01/11/2024

Sáng tỏ nhiều điểm mờ lịch sử

Diễn ra từ 17 – 19.9 tại TP.Huế, hội nghị công bố Những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 50, năm 2015, do Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức, đã công bố nhiều phát hiện góp phần làm sáng tỏ nhiều điểm mờ lịch sử.

 

Sáng tỏ nhiều điểm mờ lịch sử

 

 

Diễn ra từ 17 – 19.9 tại TP.Huế, hội nghị công bố Những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 50, năm 2015, do Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức, đã công bố nhiều phát hiện góp phần làm sáng tỏ nhiều điểm mờ lịch sử.



Dấu tích thành Cổ Loa chứng minh VN từng có nhà nước phát triển mạnh mẽ thời tiền sử - Ảnh: tư liệu

Dấu tích thành Cổ Loa chứng minh VN từng có nhà nước phát triển mạnh mẽ thời tiền sử – Ảnh: tư liệu

VN từng có nhà nước thời tiền sử
Hội nghị đã nhận được 356 báo cáo khảo cổ học (KCH) của các tác giả trong và ngoài nước. PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện KCH – Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, cho biết những công bố KCH tại hội nghị này có nhiều phát hiện đặc biệt quan trọng, cung cấp bằng chứng làm thay đổi một số nhận thức trước đây.
Cụ thể, kết quả KCH tại các di chỉ hang Bó (H.Mường La, Sơn La), hang Ốc (Thái Nguyên) đã phát hiện nhiều di vật và di cốt người thuộc văn hoá Bắc Sơn, có niên đại cách ngày nay khoảng 6.000 – 7.000 năm. Khu vực Hà Tĩnh, Nghệ An, các nhà KCH cũng phát hiện dấu tích bếp lửa, cụm gốm, cụm sò, các hố chôn cột cùng các loại hình di vật đá, đồ gốm, đồ xương sừng… Đặc biệt là hình thức an táng người chết chôn thẳng đứng đặc trưng của văn hoá Thạch Lạc.
Đáng chú ý nhất là kết quả KCH từ chương trình nghiên cứu về di tích Cổ Loa (Hà Nội). Năm 2014, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long, Viện KCH đã phối hợp với ĐH Wisconsin – Madison (Mỹ) tiến hành thám sát tại địa điểm Ụ hoả hồi và thành Nội của di tích thành Cổ Loa. GS Nam C.Kim (ĐH Wisconsin – Madison) cung cấp những bằng chứng cho thấy đã có một nhà nước thời tiền sử phát triển mạnh mẽ, tồn tại từ nhiều thế kỷ trước đó, hơn các quốc gia nổi tiếng như Angkor, Champa… của Đông Nam Á. Phát hiện này đã xoá tan lập luận của các học giả trước đây cho rằng không có nhà nước ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng cho đến sau khi Trung Quốc tới.
Theo đó, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu tích thành Cổ Loa được xây dựng theo kiểu triệt để lợi dụng điều kiện tự nhiên sẵn có ở khu vực để đắp thành, đào hào. Sông được dùng làm hào thiên nhiên cho thành Ngoại, cung cấp nước toàn hệ thống hào của toà thành. Nhiều gò, đống, doi đất được đắp nối lại và đắp cao thêm làm thành một bộ phận hữu cơ của toà thành. Kỹ thuật đắp thành có sự khác nhau giữa thành Ngoại, thành Trung và thành Nội. Ở thành Ngoại và thành Trung, thành được đắp hình vòng cung. Các giai đoạn đắp tiếp theo cũng có hình dạng như vậy, từ đó làm tăng kích thước của tường thành. Trong khi đó, kỹ thuật đắp thành Nội và Ụ hoả hồi (phía đông bắc thành Nội) cho thấy các lớp đất ở các giai đoạn khác nhau đều có tính thống nhất: tạo thành mặt phẳng.
Các nhà KCH còn phát hiện một lượng lớn mảnh ngói, đá đã được tìm thấy trong quá trình khai quật KCH tại di tích này. Riêng tại các hố khai quật thuộc khu vực thành Nội và Ụ hoả hồi (năm 2014), đã thu được 832 tiêu bản ngói. Từ những phát hiện về kết cấu, chất liệu, kỹ thuật đắp thành… các nhà KCH xác định chủ nhân của thành là cư dân giai đoạn Đông Sơn (muộn) đã xây dựng hào, luỹ ở Cổ Loa vào khoảng thế kỷ thứ 3 – 2 trước Công nguyên.
“Để xây dựng được thành lớn như Cổ Loa, chắc chắn phải có một lực lượng quân sự hùng mạnh, sự quản lý kiểu nhà nước tập trung hóa”, TS Trịnh Hoàng Hiệp thành viên của nhóm khảo cổ phân tích. Từ những phát hiện này đã đi đến kết luận, tại đây, đã có một chính thể kiểu nhà nước bản địa và địa phương xuất hiện trong giai đoạn Đông Sơn trước khi nhà Hán sang đô hộ. “Cổ Loa là kinh đô cổ nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là giá trị lớn nhất của di tích này. Thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước, chống giặc ngoại xâm”, TS Hiệp khẳng định.
 

Sáng tỏ nhiều điểm mờ lịch sử - ảnh 2
Sáng tỏ nhiều điểm mờ lịch sử - ảnh 3Hiện vật đá dùng để xây thành Cổ Loa – Ảnh: tư liệu
Nhiều phát hiện mới
KCH di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã xác định được tầng văn hoá liên tục từ thời Đại La qua các triều đại Lý – Trần – Lê sơ – Lê trung hưng đến thời Nguyễn, làm rõ không gian kiến trúc khu vực chính điện Kính Thiên thời Lê trung hưng, nằm chồng lên không gian điện Kính Thiên thời Lê sơ và xác định được không gian kiến trúc thời Lý.
Tại khu di sản văn hoá Thành nhà Hồ (Thanh Hoá), kết quả KCH đã cho thấy toàn bộ diện mạo của một hào thành cổ thời Trần – Hồ với những nét cơ bản như cấu trúc, kích thước, độ sâu, kỹ thuật xây dựng… Tương tự, khai quật di tích Động Lỗ Ngồi, nằm phía sau lăng vua Mai Hắc Đế (thuộc xã Vân Diên, H.Nam Đàn, Nghệ An), đã làm rõ cấu trúc tổng thể mặt bằng hai công trình kiến trúc của khu vực Động Lỗ Ngồi và các công trình phụ trợ khác được xây dựng tại vị trí đẹp theo quan niệm về phong thuỷ vào thời Trần.
Tháng 11.2014, Bảo tàng Thái Bình phối hợp với Trung tâm nghiên cứu kinh thành khai quật di tích hành cung Lỗ Giang (Thái Bình), phát hiện dấu vết nền móng của công trình kiến trúc tìm thấy đã minh chứng đây là một công trình kiến trúc khá đồ sộ. Thời nhà Trần tại đây đã được xây dựng một tổ hợp nhiều công trình kiến trúc lớn, quy mô có cấu trúc giống với các kiến trúc kiểu cung điện như ở Hoàng thành Thăng Long.
Các ngôi chùa cổ “lên tiếng”
Công tác KCH di tích chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) cho thấy lịch sử hình thành, quá trình tồn tại cũng như hệ thống chùa tháp Phật giáo đã trải dài qua các thời kỳ Lý – Trần. Tại chùa Bà Tấm (Hà Nội), các nhà khảo cổ đã tìm thấy mặt bằng kiến trúc trải dài từ thời Lý đến thời Nguyễn. Những tư liệu thu được tại chùa Bách Môn (Bắc Ninh) minh chứng ngôi chùa được xây dựng vào thời Lý, được tu sửa vào thời Trần, thời Lê trung hưng và thời Nguyễn. KCH di tích chùa Lò Gạch và Gò Thành (Trà Vinh) cho thấy những kiến trúc Phật giáo có niên đại khoảng thế kỷ 8 – 9, mang những đặc điểm tiêu biểu của truyền thống văn hoá Óc Eo ở miền Tây Nam bộ…

 

Bùi Ngọc Long