Giống rau mầm trôi nổi có hóa chất bảo quản
Không biết hạt giống được xử lý bằng hoá chất sẽ tồn dư nếu lấy để sản xuất rau mầm, không ít người tiêu dùng vẫn vô tư mua hạt giống trôi nổi về làm rau mầm.
Giống rau mầm trôi nổi có hóa chất bảo quản
Không biết hạt giống được xử lý bằng hoá chất sẽ tồn dư nếu lấy để sản xuất rau mầm, không ít người tiêu dùng vẫn vô tư mua hạt giống trôi nổi về làm rau mầm.
Loại rau mầm đang được bán trên thị trường – Ảnh: Thuận Thắng |
Người dân thành phố đang quan tâm với việc trồng rau, làm giá đậu xanh… tại nhà để có được bữa ăn sạch. Nhưng ít ai biết rằng không ít loại giống rau mầm trên thị trường là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, đã được xử lý bằng nhiều loại hoá chất.
Để có những bữa rau sạch cho gia đình, chị Phan Minh Trang (Q.9, TP.HCM) thường mua hạt giống về gieo, trong đó có trồng rau cải mầm.
Nhưng chị cho biết: “Tôi ra chỗ bán hạt giống gần nhà, cần mua giống rau nào người ta đưa cho loại hạt đó về gieo thôi. Muốn ăn rau mầm thì ngâm qua mấy giờ, rồi gieo vài ngày thì dùng. Tôi chỉ quan tâm hạt giống đó của Việt Nam là được chứ cũng không biết hạt giống đó sạch hay không, có chất bảo quản gì không”.
“Riêng các loại hạt giống dùng làm rau mầm như rau muống, giá đỗ, đậu đen, đậu tương… bắt buộc không được tẩm bất kỳ thuốc bảo vệ thực vật nào ngoài việc giữ hạt giống ở độ ẩm thấp, theo nguyên tắc là dưới 9%. Sau đó, hạt giống rau mầm được bảo quản ở độ ẩm thấp dưới 30%, nhiệt độ dưới 15 độ, càng thấp càng tốt |
TS Nguyễn Quốc Vọng |
Hàng trôi nổi và dùng hoá chất bảo quản
Do không biết hạt giống được xử lý bằng hoá chất sẽ tồn dư nếu lấy để sản xuất rau mầm nên không ít người tiêu dùng vẫn vô tư mua hạt giống trôi nổi về làm rau mầm.
Tại một địa chỉ chuyên cung cấp hạt giống “trần” (không bao bì, có thể mua theo ký) trên một con đường ở Q.12 (TP.HCM), nhiều loại hạt giống được đựng trong bao tải, bao nilông, có đủ từ mồng tơi, dưa leo, cải xanh… đến những loại cải mầm, đậu… ngắn ngày. Theo nhân viên bán hàng ở đây, mỗi ngày chị bán cả tạ hạt giống, người dân mua lẻ tẻ thì không thể kể hết.
Q.12 giáp với huyện Hóc Môn, là một địa chỉ cung cấp rau nhiều cho TP.HCM nên việc “cháy” hạt giống rau, củ cũng không phải là lạ. Ở đó vẫn có rất nhiều đất trống nên không ít nhà mua về tự trồng để ăn. Không được đóng gói, chỉ “buộc túm” trong túi nilông nhưng người bán cho biết hạt giống này để cả năm vẫn… “năng suất cao, không mối mọt”.
Trong khi đó, dù là hạt giống rau mầm nhưng một số công ty vẫn xử lý bằng chất bảo quản. Thông tin trên bao bì hạt giống rau mầm đỏ (của nhãn hàng M) ghi “hạt giống đã được xử lý để ngừa sâu bệnh, không được ăn”.
Tương tự, mặt sau bao bì hạt giống rau mầm xanh Úc của một công ty cũng ghi “hạt giống chỉ sử dụng cho gieo trồng, không được ăn”. Dù các thông tin đó là rõ ràng, sòng phẳng với người tiêu dùng so với hàng loạt sản phẩm khác, nhưng vẫn không hề ghi khuyến cáo hoặc các chất bảo quản mà họ đã dùng để chống mối, mọt, mốc cho hạt giống…
Để tìm hiểu xuất xứ của các loại hạt giống được đóng gói cẩn thận, đẹp mắt này, chúng tôi đã liên lạc với một công ty, đơn vị sở hữu nhãn hàng “hạt giống chất lượng” được ghi địa chỉ tại Q.12.
Tuy nhiên, cả số điện thoại công ty và số điện thoại kỹ thuật được in trên bao bì thì một số không liên lạc được, còn số kia được Công ty Viễn thông TP.HCM cho biết là “số điện thoại này không có”. Chúng tôi đến địa chỉ được in trên bao bì thì không tìm ra công ty nào có sản xuất hạt giống.
Cẩn trọng
Giám đốc một công ty chuyên cung cấp hạt giống rau cho biết giống để gieo rau mầm phải không được xử lý, bởi rau mầm được sử dụng sau khi gieo khoảng một tuần. Nhưng quy định hiện nay vẫn chưa thấy “phân biệt” giữa hạt giống rau mầm với giống rau khác, nhiều người dân vẫn dùng hạt giống các loại rau bình thường để làm rau mầm.
Hạt giống nói chung có quy trình bảo quản rất nghiêm ngặt, phải để trong kho lạnh, nhiệt độ thấp mới bảo quản được lâu. Nếu đưa ra thị trường muốn đảm bảo các điều kiện về phát triển, chống mối mọt thì buộc phải dùng chất bảo quản, nếu không xử lý sẽ có một số nấm bệnh lây truyền qua hạt giống, chất lượng hạt giống không đảm bảo.
Hiện nay người ta thường dùng Metalaxil để chống mốc và dùng một số chất khác để chống mối mọt cho hạt giống, là một dạng của thuốc trừ sâu. Hạt giống xử lý hóa chất thì không được ăn, nguy hiểm do có thuốc sâu và thuốc bệnh.
TS Nguyễn Quốc Vọng – giám đốc trung tâm giống rau hoa, Công ty cổ phần hạt giống Miền Nam – cho biết hạt giống được người sử dụng mua về gieo trồng, cây nảy mầm sẽ không bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật bao bên ngoài hạt giống.
Tuy nhiên, đặc biệt lưu ý những hạt giống đã được xử lý qua thuốc bảo vệ thực vật mặc dù không tác động đến cây trồng sau nảy mầm nhưng con người tuyệt đối không được ăn hạt giống. Vỏ ngoài hạt giống có thuốc bảo vệ thực vật nên sẽ gây độc hại nếu con người ăn phải.
Theo ông Võ Ngọc Đẹp – phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, hạt giống rau mầm phải bảo đảm hai yếu tố quan trọng: thứ nhất là không được bảo quản bằng thuốc trừ sâu, vì hạt giống bình thường người ta sẽ dùng thuốc trừ sâu để bảo quản. Hạt giống phải không có mầm bệnh, vì hạt giống mang mầm bệnh thì vừa nảy mầm nó sẽ lây sang các cây khác, làm giảm năng suất và chất lượng của rau.
“Nên đến những địa chỉ uy tín bán hạt giống và nói rõ về nhu cầu mua hạt giống làm rau mầm, không phải gieo trồng bình thường để người bán đưa đúng và người mua cũng mua đúng. Hoặc tìm đến những nơi chuyên sản xuất rau mầm để mua hạt giống, vì những địa chỉ đó họ đảm bảo được nguồn cung cấp giống. Tốt nhất, khi làm rau mầm, cần đến các trung tâm khuyến nông quận, huyện để học hỏi quy trình làm chuẩn (về đất, nước, hạt giống…) và hỏi nơi cung cấp hạt giống đảm bảo không xử lý bằng hoá chất” – ông Đẹp cho biết.
Tiến sĩ NGÔ QUANG VINH (nguyên phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam): Không dùng hạt giống đã tẩm thuốc bảo vệ thực vật làm rau mầm Theo nguyên tắc chung, để bảo vệ hạt giống, tránh sự gây hại của các loại nấm bệnh hoặc côn trùng (trong quá trình bảo quản hạt giống cũng như lúc gieo trồng), các nhà sản xuất hạt giống thường phải khử trùng bằng việc tẩm hoặc trộn hạt giống với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Việc này được phép làm và cần làm vì lý do nói trên. Có những loại thuốc được phép dùng để xử lý hạt giống. Khi đóng bao, trên bao bì hạt giống thường được ghi rõ các cảnh báo cần thiết để người sử dụng biết. Để sản xuất bình thường thì việc sử dụng hạt giống đã tẩm hoặc trộn thuốc BVTV không có vấn đề gì về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nếu sản xuất rau mầm thì theo tôi là không được. Không được dùng hạt giống đã tẩm hay trộn thuốc BVTV làm rau mầm. Lý do là khoảng thời gian từ gieo hạt đến khi thành mầm, thu hoạch để bán hoặc ăn là rất ngắn (chỉ khoảng 7 – 10 ngày). Trong khi đó, rau mầm được gieo với mật độ rất dày (các hạt gần như sát nhau) và chỉ tưới nước trong những khay kín, không có nước thải ra. Vì vậy độ đậm đặc của thuốc BVTV trong mỗi khay rau rất lớn. Khả năng dư lượng thuốc BVTV ở rau mầm trồng bằng hạt giống đã xử lý thuốc là cao, có thể quá mức cho phép. Mỗi loại thuốc BVTV cần có những khoảng thời gian nhất định để phân hủy. Vì vậy trong sản xuất rau an toàn, nếu dùng thuốc BVTV phải có khoảng thời gian cách ly (từ lúc phun thuốc đến khi thu hoạch) nhất định, đa số là khoảng một tuần. Cũng cần lưu ý rằng khoảng thời gian cách ly này là trong điều kiện ngoài trời, có ánh sáng, nhiệt độ cao, thuốc phân giải hết. Trồng rau mầm trong điều kiện mát, thiếu sáng thì thời gian phân giải thuốc phải dài hơn. Ngoài ra, đa số loại rau mầm thường được ăn sống, nếu có dư lượng thuốc BVTV thì không có khả năng phân huỷ như rau được nấu chín. |