, nhưng chính nhờ đó ta giải được một số vấn nạn về sự hiệp thông toàn diện của con người (x. Sđd, Cẩm nang.., tr.394-395).
3.1. Đối với các thiên thần, các ngài cùng với tín hữu “rao giảng Tin Mừng (x. Lc 2,10), khi loan báo Tin Mừng về việc Nhập Thể (x. Lc 2,8-14), và về việc phục sinh của Đức Kitô (x. Mc 16,5-7). Các ngài loan báo Đức Kitô lại đến (x. Cv 1,10-11) và khi Người đến, các ngài sẽ phục vụ việc xét xử của Người” (x. GLHTCG, số 333). Giáo lý Hội Thánh còn nói rõ thêm: “Toàn bộ đời sống Hội Thánh hưởng nhờ sự trợ giúp bí nhiệm và đầy uy quyền của các thiên thần” (x. Cv 5,18-20; 8,26-29;10,3-8;12,6-11;27,23-25) trong đó có đời sống truyền giáo (x. GLHTCG, số 334). Còn đối với các thiên thần sa ngã là quỷ dữ, người tín hữu nhân danh Chúa Giêsu là Tin Mừng sống động để xua đuổi chúng ra khỏi con người như Chúa đã làm xưa và truyền dạy ta phải tiếp tục làm trong thời đại hôm nay (x. TLLV, số 29,116).
3.2. Đối với những người đã khuất, dân gian gọi là hồn ma, người tín hữu gọi là các linh hồn, chúng ta cũng nên phân biệt có những linh hồn tốt lành hưởng trọn vẹn hạnh phúc với Chúa trong tình trạng thiên đàng gọi là các thánh nhân (x. GLHTCG, số 1023-1029), có hồn còn cần được thanh tẩy trong tình trạng luyện ngục (x. GLHTCH, số 1030-1032) và có hồn đã cắt đứt sự hiệp thông với Chúa trong tình trạng hoả ngục (x. GLHTCG, số 1033-1037) mà chúng ta gọi là tà ma. Các linh hồn ở tình trạng luyện ngục ấy vẫn cần được nghe các tín hữu rao giảng Tin Mừng bằng lời cầu nguyện, sự hy sinh, việc bác ái, nghĩa là bằng đời sống tràn đầy Tin Mừng để họ được hưởng ơn cứu độ trọn vẹn của Đức Giêsu Kitô. Thư thánh Phêrô nói rõ cho ta biết: “Đức Giêsu đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm, tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa” (1Pr 3,19-20) và mỗi người tín hữu chúng ta tiếp tục công trình cứu độ của Người. Hơn nữa, vì Đức Kitô là Đấng phán xét kẻ sống và kẻ chết, mà tiêu chuẩn để phán xét là Tin Mừng, nên trước đó những người đã khuất cũng cần được nghe rao giảng Tin Mừng. Thánh Phêrô viết rõ ràng: “Họ sẽ phải trả lẽ với Đấng sắp sửa phán xét người sống và kẻ chết. Quả thật, chính vì thế mà Tin Mừng đã được loan báo ngay cho cả những kẻ chết, để tuy bị phán xét về phần xác theo cách nhìn của loài người, họ được sống về phần hồn theo ý định của Thiên Chúa” (1Pr 4,5-6).
3.3. Đối với vạn vật mà người ta thường coi chúng là loài vô tri, vô giác, chẳng ai nghĩ đến việc rao giảng Tin Mừng cho chúng. Với sự hiện diện của Đức Giêsu và Thần Khí của Người, ta mới hiểu vạn vật chính là những đứa em nhỏ mà Cha Trên Trời đã giao phó cho con người để thay Ngài quản trị muôn loài, như những anh lớn, chị lớn trong gia đình, chứ không phải như người chủ khai thác nô lệ đến mức kiệt quệ, như đang xảy ra khắp nơi, khiến chúng phản kháng lại bằng bão tố, lụt lội, hạn hán, dịch bệnh…
Với tình yêu và việc thấu hiểu vạn vật qua việc chuyên cần học hỏi, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, siêng năng lao động cũng như biết nghỉ ngơi, làm ra của cải và biết chia sẻ cho người nghèo đói, bảo vệ môi trường sống cho trong sạch, an lành, tự nguyện sống giản dị, tiết kiệm theo gương Chúa Giêsu, con người có thể điều khiển vạn vật như chính Chúa đã làm cho gió yên, biển lặng, bánh cá hoá nhiều (x. Mt 8,23-27; Mt 14,22-33; Mt 14,13-21). Những phép lạ này cũng sẽ là những bằng chứng để con người tin vào Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, ngoài những dấu lạ về việc trừ quỷ, chữa bệnh cho con người và giúp cho các linh hồn siêu thoát. Đây cũng là nội dung của Thông điệp Laudato Si được ĐGH Phanxicô công bố ngày 18/6/2015 về việc bảo vệ môi trường sống như là ngôi nhà chung của toàn thể gia đình nhân loại.
Lời kết
Tóm lại, lệnh truyền của Đức Giêsu Phục Sinh “rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” như mở ra cho tín hữu Kitô những chân trời hoạt động mới trong việc tân Phúc Âm hoá. Đây không phải là hoạt động hão huyền của những người mất trí, hoang tưởng. Qua việc gắn bó mật thiết với Đức Giêsu Phục Sinh và thở được Thần Khí của Người, chúng ta sẽ thấy đây là những hành động cần thiết và rất hiện thực của người tín hữu trong thời đại hôm nay để diễn tả sự hiệp thông trọn vẹn của mình.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn