29/11/2024

Khói bụi do đốt rừng để… tiết kiệm tiền

Khói bụi từ những đám cháy rừng tại Indonesia buộc chính quyền các nước láng giềng Malaysia và Singapore phải đóng cửa một số trường học và sân bay.

 

Khói bụi do đốt rừng để… tiết kiệm tiền

 

Khói bụi từ những đám cháy rừng tại Indonesia buộc chính quyền các nước láng giềng Malaysia và Singapore phải đóng cửa một số trường học và sân bay.




Khói bụi từ Indonesia vẫn phủ mờ khu trung tâm ở Singapore ngày 15-9 dù vừa có mưa - Ảnh: Reuters
Khói bụi từ Indonesia vẫn phủ mờ khu trung tâm ở Singapore ngày 15-9 dù vừa có mưa – Ảnh: Reuters

Hôm qua, Bộ Giáo dục Malaysia đã cho đóng cửa tất cả trường học tại Selangor, Kuala Lumpur, Putrajaya, Negeri Sembilan và Melaka khi chất lượng không khí trong khu vực ngày càng tệ hơn.

“Chỉ số ô nhiễm không khí (API) đang ngấp nghé mức 200” – Bộ Giáo dục Malaysia thông báo. Trước đó Bộ trưởng Mahdzir Khalid cho biết trường học ở nước này chỉ đóng cửa khi API chạm mốc 200 (chỉ số cao nhất trong mức có hại cho sức khoẻ).

Tình trạng ô nhiễm không khí của Singapore cũng ở mức nguy hại cho sức khoẻ. Chỉ số tiêu chuẩn chất ô nhiễm (PSI) đạt mức cao nhất trong năm nay tại Singapore là 249 điểm vào tối 14-9. Chính quyền Singapore khuyên người dân tránh các hoạt động quá sức ngoài trời trong tình trạng này.

“Hãy thử làm phép so sánh về chi phí dọn rừng bằng máy móc và đốt rừng. Sử dụng phương tiện cơ giới, các công ty phải bỏ ra khoảng 150 USD cho mỗi hecta. Còn chọn giải pháp đốt rừng họ chỉ tốn 7 USD

Giáo sư Herry Purnomo

Đến hẹn lại cháy

Chất lượng không khí tại ba tỉnh Nam Sumatra, Jambi và Riau còn tệ hơn: đã đến mức độc hại, tức chỉ số PSI trên 301 điểm. Ô nhiễm không khí buộc Indonesia phải đóng cửa các trường học và sân bay trong khu vực ba tỉnh trên.

Những chuyên gia sức khỏe cũng lên tiếng thúc giục các nhà chức trách sơ tán người dân khỏi khu vực bị ảnh hưởng trước mức độ nghiêm trọng của tình hình. Hàng chục người dân địa phương cũng đã phải đến bệnh viện để điều trị các bệnh liên quan đến hô hấp.

Khói bụi cũng đã cướp đi sinh mạng hai người khác ở Indonesia do bị suy hô hấp. Từ ngày 12-9 đến nay, chỉ riêng Nam Sumatra đã báo cáo hơn 22.585 trường hợp viêm hô hấp cấp.

Các đám cháy lớn xảy ra hằng năm tại Indonesia do đốt rừng để trồng cọ trên đảo Sumatra và Kalimantan. BBC cho biết các công ty dầu cọ và làm giấy thường bị quy trách nhiệm cho các đám cháy này.

Singapore cũng đã đề nghị hỗ trợ nỗ lực chiến đấu với các đám cháy rừng tại Sumatra bên Indonesia. “Lực lượng vũ trang Singapore (SAF) trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ quân đội Indonesia trong nhiệm vụ dập tắt các đám cháy rừng” – Bộ Quốc phòng Singapore tuyên bố.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong khi đó cũng tuyên bố muốn các cơ quan liên quan huy động toàn bộ nguồn lực có sẵn để dập tắt các đám cháy rừng.

Channel NewsAsia dẫn lời ông Widodo cho biết đã yêu cầu xử lý nghiêm thủ phạm gây ra các vụ cháy rừng, bao gồm tịch thu giấy phép của các công ty trồng rừng.

“Không dễ dàng dập tắt đám cháy tại Nam Sumatra. Đó là khu vực rộng lớn của đất than bùn. Cũng khó tiếp nước và mở rộng ống nước. Tuy nhiên chúng tôi vẫn có thể thực hiện. Chúng tôi đang cố gắng tiếp cận các khu vực khó khăn” – bà Siti Nurbaya Bakar, bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp và môi trường Indonesia, tuyên bố.

Cần 10 tỉ USD để giải quyết hậu quả

Một nhà khoa học ước tính các quốc gia ASEAN bị ảnh hưởng bởi khói bụi từ các đợt cháy rừng cần ít nhất 10 tỉ USD để giải quyết hậu quả. Theo Jakarta Post, giáo sư Herry Purnomo thuộc Trường đại học Nông nghiệp Bogor bức xúc:

“Ngân sách dành cho công tác xử lý cháy rừng rất ít, chỉ hơn 100.000 USD. Làm sao chúng ta có thể làm được chuyện gì chỉ với một số tiền ít ỏi như vậy và giải quyết một vấn đề lớn như nạn cháy rừng”.

Chỉ tính riêng Indonesia trong năm 2015 đã thiệt hại hơn 4 tỉ USD do nạn cháy rừng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, du lịch, y tế, giao thông vận tải và một số lĩnh vực kinh tế khác.

Trước đó, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) trong năm 2013 cũng cho thấy các đợt cháy rừng ở tỉnh Riau (Indonesia) đã gây thiệt hại hơn 1,4 tỉ USD.

Theo giáo sư Purnomo, hai nước Singapore và Malaysia phải chia sẻ trách nhiệm với Indonesia trong công tác phòng chống cháy rừng. “Hơn 50% các công ty sản xuất dầu cọ tại Indonesia là của người Malaysia và Singapore” – ông Purnomo chỉ rõ.

Để tiết kiệm chi phí sản xuất và dọn sạch đất, nhiều công ty chọn giải pháp đốt bỏ những rừng cọ cũ để trồng mới và điều đó dẫn đến những vụ cháy không kiểm soát được hậu quả.

Giáo sư Purnomo cũng kêu gọi chính phủ Singapore và Malaysia nên ban hành các quy định, kêu gọi công dân của mình khi đến Indonesia trồng cọ không được đốt rừng để hạn chế ô nhiễm.

ANH THƯ – DUY LINH